Chỉ thị 17/CT-UBND năm 2023 phát động thi đua thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 do tỉnh Vĩnh Long ban hành
Số hiệu | 17/CT-UBND |
Ngày ban hành | 26/12/2023 |
Ngày có hiệu lực | 26/12/2023 |
Loại văn bản | Chỉ thị |
Cơ quan ban hành | Tỉnh Vĩnh Long |
Người ký | Lữ Quang Ngời |
Lĩnh vực | Thương mại,Văn hóa - Xã hội |
ỦY BAN NHÂN DÂN
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 17/CT-UBND |
Vĩnh Long, ngày 26 tháng 12 năm 2023 |
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC PHÁT ĐỘNG THI ĐUA THỰC HIỆN THẮNG LỢI NHIỆM VỤ PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI NĂM 2024
Năm 2024 là năm có ý nghĩa quan trọng trong việc tăng tốc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2021-2025; trọng tâm là thúc đẩy mạnh mẽ tăng trưởng kinh tế gắn với bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế và an sinh xã hội.
Dự báo tình hình thế giới năm 2024 tiếp tục có những diễn biến phức tạp, khó lường; tăng trưởng kinh tế toàn cầu chưa thể phục hồi mạnh mẽ trong nữa đầu năm 2024; thiên tai hạn hán, bão lũ diễn biến phức tạp, gây ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống người dân… Nhằm tiếp tục thực hiện hiệu quả Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Vĩnh Long lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025; Nghị quyết số 138/NQ-HĐND ngày 12/12/2023 của Hội đồng nhân dân tỉnh Vĩnh Long về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu Thủ trưởng các sở, ban, ngành, đoàn thể, các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, đơn vị đóng trên địa bàn tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố thực hiện tốt các nội dung sau:
1. Tiếp tục quán triệt, triển khai, tuyên truyền và tổ chức thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về thi đua khen thưởng; Chỉ thị số 34-CT/TW ngày 07 tháng 4 năm 2014 của Bộ Chính trị về tiếp tục đổi mới công tác thi đua, khen thưởng; Chỉ thị số 19/CT-TTg ngày 16/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc “Phát động thi đua thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội hàng năm và Kế hoạch 5 năm (2021- 2025) theo Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng” và Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Vĩnh Long lần thứ XI, gắn với việc thực hiện có hiệu quả cuộc vận động “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” nhằm tạo sự đồng tâm hiệp lực của toàn xã hội, nhất là nêu cao tinh thần trách nhiệm của người đứng đầu đơn vị, địa phương. Thường xuyên nêu gương tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất cách mạng, lối sống, phong cách, trách nhiệm, tinh thần phục vụ nhân dân góp phần tăng cường xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch vững mạnh, xây dựng tỉnh Vĩnh Long phát triển nhanh và bền vững.
2. Căn cứ mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, tổ chức phát động phong trào thi đua một cách thiết thực gắn với nhiệm vụ của từng cơ quan, đơn vị, địa phương để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ. Đồng thời, đề ra các giải pháp, nội dung phấn đấu hoàn thành, hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu chủ yếu năm 2024. Thực hiện hiệu quả, thực chất hơn cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng nhanh, bền vững, tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ; tập trung phục hồi, phát triển mạnh các ngành công nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo. Quan tâm phát triển toàn diện, đồng bộ các lĩnh vực văn hóa, xã hội, giáo dục, y tế,... chú trọng bảo đảm an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững, cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân.
3. Thực hiện cải cách hành chính; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí.
Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính theo hướng đơn giản hóa, công khai minh bạch, thực chất, hiệu quả; Triển khai quyết liệt, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp cải thiện và nâng cao các Chỉ số hiệu quả Quản trị và Hành chính công cấp tỉnh (PAPI), Chỉ số cải cách hành chính tỉnh (PAR INDEX), Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính (SIPAS) và Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI). Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ công tác cải cách hành chính, phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số và chuyển đổi số, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí.
