Chỉ thị 149-CT năm 1982 về tổ chức giáo dục học sinh phổ thông trong dịp nghỉ hè do Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng ban hành
Số hiệu | 149-CT |
Ngày ban hành | 22/05/1982 |
Ngày có hiệu lực | 06/06/1982 |
Loại văn bản | Chỉ thị |
Cơ quan ban hành | Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng |
Người ký | Võ Nguyên Giáp |
Lĩnh vực | Giáo dục |
CHỦ TỊCH HỘI ĐỒNG
BỘ TRƯỞNG |
CỘNG HOÀ XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 149-CT |
Hà Nội, ngày 22 tháng 5 năm 1982 |
VỀ VIỆC TỔ CHỨC GIÁO DỤC HỌC SINH PHỔ THÔNG TRONG DỊP NGHỈ HÈ
Trong những năm qua, có những nơi đã có cố gắng tổ chức hoạt động hè cho học sinh; tuy nhiên cũng còn nhiều nơi chưa làm hết trách nhiệm quản lý học sinh trong dịp nghỉ hè nên để cho học sinh sống tự do tuỳ tiện gây ảnh hưởng không tốt đến tư tưởng và sức khỏe.
Thực hiện Nghị quyết về cải cách giáo dục của Bộ Chính trị Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng chỉ thị:
- Phải đưa học sinh vào các hoạt động sản xuất và xã hội hữu ích; tổ chức cho học sinh tham gia có hiệu quả vào việc lao động sản xuất ở các hợp tác xã, tập đoàn sản xuất, gia đình, công, nông trường và xí nghiệp;
- Phải vận dụng sự hiểu biết của các em, hướng các em vào những hoạt động phổ biến khoa học, kỹ thuật; chủ trương chính sách; xây dựng nếp sống văn minh lành mạnh; tổ chức cho các em giúp đỡ các gia đình liệt sĩ, thương binh, gia đình của các đồng chí bộ đội đang chiến đấu ở chiến trường xa, các gia đình giáo viên có nhiều khó khăn trong sinh hoạt;
- Phải giúp học sinh vui chơi giải trí lành mạnh, tổ chức cho các em đi thăm các di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh của đất nước để mở mang trí tuệ và nâng cao sức khỏe cho các em;
- Phải tổ chức ôn tập văn hoá chuẩn bị tốt cho năm học mới.
Tất cả các hoạt động hè phải nhằm giáo dục tinh thần yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội, ý thức ham học, say mê lao động, bồi dưỡng tình cảm và phát huy năng khiếu thẩm mỹ của các em.
II. Trách nhiệm cụ thể của các ngành, các cấp, các đoàn thể trong việc tổ chức hè cho học sinh.
1. Uỷ ban nhân dân , hội đồng giáo dục các cấp có trách nhiệm chủ trì sự phối hợp giữa các ngành, các đoàn thể, các lực lượng xã hội tham gia tổ chức hoạt động hè cho học sinh tuỳ tình hình của địa phương mà đề ra các yêu cầu cụ thể đối với từng ngành để tổ chức tốt hoạt động hè cho học sinh.
Các địa phương phải tận dụng các cơ sở vật chất sẵn có như trường học, câu lạc bộ, nhà văn hóa, hội trường, sân vận động, công viên, các địa điểm có bóng cây râm mát... để tổ chức các điểm hoạt động hè của học sinh; Tổ chức các hoạt động tập thể như hội thao, hội diễn, tham quan, cắm trại, xem phim, xem văn nghệ...
2. Ngành giáo dục phổ thông và các ngành giáo dục khác có trách nhiệm hướng dẫn và quản lý nội dung hoạt động hè của học sinh. Phân công những giáo viên có nhiệt tình, có trách nhiệm giúp các em ôn tập văn hoá, học kỹ thuật, hướng dẫn các em lao động, tổ chức các hình thức giáo dục hướng nghiệp thích hợp.
