Chỉ thị 16/CT-UBND năm 2013 về tăng cường sử dụng vật liệu xây không nung và hạn chế sản xuất, sử dụng đất sét nung tỉnh Thừa Thiên Huế
Số hiệu | 16/CT-UBND |
Ngày ban hành | 29/08/2013 |
Ngày có hiệu lực | 29/08/2013 |
Loại văn bản | Chỉ thị |
Cơ quan ban hành | Tỉnh Thừa Thiên Huế |
Người ký | Phan Ngọc Thọ |
Lĩnh vực | Tài nguyên - Môi trường |
ỦY BAN NHÂN DÂN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 16/CT-UBND |
Thừa Thiên Huế, ngày 29 tháng 08 năm 2013 |
CHỈ THỊ
TĂNG CƯỜNG SỬ DỤNG VẬT LIỆU XÂY KHÔNG NUNG VÀ HẠN CHẾ SẢN XUẤT, SỬ DỤNG GẠCH ĐẤT SÉT NUNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH THỪA THIÊN HUẾ
Phát triển vật liệu xây không nung (VLXKN) để sử dụng thay thế gạch đất sét nung truyền thống, hạn chế sử dụng đất sét và than (nguồn tài nguyên không tái tạo), góp phần bản vệ an ninh lương thực, tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường là xu thế tất yếu. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế, việc xây dựng công trình chủ yếu sử dụng gạch đất sét nung; việc tiêu thụ VLXKN (đặc biệt là gạch bê tông nhẹ) gặp nhiều khó khăn. Những lợi ích của việc sản xuất và sử dụng VLXKN không được phát huy, chưa khuyến khích được việc đầu tư phát triển VLXKN.
Nhằm đẩy mạnh việc triển khai thực hiện Chương trình phát triển VLXKN, tiến đến thay thế gạch đất sét nung theo định hướng của Chương trình phát triển vật liệu xây không nung đến năm 2020 theo Quyết định số 567/QĐ-TTg ngày 28/4/2010 của Thủ tướng Chính phủ, thực hiện Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 16/4 /2012 về tăng cường sử dụng vật liệu xây không nung và hạn chế sản xuất, sử dụng gạch đất sét nung, Thông tư số 09/2012/TT-BXD ngày 28/11/2012 của Bộ Xây dựng quy định sử dụng vật liệu xây không nung trong công trình xây dựng; UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành; UBND các huyện, thị xã và thành phố Huế; các tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực xây dựng và vật liệu xây dựng trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế triển khai thực hiện nghiêm các nội dung sau:
1. Lập Kế hoạch cụ thể của ngành, địa phương, cơ quan mình để triển khai Kế hoạch số 89/KH-UBND ngày 28/8/2013 của UBND tỉnh.
2. Về sản xuất vật liệu xây không nung:
a) Tăng cường tuyên truyền, phổ biến và định hướng cho các doanh nghiệp sản xuất VLXKN để tiến đến thay thế cho gạch đất sét nung;
b) Tạo điều kiện thuận lợi để các thành phần kinh tế tham gia đầu tư sản xuất các loại VLXKN đáp ứng nhu cầu thị trường như: gạch xi măng - cốt liệu, vật liệu nhẹ (gạch bê tông khí chưng áp, gạch bê tông khí không chưng áp, gạch bê tông bọt, tấm panel từ bê tông khí chưng áp), tấm tường thạch cao, tấm 3D; đa dạng hóa sản phẩm nhằm đáp ứng yêu cầu cho nhiều loại công trình xây dựng;
c) Hướng dẫn các tổ chức, cá nhân về thủ tục về đầu tư xây dựng cơ sở sản xuất VLXKN theo quy định; giới thiệu địa điểm sản xuất phù hợp tại các khu công nghiệp,cụm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn tỉnh.
3. Về kinh doanh vật liệu xây không nung: Tạo điều kiện thuận lợi để các thành phần kinh tế tham gia kinh doanh, mở rộng mạng lưới phân phối, tiếp thị các loại VLXKN theo định hướng Quy hoạch phát triển vật liệu xây dựng trên địa bàn tỉnh.
