Chỉ thị 18/CT-UBND năm 2013 tăng cường sử dụng vật liệu xây không nung và hạn chế sản xuất, sử dụng gạch đất sét nung trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn

Số hiệu 18/CT-UBND
Ngày ban hành 09/10/2013
Ngày có hiệu lực 09/10/2013
Loại văn bản Chỉ thị
Cơ quan ban hành Tỉnh Bắc Kạn
Người ký Lý Thái Hải
Lĩnh vực Xây dựng - Đô thị,Tài nguyên - Môi trường

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BẮC KẠN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 18/CT-UBND

Bắc Kạn, ngày 09 tháng 10 năm 2013

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG SỬ DỤNG VẬT LIỆU XÂY KHÔNG NUNG VÀ HẠN CHẾ SẢN XUẤT, SỬ DỤNG GẠCH ĐẤT SÉT NUNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BẮC KẠN

Việc phát triển vật liệu xây không nung (sau đây gọi tắt là VLXKN) để sử dụng thay thế gạch đất sét nung truyền thống, hạn chế sử dụng đất sét và than (nguồn tài nguyên không tái tạo), góp phần bảo vệ an ninh lương thực, tiết kiệm năng lượng và giảm lượng khí thải CO2 bảo vệ môi trường là một xu hướng phát triển tất yếu. Bản thân vật liệu xây không nung có khả năng cách âm, cách nhiệt, chịu nhiệt tốt, bền, tiết kiệm thời gian thi công, một số loại gạch nhẹ có tỷ trọng thấp qua đó giảm tải trọng công trình và tiết kiệm chi phí xây dựng,…

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh chưa có nhà máy sản xuất gạch không nung. Tại địa bàn các huyện, thị xã có 15 cơ sở sản xuất tư nhân phát triển tự phát, quy mô hộ gia đình đang hoạt động sản xuất gạch không nung theo hình thức thủ công, với sản lượng nhỏ, chủ yếu phục vụ cho nhu cầu xây dựng của các hộ gia đình. Tình hình tiêu thụ gạch đất sét nung vẫn diễn ra phổ biến tại các công trình xây dựng; người tiêu dùng chưa quen dùng VLXKN; trọng lượng viên gạch xây không nung còn cao; các tiêu chuẩn kỹ thuật liên quan đến chất lượng sản phẩm, thiết kế, thi công, nghiệm thu công trình và cơ chế chính sách hỗ trợ cho việc đầu tư phát triển VLXKN chậm được ban hành… Vì vậy việc sản xuất và phát triển VLXKN gặp nhiều khó khăn, những lợi ích của việc sản xuất và sử dụng VLXKN chưa được phát huy và chưa khuyến khích được việc đầu tư phát triển VLXKN.

Để tiếp tục tổ chức thực hiện có hiệu quả Quyết định số: 567/QĐ-TTg ngày 28/4/2010 và Chỉ thị số: 10/CT-TTg ngày 16/4/2012 của Thủ tướng Chính phủ; Thông tư số: 09/2012/TT-BXD ngày 28/11/2012 của Bộ Xây dựng, Văn bản số: 693/BXD-VLXD ngày 22/4/2013 của Bộ Xây dựng về việc thực hiện Thông tư số: 09/2012/TT-BXD trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn và Văn bản số: 1939/BXD-VLXD ngày 18/9/2013 của Bộ Xây dựng về việc thực hiện Thông tư số: 09/2012/TT-BXD; Quyết định số: 2121/QĐ-UBND ngày 01/11/2011 và Quyết định số: 817/2012/QĐ-UBND ngày 25/5/2012 của UBND tỉnh Quy định về hoạt động sản xuất gạch, ngói thủ công trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn. Nhằm đáp ứng đủ nhu cầu về vật liệu xây trong tỉnh, góp phần tích cực đảm bảo sự phát triển bền vững ngành sản xuất vật liệu xây dựng, Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu:

1. Giám đốc các Sở, Thủ trưởng các Ban, Ngành thuộc tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, các tổ chức, cá nhân có liên quan:

1.1. Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến và hướng dẫn thực hiện các quy định của Chính phủ, của các Bộ, Ngành Trung ương và của tỉnh nhằm khuyến khích sản xuất và ưu tiên sử dụng VLXKN, hạn chế sản xuất và sử dụng gạch, ngói đất sét nung; sớm chấm dứt sản xuất gạch, ngói đất sét nung bằng lò thủ công trên địa bàn tỉnh.

