Chỉ thị 18/CT-UBND năm 2020 triển khai một số biện pháp cấp bách để chủ động ứng phó với thiên tai trên địa bàn tỉnh Hải Dương

Số hiệu 18/CT-UBND
Ngày ban hành 02/10/2020
Ngày có hiệu lực 02/10/2020
Loại văn bản Chỉ thị
Cơ quan ban hành Tỉnh Hải Dương
Người ký Nguyễn Dương Thái
Lĩnh vực Tài nguyên - Môi trường

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH HẢI DƯƠNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 18/CT-UBND

Hải Dương, ngày 02 tháng 10 năm 2020

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TRIỂN KHAI MỘT SỐ BIỆN PHÁP CẤP BÁCH ĐỂ CHỦ ĐỘNG ỨNG PHÓ THIÊN TAI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH HẢI DƯƠNG

Thực hiện Chỉ thị số 35/CT-TTg ngày 01/9/2020 của Thủ tướng Chính phủ về triển khai một số biện pháp cấp bách để chủ động ứng phó với thiên tai; Để chủ động phòng ngừa, ứng phó hiệu quả với diễn biến bất thường của thiên tai trong thời gian tới, nhất là tình huống xảy ra mưa lũ lớn kéo dài, bão mạnh, lũ quét, sạt lở đất trên địa bàn tỉnh. Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Hải Dương yêu cầu:

1. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, thị xã:

a) Theo dõi chặt chẽ diễn biến thiên tai, kịp thời chỉ đạo, triển khai công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai trên địa bàn theo phương châm “bốn tại chỗ”; rà soát, cập nhật kịch bản để chủ động ứng phó với tình huống thiên tai nguy hiểm như mưa, lũ lớn diện rộng, bão muộn, lũ quét, sạt lở đất.

b) Tổng kiểm tra các khu vực nguy hiểm, nhất là các khu vực có nguy cơ sạt lở đất, lũ quét trên địa bàn, ảnh hưởng trực tiếp đến an toàn dân cư để chủ động sơ tán, di dời bảo đảm an toàn khi có thiên tai; kiểm tra công trình đê điều, hồ đập trên địa bàn, phương án, nguồn lực bảo đảm an toàn đê điều, hồ đập trước tình huống xảy ra mưa lũ lớn, nhất là các vị trí, công trình trọng điểm, xung yếu, bị hư hỏng.

c) Chủ động bố trí ngân sách địa phương và huy động các nguồn vốn hợp pháp khác để kịp thời khắc phục ngay các sự cố hư hỏng, xử lý các trọng điểm xung yếu bảo đảm an toàn cho đê điều, hồ đập và thực hiện công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, tìm kiếm cứu nạn trên địa bàn.

d) Phối hợp với Công ty TNHH một thành viên khai thác công trình thủy lợi tỉnh thực hiện giám sát vận hành an toàn hồ đập, tuyệt đối không cho tích nước đối với các hồ chứa nước không đảm bảo an toàn; tăng cường lắp đặt hệ thống theo dõi, giám sát, cung cấp số liệu cho các đơn vị chức năng theo quy định, thông tin cảnh báo đảm bảo an toàn hạ du khi xả lũ.

e) Tổ chức thành lập, tập huấn, tập dượt và mua sắm trang bị đầy đủ cho lực lượng xung kích phòng, chống thiên tai cấp xã theo quy định.

f) Tổ chức xây dựng, cập nhật các phương án ứng phó với thiên tai như phương án ứng phó với bão mạnh, siêu bão; phương án ứng phó với thiên tai theo cấp độ rủi ro thiên tai; phương án ứng phó với tình huống ngập lụt hạ du các hồ chứa… đảm bảo cụ thể, phù hợp với tình hình thực tế của địa phương.

2. Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh:

a) Chỉ đạo, đôn đốc các sở, ban, ngành, đoàn thể của tỉnh, các huyện, thành phố, thị xã rà soát kịch bản cụ thể để chủ động ứng phó với các tình huống thiên tai nguy hiểm, nhất là mưa lũ lớn dài ngày, xả lũ lớn từ thượng nguồn, bão mạnh, siêu bão, lũ quét, sạt lở đất, ngập lụt, hạn hán, xâm nhập mặn, không để bị động, bất ngờ trong ứng phó.

b) Theo dõi chặt chẽ diễn biến thiên tai, kịp thời chỉ đạo triển khai công tác ứng phó thiên tai và tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo công tác ứng phó các tình huống thiên tai nguy hiểm theo nhiệm vụ được giao.

c) Chỉ đạo, phối hợp với các sở, ban, ngành có liên quan và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, thị xã tổng hợp, đề xuất khắc phục khẩn cấp hậu quả thiên tai, nhất là các vị trí đê điều, hồ đập trọng điểm xung yếu, khu vực sạt lở, lũ quét để chủ động ứng phó tình huống mưa, lũ lớn.

d) Nâng cao năng lực theo dõi, giám sát diễn biến thiên tai; đẩy nhanh tiến độ đầu tư hệ thống theo dõi, giám sát chuyên dùng phục vụ công tác chỉ đạo điều hành của Ban Chỉ huy để tiếp nhận và truyền tải thông tin được kịp thời, chính xác.

3. Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh, Công an tỉnh:

Bổ sung, hoàn thiện phương án cứu hộ, cứu nạn, đặc biệt là phương án ứng phó khi xảy ra thiên tai, lũ lớn, ngập lụt diện rộng; căn cứ tình hình cụ thể chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành và địa phương bố trí lực lượng, phương tiện phù hợp tại các địa bàn trọng điểm, vùng sâu, vùng xa để kịp thời, tiếp cận xử lý mọi tình huống thiên tai khi có yêu cầu.

4. Đài khí tượng thủy văn tỉnh:

Tổ chức quan trắc, đo đạc, theo dõi chặt chẽ, dự báo và cung cấp thông tin kịp thời về tình hình thiên tai và dòng chảy trên các sông trên địa bàn tỉnh phục vụ công tác chỉ đạo, ứng phó; tiếp tục nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo thiên tai; dự báo sớm, dài hạn, bảo đảm thông tin kịp thời, tin cậy, liên tục.

5. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:

Tổ chức rà soát, kiểm tra, triển khai công tác đảm bảo an toàn đối với hồ đập thủy lợi, hệ thống đê điều; chủ động chỉ đạo hoạt động sản xuất nông nghiệp, thủy sản, hạn chế tác động do thiên tai gây ra.

6. Sở Giao thông vận tải:

Tổ chức rà soát, kiểm tra phương án bảo đảm an toàn giao thông trong các tình huống thiên tai; chủ động bố trí lực lượng, vật tư, thiết bị tại các khu vực trọng điểm có nguy cơ sạt lở, ngập sâu để bảo đảm an toàn giao thông và sẵn sàng khắc phục khi xảy ra sự cố.

7. Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính:

Rà soát, ưu tiên cân đối, bố trí nguồn vốn dự phòng ngân sách tỉnh và các nguồn vốn khác để hỗ trợ địa phương khắc phục hậu quả thiên tai (nếu có) và thực hiện một số nhiệm vụ phòng, chống thiên tai cấp bách, xử lý khẩn cấp một số trọng điểm sạt lở, đê điều, hồ đập thủy lợi xung yếu.

8. Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Báo Hải Dương và các cơ quan thông tấn, báo chí trên địa bàn tỉnh tiếp tục làm tốt công tác thông tin, đưa tin kịp thời diễn biến thiên tai, hướng dẫn kỹ năng ứng phó để người dân biết, chủ động phòng, tránh.

9. Các Sở, ban, ngành, đoàn thể khác; các cơ quan, doanh nghiệp đóng trên địa bàn chủ động xây dựng, triển khai phương án phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn của đơn vị mình, hạn chế thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra.

Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã; Thủ trưởng các sở, ban, ngành, cơ quan, đoàn thể của tỉnh và các cơ quan, doanh nghiệp đóng trên địa bàn tỉnh thực hiện nghiêm Chỉ thị này./.

[...]