Chỉ thị 17/CT-UBND năm 2024 về nhiệm vụ trọng tâm năm học 2024-2025 do tỉnh Quảng Nam ban hành

Số hiệu 17/CT-UBND
Ngày ban hành 28/08/2024
Ngày có hiệu lực 28/08/2024
Loại văn bản Chỉ thị
Cơ quan ban hành Tỉnh Quảng Nam
Người ký Trần Anh Tuấn
Lĩnh vực Giáo dục

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG NAM
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 17/CT-UBND

Quảng Nam, ngày 28 tháng 8 năm 2024

 

CHỈ THỊ

VỀ MỘT SỐ NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM NĂM HỌC 2024 - 2025

Năm học 2023-2024 vừa qua, ngành giáo dục tỉnh nhà đã gặt hái được nhiều kết quả nổi bật: Cơ sở vật chất trường lớp học được các địa phương quan tâm đầu tư; việc triển khai thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 đạt kết quả khá tốt; chất lượng giáo dục có nhiều khởi sắc, nhất là chất lượng mũi nhọn, nhiều học sinh đạt giải quốc gia, có học sinh đạt giải quốc tế; đăng cai tổ chức thành công Hội khỏe Phù Đổng khu vực III, tham gia Hội khỏe Phù Đổng toàn quốc đạt kết quả cao... Bên cạnh kết quả đạt được, ngành giáo dục và đào tạo còn gặp rất nhiều khó khăn, hạn chế: tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ vẫn còn xảy ra; nguồn lực đầu tư có hạn, trường lớp ở một số địa phương, nhất là ở miền núi bị xuống cấp, thiết bị dạy học chưa đáp ứng nhu cầu…

Để phát huy những kết quả đạt được, khắc phục một số hạn chế khó khăn nhằm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ năm học 2024-2025, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu Thủ trưởng các Sở, Ban, ngành, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố triển khai thực hiện nhiệm vụ năm học 2024-2025 với chủ đề “Kỷ cương trách nhiệm, đổi mới không ngừng, nâng cao chất lượng”, cụ thể như sau:

1. Sở Giáo dục và Đào tạo

a) Tham mưu triển khai thực hiện Kết luận 91-KL/TW ngày 12/8/2024 của Bộ Chính trị về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 04/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hoá, hiện đại hoá trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế; tiếp tục thể chế hóa các quan điểm, chủ trương của Đảng và Nhà nước về phát triển giáo dục và đào tạo; tham mưu xây dựng các đề án, chiến lược, kế hoạch phát triển giáo dục và đào tạo có chất lượng, hiệu quả và tính khả thi cao. Tiếp tục đổi mới quản lý trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo theo hướng phân cấp, phân quyền, tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, bảo đảm vai trò kiến tạo để phát triển giáo dục.

b) Nâng cao chất lượng chăm sóc và giáo dục trẻ; tăng cường công tác quản lý nhóm trẻ, các cơ sở ngoài công lập; từng bước chuẩn bị các điều kiện để triển khai thực hiện phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ mẫu giáo trên địa bàn tỉnh. Tiếp tục triển khai Kế hoạch số 4024/KH-UBND ngày 26/6/2023 của UBND tỉnh về thực hiện Chương trình “Hỗ trợ phát triển giáo dục mầm non

vùng khó khăn tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2023-2030”. Tăng cường các giải pháp bảo đảm an toàn tuyệt đối cho trẻ em; đổi mới, nâng cao chất lượng thực hiện Chương trình giáo dục mầm non.

c) Tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình Giáo dục phổ thông 2018; triển khai thực hiện Kế hoạch 2730/KH-UBND ngày 17/4/2024 của UBND tỉnh về thực hiện Nghị quyết số 32/NQ-CP ngày 20/3/2024 của Chính phủ về Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 686/NQ-UBTVQH15 ngày 18/9/2023 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội giám sát chuyên đề về việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông. Chỉ đạo thực hiện chương trình giảng dạy các lớp theo đúng quy định; thực hiện đổi mới mạnh mẽ phương pháp dạy và học theo hướng hiện đại, tập trung phát triển trí tuệ, thể chất, hình thành phẩm chất, năng lực công dân, phát hiện và bồi dưỡng năng khiếu, định hướng nghề nghiệp cho học sinh. Nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, chú trọng giáo dục lý tưởng, truyền thống, đạo đức, lối sống, ngoại ngữ, tin học, năng lực và kỹ năng thực hành, vận dụng kiến thức vào thực tiễn; phát triển khả năng sáng tạo cho học sinh. Triển khai thực hiện Kế hoạch số 4821/KH-UBND ngày 28/6/2024 của UBND tỉnh về thực hiện Chỉ thị số 29-CT/TW ngày 05/01/2024 của Bộ Chính trị về công tác phổ cập giáo dục, giáo dục bắt buộc, xóa mù chữ cho người lớn và đẩy mạnh phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông trên địa bàn tỉnh; bảo đảm công bằng trong tiếp cận giáo dục, đáp ứng nhu cầu học tập của người dân tộc thiểu số, người sống ở vùng có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn, học sinh khuyết tật và các đối tượng chính sách khác.

d) Tiếp tục tham mưu đầu tư, xây dựng cơ sở vật chất đảm bảo theo Thông tư số 13/2020/TT-BGDĐT ngày 26/5/2020 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc ban hành Quy định tiêu chuẩn cơ sở vật chất các trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học; Chỉ thị số 13/CT-UBND ngày 16/9/2022 của UBND tỉnh về việc tăng cường điều kiện bảo đảm thực hiện hiệu quả, chất lượng giáo dục mầm non, phổ thông trên địa bàn tỉnh Quảng Nam. Tiếp tục tham mưu lồng ghép các Chương trình mục tiêu quốc gia và Kế hoạch đầu tư công trung hạn để đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, đặc biệt tại các tại các cơ sở giáo dục vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Đẩy mạnh công tác kiểm định chất lượng giáo dục và xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia; đảm bảo các điều kiện để thực hiện có hiệu quả Chương trình Giáo dục phổ thông 2018.

e) Tiếp tục triển khai thực hiện Kết luận số 01-KL/TW ngày 18/5/2021 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị khóa XII “Về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”; tăng cường công tác giáo dục chính trị, tư tưởng cho đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục, triển khai các biện pháp phòng ngừa và xử lý kịp thời các trường hợp vi phạm đạo đức nhà giáo.

g) Xây dựng, rà soát, sửa đổi, bổ sung các chính sách, chế độ đãi ngộ đối với đội ngũ giáo viên thiết thực, phù hợp, hiệu quả, nhất là giáo viên mầm non nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển giáo dục; thực hiện việc tuyển dụng, cơ cấu lại đội ngũ giáo viên theo biên chế được giao, khắc phục tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ của các cơ sở giáo dục, bảo đảm nguyên tắc “có học sinh phải có giáo viên đứng lớp” nhưng phải phù hợp thực tiễn và hiệu quả, giảm điểm trường lẻ; tăng trường bán trú và nội trú, tạo thuận lợi hơn cho học sinh và gia đình nhất là ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo.

Thực hiện có hiệu quả kế hoạch nâng chuẩn trình độ đào tạo giáo viên theo Nghị định số 71/2020/NĐ-CP; chú trọng triển khai bồi dưỡng thường xuyên, bồi dưỡng nâng cao năng lực quản lý, giảng dạy đáp ứng yêu cầu chuẩn hiệu trưởng, chuẩn nghề nghiệp giáo viên các cấp học và thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, nhất là các lớp 5, 9, 12 đảm bảo theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo; định hướng cho học sinh lớp 12 để các em có kiến thức tham gia tốt kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025.

h) Đổi mới tổ chức và hoạt động thanh tra giáo dục; tăng cường công tác tự kiểm tra của các cơ sở giáo dục nhằm xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh, ngăn ngừa và xử lý nghiêm các hành vi sai phạm trong ngành giáo dục. Chỉ đạo quản lý và xử lý nghiêm những trường hợp dạy thêm, học thêm trái với quy định.

