Chỉ thị 132-TTg năm 1969 về việc cải tiến chế độ thu tài chính và chế độ phân phối lợi nhuận xí nghiệp quốc doanh trong ngành nội thương do Thủ tướng Chính phủ ban hành

Số hiệu 132-TTg
Ngày ban hành 04/12/1969
Ngày có hiệu lực 19/12/1969
Loại văn bản Chỉ thị
Cơ quan ban hành Thủ tướng Chính phủ
Người ký Đỗ Mười
Lĩnh vực Doanh nghiệp,Kế toán - Kiểm toán

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HOÀ
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 132-TTg

Hà Nội, ngày 04 tháng 12 năm 1969 

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC CẢI TIẾN CHẾ ĐỘ THU TÀI CHÍNH VÀ CHẾ ĐỘ PHÂN PHỐI LỢI NHUẬN XÍ NGHIỆP QUỐC DOANH TRONG NGÀNH NỘI THƯƠNG

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Sau một thời gian làm thí điểm, Hội đồng Chính phủ đã ban hành “Điều lệ tạm thời về chế độ thu tài chính và chế độ phân phối lợi nhuận xí nghiệp quốc doanh trong ngành nội thương và quyết định cho thi hành trong toàn ngành nội thương bắt đầu từ 01-01-1970.

Đồng thời với việc phân cấp quản lý kinh tế và tài chính cho các tỉnh, thành phố, việc cải tiến chế độ thu tài chính và chế độ phân phối lợi nhuận xí nghiệp trong ngành nội thương là một biện pháp quan trọng để vừa phục vụ, thúc đẩy việc mở rộng kinh doanh và cải tiến quản lý xí nghiệp thương nghiệp một cách toàn diện, vừa tăng cường quản lý tài chính và tăng thu cho tài chính Nhà nước. Nó là một bộ phận của việc cải tiến quản lý kinh doanh thương nghiệp, cho nên nó có liên quan mật thiết với các mặt công tác khác của ngành nội thương, của mỗi xí nghiệp thương nghiệp, cũng như liên quan mật thiết với các mặt công tác kinh tế - tài chính khác của Nhà nước, như công tác kế hoạch hoá, quản lý giá cả, tài chính và ngân hàng…

Để đảm bảo cho việc thực hiện điều lệ mới đem lại những kết quả thiết thực về các mặt kinh tế và tài chính như đề ra trong bản điều lệ, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, các ngành, các Uỷ ban hành chính địa phương, trên cơ sở thông suốt ý nghĩa, mục đích của chế độ tài chính mới, và trong việc thực hiện chế độ này, ra sức đẩy mạnh cải tiến quản lý của ngành nội thương, cũng như đẩy mạnh cải tiến công tác các ngành khác. Đặc biệt cần chú trọng thực hiện những việc sau đây:

Bộ Nội thương cần tăng cường công tác kế hoạch hoá nhằm khai thác mọi khả năng mở rộng kinh doanh, phục vụ sản xuất và đời sống tốt hơn; phải tính toán kế hoạch cân đối vững chắc và toàn diện hơn, kế hoạch phải được xây dựng từ dưới lên, bảo đảm quyền hạn và trách nhiệm của các tổ chức kinh doanh cơ sở và của chính quyền địa phương.

Chế độ kế toán, tài vụ, hạch toán phí lưu thông… phải được bổ sung cho phù hợp với chế độ thu tài chính và chế độ phân phối lợi nhuận mới, phù hợp với yêu cầu cải tiến, tăng cường quản lý.

Phải soát lại bộ máy tổ chức của ngành nội thương ở tất cả các cấp (đối với bộ máy ở các địa phương cần hướng dẫn các Uỷ ban hành chính tỉnh, thành phố) nhằm hợp lý hoá tổ chức bộ máy, mạng lưới kinh doanh, căn cứ vào đặc điểm khác nhau của các ngành kinh doanh mà xác định tổ chức, tránh tổ chức bộ máy kinh doanh theo lối tổ chức bộ máy hành chính, bộ máy cồng kềnh; chú ý giảm các bộ phận gián tiếp, tăng cường các bộ phận kinh doanh trực tiếp để mở rộng mạng lưới bán hàng và ăn uống, phục vụ.

Xác định rõ quyền hạn, nhiệm vụ của đơn vị kinh doanh cơ sở và tăng cường thêm một bước chế độ hạch toán kinh tế trong các đơn vị kinh doanh cơ sở và trong ngành nội thương.

Phân công, phân cấp quản lý giá cho hợp với đặc điểm hoạt động mua, bán các loại hàng khác nhau: hàng mau hỏng, hàng thời vụ, hàng mua theo cân bán theo mớ, hàng mất phẩm chất…

Cải tiến quan hệ hợp đồng kinh tế trong ngành và giữa các đơn vị nội thương và các đơn vị, các ngành khác. Trước mắt phải ra sức giải phóng các hàng hoá được xác định là ứ đọng, kém hoặc mất phẩm chất; về mặt tài chính thì giải quyết theo hướng sau: nếu do chủ quan ngành hay xí nghiệp thương nghiệp gây ra thì  phần lỗ phải tính trừ vào lợi nhuận xí nghiệp; nếu do các ngành khác gây ra thì các ngành bồi thường theo hợp đồng kinh tế; nếu do khách quan gây ra, không thể khắc phục được thì ngân sách Nhà nước xét cấp bù.

