Chỉ thị 18/CT-UBND năm 2013 về nhiệm vụ trọng tâm năm học 2013-2014 do tỉnh Thanh Hóa ban hành
Số hiệu | 18/CT-UBND |
Ngày ban hành | 27/08/2013 |
Ngày có hiệu lực | 27/08/2013 |
Loại văn bản | Chỉ thị |
Cơ quan ban hành | Tỉnh Thanh Hóa |
Người ký | Vương Văn Việt |
Lĩnh vực | Giáo dục |
ỦY BAN NHÂN DÂN
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 18/CT-UBND |
Thanh Hóa, ngày 27 tháng 08 năm 2013 |
VỀ NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM NĂM HỌC 2013 - 2014
Để triển khai thực hiện tốt nhiệm vụ năm học 2013- 2014, tiếp tục đưa sự nghiệp giáo dục và đào tạo tỉnh nhà phát triển vững chắc, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các cấp ủy Đảng, chính quyền, các Sở, ban, ngành, đoàn thể; các huyện, thị xã, thành phố và cán bộ, giáo viên, học sinh, sinh viên ngành Giáo dục và Đào tạo Thanh Hóa tập trung thực hiện tốt các nhiệm vụ trọng tâm sau:
1. Về công tác quản lý giáo dục
- Tiếp tục thực hiện nhiệm vụ phát triển giáo dục theo Nghị quyết Đại hội lần thứ XI của Đảng, Kết luận số 51-KL/TW ngày 29/10/2012 của Ban chấp hành Trung ương Đảng và Chỉ thị số 02/CT-TTg ngày 22/01/2013 của Thủ tướng Chính phủ về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo gắn với việc tổ chức thực hiện quy hoạch, kế hoạch phát triển giáo dục ở các địa phương; tập trung thực hiện Chương trình hành động của ngành Giáo dục triển khai Chiến lược phát triển giáo dục 2011-2020.
- Triển khai thực hiện có hiệu quả Quyết định số 1268/QĐ-UBND của UBND tỉnh Thanh Hóa về thực hiện Nghị định 115/2010/NĐ-CP ngày 24/12/2010 của Chính phủ; Thông tư số 47/2011/TT-BGDĐT-BNV của liên Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Nội vụ quy định trách nhiệm quản lý nhà nước về giáo dục.
- Tăng cường kiểm tra, giám sát các điều kiện đảm bảo chất lượng; thanh tra, kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ tại các cơ sở giáo dục đào tạo, xử lý nghiêm các vi phạm gắn với việc xem xét trách nhiệm quản lý và danh hiệu thi đua của tập thể, cá nhân Thủ trưởng cơ sở giáo dục để xảy ra các tiêu cực và thông báo công khai trước công luận.
- Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong đầu tư cơ sở vật chất, mua sắm thiết bị và tổ chức các hoạt động giáo dục; tăng cường công tác quản lý, thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm minh, kịp thời tập thể, cá nhân vi phạm.
- Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, tổ chức hội nghị, hội thảo của các cơ quan quản lý giáo dục, các cơ sở giáo dục.
- Nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trong các nhà trường.
2. Về tổ chức hoạt động giáo dục
2.1. Nhiệm vụ chung của các cấp học, bậc học
- Tiếp tục triển khai học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh gắn với việc thiết thực kỷ niệm 45 năm ngày Bác Hồ gửi bức thư cuối cùng cho ngành Giáo dục (15/10/1968 - 15/10/2013). Đưa nội dung các cuộc vận động “Mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”, “Hai không” và phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” thành hoạt động thường xuyên của ngành.
- Tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 10-CT/TW ngày 05/12/2011 của Bộ Chính trị về phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, củng cố kết quả phổ cập giáo dục tiểu học và trung học cơ sở, nâng cao chất lượng giáo dục phổ cập. Thực hiện tốt phân luồng sau trung học cơ sở và liên thông giữa các chương trình giáo dục, cấp học và trình độ đào tạo; đa dạng hóa phương thức học tập đáp ứng nhu cầu nâng cao hiểu biết và tạo cơ hội học tập suốt đời cho người dân.
- Đặc biệt chú trọng vấn đề chất lượng giáo dục ở các cấp học và đối với giáo dục dân tộc, giáo dục vùng khó khăn. Tăng cường công tác giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống, giáo dục thể chất, chăm sóc sức khoẻ và giáo dục bảo vệ môi trường cho học sinh.
- Tiếp tục triển khai tự đánh giá và đánh giá ngoài các cơ sở giáo dục, công nhận các cơ sở giáo dục đạt tiêu chuẩn chất lượng.
- Đẩy mạnh triển khai các nhiệm vụ đào tạo và bồi dưỡng giáo viên, đổi mới phương pháp kiểm tra, đánh giá kết quả học tập, xây dựng các chương trình dạy học dựa theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam để thực hiện có hiệu quả Đề án dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008- 2020.
- Thực hiện đầy đủ và kịp thời các chế độ, chính sách ưu đãi đối với học sinh diện chính sách xã hội, học sinh ở miền núi, vùng kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.
- Tăng cường công tác thông tin, truyền thông về các hoạt động giáo dục; đổi mới công tác thi đua, khen thưởng gắn với hiệu quả tổ chức các hoạt động giáo dục.
- Triển khai có hiệu quả đề án “Nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo miền núi Thanh Hóa đến năm 2020”; Kế hoạch củng cố và phát triển hệ thống các trường DTNT Thanh Hóa giai đoạn 2011-2015 và Đề án thành lập trường THPTDTNT số
2 Thanh Hóa, đáp ứng yêu cầu về học tập của nhân dân các dân tộc miền núi trong tỉnh.
2.2. Giáo dục mầm non
- Củng cố, mở rộng mạng lưới cơ sở giáo dục mầm non phù hợp với tình hình thực tiễn của từng địa phương trong tỉnh, tăng tỷ lệ huy động trẻ đến trường học 2 buổi/ngày. Tăng cường đầu tư xây dựng trường mầm non đạt chuẩn quốc gia; tăng cường hiệu quả quản lý các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập.
- Tập trung nâng cao chất lượng chăm sóc và giáo dục trẻ nhà trẻ và mẫu giáo, chuẩn bị tiếng Việt cho trẻ mẫu giáo vùng dân tộc thiểu số, hỗ trợ thực hiện chương trình giáo dục mầm non ở các vùng khó khăn, phấn đấu 100% các trường thực hiện Chương trình giáo dục mầm non.
- Ưu tiên các nguồn lực thực hiện phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi đảm bảo chất lượng; phấn đấu đến tháng 7/2014 đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo công nhận tỉnh Thanh Hóa hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non trẻ em 5 tuổi.
2.3. Giáo dục phổ thông
- Đẩy nhanh việc chuẩn bị các điều kiện cụ thể để triển khai đổi mới nội dung, chương trình, phương pháp dạy và học, phương thức thi, kiểm tra, đánh giá nhằm tạo ra sự chuyển biến tích cực, rõ nét về chất lượng và hiệu quả hoạt động giáo dục phổ thông.
- Tiếp tục triển khai mô hình trường học mới Việt Nam (VNEN), nhân rộng mô hình này theo các mức độ khác nhau phù hợp với điều kiện của địa phương; thực hiện Đề án "Triển khai phương pháp Bàn tay nặn bột ở trường phổ thông giai đoạn 2011- 2015"; áp dụng dạy học tiếng Việt lớp 1 theo tài liệu Công nghệ giáo dục; đẩy mạnh tổ chức dạy học 2 buổi/ngày ở cấp tiểu học theo điều kiện của địa phương.