Chủ nhật, Ngày 27/10/2024

Chỉ thị 17/2011/CT-UBND về tăng cường thực hiện các giải pháp trọng tâm bảo đảm trật tự an toàn giao thông kèm theo Nghị quyết 88/NQ-CP do tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu ban hành

Số hiệu 17/2011/CT-UBND
Ngày ban hành 27/10/2011
Ngày có hiệu lực 06/11/2011
Loại văn bản Chỉ thị
Cơ quan ban hành Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu
Người ký Trần Ngọc Thới
Lĩnh vực Giao thông - Vận tải

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÀ RỊA - VŨNG TÀU
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 17/2011/CT-UBND

Bà Rịa-Vũng Tàu, ngày 27 tháng 10 năm 2011

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 88/NQ-CP CỦA CHÍNH PHỦ VỀ TĂNG CƯỜNG THỰC HIỆN CÁC GIẢI PHÁP TRỌNG TÂM BẢO ĐẢM TRẬT TỰ AN TOÀN GIAO THÔNG

Sau 4 năm thực hiện Nghị quyết số 32/2007/NQ-CP ngày 29 tháng 6 năm 2007, Nghị quyết số 16/2008/NQ-CP ngày 31 tháng 7 năm 2008 của Chính phủ, tình hình trật tự an toàn giao thông đã có những chuyển biến tích cực. Đặc biệt, việc thực hiện thành công quy định bắt buộc đội mũ bảo hiểm đối với người tham gia giao thông bằng xe mô tô, xe gắn máy trên địa bàn tỉnh và thực hiện tốt, đồng bộ một số giải pháp khác của Nghị quyết đã kiềm chế và giảm tai nạn giao thông trong 04 năm liên tiếp từ năm 2007 đến năm 2010. Cụ thể so với năm 2007, năm 2010 giảm 59 vụ tai nạn giao thông (giảm 23,23%), giảm 76 người chết (giảm 26,12%), giảm 54 người bị thương (giảm 24,56%).

Tuy nhiên, kết quả kiềm chế và giảm tai nạn giao thông chưa bền vững, số người bị chết, bị thương do tai nạn giao thông vẫn ở mức cao và còn tiềm ẩn nguy cơ gia tăng, tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng trên đường bộ và đường thủy nội địa vẫn còn xảy ra.

Những tồn tại trên là do sự lơi lỏng trong công tác quản lý nhà nước, chỉ đạo, điều hành thực hiện các giải pháp bảo đảm trật tự an toàn giao thông chưa thường xuyên, liên tục và mạnh mẽ; ý thức tự giác chấp hành pháp luật trật tự an toàn giao thông của một bộ phận người tham gia giao thông còn yếu kém. Các hành vi vi phạm: đi không đúng phần đường, làn đường; điều khiển phương tiện cơ giới đường bộ qúa tốc độ cho phép; lái xe tô sử dụng rượu, bia; người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy có nồng độ cồn vượt quá quy định; người tham gia giao thông bằng xe mô tô, xe gắn máy không đội mũ bảo hiểm; học sinh chưa đủ tuổi, không có giấy phép lái xe vẫn điều khiển xe mô tô, xe gắn máy; lấn chiếm hành lang an toàn giao thông đường bộ, đường sắt, mở đường ngang trái phép. . . còn xảy ra thường xuyên, phổ biến. Những vi phạm này là nguyên nhân chính gây tai nạn giao thông và là nguy cơ làm gia tăng tai nạn giao thông.

Ngày 24 tháng 8 năm 2011, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 88/NQ-CP về tăng cường thực hiện các giải pháp trọng tâm bảo đảm trật tự an toàn giao thông. Để tiếp tục thực hiện nhiệm vụ kiềm chế, giảm tai nạn giao thông hơn nữa trong thời gian tới, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành và chính quyền địa phương các cấp thực hiện ngay các giải pháp trọng tâm sau:

I. Bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ

1. Tăng cường phòng chống và kiểm soát người điều khiển phương tiện cơ giới đường bộ sử dụng rượu, bia

a) Ban An toàn giao thông tỉnh chủ trì phối hợp với Sở Y tế, Sở Thông tin và Truyền thông, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh và các cơ quan thông tin, báo chí tuyên truyền mạnh mẽ và thường xuyên tác hại của lạm dụng rượu, bia đối với sức khỏe và trật tự an toàn xã hội; nguy cơ gây tai nạn do lái xe uống rượu, bia, hậu quả tai nạn giao thông nguyên nhân từ rượu, bia; các quy định của pháp luật về xử phạt đối với người lái xe uống rượu, bia.