Nhà nước định mức chiết khấu thương nghiệp đối với hoạt động lưu thông thuần tuý cho toàn ngành nội thương trong năm 1970 là 9,5% (bao gồm định mức phí lưu thông thuần tuý của hệ thống thương nghiệp quốc doanh là 7,9%; định mức hoa hồng dành cho hợp tác xã mua bán xã đại lý bán hàng công nghiệp là 1%; lợi nhuận định mức của xí nghiệp thương nghiệp đối với hoạt động lưu thông thuần tuý là 0,6%). Bộ Nội thương căn cứ định mức trên đây phân phối cụ thể chiết khấu thương nghiệp cho các loại hoạt động khác nhau trong ngành nội thương (kinh doanh hàng công nghiệp, thu mua hàng nông sản, thực phẩm,…) cũng như cho cấp I, và chỉ đạo việc phân phối định mức chiết khấu thương nghiệp ở cấp II bán buôn, bán lẻ, nhằm bảo đảm không vượt định mức chung Nhà nước đã ấn định.

Bộ Tài chính Ngân hàng Nhà nước cùng Bộ Nội thương hướng dẫn các Uỷ ban hành chính địa phương, các cơ quan tài chính, các tổ chức thương nghiệp áp dụng các chế độ tài chính mới trong thương nghiệp.

Bộ Tài chính cần tính toán việc thực hiện kịp cho ngân sách 1970 việc ngân sách trung ương cho ngân sách địa phương một tỷ lệ (4%) tính vào doanh số cấp II mua hàng công nghiệp của cấp I.

Để khuyến khích các địa phương đẩy mạnh sản xuất hàng nông, lâm, thổ, hải sản và thực phẩm, tăng cường thu mua, cung cấp nhiều hàng cho trung ương và cho xuất khẩu, đồng thời tăng nguồn thu cho ngân sách địa phương theo đúng chế độ phân cấp quản lý tài chính, Bộ Tài chính phải nghiên cứu để có thể bắt đầu thi hành cho năm 1970, việc sửa đổi giá giao hàng của các công ty thu mua cấp II cho các công ty cấp I, công ty ngoại thương, xí nghiệp sản xuất,v.v… Giá giao hàng này, ngoài việc bảo đảm cho công ty thu mua bù đắp đủ giá thu mua, phí thu mua và lợi nhuận thu mua định mức, còn bao gồm một phần thu cho ngân sách địa phương sản xuất.

Bộ Tài chính cần phối hợp với Bộ Nội thương và Ngân hàng Nhà nước tính toán lại định mức vốn lưu động, sắp xếp lại việc cấp phát và cho vay vốn cho khớp với nhu cầu mới. Trước mắt, trong khi chưa thay đổi tỷ lệ vốn lưu động định mức do ngân sách Nhà nước cấp cũng như do Ngân hàng Nhà nước cho vay, sẽ giải quyết nhu cầu vốn lưu động của ngành nội thương trên tinh thần; ngân sách Nhà nước không dùng số tiền chênh lệch giữa trị giá hàng tồn kho mới và cũ vào việc nào khác là trang trải vốn cho thương nghiệp, bao gồm cả việc hỗ trợ vốn cho vay ngắn hạn cho Ngân hàng Nhà nước:

- Ở cấp II, số chênh lệch giữa trị giá mới và cũ của hàng tồn kho, được dùng cho ngân sách để cấp đủ 30% vốn lưu động định mức (không kể vốn dự trữ đặc biệt), nếu thiếu thì ngân sách cấp thêm, thừa thì chuyển về cho Bộ Nội thương;

- Ở cấp I, Bộ Nội thương dùng số chênh lệch giữa trị giá mới và cũ của hàng tồn kho cấp I và số tiền cấp II chuyển về (nói ở trên) để bổ sung vốn lưu động cho cấp I.

Các cơ quan tài chính có trách nhiệm đôn đốc, kiểm tra việc nộp ngân sách đủ và đúng hạn, các khoản xí nghiệp thương nghiệp phải nộp, và thông qua công tác thu, cũng như công tác cấp phát, mà giám đốc tài chính đối với các xí nghiệp thương nghiệp. Cần cử cán bộ chuyên trách quản lý thucác xí nghiệp thương nghiệp.

Các cơ quan Ngân hàng Nhà nước cần cải tiến, làm tốt công tác cho vay thương nghiệp, thanh toán, chuyển tiền, khắc phục tình trạng chậm trễ trong việc chuyển tiền, thiết thực giúp các xí nghiệp thương nghiệp mở rộng kinh doanh, hoàn thành nhiệm vụ tích luỹ vốn cho ngân sách Nhà nước; tăng cường kiểm soát bằng đồng tiền đối với các xí nghiệp thương nghiệp.

