Chủ nhật, Ngày 27/10/2024

Chỉ thị 12/CT-UBND về tăng cường công tác phòng, chống lụt, bão, giảm nhẹ thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2008 do Tỉnh Tiền Giang ban hành

Số hiệu 12/CT-UBND
Ngày ban hành 05/05/2008
Ngày có hiệu lực 05/05/2008
Loại văn bản Chỉ thị
Cơ quan ban hành Tỉnh Tiền Giang
Người ký Nguyễn Văn Phòng
Lĩnh vực Bộ máy hành chính,Tài nguyên - Môi trường,Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH TIỀN GIANG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 12/CT-UBND

Mỹ Tho, ngày 05 tháng 5 năm 2008

 

CHỈ THỊ

VỀ TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG LỤT, BÃO, GIẢM NHẸ THIÊN TAI VÀ TÌM KIẾM CỨU NẠN NĂM 2008

Tình hình thời tiết trong những năm gần đây có nhiều diễn biến phức tạp, bất thường và không thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt.

Căn cứ vào Chỉ thị số 08/2008/CT-TTg ngày 26 tháng 02 năm 2008 của Thủ tướng Chính phủ về công tác phòng, chống thiên tai, lụt, bão và tìm kiếm cứu nạn năm 2008; để chủ động trong công tác phòng, chống lụt, bão, giảm nhẹ thiên tai và tìm kiếm cứu nạn nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản do thiên tai gây ra trong năm 2008, góp phần ổn định xã hội và thực hiện thành công nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội năm 2008, Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ thị:

1. Các ngành, các cấp tổ chức thực hiện nghiêm và có hiệu quả các nhiệm vụ được giao tại Nghị định số 08/2006/NĐ-CP ngày 16 tháng 01 năm 2006 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Phòng, chống lụt, bão đã được sửa đổi, bổ sung ngày 24 tháng 8 năm 2000; Quyết định số 172/2007/QĐ-TTg ngày 16 tháng 11 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt chiến lược Quốc gia phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai đến năm2020; Chỉ thị số 08/2008/CT-TTg ngày 26 tháng 02 năm 2008 của Thủ tướngChính phủ về công tác phòng, chống thiên tai, lụt, bão và tìm kiếm cứu nạn năm 2008, trong đó tập trung một số nội dung:

- Quán triệt trong nội bộ và tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân về diễn biến phức tạp của thời tiết để chủ động đề phòng với tinh thần cảnh giác cao; chuẩn bị các biện pháp tích cực, có tính khả thi cao để phòng, chống hạn, mặn, bão, lũ, lụt trong năm 2008.

- Tổ chức tổng kết, đánh giá, rút kinh nghiệm về công tác phòng, chống thiên tai, lụt, bão năm 2007, phát huy những việc làm tốt mang lại hiệu quả thiết thực; đồng thời làm rõ nguyên nhân những mặt còn hạn chế, yếu kém để có biện pháp, giải pháp khắc phục ngay trước mùa mưa bão năm 2008; xây dựng kế hoạch phòng, chống lụt, bão, giảm nhẹ thiên tai năm 2008 và các biện pháp tổ chức thực hiện cụ thể theo từng ngành và địa phương. Xác định phòng, chống thiên tai là nhiệm vụ thường xuyên, là nội dung quan trọng lồng ghép trong nội dung các đề án, dự án và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tất cả các ngành, lĩnh vực và địa phương mình.

 

- Củng cố, kiện toàn Ban Chỉ huy phòng, chống lụt, bão, tìm kiếm cứu nạn các ngành, các cấp. Tổ chức bổ túc kiến thức, kinh nghiệm về phòng, chống thiên tai cho các cán bộ mới được bổ nhiệm phụ trách lĩnh vực này.

- Xây dựng và tổ chức diễn tập các phương án phòng, chống lụt, bão, thiên tai trên cơ sở quán triệt phương châm “4 tại chỗ” (chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ và hậu cần tại chỗ) và chủ động phòng tránh, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và có hiệu quả.