1.2. Không tham mưu quy hoạch và bổ sung vào quy hoạch hoặc chấp thuận chủ trương đầu tư các cơ sở sản xuất gạch, ngói đất sét nung (bằng tất cả các loại công nghệ) sử dụng nguyên liệu hóa thạch (than, dầu, khí);

1.3. Người quyết định đầu tư, chủ đầu tư, nhà thầu tư vấn thiết kế, giám sát, nhà thầu thi công xây dựng công trình, các cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong quản lý đầu tư xây dựng công trình trên địa bàn tỉnh triển khai thực hiện nghiêm túc quy định về sử dụng vật liệu xây không nung trong các công trình xây dựng trên địa bàn tỉnh, cụ thể là:

1.3.1. Các công trình xây dựng được đầu tư bằng nguồn vốn nhà nước theo quy định hiện hành bắt buộc phải sử dụng vật liệu xây không nung theo lộ trình (theo ý kiến thống nhất của Bộ Xây dựng tại Văn bản số: 693/BXD-VLXD ngày 22/4/2013):

a) Tại các đô thị loại 3 trở lên phải sử dụng 50% vật liệu xây không nung kể từ năm 2014, từ năm 2015 phải sử dụng 100%.

b) Tại các khu vực còn lại phải sử dụng tối thiểu 50% vật liệu xây không nung kể từ năm 2014 đến hết năm 2016, sau năm 2016 phải sử dụng 100% gạch không nung.

c) Các công trình xây dựng từ 09 tầng trở lên không phân biệt nguồn vốn, từ năm 2014 đến năm 2015 phải sử dụng tối thiểu 30% và sau năm 2015 phải sử dụng tối thiểu 50% vật liệu xây không nung loại nhẹ trong tổng số vật liệu xây (tính theo thể tích khối xây).

d) Khuyến khích các công trình xây dựng sử dụng vật liệu xây không nung có độ rỗng lớn hơn 30% và vật liệu xây không nung loại nhẹ.

1.3.2. Chỉ sử dụng các sản phẩm, hàng hóa vật liệu xây dựng của các nhà sản xuất, nhà nhập khẩu đã tuân thủ đầy đủ các quy định về quản lý chất lượng (đã thực hiện công bố tiêu chuẩn áp dụng, công bố hợp quy theo quy định).

1.3.3. Người quyết định đầu tư, chủ đầu tư, nhà thầu tư vấn thiết kế xây dựng công trình, nhà thầu thi công xây dựng, nhà thầu tư vấn giám sát thi công xây dựng công trình, các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền khi thẩm tra, thẩm định dự án đầu tư xây dựng công trình phải thực hiện nghiêm túc vai trò, trách nhiệm của mình theo quy định tại Điều 4 Thông tư số: 09/2012/TT-BXD.

1.4. Các Sở, Ban, Ngành, UBND các huyện, thị xã có trách nhiệm báo cáo định kỳ hàng năm (trước ngày 10 tháng 12) hoặc đột xuất theo yêu cầu của Sở Xây dựng về tiến độ thực hiện các nhiệm vụ được giao.

1.5. Các chủ đầu tư báo cáo Sở Xây dựng về tình hình sử dụng vật liệu xây không nung tại các dự án xây dựng do mình đầu tư, bao gồm: Loại vật liệu xây không nung, số lượng sử dụng và tỷ lệ sử dụng (%) trên tổng số vật liệu xây của công trình.

