Chủ nhật, Ngày 27/10/2024

Kế hoạch 4821/KH-UBND năm 2024 thực hiện Chỉ thị 29-CT/TW về công tác phổ cập giáo dục, giáo dục bắt buộc, xóa mù chữ cho người lớn và đẩy mạnh phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông trên địa bàn tỉnh Quảng Nam

Số hiệu 4821/KH-UBND
Ngày ban hành 28/06/2024
Ngày có hiệu lực 28/06/2024
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Quảng Nam
Người ký Trần Anh Tuấn
Lĩnh vực Giáo dục

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG NAM
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 4821/KH-UBND

Quảng Nam, ngày 28 tháng 6 năm 2024

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN CHỈ THỊ SỐ 29-CT/TW NGÀY 05/01/2024 CỦA BỘ CHÍNH TRỊ VỀ CÔNG TÁC PHỔ CẬP GIÁO DỤC, GIÁO DỤC BẮT BUỘC, XÓA MÙ CHỮ CHO NGƯỜI LỚN VÀ ĐẨY MẠNH PHÂN LUỒNG HỌC SINH TRONG GIÁO DỤC PHỔ THÔNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH

Căn cứ Chỉ thị số 29-CT/TW ngày 05/01/2024 của Bộ Chính trị về công tác phổ cập giáo dục, giáo dục bắt buộc, xóa mù chữ cho người lớn và đẩy mạnh phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông (viết tắt là Chỉ thị số 29-CT/TW); Kế hoạch số 409-KH/TU ngày 26/4/2024 của Tỉnh ủy về thực hiện Chỉ thị số 29-CT/TW ngày 05/01/2024 của Bộ Chính trị về công tác phổ cập giáo dục, giáo dục bắt buộc, xóa mù chữ cho người lớn và đẩy mạnh phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông trên địa bàn tỉnh; UBND tỉnh ban hành Kế hoạch thực hiện Chỉ thị số 29-CT/TW trên địa bàn tỉnh, cụ thể như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, phát huy vai trò, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị và các tầng lớp nhân dân trong việc quán triệt, thực hiện công tác phổ cập giáo dục, giáo dục bắt buộc, xóa mù chữ cho người lớn và đẩy mạnh phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông.

2. Yêu cầu

Các các cơ quan, đơn vị từ tỉnh đến cơ sở tổ chức quán triệt, tuyên truyền, cụ thể hóa và tổ chức thực hiện nghiêm túc, đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đã nêu trong Chỉ thị số 29-CT/TW sát với yêu cầu nhiệm vụ và đặc điểm tình hình của cơ quan, đơn vị, địa phương.

II. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung

Đầu tư cơ sở vật chất trường, lớp học trên địa bàn tỉnh theo hướng đồng bộ, hiện đại; xây dựng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới; đẩy mạnh công tác chuyển đổi số trong ngành giáo dục; quan tâm đầu tư phát triển giáo dục miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; chú trọng nâng cao chất lượng giáo dục để duy trì và nâng cao kết quả phổ cập giáo dục, giáo dục bắt buộc, xóa mù chữ và đẩy mạnh phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông.

2. Mục tiêu cụ thể

a) Đến năm 2030

- Phát triển mạng lưới trường lớp mầm non, huy động được ít nhất 37% trẻ em trong độ tuổi nhà trẻ, 97% trẻ em trong độ tuổi mẫu giáo được đến trường. Có 100% nhóm, lớp mầm non được học 02 buổi/ngày.

- Đạt các chỉ tiêu về giáo dục mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông theo các chương trình, kế hoạch, đề án, quyết định của Chính phủ và các thông tư của Bộ Giáo dục và Đào tạo về quy định kiểm định chất lượng giáo dục và công nhận đạt chuẩn quốc gia đối với các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học, trung học.

- Duy trì và nâng cao kết quả phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3, xóa mù chữ mức độ 2 trong từng năm. Phấn đấu năm 2030, tỉnh Quảng Nam hoàn thành phổ cập giáo dục cho trẻ mẫu giáo 3 - 4 tuổi, phổ cập giáo dục trung học cơ sở mức độ 3.

- Thực hiện có chất lượng, hiệu quả công tác tư vấn, hướng nghiệp, giáo dục hòa nhập theo quy định của pháp luật hiện hành.

- Thu hút 50% học sinh trung học vào hệ thống giáo dục nghề nghiệp; tỷ lệ học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông vào hệ thống giáo dục nghề nghiệp hằng năm tăng lên.

b) Đến năm 2035

- Tiếp tục phát triển mạng lưới trường lớp mầm non, huy động được ít nhất 40% trẻ em trong độ tuổi nhà trẻ, 98% trẻ em trong độ tuổi mẫu giáo được đến trường. Duy trì và nâng cao chất lượng 100% nhóm, lớp mầm non và trẻ mầm non đến trường được học 02 buổi/ngày.

- Tiếp tục nâng tỷ lệ, chất lượng giáo dục mầm non, phổ thông, giáo dục nghề nghiệp theo chủ trương của Chính phủ và quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

- Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tư vấn, hướng nghiệp, giáo dục hòa nhập theo quy định của pháp luật hiện hành.

- Thu hút 55% học sinh trung học vào hệ thống giáo dục nghề nghiệp; tỷ lệ học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông vào hệ thống giáo dục nghề nghiệp hằng năm tiếp tục tăng lên.

III. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP

1. Tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện công tác phổ cập giáo dục, giáo dục bắt buộc, xóa mù chữ cho người lớn và đẩy mạnh phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông

- Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tăng cường công tác vận động, tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức đảng, hệ thống chính trị, cán bộ, đảng viên, nhân dân, nhất là người đứng đầu, cán bộ lãnh đạo, quản lý về ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác phổ cập giáo dục, giáo dục bắt buộc, xóa mù chữ cho người lớn và phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông, góp phần nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

- Tạo chuyển biến mạnh mẽ, nâng cao hiệu quả tổ chức thực hiện, bảo đảm cho mọi công dân trong độ tuổi thực hiện nghĩa vụ học tập, hoàn thành phổ cập giáo dục, giáo dục bắt buộc; chú trọng trang bị kiến thức và kỹ năng thiết yếu cho người mới biết chữ, duy trì và nâng cao tính bền vững đối với kết quả xóa mù chữ cho người lớn, chú trọng xóa mù chữ chức năng; tăng cường tư vấn, hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau trung học cơ sở phù hợp với năng lực, sở trường, nguyện vọng, hoàn cảnh, có cơ hội tiếp tục học tập; tạo điều kiện cho người trong độ tuổi lao động có thể tự tạo việc làm hoặc chuyển đổi nghề nghiệp, thích ứng với những thay đổi của xã hội; đồng thời, phát triển hệ thống giáo dục mở để tạo cơ hội học tập suốt đời và xây dựng xã hội học tập, góp phần đào tạo nguồn nhân lực, cân đối cơ cấu ngành nghề, phát triển giáo dục gắn với kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh.

- Đa dạng hóa công tác tuyên truyền, vận động thông qua các hình thức thiết thực, phù hợp với từng đối tượng, nhất là đối với người học và gia đình; tăng cường sự tham gia của các cơ quan truyền thông đại chúng và phát huy ưu thế của tuyên truyền miệng. Kịp thời biểu dương những cách làm hiệu quả, nhân rộng các mô hình dạy và học tiêu biểu của địa phương.

[...]