- Có phương án đảm bảo dự báo, cảnh báo và mạng lưới thông tin liên lạc chính xác, kịp thời trong mọi tình huống đến tận người dân; đặc biệt đối với tàu thuyền khai thác thủy sản ngoài khơi để phòng, tránh thiên tai một cách hiệu quả. Thực hiện nghiêm túc chế độ trực ban của Ban Chỉ huy phòng, chống lụt, bão và tìm kiếm cứu nạn các ngành, các cấp trong mùa mưa, bão.

- Tổ chức tuyên truyền, phổ biến cho mọi người dân, nhất là nhân dân ở các xã cù lao, vùng ven biển, các xã trong vùng ngập sâu và ngư dân am hiểu những kiến thức cơ bản về phòng, chống các dạng thiên tai, cách tiếp nhận thông tin về diễn biến thời tiết trên các phương tiện thông tin đại chúng để nhân dân biết chủ động phòng, chống khi có tình huống xấu xảy ra.

- Kiểm tra, đánh giá chất lượng từng tuyến đê, huy động mọi nguồn lực để tiến hành duy tu, sửa chữa, gia cố đê biển, đê sông, bờ bao ngăn lũ, đặc biệt là các đoạn đê xung yếu. Đồng thời đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình thủy lợi nội đồng, các công trình đầu mối, đảm bảo khai thông dòng chảy, đủ nước bơm tưới khi khô hạn và tiêu thoát lũ nhanh khi ngập úng.

2. Trách nhiệm của các ngành, các cấp

a) Ban Chỉ huy phòng, chống lụt, bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh

- Phối hợp với các sở, ngành tỉnh, huyện, thành phố Mỹ Tho, thị xã Gò Công củng cố, hoàn thiện phương án phòng chống lụt, bão giảm nhẹ thiên tai cụ thể và phù hợp với đặc điểm của từng vùng, từng địa phương. Phân công trách nhiệm, phân cấp quản lý về công tác phòng, chống lụt, bão và tìm kiếm cứu nạn cho cấp huyện, xã và các cơ quan đơn vị. Tổ chức tập huấn về kỹ thuật chuyên môn phòng, chống thiên tai lụt, bão; chủ động đề xuất với Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định những việc cần thiết, cấp bách nhằm nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống thiên tai, lụt, bão.

- Chủ trì, tham mưu, giúp Ủy ban nhân dân tỉnh điều hành, xử lý kịp thời và có hiệu quả trong việc đối phó với thiên tai; theo dõi, kiểm tra, đôn đốc các ngành, các địa phương thực hiện tốt công tác phòng, chống, lụt bão giảm nhẹ thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2008.

b) Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

- Chỉ đạo Chi cục Thủy lợi phối hợp với Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Tiền Giang, Công ty trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Khai thác công trình thủy lợi Tiền Giang thường xuyên theo dõi diễn biến hạn, mặn, lũ, lụt, bão, áp thấp nhiệt đới v.v.. thông báo kịp thời cho nhân dân biết để chủ động ngăn mặn, trữ ngọt, phòng tránh, đảm bảo sản xuất và phục vụ cho nhu cầu dân sinh.

- Chủ trì và phối hợp với các sở, ngành liên quan và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố Mỹ Tho, thị xã Gò Công:

+ Tổ chức kiểm tra đánh giá chất lượng từng tuyến đê, xây dựng kế hoạch huy động mọi nguồn lực để tiến hành tu sửa, gia cố đê biển, đê sông, bờ bao ngăn lũ, đặc biệt là các đoạn đê xung yếu, đoạn hở, sạt lở. Rà soát lại các phương án cứu hộ đê cho từng tuyến, đặc biệt là đoạn xung yếu trên đê biển Gò Công. Xây dựng phương án bảo vệ và phát triển rừng phòng hộ đê biển Gò Công gắn liền với việc bảo vệ các tuyến đê biển, đê cửa sông ở các huyện phía Đông.

+ Hướng dẫn những địa phương thường xuyên chịu ảnh hưởng của thiên tai chủ động thực hiện lịch thời vụ và cơ cấu cây trồng phù hợp với điều kiện thời tiết, chuẩn bị các điều kiện cần thiết về giống, vật tư, phân bón… phục vụ gieo trồng các loại rau màu, cây lương thực ngắn ngày để chuyển đổi cơ cấu cây trồng, không để nhân dân bị thiệt hại về sản xuất do ảnh hưởng của thiên tai.

+ Xây dựng các phương án và biện pháp đối phó với hạn cục bộ và lũ lớn có thể xảy ra để chủ động bảo vệ sản xuất và các khu dân cư tập trung.

+ Tổ chức hội thảo, tập huấn cho nông dân hiểu biết về kỹ thuật chăm sóc lúa, màu, cây ăn trái trong điều kiện thời tiết không thuận lợi. Sắp xếp lịch gieo sạ lúa theo hướng né rầy đồng loạt, thời vụ ở các huyện phía Tây đảm bảo cho thu hoạch lúa Hè thu trước 05/9/2008, ở các huyện phía Đông thu hoạch Đông xuân 2008-2009 trước 15/3/2009. Tổ chức tiêm phòng gia súc, gia cầm phòng ngừa các dịch bệnh có thể xảy ra vào cuối mùa khô và trong mùa mưa, bão.

- Tổ chức quản lý chặt chẽ số lượng tàu thuyền và ngư dân hoạt động trên biển, đặc biệt là khi có thiên tai xảy ra; thực hiện đăng ký, đăng kiểm tàu thuyền đánh bắt hải sản theo phân cấp; tiếp tục triển khai thực hiện Chỉ thị số 22/2006/CT-TTg ngày 30/6/2006 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác đảm bảo an toàn cho hoạt động đánh bắt hải sản trên các vùng biển, đặc biệt là đánh bắt xa bờ.

- Phối hợp các ngành, các cấp có liên quan hướng dẫn ngư dân am hiểu những kiến thức về cách phòng chống lụt, bão, áp thấp nhiệt đới; nhận biết những tín hiệu thông tin liên lạc khi có bão, tai nạn; am hiểu những kiến thức về sử dụng các thiết bị an toàn, cách phòng tránh bão, cấp cứu trên biển... chủ động hỗ trợ giúp đỡ nhau trong việc cứu hộ, cứu nạn khi gặp thiên tai. Tổ chức thực hiện nghiêm túc các quy định đảm bảo an toàn cho người và phương tiện nghề cá hoạt động trên biển. Phối hợp với các Công ty Bảo hiểm kiểm tra và yêu cầu các chủ phương tiện tàu cá thực hiện các hình thức bảo hiểm cần thiết.

- Phối hợp với các ban, ngành liên quan như Bộ đội Biên phòng, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh và các phương tiện thông tin khác đảm bảo thông tin liên lạc cho các tàu thuyền hoạt động trên biển. Tổ chức các khu né bão cho các phương tiện đánh bắt thủy sản neo đậu, ở các huyện phía Đông. Phối hợp với Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố Mỹ Tho, thị xã Gò Công chỉ đạo việc bảo vệ tốt diện tích nuôi trồng thủy sản và các bè cá, đăng quầng trên sông.

- Phối hợp với Bộ đội Biên phòng, Cảng vụ Mỹ Tho và các tỉnh bạn tổ chức tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn người và phương tiện nghề cá hoạt động trên sông, biển khi có tình huống xấu xảy ra; thực hiện tốt Quyết định số 103/QĐ- TTg ngày 12/7/2007 của Thủ tướng Chính phủ ban hành quy chế phối hợp tìm kiếm cứu nạn trên biển.

[...]