Chủ nhật, Ngày 27/10/2024

Chỉ thị 09/CT-UBND tăng cường công tác phòng, chống lụt, bão, giảm nhẹ thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2014 trên địa bàn tỉnh Tiền Giang

Số hiệu 09/CT-UBND
Ngày ban hành 10/04/2014
Ngày có hiệu lực 10/04/2014
Loại văn bản Chỉ thị
Cơ quan ban hành Tỉnh Tiền Giang
Người ký Nguyễn Văn Khang
Lĩnh vực Bộ máy hành chính,Tài nguyên - Môi trường,Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH TIỀN GIANG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 09/CT-UBND

 Tiền Giang, ngày 10 tháng 4 năm 2014

 

CHỈ THỊ

VỀ TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG LỤT, BÃO, GIẢM NHẸ THIÊN TAI VÀ TÌM KIẾM CỨU NẠN NĂM 2014 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH TIỀN GIANG

Do tình hình thời tiết, khí tượng, thủy văn diễn biến bất thường và ngày càng phức tạp, hiện tượng biến đổi khí hậu toàn cầu đã và đang tác động tiêu cực đến nước ta. Dự báo tình hình khí tượng, thủy văn, thời tiết nguy hiểm, nhất là các loại thiên tai như bão, áp thấp nhiệt đới, mưa lớn, triều cường, lốc xoáy, sạt lở, hạn hán, xâm nhập mặn, dư chấn của động đất… năm 2014 sẽ tiếp tục có những diễn biến phức tạp, khó lường.

Để chủ động phòng, chống, ứng phó kịp thời và có hiệu quả, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ kinh tế - xã hội năm 2014 của tỉnh, Ủy ban nhân dân tỉnh Chỉ thị:

1. Các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh và Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố, các xã, phường, thị trấn:

a) Tổ chức tổng kết, đánh giá, rút kinh nghiệm về công tác chỉ đạo, điều hành phòng, chống, ứng phó thiên tai, tìm kiếm cứu nạn năm 2013 đề ra phương hướng, nhiệm vụ, kế hoạch năm 2014 sát với tình hình thực tế địa phương, đơn vị mình; phát huy những ưu điểm, những chương trình, dự án, công việc mang lại hiệu quả thiết thực; đồng thời làm rõ nguyên nhân những mặt còn hạn chế, yếu kém để có biện pháp chấn chỉnh, khắc phục. Chú trọng nâng cao năng lực điều hành, chỉ huy, thực hiện các biện pháp phòng, chống, ứng phó thiên tai ngay tại cơ sở, nhất là các địa bàn xung yếu.

b) Củng cố, kiện toàn về mặt tổ chức và sửa đổi, bổ sung quy chế hoạt động, bổ sung phương án ứng phó của Ban Chỉ huy phòng, chống lụt, bão và tìm kiếm cứu nạn các cấp, các ngành; nâng cao vai trò, trách nhiệm của các thành viên Ban Chỉ huy để tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương, thủ trưởng đơn vị kịp thời chỉ đạo, triển khai các biện pháp phòng, tránh, ứng phó có hiệu quả trước, trong và sau khi thiên tai xảy ra.

c) Tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm và có hiệu quả các nhiệm vụ được giao tại Nghị định số 08/2006/NĐ-CP ngày 16/01/2006 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Phòng, chống lụt, bão đã được sửa đổi, bổ sung ngày 24/08/2000; Quyết định số 46/2006/QĐ-TTg ngày 28/02/2006 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Quy hoạch tổng thể lĩnh vực tìm kiếm cứu nạn đến năm 2015, tầm nhìn đến năm 2020; Kế hoạch số 125/KH-UBND ngày 14/10/2008 của Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang về thực hiện Chiến lược Quốc gia phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai đến năm 2020 trên địa bàn tỉnh Tiền Giang; Kế hoạch số 39/KH-UBND ngày 29/3/2010 của Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang về thực hiện Đề án “Nâng cao nhận thức cộng đồng và quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng” trên địa bàn tỉnh Tiền Giang đến năm 2020.

d) Tổ chức diễn tập các phương án phòng, chống lụt, bão, thiên tai trên cơ sở quán triệt phương châm “bốn tại chỗ” (chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ và hậu cần tại chỗ) và chủ động phòng, tránh, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và có hiệu quả.

đ) Quán triệt trong nội bộ và tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân nhất là nhân dân ở các xã cù lao, vùng ven biển, các xã trong vùng ngập sâu và ngư dân về diễn biến phức tạp của thời tiết, khí hậu, những kiến thức cơ bản về phòng, chống các dạng thiên tai theo từng đối tượng cụ thể để nhân dân biết chủ động phòng, chống khi có tình huống xấu xảy ra.

e) Rà soát cập nhật, xác định những khu vực nguy hiểm khi xảy ra thiên tai trên địa bàn để chủ động di dời dân ra khỏi khu vực nguy hiểm; xây dựng phương án cụ thể và sẵn sàng thực hiện sơ tán khi cần thiết. Kiểm tra lực lượng, phương tiện, vật tư, kinh phí để thực hiện tốt phương châm “bốn tại chỗ”; chủ động dự trữ lương thực, thuốc men, nhu yếu phẩm; bố trí thiết bị, phương tiện cứu nạn tại chỗ, vật tư và kinh phí dự phòng đến cấp cơ sở.

g) Kiểm tra, đánh giá chất lượng từng tuyến đê, huy động mọi nguồn lực để tiến hành duy tu, sửa chữa, gia cố đê biển, đê sông, đê bao ngăn lũ, đặc biệt là các đoạn đê xung yếu. Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình thủy lợi nội đồng, các công trình đầu mối, đảm bảo khai thông dòng chảy, đủ nước bơm tưới khi khô hạn và tiêu thoát lũ nhanh khi ngập úng.