i) Thực hiện tốt công tác tuyên truyền về Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 công lập năm học 2025-2026 để tạo sự đồng thuận xã hội và để phụ huynh, học sinh có sự chuẩn bị tốt cho kỳ thi. Chuẩn bị kỹ lưỡng, đầy đủ các điều kiện để tham mưu tổ chức tốt Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 bảo đảm chất lượng, an toàn, nghiêm túc, hiệu quả, thiết thực, gọn nhẹ, giảm áp lực, tạo thuận lợi nhất cho thí sinh và phụ huynh. Tiếp tục đổi mới việc tổ chức các kỳ thi cấp tỉnh; đổi mới việc tuyển chọn, bồi dưỡng đội tuyển dự thi học sinh giỏi quốc gia. Tiếp tục triển khai thực hiện chuyển đổi số và cải cách hành chính trong toàn ngành; khai thác hiệu quả Trung tâm Điều hành giáo dục thông minh (IOC Edu).

k) Tiếp tục đổi mới và phát huy hiệu quả công tác thi đua; tôn vinh, khen thưởng xứng đáng các cá nhân, tập thể có thành tích xuất sắc và đóng góp nổi bật cho sự nghiệp giáo dục. Khuyến khích hình thành các quỹ học bổng khuyến học, khuyến tài; tăng cường công tác thông tin, truyền thông về các chủ trương, chính sách mới của ngành và việc triển khai thực hiện các nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.

2. Các Sở: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Nội vụ: Theo chức năng nhiệm vụ, phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo trong việc giao kế hoạch, cân đối ngân sách và nguồn nhân lực, đảm bảo các điều kiện cần thiết để ngành giáo dục, các địa phương hoàn thành tốt nhiệm vụ năm học.

3. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố

- Phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo trong việc triển khai thực hiện một số chủ trương, chính sách về phát triển giáo dục và đào tạo của Đảng và Nhà nước ở địa phương; thường xuyên đôn đốc, kiểm tra, giải quyết kịp thời các yêu cầu và đề xuất, kiến nghị của các trường học, cơ sở giáo dục; tăng cường trách nhiệm của các ngành chức năng và Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn về đẩy mạnh phát triển sự nghiệp giáo dục và đào tạo, phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ năm học.

- Chỉ đạo các Phòng Giáo dục và Đào tạo xây dựng kế hoạch thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 theo lộ trình; thực hiện tốt công tác tuyên truyền để học sinh chuẩn bị tâm thế thi tuyển vào lớp 10 công lập bắt đầu từ năm học 2025-2026; tham mưu kịp thời với Ủy ban nhân dân cấp huyện trong việc sắp xếp, bổ sung đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên; bố trí kinh phí xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm thiết bị dạy học tối thiểu, tài liệu dạy học và bồi dưỡng cán bộ quản lý, giáo viên thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, chú ý tổ chức dạy học môn Tiếng Anh và môn Tin học cho 100% học sinh lớp 3, lớp 4 đảm bảo các yêu cầu theo quy định.

- Bố trí ngân sách địa phương, lồng ghép có hiệu quả và sử dụng đúng mục đích nguồn vốn từ các chương trình, đề án, dự án; huy động các nguồn tài chính hợp pháp để đẩy mạnh công tác xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia, mua sắm trang thiết bị, sách giáo khoa, thực hiện có hiệu quả Chương trình Giáo dục phổ thông 2018.

Yêu cầu Thủ trưởng các Sở, Ban, ngành liên quan và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố nghiêm túc tổ chức, triển khai thực hiện./.

 


Nơi nhận:
- Bộ Giáo dục và Đào tạo;
- TT TU, TT HĐND tỉnh;
- CT, PCT UBND tỉnh;
- UBMTTQVN tỉnh;
- Các Sở, Ban, ngành, hội, đoàn thể tỉnh;
- Huyện ủy, Thị ủy, Thành ủy;
- UBND các huyện, thị xã, thành phố;
- Báo Quảng Nam, Đài PTTH Quảng Nam;
- Cổng TTĐT tỉnh;
- CPVP;
- Lưu: VT, KGVX (O).

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Trần Anh Tuấn

 

 

3
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