4. Về sử dụng vật liệu xây không nung:
a) Phổ biến, hướng dẫn các tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động đầu tư xây dựng công trình (bao gồm: người quyết định đầu tư, chủ đầu tư, nhà thầu tư vấn thiết kế, nhà thầu tư vấn giám sát, nhà thầu thi công xây dựng; các cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong quản lý đầu tư xây dựng công trình) tuân thủ việc sử dụng vật liệu xây không nung trong công trình xây dựng theo quy định:
- Các công trình xây dựng được đầu tư bằng nguồn vốn Nhà nước: Bắt buộc phải sử dụng VLXKN theo lộ trình:
+ Tại thành phố Huế phải sử dụng 50% VLXKN từ ngày 01/01/2014 và sử dụng 100% từ ngày 01/01/2015;
+ Tại các khu vực còn lại phải sử dụng tối thiểu 50% VLXKN từ ngày 01/01/2014 và sử dụng 100% từ ngày 01/01/2016;
- Các công trình xây dựng từ 9 tầng trở lên không phân biệt nguồn vốn: Phải sử dụng tối thiểu 30% từ ngày 01/01/2014 và tối thiểu 50% từ ngày 01/01/2016 VLXKN loại nhẹ trong tổng số vật liệu xây (tính theo thể tích khối xây);
b) Các công trình đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt dự án, báo cáo kinh tế kỹ thuật trước ngày 01/10/2013 thì thực hiện như quyết định đã được phê duyệt; khuyến khích chủ đầu tư thay đổi thiết kế để sử dụng VLXKN. Các công trình được cấp có thẩm quyền phê duyệt dự án, báo cáo kinh tế kỹ thuật kể từ ngày 01/10/2013 thì phải thực hiện theo lộ trình tại Điểm a, Khoản 4, Chỉ thị này.
c) Khuyến khích các công trình xây dựng không phân biệt nguồn vốn, không phân biệt số tầng sử dụng VLXKN, đặc biệt là loại có độ rỗng lớn hơn 30% và VLXKN loại nhẹ;
d) Tổ chức quản lý, thanh tra, kiểm tra, giám sát việc tuân thủ sử dụng VLXKN trong các công trình xây trên địa bàn của địa phương hoặc trong phạm vi quản lý của các sở, ban, ngành theo nội dung tại Điểm a, Khoản 4 của Chỉ thị này.
5. Đối với các công trình có yêu cầu đặc thù không sử dụng VLXKN phải báo cáo UBND tỉnh để được xem xét chấp thuận theo quy định tại Điểm d, Khoản 7, Điều 4 Thông tư số 09/2012/TT-BXD của Bộ Xây dựng.
6. Tiến hành rà soát, đánh giá định kỳ hàng năm về tình hình đầu tư sản xuất và sử dụng VLXKN trên địa bàn của địa phương hoặc trong phạm vi quản lý của các sở, ban, ngành, báo cáo UBND tỉnh và Sở Xây dựng theo Thông tư số 06/2012/TT-BXD ngày 10/10/2012 của Bộ Xây dựng quy định chế độ báo cáo thống kê tổng hợp ngành xây dựng; đề xuất khen thưởng các tổ chức, cá nhân có thành tích tốt trong việc tham gia thực hiện Chương trình phát triển VLXKN trên địa bàn tỉnh.
a) Thủ trưởng các sở, ban, ngành; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố Huế; các đơn vị, tổ chức và cá nhân có liên quan có trách nhiệm tổ chức triển khai thực hiện Chỉ thị này;
b) Giao Sở Xây dựng chủ trì triển khai thực hiện và thường xuyên đôn đốc, hướng dẫn các đơn vị, địa phương tổ chức thực hiện Chỉ thị này và Kế hoạch số Kế hoạch số 89/KH-UBND ngày 28/8/2013 của UBND tỉnh.
c) Quá trình thực hiện nếu có vướng mắc, các đơn vị có văn bản gửi Sở Xây dựng để được hướng dẫn hoặc tổng hợp trình UBND tỉnh xem xét, giải quyết./.
|
TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |