Chỉ thị 14/CT-UBND về tăng cường công tác đảm bảo an toàn công trình thủy lợi trong mùa mưa, lũ năm 2016 tỉnh Đồng Nai

Số hiệu 14/CT-UBND
Ngày ban hành 21/04/2016
Ngày có hiệu lực 21/04/2016
Loại văn bản Chỉ thị
Cơ quan ban hành Tỉnh Đồng Nai
Người ký Võ Văn Chánh
Lĩnh vực Xây dựng - Đô thị,Tài nguyên - Môi trường

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH ĐỒNG NAI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 14/CT-UBND

Đồng Nai, ngày 21 tháng 04 năm 2016

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC ĐẢM BẢO AN TOÀN CÔNG TRÌNH THỦY LỢI TRONG MÙA MƯA, LŨ NĂM 2016

Từ cuối năm 2014 đến nay, El Nino đã ảnh hưởng đến nước ta, làm cho nền nhiệt độ tăng cao, thiếu hụt lượng mưa, dòng chảy là nguyên nhân gây ra tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn ở nhiều khu vực, trong đó có tỉnh Đồng Nai.

Theo nhận định của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, hiện tượng El Nino sẽ còn tiếp tục ảnh hưởng, kéo dài đến tháng 6 - 7/2016, nhiệt độ cao nhất khoảng 37,4°C. Hiện tượng nắng nóng sẽ kéo dài, xảy ra gay gắt từ tháng 4 đến nửa đầu tháng 5, nhiệt độ có thể lên đến 39°C. Mưa chuyển mùa xuất hiện khoảng giữa tháng 5/2016, kèm theo gió xoáy, tuy nhiên còn rải rác, mưa nhỏ; tổng lượng mưa tháng 5, 6, 7 dự báo chỉ bằng khoảng 20 - 40% so với trung bình nhiều năm và kết thúc sớm hơn so với cùng kỳ năm 2015. Bão và áp thấp nhiệt đới xuất hiện ở biển Đông khoảng 10 - 12 cơn, ảnh hưởng trực tiếp vào nước ta khoảng 04 - 06 cơn (xấp xỉ trung bình nhiều năm). Sau khi kết thúc El Nino, thời tiết sẽ chuyển về trạng thái cân bằng, sau đó có khả năng chuyển sang La Nina dẫn đến các trận bão, mưa, lũ lụt lớn bất thường sẽ xuất hiện.

Trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, trong năm 2015 trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 08 trận lốc xoáy, 09 đợt mưa lớn gây ngập lụt. Đặc biệt trong những ngày giữa tháng 9/2015, do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 3, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra mưa lớn ở một số địa phương, tại Biên Hòa là 164,9 mm (ngày 08/9/2015); tại Trảng Bom là 179,7 mm (ngày 09/9/2015). Mưa lớn tập trung trong thời gian ngắn đã gây thiệt hại về hoa màu, tài sản, nhà cửa, các công trình giao thông và ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân trên địa bàn tỉnh; thiệt hại do thiên tai gây ra khoảng 91 tỷ đồng.

Thực hiện Chỉ thị số 2569/CT-BNN-TCTL ngày 01/4/2016 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, để đảm bảo an toàn công trình thủy lợi, chủ động phòng, tránh, ứng phó với các diễn biến bất thường của thời tiết, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các ngành, địa phương, đơn vị tập trung thực hiện một số nhiệm vụ chính như sau:

1. Chủ tịch UBND các huyện, thị xã Long Khánh, thành phố Biên Hòa chỉ đạo các ngành, các cấp, đơn vị ở địa phương thực hiện các nội dung sau

a) Tổ chức tổng kết, đánh giá, rút kinh nghiệm công tác đảm bảo an toàn công trình thủy lợi năm 2015, đồng thời xây dựng phương án năm 2016 trên cơ sở dự báo tình hình thời tiết, phù hợp với tình hình thực tế của địa phương, đơn vị. Củng cố, kiện toàn Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các cấp, phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên chịu trách nhiệm điều hành, ứng phó sự cố, đảm bảo an toàn công trình thủy lợi.

b) Rà soát năng lực của đội ngũ quản lý, vận hành công trình thủy lợi, tổ chức đào tạo, tập huấn, nâng cao năng lực, bảo đảm quản lý vận hành công trình an toàn, hiệu quả, đặc biệt khả năng phát hiện, xử lý nhanh, kịp thời sự cố tại các công trình thủy lợi.

c) Tổ chức kiểm tra, đánh giá tổng thể an toàn công trình thủy lợi trên địa bàn trước mùa mưa lũ năm 2016, đặc biệt là các hồ chứa nước, phải kiểm tra hạng mục đầu mối như: Cống, đập, tràn xả lũ, tràn sự cố, để kịp thời phát hiện, sửa chữa các sự cố, hư hỏng. Các công trình thủy lợi phải được sửa chữa, nâng cấp những hạng mục bị hư hỏng, đảm bảo an toàn công trình trong mùa mưa lũ năm 2016. Vận hành thử các trạm bơm tiêu, cửa van, thiết bị phục vụ cho xả lũ của các hồ chứa, bố trí thiết bị dự phòng bảo đảm công trình vận hành bình thường trong mọi điều kiện. Khơi thông kênh thoát lũ sau hồ chứa, hệ thống kênh tiêu để chủ động tiêu úng.

