Chỉ thị 04/CT-UBND về tăng cường công tác đảm bảo an toàn công trình thủy lợi trong mùa mưa, lũ năm 2021 do tỉnh Quảng Trị ban hành
Số hiệu | 04/CT-UBND |
Ngày ban hành | 16/04/2021 |
Ngày có hiệu lực | 16/04/2021 |
Loại văn bản | Chỉ thị |
Cơ quan ban hành | Tỉnh Quảng Trị |
Người ký | Võ Văn Hưng |
Lĩnh vực | Tài nguyên - Môi trường |
ỦY BAN NHÂN DÂN |
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 04/CT-UBND |
Quảng Trị, ngày 16 tháng 4 năm 2021 |
CHỈ THỊ
TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC ĐẢM BẢO AN TOÀN CÔNG TRÌNH THỦY LỢI TRONG MÙA MƯA, LŨ NĂM 2021
Theo nhận định của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, hiện tượng La Nina tiếp tục duy trì với xác suất khoảng 95%, sau đó giảm dần và có khả năng chuyển sang trạng thái trung tính vào mùa Hè năm 2021. Từ tháng 6, tháng 7 năm 2021, bão và áp thấp nhiệt đới bắt đầu hoạt động ở vùng biển phía Bắc Biển Đông; các cơn bão có xu hướng di chuyển mạnh hơn, phức tạp hơn; lượng mưa ở hầu hết các khu vực được dự báo bằng hoặc cao hơn trung bình nhiều năm. Trong những năm gần đây do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, thời tiết thường diễn biến bất thường, cực đoan; mưa, lũ xảy ra với cường độ lớn, không theo quy luật, thực tế năm 2020 đã minh chứng điều đó.
Để chủ động ứng phó với các diễn biến bất thường của thời tiết, bảo đảm an toàn công trình thủy lợi và thực hiện Chỉ thị số 1611/CT-BNN-TCTL ngày 22/3/2021 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc tăng cường công tác đảm bảo an toàn công trình thủy lợi trong mùa mưa, lũ năm 2021. Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Trị yêu cầu các đơn vị, địa phương thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm như sau:
1. Tiếp tục tổ chức thực hiện Kế hoạch số 4471/KH-UBND ngày 12/10/2018 của UBND tỉnh ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Chỉ thị số 22/CT-TTg ngày 07/8/2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường quản lý, đảm bảo an toàn hồ chứa nước.
2. Tổ chức tổng kết, đánh giá, rút kinh nghiệm công tác đảm bảo và an toàn công trình thủy lợi năm 2020 (đặc biệt là sau đợt mưa lũ lịch sử) và triển khai kế hoạch thực hiện năm 2021. Thực hiện các nhiệm vụ quản lý nhà nước về an toàn đập, hồ chứa nước thủy lợi theo quy định tại Quyết định số 396/QĐ-UBND ngày 26/02/2019 của UBND tỉnh.
3. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:
- Tăng cường đôn đốc, kiểm tra, hướng dẫn và kiên quyết xử lý đối với các đơn vị, địa phương không thực hiện đầy đủ quy định của pháp luật về quản lý an toàn công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh. Tổng hợp, đề xuất bố trí kinh phí để thực hiện, nhất là các nội dung đã đến hạn hoặc quá hạn (quy trình vận hành hồ chứa nước; hệ thống giám sát vận hành đối với hồ chứa có cửa van điều tiết; quy trình bảo trì; kiểm định an toàn đập ...);
- Hướng dẫn, đôn đốc các đơn vị xây dựng phương án ứng phó thiên tai, phương án ứng phó với tình huống khẩn cấp đối với các công trình, vùng hạ du đập để trình cấp có thẩm quyền xem xét, phê duyệt và tổ chức thực hiện; kiểm tra việc tổ chức diễn tập phương án ứng phó với tình huống khẩn cấp, đặc biệt là các hồ chứa nước xung yếu, có nguy cơ mất an toàn cao và hồ chứa có vùng hạ du tập trung đông dân cư;
- Tham mưu hoàn thiện việc thành lập Hội đồng Tư vấn đánh giá an toàn đập, hồ chứa thủy lợi để đánh giá mức độ an toàn đập, hồ chứa trên địa bàn và quyết định việc tích nước các hồ chứa nước thuộc trách nhiệm quản lý;
- Tổ chức kiểm tra, xử lý vi phạm về quản lý chất lượng công trình xây dựng đối với hoạt động đầu tư xây dựng, sửa chữa, nâng cấp các công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh; đôn đốc các chủ đầu tư xây dựng phương án và chịu trách nhiệm đảm bảo an toàn công trình trong mùa mưa lũ.