Đưa nội dung tuyên truyền vào hoạt động của tổ chức đoàn thể ở cấp cơ sở. Đồng loạt mở chiến dịch tuyên truyền mạnh mẽ trong tháng an toàn giao thông hàng năm và duy trì thường xuyên hoạt động tuyên truyền này. Tích cực hưởng ứng hoạt động ''Phòng, chống người lái xe uống rượu, bia'' trong chương trình ''Thập kỷ hành động vì an toàn giao thông đường bộ 2011 - 2020'' của Liên hợp quốc.

b) Thủ trưởng các cơ quan nhà nước, các tổ chức đoàn thể, doanh nghiệp yêu cầu cán bộ, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên, nhân viên gương mẫu không uống rượu, bia trước khi lái xe; đồng thời, ban hành quy định của cơ quan, đơn vị về không uống rượu, bia trong giờ làm việc, giờ nghỉ trưa; xử lý kỷ luật nghiêm người vi phạm, không phân biệt là cán bộ hay nhân viên.

c) Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông thực hiện quy định quản lý việc quảng các rượu, bia trên các phương tiện quảng cáo, yêu cầu khi quảng cáo rượu, bia phải gắn kèm nội dung cảnh báo tác hại của việc lạm dụng rượu, bia đối với sức khỏe và nguy cơ xảy ra tai nạn nếu điều khiển phương tiện tham gia giao thông.

d) Công an tỉnh huy động lực lượng, tăng cường trang thiết bị kiểm tra nồng độ cồn, tổ chức các đợt hoạt động cao điểm kiểm tra, xử lý đối với người điều khiển phương tiện sử dụng rượu, bia (tập trung tại khu vực có nhiều người lái xe uống rượu, bia).

e) Sở Y tế chu trì, phối hợp với Công an tỉnh thực hiện quy định về việc xét niệm nồng độ cồn trong máu của người điều khiển phương tiện cơ giới đường bộ để có cơ sở xử lý người vi phạm.

g) Sở Công thương thực hiện quy định yêu cầu: các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, nhập khẩu rượu, bia phải đưa các khuyến cáo trên bao bì của sản phẩm về tác hại của việc lạm dụng rượu, bia; các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, bến xe, trạm dừng nghỉ không bán rượu, bia cho người lái xe.

2. Duy trì và tiếp tục đẩy mạnh thực hiện đội mũ bảo hiểm; ngăn chặn học sinh chưa đủ tuổi, không có giấy phép lái xe điều khiển xe mô tô, xe gắn máy.

a) Các cơ quan truyền thông, tổ chức, đoàn thể: đẩy mạnh tuyên truyền về đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông bằng xe mô tô, xe gắn máy (đặc biệt là đối với khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa); tuyên truyền, giáo dục, vận động người lớn tự giác đội mũ bảo hiểm cho trẻ em khi tham gia giao thông, sử dụng mũ bảo hiểm bảo đảm chất lượng, cài quai đúng quy cách; giáo dục thanh, thiếu niên chưa đủ tuổi không điều khiển xe mô tô, xe gắn máy.

b) Công an tỉnh huy động các lực lượng cảnh sát trật tự, cảnh sát cơ động, công an xã tăng cường phối hợp kiểm tra phát hiện và xử phạt nghiêm đối với người điều khiển, người ngồi trên mô tô, xe gắn máy không đội mũ bảo hiểm, chở trẻ em không đội mũ bảo hiểm; học sinh chưa đủ tuổi, không có giấy phép lái xe điều khiển xe mô tô, xe gắn máy.

c) Sở Công Thương có biện pháp cấp bách ngăn chặn việc sản xuất, lưu thông, buôn bán loại mũ có kiểu dáng giống mũ bảo hiểm và mũ bảo hiểm không bảo đảm quy chuẩn, chất lượng; phối hợp với chính quyền địa phương tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm.

3. Đẩy mạnh công tác giáo dục an toàn giao thông trong trường học

a) Sở Giáo dục và Đào tạo:

- Tiếp tục chỉ đạo nâng cao chất lượng giáo dục kiến thức an toàn giao thông trong trường học, đào tạo đội ngũ giáo viên có kiến thức và phương pháp giáo dục hiệu quả về an toàn giao thông.

- Có phương án tuyên truyền, phổ biến và hướng dẫn thực hiện các tiêu chí văn hoá giao thông thống từng cấp học từ năm học 2012.

b) Sở Giáo dục và Đào tạo, Ủy ban nhân dân các cấp chỉ đạo các trường học phối hợp với Ban đại diện cha mẹ học sinh thường xuyên nhắc nhở, giáo dục con em mình tự giác chấp hành quy tắc giao thông, đội mũ bảo hiểm khi ngồi trên xe mô tô, xe gắn máy, không điều khiển xe mô tô, xe gắn máy khi chưa đủ tuổi, không có giấy phép lái xe; hiệu trưởng các trường phải kiên quyết xử lý kỷ luật đối với học sinh, sinh viên chưa đủ tuổi, không có giấy phép lái xe điều khiển xe mô tô, xe gắn máy.

4. Tăng cường công tác cứu hộ, cứu nạn, cấp cứu tai nạn giao thông

Sở Y tế: lập kế hoạch phát triển hệ thông cấp cứu 115 đạt tiêu chuẩn, củng cố trung tâm cấp cứu 115 hiện có của tỉnh, thành phố, thị xã và các huyện; đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn về cấp cứu, nâng cao năng lực đáp ứng cấp cứu tai nạn giao thông cho cán bộ y tế; đào tạo kỹ năng cấp cứu ban đầu về chấn thương do tai nạn giao thông cho cảnh sát giao thông, thanh tra giao thông và tình nguyện viên.

5. Đẩy mạnh tuyên truyền văn hóa giao thông

a) Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh chỉ đạo đưa văn hóa giao thông và nội dung cuộc vận động ''Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư'' để tuyên truyền vận động nhân dân thực hiện.

[...]