Chỉ thị 18/CT-TTg năm 2013 tăng cường công tác quản lý môi trường du lịch, bảo đảm an ninh, an toàn cho khách du lịch do Thủ tướng Chính phủ ban hành

Số hiệu 18/CT-TTg
Ngày ban hành 04/09/2013
Ngày có hiệu lực 04/09/2013
Loại văn bản Chỉ thị
Cơ quan ban hành Thủ tướng Chính phủ
Người ký Nguyễn Thiện Nhân
Lĩnh vực Thương mại,Văn hóa - Xã hội

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 18/CT-TTg

Hà Nội, ngày 04 tháng 09 năm 2013

 

CHỈ THỊ

VỀ TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC QUẢN LÝ MÔI TRƯỜNG DU LỊCH, BẢO ĐẢM AN NINH, AN TOÀN CHO KHÁCH DU LỊCH

Thời gian qua, mặc dù tình hình kinh tế trong nước và thế giới gặp nhiều khó khăn nhưng dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, sự ủng hộ của toàn xã hội và nỗ lực của các địa phương, tổ chức, doanh nghiệp, du lịch Việt Nam vẫn có bước phát triển và đạt được những kết quả đáng khích lệ. Sau hơn 25 năm mở cửa, đổi mới và hội nhập, tính từ năm 1995 đến 2012: Lượng khách du lịch quốc tế và nội địa đều tăng hơn 5 lần (khách du lịch quốc tế tăng từ 1,35 triệu lượt lên gần 7 triệu lượt; khách du lịch nội địa tăng từ gần 7 triệu lượt lên gần 33 triệu lượt), tổng thu từ khách du lịch tăng gần 20 lần, đạt 160 nghìn tỷ đồng; đóng góp của ngành Du lịch vào GDP cả nước tăng từ 3% lên khoảng 6,0%. Cơ sở hạ tầng và hệ thống quản lý nhà nước về du lịch được đổi mới và tăng cường, tạo ra diện mạo mới cho du lịch Việt Nam. Du lịch được đánh giá là một trong những điểm sáng về kinh tế, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng của lượng khách quốc tế đến Việt Nam có xu hướng giảm. Trong 6 tháng đầu năm 2013, tổng lượt khách quốc tế đến Việt Nam đạt hơn 3,5 triệu lượt khách, chỉ tăng 2,6% so cùng kỳ năm 2012 và thấp hơn rất nhiều so với mức tăng của 6 tháng đầu năm 2012 (tăng 13,9% so với cùng kỳ năm 2011) và của 6 tháng đầu năm 2011 (tăng 18,1% so với cùng kỳ năm 2010). Một trong những nguyên nhân của sự giảm sút trên là do hiện tượng lừa đảo, gian lận, ép giá, chèo kéo, đeo bám, xâm hại tài sản, tính mạng khách du lịch chưa được kiểm soát và có chiều hướng gia tăng, nhất là tại các địa bàn du lịch trọng điểm như thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Sầm Sơn (Thanh Hóa), Hạ Long (Quảng Ninh), Vũng Tàu (Bà Rịa - Vũng Tàu), Nha Trang (Khánh Hòa), Đà Lạt (Lâm Đồng)... Những hiện tượng tiêu cực này đã, đang tác động xấu đến hình ảnh du lịch của địa phương và du lịch của cả nước, ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh của du lịch Việt Nam.