4. Công ty TNHH MTV Quản lý khai thác công trình thủy lợi Quảng Trị và UBND các huyện, thị xã, thành phố:
- Tăng cường công tác thông tin, truyền thông, phổ biến chính sách, pháp luật về thủy lợi nhằm nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác, bảo đảm an toàn công trình, nâng cao nhận thức, năng lực ứng phó của người dân ở vùng hạ du đập; tuyên truyền, vận động người dân tham gia bảo vệ công trình thủy lợi;
- Tổ chức tập huấn nâng cao năng lực cho lực lượng quản lý, vận hành công trình; thường xuyên kiểm tra an toàn trong quá trình vận hành, nhất là trước, trong và sau mùa mưa lũ nhằm phát hiện sớm nguy cơ mất an toàn công trình để có biện pháp xử lý kịp thời, tránh xảy ra sự cố;
- Thường xuyên kiểm tra, xử lý vi phạm về quản lý chất lượng công trình xây dựng đối với hoạt động đầu tư xây dựng, sửa chữa, nâng cấp các công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh; đôn đốc các chủ đầu tư thi công công trình đảm bảo tiến độ vượt lũ và chống lũ an toàn; xây dựng phương án và chịu trách nhiệm đảm bảo an toàn công trình trong mùa mưa lũ;
- Tiến hành kiểm tra đánh giá hiện trạng công trình trước, trong và sau mùa mưa, lũ; bố trí lực lượng đủ năng lực chuyên môn để quản lý, vận hành công trình thủy lợi; thường xuyên theo dõi, nắm bắt dự báo thời tiết để phục vụ quản lý vận hành công trình đảm bảo an toàn; thường xuyên trực ban và giám sát an toàn công trình nhằm phát hiện và xử lý kịp thời các nguy cơ xảy ra sự cố công trình. Thực hiện giải tỏa vật cản, phát quang phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi, nhất là tại các đường tràn xả lũ; phát hiện, có biện pháp ngăn chặn kịp thời và kiến nghị biện pháp xử lý các hành vi vi phạm pháp luật trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi;
- Kiểm tra, vận hành thử các trạm bơm tiêu, cửa van, thiết bị phục vụ xả lũ và vật tư, thiết bị phục vụ công tác phòng, chống lụt, bão; trường hợp vật tư, thiết bị bị hư hỏng không đảm bảo an toàn, báo cáo cấp có thẩm quyền để có phương án xử lý kịp thời. Nạo vét, khơi thông hệ thống kênh tiêu để chủ động tiêu úng, thoát lũ;
- Đối với đập, hồ chứa nước có cửa van điều tiết lũ các chủ đập phải quan trắc 4 lần/ngày và tính toán lưu lượng đến hồ để chủ động trong công tác quản lý, vận hành. Cập nhật thông tin vận hành hồ chứa tối thiểu 2 lần/ngày khi không có mưa, lũ và 4 lần/ngày khi có mưa, lũ (trong trường hợp mực nước hồ cao hơn mực nước thiết kế phải quan trắc tối thiểu 1 lần/giờ) lên trang thông tin điện tử của Tổng cục Thủy lợi (địa chỉ: www.thuyloivietnam.vn) và chính quyền các cấp vùng hạ du công trình;
- Tổ chức kiểm tra, kiểm định, đánh giá an toàn công trình thủy lợi thuộc phạm vi, địa bàn quản lý. Trên cơ sở đó, lập danh mục các công trình hư hỏng, xuống cấp để chủ động: xây dựng phương án bảo đảm an toàn cho công trình và dân cư vùng hạ du; đối với các hồ chứa có nguy cơ mất an toàn phải xây dựng phương án tích nước hợp lý, tuyệt đối không tích nước đối với các hồ chứa không đảm bảo an toàn;
- Tiến hành rà soát công năng, nhiệm vụ và đánh giá hiệu quả khai thác tổng hợp, đảm bảo an toàn công trình, vùng hạ du đập, hồ chứa thủy lợi, báo cáo gửi về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trước ngày 20/9/2021.
5. Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh: Tăng cường năng lực cảnh báo, dự báo khí tượng thủy văn để phục vụ công tác chỉ đạo, vận hành hồ chứa nhằm bảo đảm an toàn công trình và vùng hạ du.
6. Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh, Báo Quảng Trị: Tăng cường công tác truyền thông để kịp thời thông tin về tình hình khí tượng thủy văn, tình hình mưa lũ và các văn bản quy phạm pháp luật về đảm bảo an toàn công trình thủy lợi nhằm nâng cao ý thức tham gia bảo vệ công trình của người dân.
7. Giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các đơn vị, địa phương liên quan kiểm tra việc thực hiện Chỉ thị này; tổng hợp kết quả kiểm tra công trình trước mùa mưa bão, báo cáo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và UBND tỉnh theo quy định.
UBND tỉnh yêu cầu các đơn vị, địa phương liên quan nghiêm túc thực hiện Chỉ thị này./.
|
TM. ỦY BAN NHÂN
DÂN |