Ủy ban Vật giá Nhà nước cần phối hợp với Bộ Tài chính và Bộ Nội thương chỉ đạo việc điều chỉnh hệ thống giá bán buôn thương nghiệp.

Ủy ban Kế hoạch Nhà nước cần phối hợp với Bộ Nội thương cải tiến một bước việc kế hoạch hoá hoạt động nội thương; cải tiến việc giao các chỉ tiêu kế hoạch kinh doanh có liên quan đến việc xác định các chỉ tiêu thu, chi ngân sách, trích lập các quỹ của xí nghiệp; cải tiến các chỉ tiêu pháp lệnh của Nhà nước giao cho các đơn vị kinh doanh lưu thông thương nghiệp theo hướng sau:

- Tổng giá trị hàng hoá mua vào, bán ra;

- Số lượng những mặt hàng chủ yếu mua vào, bán ra;

- Tổng quỹ tiền lương;

- Tổng số tiền nộp ngân sách;

- Vốn xây dựng cơ bản do ngân sách cấp phát và thời hạn hoàn chỉnh công trình.

Các Bộ, các ngành và các đơn vị xí nghiệp, cơ quan thuộc các Bộ, các ngành,  trong quan hệ giao dịch với các xí nghiệp thương nghiệp, phải tăng cường hợp tác xã hội chủ nghĩa và ký kết hợp đồng mua bán với thương nghiệp và hợp đồng vận chuyển, bốc dỡ; có trách nhiệm thanh toán tiền hàng đủ và đúng hạn, theo giá giao dịch mới.

Các Bộ Công nghiệp, Ngoại thương, Vật tư, trong quan hệ mua bán với các xí nghiệp thương nghiệp, trên cơ sở giá giao dịch mới, có trách nhiệm cùng Bộ Tài chính chỉ đạo các xí nghiệp cơ sở thuộc phạm vi phụ trách nộp đủ cho ngân sách Nhà nước số tích luỹ tài chính trước đây nằm ở khâu lưu thông nay chuyển sang khâu sản xuất.

Bộ Tài chính có trách nhiệm quy định biện pháp cụ thể việc nộp số tích luỹ tài chính nói trên ở khâu xí nghiệp sản xuất.

Tổng công đoàn Việt Nam, phối hợp với Bộ Nội thương, hướng dẫn, kiểm tra việc sử dụng các quỹ phúc lợi và khen thưởng.

Uỷ ban hành chính các tỉnh, thành phố, có nhiệm vụ chỉ đạo, phối hợp các ngành thương nghiệp, tài chính, vật giá, kế hoạch Nhà nước trong địa phương thực hiện tốt các chế độ tài chính mới trong ngành thương nghiệp quốc doanh, kết hợp việc chỉ đạo thực hiện các chế độ này với việc chỉ đạo cải tiến và phát triển mọi mặt hoạt động kinh doanh, tổ chức quản lý cũng như tổ chức bộ máy kinh doanh của ngành nội thương ở địa phương.

Uỷ ban hành chính cần dành cho việc chuẩn bị thực hiện và chỉ đạo thực hiện các chế độ mới này một vị trí thích đáng trong chương trình công tác của mình.

Các xí nghiệp thương nghiệp quốc doanh, ở trung ương cũng như ở các địa phương, có trách nhiệm thi hành nghiêm chỉnh các chế độ thu tài chính và chế độ phân phối lợi nhuận xí nghiệp, xem đây là một biện pháp tốt để đẩy mạnh quản lý xí nghiệp. Phải ra sức cải tiến quản lý kinh doanh, chấn chỉnh công tác kế toán, tài vụ, hạch toán phí lưu thông – là những tiền đề không thể thiếu được để thực hiện tốt các chế độ mới. Phải làm đầy đủ nghĩa vụ thu nộp cho ngân sách Nhà nước, trích lập và sử dụng các quỹ của xí nghiệp theo đúng như chế độ đã quy định. Phải tạo mọi điều kiện cần thiết cho cơ quan tài chính và cơ quan Ngân hàng Nhà nước thực hiện nhiệm vụ giám đốc tài chính đối với xí nghiệp.

Đối với mỗi xí nghiệp thương nghiệp, việc thi hành các chế độ tài chính mới phải đem lại kết quả cuối cùng là tăng cường hạch toán kinh tế trong đơn vị, thúc đẩy mạnh mẽ cải tiến và mở rộng kinh doanh, tăng năng suất lao động, ra sức tiết kiệm, hạ phí lưu thông, chống lãng phí, tham ô, để tăng thu cho ngân sách Nhà nước, tăng thu nhập cho xí nghiệp và cải thiện đời sống của công nhân, viên chức xí nghiệp và ngành nội thương.

 

 

K.T. THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
PHÓ THỦ TƯỚNG
 


 
Đỗ Mười

 

2
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