4. Chủ động và thực hiện quyết liệt các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội với củng cố, tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh; Tập trung đấu tranh, trấn áp các loại tội phạm và tệ nạn xã hội, tạo chuyển biến tích cực về trật tự, an toàn xã hội, từng bước kéo giảm tội phạm; Tiếp tục triển khai thực hiện quyết liệt, hiệu quả Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử.
5. Tổ chức phong trào thi đua trong các cơ quan đảng, chính quyền, đoàn thể, các tổ chức chính trị - xã hội. Bên cạnh việc tổ chức phát động các phong trào thi đua chung hàng năm, cần quan tâm phát động các phong trào thi đua theo đợt, chuyên đề với nội dung và hình thức phù hợp, bảo đảm thiết thực và hiệu quả. Trong đó tập trung chỉ đạo các phong trào thi đua trọng tâm do Thủ tướng Chính phủ phát động: Phong trào “Cả nước chung tay vì người nghèo, không để ai bị bỏ lại phía sau”; Phong trào “Cán bộ, công chức, viên chức thi đua thực hiện văn hóa công sở”; Phong trào “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”; Phong trào “Doanh nghiệp Việt Nam hội nhập và phát triển”; Phong trào “Đẩy mạnh phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại và thực hành tiết kiệm, chống lãng phí”; Phong trào “Cả nước thi đua xây dựng xã hội học tập, đẩy mạnh học tập suốt đời giai đoạn 2023-2030”.
Đẩy mạnh các phong trào thi đua thực hiện có hiệu quả cơ cấu lại kinh tế gắn với phục hồi, tăng trưởng các ngành kinh tế; tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; Xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, phát triển đô thị và xây dựng nông thôn mới.
Phát huy vai trò của các ngành, các cấp, các đoàn thể và kênh thông tin trong việc phát hiện các điển hình tiên tiến với các nội dung trọng tâm gắn với thực hiện nhiệm vụ chính trị, các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội và quốc phòng - an ninh. Chú trọng phát hiện khen thưởng; bồi dưỡng, nhân rộng các điển hình tiên tiến, gương “Người tốt, việc tốt” trong đó chú trọng khen thưởng đột xuất cho cá nhân, tập thể cơ sở, công nhân, nông dân, người lao động trực tiếp, người dân có nhiều sáng tạo trong công tác, chiến đấu, lao động sản xuất. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong việc thực hiện cải cách hành chính liên quan đến quy trình, thủ tục, hồ sơ khen thưởng và trong quản lý Nhà nước về công tác thi đua khen thưởng.
Duy trì và nâng cao chất lượng hoạt động cụm, khối thi đua từ tỉnh đến cơ sở, khắc phục các nội dung còn mang tính hình thức, xây dựng tiêu chí đánh giá, chấm điểm thi đua cụ thể, gắn với nhiệm vụ chính trị được giao bảo đảm việc sinh hoạt, chia sẻ kinh nghiệm, mô hình giải pháp thiết thực, tạo sự lan tỏa rộng lớn trong phong trào thi đua trên địa bàn tỉnh và cơ quan, đơn vị, địa phương, doanh nghiệp. Thường xuyên đôn đốc, kiểm tra, sơ kết, tổng kết, đánh giá hiệu quả các phong trào thi đua trên cơ sở đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ chính trị của từng cơ quan, đơn vị.
6. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Vĩnh Long, các đoàn thể chính trị và các tổ chức xã hội phối hợp chặt chẽ với chính quyền các cấp, phát huy sức mạnh khối Đại đoàn kết toàn dân trong việc vận động cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và các tầng lớp nhân dân tích cực hưởng ứng và tham gia thực hiện các phong trào thi đua để phong trào thi đua thực sự là động lực tích cực trong thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ, chỉ tiêu kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh của tỉnh năm 2024 và kế hoạch 5 năm (2021-2025).
Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu Thủ trưởng các sở, ban, ngành, đoàn thể, các cơ quan, doanh nghiệp đóng trên địa bàn tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố căn cứ chức năng, nhiệm vụ của từng địa phương, đơn vị, có trách nhiệm cụ thể hóa để thực hiện Chỉ thị này./.
|
CHỦ TỊCH |