Chỉ thị 17/CT-UBND năm 2011 thực hiện nhiệm vụ, giải pháp hoàn thành cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất; xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai và một số nhiệm vụ trọng tâm trong công tác quản lý nhà nước về đất đai, tỉnh Thái Nguyên
Số hiệu | 17/CT-UBND |
Ngày ban hành | 24/10/2011 |
Ngày có hiệu lực | 24/10/2011 |
Loại văn bản | Chỉ thị |
Cơ quan ban hành | Tỉnh Thái Nguyên |
Người ký | Dương Ngọc Long |
Lĩnh vực | Bất động sản,Bộ máy hành chính |
ỦY BAN NHÂN DÂN |
CỘNG HÒA XÃ
HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 17/CT-UBND |
Thái Nguyên, ngày 24 tháng 10 năm 2011 |
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC THỰC HIỆN MỘT SỐ NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP HOÀN THÀNH CẤP GIẤY CHỨNG NHẬN QUYỀN SỬ DỤNG ĐẤT, QUYỀN SỞ HỮU NHÀ Ở VÀ TÀI SẢN KHÁC GẮN LIỀN VỚI ĐẤT; XÂY DỰNG CƠ SỞ DỮ LIỆU ĐẤT ĐAI VÀ MỘT SỐ NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM TRONG CÔNG TÁC QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ ĐẤT ĐAI, TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH THÁI NGUYÊN.
Thực hiện Nghị quyết số 07/2007/QH 12 ngày 12 tháng 11 năm 2007 của Quốc hội và Chỉ thị số 02/2008/CT-BTNMT ngày 04 tháng 12 năm 2008 của Bộ Tài nguyên và Môi trường về triển khai một số nhiệm vụ, giải pháp để hoàn thành công tác cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, lập hồ sơ địa chính; thời gian qua, tỉnh Thái Nguyên đã chủ động triển khai thực hiện và đạt được kết quả đáng khích lệ. Tuy nhiên, công tác cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và các tài sản khác gắn liền với đất (GCN) tại một số đơn vị, địa phương đạt thấp, như đất do các tổ chức nông lâm trường quản lý cấp GCN đạt 29% diện tích, tiến độ cấp GCN lần đầu cho hộ gia đình, cá nhân ở cấp huyện đạt 12,1%, cấp đổi GCN theo bản đồ địa chính chính quy đạt 10,5% kế hoạch; công tác xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai, hồ sơ địa chính chưa đầy đủ, chưa cập nhật và chỉnh lý kịp thời theo quy định.
Nguyên nhân chủ yếu là do việc chỉ đạo điều hành của các cấp, các ngành thực hiện chưa quyết liệt; trình tự thủ tục lập, xét duyệt hồ sơ cấp GCN chậm được cải tiến; Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất (đặc biệt cấp huyện) thiếu nguồn nhân lực; năng lực chuyên môn, nghiệp vụ cán bộ hạn chế; ý thức chấp hành pháp luật đất đai của bộ phận cá nhân, tổ chức chưa nghiêm túc; kinh phí đầu tư cho đo đạc, đăng ký, lập hồ sơ, cơ sở dữ liệu đất đai, cấp GCN chưa đầy đủ, kịp thời...
Thực hiện Chỉ thị số 1474/CT-TTg ngày 24 tháng 8 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách để chấn chỉnh việc cấp GCN và xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh chỉ thị:
1. UBND các huyện, thành phố Thái Nguyên và thị xã Sông Công có trách nhiệm:
a, Tập trung chỉ đạo, rà soát, đánh giá đầy đủ tình hình thực hiện cấp GCN ở địa phương; xây dựng kế hoạch cấp GCN cụ thể, trong đó xác định rõ mục tiêu, khối lượng, tiến độ hoàn thành việc cấp mới, cấp đổi GCN. Giao kế hoạch cấp GCN cho từng xã, phường, thị trấn. Kết quả cấp GCN là cơ sở để đánh giá việc hoàn thành nhiệm vụ kế hoạch của các cấp chính quyền.
Chỉ đạo rà soát, thống kê toàn bộ hồ sơ đề nghị cấp GCN và hồ sơ đăng ký biến động đất đai đã tiếp nhận chưa giải quyết ở mỗi xã, phường, thị trấn, và Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất; số GCN đã ký chưa trao để báo cáo trong tháng 12 năm 2011. Đối với các địa phương đã cơ bản hoàn thành cấp GCN, cần chỉ đạo rà soát, hoàn thiện hồ sơ địa chính, tổ chức thực hiện đăng ký biến động và chỉnh lý hồ sơ địa chính theo quy định.