Nguyên nhân của tình trạng trên chủ yếu là do công tác quản lý môi trường, bảo đảm an ninh, an toàn cho khách du lịch còn nhiều bất cập: Ở Trung ương, sự phối hợp liên ngành giữa các Bộ, ngành còn yếu, thể hiện ở nhiều lĩnh vực nhất là vấn đề bảo đảm an ninh, an toàn, chất lượng dịch vụ vận chuyển khách du lịch bằng ô tô, tàu hỏa và các phương tiện giao thông đường thủy; thiếu lực lượng chuyên trách bảo đảm an ninh, an toàn, trật tự xã hội liên quan đến khách du lịch; thiếu sự phối hợp chặt chẽ trong việc hạn chế các vụ việc xâm hại tính mạng, tài sản của khách du lịch có yếu tố nước ngoài; hạn chế trong việc bảo đảm vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm phục vụ khách du lịch; thiếu quy định, chế tài xử phạt, chế tài xử phạt chưa đủ tính răn đe đối với các hành vi đeo bám, ép giá, lừa đảo khách du lịch, các vấn đề bảo vệ thương hiệu, kinh doanh đa cấp, kinh doanh qua mạng trong lĩnh vực du lịch; thiếu các ưu đãi đầu tư về tài chính, thuế cho một số hoạt động kinh doanh du lịch như cửa hàng kinh doanh dịch vụ đạt chuẩn, đầu tư kinh doanh vận chuyển khách du lịch, đầu tư hệ thống nhà vệ sinh đạt chuẩn, hệ thống cung cấp nước sạch... làm ảnh hưởng đến công tác quản lý và nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch.

Ở địa phương, công tác quản lý môi trường du lịch còn bộc lộ nhiều yếu kém, chưa thể hiện đúng mức vai trò và trách nhiệm trực tiếp của chính quyền địa phương trong việc bảo đảm môi trường, văn minh du lịch, an ninh, trật tự, an toàn xã hội tại các khu, điểm du lịch. Sự phối hợp trong công tác chỉ đạo, điều hành giữa Trung ương và địa phương chưa tạo được hiệu quả tích cực nhằm xây dựng môi trường du lịch an toàn, thân thiện cho du khách, thiếu sự điều tiết tổng thể; chưa xây dựng được các trung tâm du lịch có vai trò thu hút khách có chất lượng dịch vụ uy tín và khả năng cạnh tranh cao. Hiệu lực công tác chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Nhà nước về Du lịch và Ban Chỉ đạo phát triển du lịch các địa phương đối với cộng đồng địa phương và các bên tham gia hoạt động kinh doanh du lịch còn yếu và chưa phát huy hiệu quả.

Bên cạnh đó, một số vấn đề xã hội hiện nay như nếp sống văn minh, ý thức pháp luật chưa nghiêm, đạo đức nghề nghiệp và các vấn đề an sinh xã hội, giải quyết việc làm cho người lao động, quy hoạch đô thị cũng ảnh hưởng sâu sắc đến chất lượng môi trường du lịch.

Để khắc phục tình trạng trên, tạo bước chuyển biến căn bản trong việc xây dựng môi trường du lịch an toàn, văn minh, thân thiện, Thủ tướng Chính phủ chỉ thị:

1. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ có liên quan, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm:

a) Chỉ đạo thực hiện quyết liệt và áp dụng các biện pháp cụ thể, đồng bộ, hiệu quả để tạo ra chuyển biến cơ bản trong công tác quản lý môi trường, bảo đảm an ninh, an toàn cho khách du lịch, coi đây vừa là nhiệm vụ cấp bách trước mắt, vừa là công việc thường xuyên, lâu dài nhằm xây dựng Việt Nam trở thành điểm đến du lịch an toàn, thân thiện;

b) Giao cho một đơn vị trong ngành ở Trung ương và địa phương thực hiện nhiệm vụ đầu mối tham mưu, chỉ đạo, hướng dẫn, chịu trách nhiệm nếu để tình trạng mất an ninh, an toàn, chèo kéo, theo bám, chèn ép khách du lịch;

c) Tạo điều kiện, hỗ trợ các hiệp hội, tổ chức, doanh nghiệp tham gia đầu tư, xây dựng, quản lý các trung tâm mua sắm cao cấp, khu vui chơi giải trí hiện đại, cửa hàng lưu niệm tiện nghi, thân thiện, hấp dẫn để thu hút khách du lịch;

d) Chú trọng công tác tuyên truyền giáo dục, phát động sự tham gia của cộng đồng dân cư trong việc đấu tranh, phòng ngừa các hành vi tiêu cực ảnh hưởng đến môi trường du lịch;

đ) Tăng cường công tác chỉ đạo, kiểm tra thường xuyên, đột xuất việc thực thi các quy định của pháp luật về môi trường du lịch, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định pháp luật.

2. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có trách nhiệm:

a) Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan và các địa phương nghiên cứu, đề xuất các cơ chế, chính sách, văn bản quy phạm pháp luật nhằm tăng cường vai trò quản lý nhà nước, bảo đảm an ninh, an toàn, vệ sinh tại các khu, điểm du lịch, các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch; đề xuất, xây dựng thống nhất mô hình cơ quan quản lý các điểm, khu du lịch;

b) Hướng dẫn các địa phương và cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch triển khai các giải pháp nhằm bảo vệ an toàn cho du khách, nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch tại các khu, điểm du lịch; chỉ đạo thực hiện việc công nhận dịch vụ du lịch đạt chuẩn đối với các cơ sở dịch vụ phục vụ khách du lịch;

c) Đề xuất bổ sung hành vi, chế tài xử lý các hành vi xâm hại môi trường và an toàn của khách du lịch theo hướng tăng mức xử phạt;

d) Chỉ đạo, tổ chức các Đoàn công tác liên ngành, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động du lịch tại các địa phương vào thời điểm lễ hội, ngày lễ tết, tháng cao điểm, tập trung tại các nhà ga, bến cảng, khu, điểm du lịch tập trung đông khách du lịch;

đ) Tăng cường áp dụng hệ thống các tiêu chuẩn ngành; hình thành hệ thống kiểm định, đánh giá và quản lý chất lượng ngành du lịch tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh trong ngành du lịch;

e) Thực hiện điều phối liên kết phát triển sản phẩm, dịch vụ du lịch, phát huy lợi thế của các vùng du lịch, nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch phục vụ khách;

g) Phát động, chỉ đạo, hướng dẫn, tổ chức triển khai các chương trình, chiến dịch cải thiện môi trường du lịch.

3. Các Bộ, ngành liên quan

a) Bộ Công an có trách nhiệm:

- Xây dựng kế hoạch hướng dẫn công an các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương triển khai các biện pháp bảo đảm an ninh, trật tự an toàn tại các khu, điểm du lịch;

- Chỉ đạo công an các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chủ động phòng ngừa, phát hiện và xử lý nghiêm các đối tượng có hành vi xâm hại đến tính mạng, tài sản của khách du lịch; phối hợp với Viện kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân các cấp tổ chức các phiên tòa lưu động đối với những vụ án điểm nhằm giáo dục ý thức pháp luật, răn đe tội phạm và phát động phong trào quần chúng phòng, chống tội phạm xâm hại đến tính mạng, tài sản của khách du lịch; xử lý nghiêm các trường hợp người nước ngoài lợi dụng du lịch nhập cảnh Việt Nam hoạt động trái pháp luật, lừa đảo, thao túng, ép giá, gây mất an ninh trật tự làm ảnh hưởng đến môi trường du lịch Việt Nam;

- Nghiên cứu, đề xuất xây dựng Đề án thành lập lực lượng Cảnh sát du lịch, trước mắt tập trung chỉ đạo các lực lượng có liên quan tăng cường công tác đảm bảo an ninh, an toàn cho khách du lịch;

- Tăng cường triển khai lực lượng hình sự đặc nhiệm tuần tra, kiểm soát tại các tuyến đường trung tâm, các khu, điểm du lịch và bố trí tăng cường lực lượng Cảnh sát, ưu tiên các chiến sĩ cảnh sát có trình độ ngoại ngữ, tác phong thân thiện tại các khu, điểm du lịch tập trung đông khách du lịch, có nguy cơ xảy ra mất an toàn đối với du khách;

[...]
5
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