2. Trách nhiệm của Sở Xây dựng.

2.1. Chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan xây dựng lộ trình xóa bỏ lò gạch thủ công, thủ công cải tiến, lò đứng liên tục, lò vòng sử dụng nhiên liệu hóa thạch (than, dầu, khí…) trên địa bàn tỉnh, tham mưu cho UBND tỉnh báo cáo Bộ Xây dựng thẩm định và ban hành trước ngày 15/12/2013 (theo Văn bản số: 1939/BXD-VLXD ngày 18/9/2013 của Bộ Xây dựng); Lập lộ trình sử dụng VLXKN trên địa bàn tỉnh theo ý kiến thống nhất tại Văn bản số: 693/BXD-VLXD ngày 22/4/2013 của Bộ Xây dựng, đảm bảo theo đúng quy định của pháp luật.

2.2. Triển khai, hướng dẫn các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến lĩnh vực VLXKN cho các đối tượng có liên quan để tổ chức thực hiện;

2.3. Xây dựng và công bố đơn giá xây dựng công trình sử dụng VLXKN trên cơ sở định mức do cơ quan có thẩm quyền đã ban hành để các tổ chức và cá nhân có liên quan tham khảo, sử dụng vào việc lập và quản lý chi phí đầu tư xây dựng công trình trên địa bàn tỉnh.

2.4. Quy định cụ thể việc sử dụng vật liệu xây không nung theo tỷ lệ % đối với từng công trình, dự án đầu tư trong quá trình thẩm tra thiết kế - dự toán và quá trình cấp chứng chỉ quy hoạch, giới thiệu địa điểm, cấp phép xây dựng các dự án theo chức năng nhiệm vụ được giao và quy định của pháp luật.

2.5. Tổ chức quản lý, thanh tra, kiểm tra, giám sát việc tuân thủ tỷ lệ sử dụng vật liệu xây không nung trong các công trình xây dựng sử dụng vốn nhà nước, các công trình xây dựng từ 09 tầng trở lên trên địa bàn tỉnh theo quy định.

2.6. Tổ chức kiểm tra và giám sát chất lượng sản phẩm, hàng hóa vật liệu xây dựng nói chung và VLXKN nói riêng trước khi sử dụng, lắp đặt vào công trình xây dựng theo quy định của pháp luật về quản lý chất lượng công trình xây dựng.

2.7. Xem xét, chấp thuận việc cho phép không sử dụng vật liệu xây dựng không nung trong các công trình có yêu cầu đặc thù không sử dụng vật liệu xây không nung, thuộc thẩm quyền xem xét chấp thuận của UBND tỉnh theo quy định tại Điểm d, Khoản 7, Điều 4 Thông tư số: 09/2012/TT-BXD của Bộ Xây dựng.

2.8. Không giới thiệu địa điểm, cấp chứng chỉ quy hoạch, giấy phép xây dựng cho các dự án đầu tư mới sản xuất gạch, ngói đất sét nung bằng lò thủ công, lò đứng, lò vòng sử dụng nguồn nguyên liệu hóa thạch (than, dầu khí..). Kiểm tra và thu hồi giấy giới thiệu địa điểm, chứng chỉ quy hoạch đối với những tổ chức, cá nhân sản xuất gạch, ngói đất sét nung sử dụng nguồn nguyên liệu hóa thạch (than, dầu khí..) đã được giới thiệu địa điểm, cấp chứng chỉ quy hoạch lập dự án sản xuất, mà đến thời điểm ban hành Chỉ thị này chưa thực hiện khởi động dự án.

2.9. Định kỳ hàng năm rà soát, đánh giá tình hình đầu tư sản xuất và sử dụng gạch đất sét nung, vật liệu xây không nung của các tổ chức, cá nhân để báo cáo Bộ Xây dựng và UBND tỉnh theo quy định của Bộ Xây dựng.

[...]