Rà soát, thống kê đầy đủ trường hợp sử dụng đất có nguồn gốc vi phạm pháp luật đất đai còn tồn đọng, phức tạp, tổng hợp báo cáo Tỉnh xem xét, giải quyết dứt điểm trong 2 năm 2011 và 2012 để lập hồ sơ quản lý.
b, Tăng cường bổ sung, đào tạo bồi dưỡng đội ngũ cán bộ chuyên môn nghiệp vụ, bố trí đủ kinh phí và điều kiện làm việc cần thiết cho Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất, bảo đảm hoàn thành các nhiệm vụ được giao.
Tập trung chỉ đạo cải cách thủ tục hành chính ở Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất và Ủy ban nhân dân cấp xã; thực hiện việc kê khai đăng ký đất đai, lập và thẩm định hồ sơ cấp GCN cho hộ gia đình cá nhân đúng thời gian quy định.
c, Bố trí đủ kinh phí từ ngân sách địa phương, đảm bảo tối thiểu 10% tổng số thu từ tiền sử dụng đất, tiền thuê đất để đầu tư cho công tác đăng ký, xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai và hồ sơ địa chính, cấp GCN theo Nghị quyết của HĐND tỉnh.
d, UBND cấp huyện thực hiện việc ký cam kết với Sở Tài nguyên và Môi trường và UBND cấp xã về việc cấp GCN để bảo đảm thúc đẩy nhanh tiến độ theo kế hoạch đã xây dựng.
e, Phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường kiểm tra việc đăng ký, cấp GCN đối với tất cả các tổ chức đang sử dụng đất trên địa bàn.
2. Sở Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm:
a, Triển khai thực hiện Dự án tổng thể xây dựng hệ thống hồ sơ địa chính và cơ sở dữ liệu quản lý đất đai (gọi tắt là Dự án tổng thể) theo mô hình quản lý đất đai hiện đại, đáp ứng nhu cầu thông tin cho các ngành, lĩnh vực và các giao dịch liên quan đến quyền sử dụng đất. Phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường thực hiện mô hình điểm về xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai hoàn chỉnh tại huyện Định Hoá (hoàn thành trong năm 2011 và năm 2012).
b, Kiểm tra, rà soát, đánh giá kết quả thực hiện việc đo đạc bản đồ địa chính, cấp GCN, hoàn thiện hồ sơ địa chính và xây dựng cơ sở dữ liệu địa chính của từng huyện, thành phố, thị xã; tổng hợp diện tích đất cần đo đạc bản đồ địa chính và diện tích đất cần cấp GCN để trình UBND tỉnh phê duyệt bổ sung vào Dự án tổng thể; thực hiện đo đạc bản đồ địa chính gắn với cấp GCN, lập hồ sơ địa chính.
c, Chủ trì phối hợp với UBND các huyện, thành phố, thị xã tổ chức kiểm tra việc đăng ký, cấp GCN cho các tổ chức đang sử dụng đất, đôn đốc, nhắc nhở các tổ chức sử dụng đất kê khai đăng ký đất đai theo quy định của pháp luật, nhất là các tổ chức nông lâm trường và các dự án phát triển nhà ở.
d, Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo các tổ chức nông, lâm trường hoàn thành việc rà soát, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, đăng ký cấp GCN. Hoàn chỉnh hồ sơ trình UBND tỉnh thu hồi diện tích đất các tổ chức nông lâm trường trả ra để giao cho địa phương quản lý theo quy hoạch.
e, Rà soát, trình UBND tỉnh sửa đổi, bổ sung các quy định về cấp GCN phù hợp với quy định pháp luật hiện hành.
f, Tổ chức tập huấn nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ ngành Tài nguyên và Môi trường từ cấp tỉnh đến cấp xã, phường.
3. Sở Kế hoạch và Đầu tư:
Tổ chức rà soát các dự án đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư mà không triển khai hoặc chậm tiến độ để báo cáo UBND tỉnh quyết định thu hồi.
4. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:
- Chỉ đạo và thực hiện việc cắm mốc quy hoạch 3 loại rừng, rà soát, quy hoạch lại đất của các tổ chức nông, lâm trường, tập trung xử lý các vướng mắc về tài sản cây rừng trên đất để giao rừng, cho thuê rừng, khoán rừng cho các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân theo quy định của pháp luật.
- Tham mưu cho Uỷ ban nhân dân tỉnh chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ sắp xếp, đổi mới và phát triển các nông trường, lâm trường quốc doanh theo Nghị định số 200/2004/NĐ-CP và Nghị định số 170/2004/NĐ-CP của Chính phủ.
5. Sở Tài chính:
- Chủ trì, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường và các cơ quan có liên quan, trình UBND tỉnh quyết định cơ chế về thu, chi tài chính trong việc cấp GCN tại Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất các cấp.