d) Xây dựng phương án phòng, chống lụt, bão cho công trình đầu mối và vùng hạ du các hồ chứa nước theo phương châm “Bốn tại chỗ”, đảm bảo ứng phó kịp thời khi xảy ra thiên tai, sự cố. Kiểm tra công tác dự phòng phương tiện, vật tư phòng sự cố ở các hồ chứa nước, bổ sung đầy đủ số lượng, chất lượng đáp ứng yêu cầu.

đ) Đôn đốc các chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình phục vụ phòng, chống lụt, bão. Hoàn thành thi công công trình hoặc hạng mục công trình chống lũ trước ngày 31/8/2016.

e) Tăng cường kiểm tra việc thực hiện các quy định về quản lý an toàn đập. Trong đó chú ý đến các hồ chứa lớn của tỉnh như: Hồ Trị An, hồ Đa Tôn, hồ Cầu Mới tuyến VI, hồ Sông Mây, hồ Gia Ui.

g) Rà soát quy trình vận hành các công trình thủy lợi, quy trình vận hành điều tiết hồ chứa nước; đề xuất bổ sung, sửa đổi các quy trình không còn phù hợp, trình thẩm định, phê duyệt theo quy định; xây dựng phương án điều tiết nước hồ chứa hợp lý trên cơ sở dự báo khí tượng, thủy văn và tình tình thực tế để có thể tích nước tối đa phục vụ chống hạn, đồng thời đảm bảo an toàn cho công trình và dân cư vùng hạ du; bổ sung phương án ứng phó, di dời dân hạ lưu các hồ chứa vào phương án phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn của các địa phương, đơn vị.

2. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

a) Chủ trì, phối hợp các cơ quan, đơn vị liên quan hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện công tác đảm bảo an toàn công trình thủy lợi, thủy điện trên địa bàn, thường xuyên tổng hợp tình hình, báo cáo UBND tỉnh, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

b) Phối hợp với các cơ quan liên quan theo dõi tình hình khí tượng, thủy văn, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện pháp luật về quản lý an toàn công trình thủy lợi.

c) Kiểm tra, đôn đốc các chủ đầu tư xây dựng phương án và chịu trách nhiệm đảm bảo an toàn các công trình đang thi công trong phạm vi quản lý, tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh, bộ chuyên ngành theo quy định.

d) Đôn đốc các chủ đập thực hiện xây dựng phương án phòng, chống lụt, bão công trình; phương án bảo vệ an toàn đập; phương án phòng, chống lũ lụt vùng hạ du đập; đối với các hồ đập có nguy cơ mất an toàn, các hồ chưa xây dựng được phương án phòng chống lũ lụt vùng hạ du các địa phương, chủ đập thực hiện cắm biển cảnh báo nguy hiểm ngay tại đập, xác định và thông báo cho người dân biết hành lang lũ quét có thể xảy ra.

đ) Kiểm tra, đôn đốc các đơn vị quản lý khai thác công trình thủy lợi thực hiện nghiêm túc các nội dung quy định về quản lý, khai thác và bảo vệ công trình được giao quản lý.

e) Tổng hợp, báo cáo kịp thời UBND tỉnh, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về công tác đảm bảo an toàn cho các công trình thủy lợi trên địa bàn.

3. Đài Khí tượng Thủy văn Đồng Nai: Theo dõi sát diễn biến thời tiết, tăng cường dự báo, nhận định về tình hình khí tượng thủy văn, đặc biệt là tình hình mưa, dòng chảy (kể cả dự báo 10 ngày, tháng, mùa) kịp thời cung cấp thông tin về khí tượng, thủy văn, cho các cơ quan liên quan và các địa phương để chỉ đạo sản xuất phù hợp với điều kiện nguồn nước và chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống lũ, lụt.

4. Sở Công Thương

a) Chỉ đạo Công ty TNHH MTV Điện lực Đồng Nai xây dựng phương án chủ động bảo đảm cung ứng điện cho sản xuất, sinh hoạt trong mùa mưa lũ; ưu tiên bảo đảm cung cấp điện cho các trạm bơm nước tiêu lũ.

b) Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Tài nguyên và Môi trường và các địa phương triển khai phương án phòng chống lũ, lụt hạ du hồ chứa thủy điện Trị An để đảm bảo an toàn cho Nhân dân vùng hạ du.

Các sở, ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã Long Khánh, thành phố Biên Hòa căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao khẩn trương tổ chức triển khai thực hiện các nội dung của Chỉ thị này.

Chỉ thị này có hiệu lực kể từ ngày ký./.

 

[...]