Cần tổ chức chu đáo lực lượng thầy trò tham gia bảo vệ sửa sang và xây dựng trường sở; bổ sung và hoàn chỉnh các thiết bị dạy và học của nhà trường.
3. Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ chí Minh làm nòng cốt trong việc tổ chức các hoạt động hè của học sinh và qua đó mà bồi dưỡng năng lực công tác cho cán bộ đoàn, đội.
4. Các ngành sản xuất có trách nhiệm giúp đỡ và tạo điều kiện cho học sinh tham gia vào các hoạt động sản xuất ra của cải vật chất. Cùng các ngành giáo dục tổ chức việc giáo dục kỹ thuật và hướng nghiệp cho học sinh bằng những hoạt động thiết thực, cụ thể phù hợp với thời gian học sinh nghỉ hè và kế hoạch sản xuất của các xí nghiệp, nông trường, hợp tác xã.
Ở từng nơi và tuỳ từng vấn đề cần sử dụng hiểu biết của học sinh theo trình độ kiến thức sẵn có để phổ biến những tiến bộ kỹ thuật; đồng thời tích cực tham gia tuyên truyền các chủ trương chính sách mới của Đảng và Chính phủ vào nhân dân.
5. Ngành thông tin văn hoá mở thêm buổi, thêm giờ của các câu lạc bộ, thư viện, triển lãm, nhà truyền thống, bảo tàng, tăng thêm các hoạt động ở những lớp bồi dưỡng về nhạc, hoạ, múa, hát; tổ chức chiếu phim, biểu diễn văn nghệ dành một số vé với giá hạ phục vụ học sinh trọng dịp nghỉ hè.
6. Ngành thể dục thể thao có kế hoạch tổ chức hướng dẫn học sinh tập thể dục điền kinh và các môn thể thao khách, có kế hoạch dành cho học sinh sử dụng sân bãi, bể bơi để tập luyện trong dịp nghỉ hè. Trong các buổi thi đấu thể thao dành một số vé giá hạ phân phối cho học sinh.
7. Ngành y tế trong điều kiện cho phép cần tổ chức những buổi khám sức khoẻ riêng cho học sinh. có thể kết hợp với nhà trường lập hồ sơ sức khoẻ cho học sinh. Cần phổ biến những kiến thức vệ sinh phòng bệnh rộng rãi trong cha mẹ học sinh và học sinh các cấp.
8. Ngành giao thông vận tải có quy định giảm giá vé tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh đi tham quan, du lịch theo tập thể, hoặc theo giấy giới thiệu của các nhà trường.
9. Các ngành lưu thông phân phối và tài chính ngân hàng tuỳ theo điều kiện vật tư và tài chính cho phép có thể tạo cho học sinh có điều kiện thuận lợi trong hoạt động hè.
10. Tổ chức công đoàn ở các cơ sở và địa phương cần cử cán bộ công đoàn giúp ngành giáo dục tổ chức hoạt động hè cho học sinh.
11. Lực lượng công an, bộ đội có nhiệm vụ giúp đỡ các trường hoặc cử người tham gia tổ chức hoạt động hè, bảo đảm trật tự, an toàn các nơi vui chơi và lao động của học sinh.
Các ngành, các cấp căn cứ chỉ thị này và tuỳ tình hình cụ thể mà có kế hoạch góp phần của mình vào các hoạt động hè của học sinh, bảo đảm cho phần lớn các em được tham gia vào hoạt động ấy một cách có kết quả.
Đặc biệt chú trọng con em các liệt sĩ, thương binh và gia đình có công với cách mạng; con em các đồng chí bộ đội đi xa mà gia đình có khó khăn, con các giáo viên có nhiều đóng góp cho ngành giáo dục; chú trọng các em học sinh xuất sắc, có thành tích tốt trong hoạt động lao động sản xuất và xã hội. Sau mỗi vụ hè cần có tổng kết rút kinh nghiệm để dần dần đưa hoạt động hè vào nền nếp tốt hơn.