2. Ban Chỉ huy phòng, chống lụt, bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh:

a) Xây dựng cụ thể quy chế phối hợp với các sở, ban ngành, đoàn thể tỉnh và địa phương trong việc thực hiện công tác phòng, chống lụt, bão, tìm kiếm cứu nạn và khắc phục hậu quả thiên tai trên địa bàn tỉnh. Thường xuyên chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc và hướng dẫn các sở, ban, ngành, huyện, thị xã, thành phố thực hiện tốt kế hoạch, phương án chủ động phòng, chống, ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai.

b) Phối hợp với Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Tiền Giang thu thập thông tin kịp thời về diễn biến thời tiết (lũ, lụt, bão, áp thấp nhiệt đới…) đưa ra những dự báo chính xác, cảnh báo kịp thời, nhằm phục vụ tốt cho công tác phòng, chống lụt, bão và giảm nhẹ thiên tai trên địa bàn tỉnh.

c) Chủ trì triển khai Kế hoạch thực hiện Đề án nâng cao nhận thức cộng đồng và quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng năm 2014 trên địa bàn tỉnh. Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến kiến thức, kinh nghiệm thực tiễn, kỹ năng phòng, chống thiên tai, biến đổi khí hậu (tổ chức lớp tập huấn, phát hành Sổ tay, cẩm nang, tờ bướm…) dưới nhiều hình thức cho cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang, học sinh, sinh viên và nhân dân nhằm nâng cao ý thức trách nhiệm hơn nữa trong việc chủ động tự phòng, tránh thiên tai được an toàn, hiệu quả.

d) Theo dõi, kiểm tra, đôn đốc các ngành, các cấp thực hiện tốt công tác phòng, chống, lụt bão giảm nhẹ thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2014 trên địa bàn tỉnh. Thường xuyên tổng hợp tình hình, báo cáo về Ủy ban nhân dân tỉnh để kịp thời chỉ đạo.

3. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, thị xã:

a) Kiểm tra, rà soát, hoàn chỉnh các Phương án phòng, chống, ứng phó thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cấp huyện, cấp xã trên địa bàn quản lý. Trong đó cần tính toán chi tiết việc huy động lực lượng, phương tiện cơ giới để di dời dân nhanh chóng đến nơi trú ẩn an toàn khi xảy ra thiên tai. Đồng thời, hiệp đồng với chủ các phương tiện cơ giới, vật tư, thiết bị hiện có trên địa bàn để kịp thời huy động, trưng dụng khi cần thiết. Kiểm tra và có kế hoạch tu bổ, sửa chữa các cống, đập, các bờ vùng, bờ thửa và bờ bao bảo vệ các vùng sản xuất nông nghiệp, khu dân cư và bảo vệ các công trình phúc lợi xã hội và chỉ đạo chặt chẽ lịch thời vụ sản xuất lúa, nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra.

b) Tổ chức huấn luyện, thực tập thành thạo các phương tiện, trang thiết bị hiện có; diễn tập các phương án phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn trên địa bàn, trong đó chú trọng đến các địa bàn trọng điểm, khu vực trường học.

c) Phối hợp các sở, ban, ngành có liên quan, nắm chắc số lượng tàu thuyền của địa phương còn đang hoạt động trên biển khi có bão, áp thấp nhiệt đới, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh và Ban Chỉ huy phòng, chống lụt, bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh. Tổ chức, sắp xếp lại tàu thuyền tại các nơi trú bão và khu neo đậu trú bão.

d) Tập trung chỉ đạo các chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ thi công, hoàn thành dứt điểm các công trình phòng, chống lụt, bão đã có chủ trương của Ủy ban nhân dân tỉnh, công trình xây dựng cụm, tuyến dân cư và nhà ở vùng ngập lũ; phát động nhân dân tham gia bảo vệ các công trình phòng, chống lũ, lụt, tham gia cùng chính quyền phòng và xử lý sạt lở đê bao ngăn lũ... Tổ chức các biện pháp bảo vệ an toàn tính mạng cho nhân dân, đặc biệt là trẻ em, người già trong vùng ngập lũ.

đ) Tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp lấn chiếm sông, kênh, rạch gây sạt lở, làm tắc nghẽn dòng chảy, hướng thoát nước tự nhiên trên địa bàn mình quản lý. Các huyện, thị xã, thành phố có đê, khẩn trương thành lập lực lượng quản lý đê nhân dân tại phường, xã, thị trấn để phát huy vai trò, trách nhiệm cộng đồng tại chỗ trong việc tổ chức phòng, chống, ứng phó thiên tai.

4. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:

a) Xây dựng phương án bảo vệ đê điều trong các tình huống thiên tai, nhất là đối với khu vực trọng điểm, xung yếu. Thường xuyên theo dõi diễn biến thiên tai, thông báo kịp thời cho nhân dân biết để chủ động phòng tránh. Phối hợp với các địa phương thực hiện hỗ trợ di dời dân ở những vùng có nguy cơ sạt lở, vùng khó khăn do thiên tai.

b) Rà soát, củng cố, bổ sung phương án phòng, chống lụt, bão và tìm kiếm cứu nạn chuyên ngành thủy sản. Tổ chức quản lý chặt chẽ số lượng tàu thuyền và ngư dân hoạt động trên biển, đặc biệt là khi có thiên tai xảy ra; chủ động nắm chắc số lượng tàu thuyền và ngư dân của địa phương còn hoạt động trên biển khi có bão, áp thấp nhiệt đới để hướng dẫn di chuyển tránh, trú bão an toàn. Phối hợp với các địa phương chỉ đạo, hướng dẫn phòng, bảo vệ tốt diện tích nuôi trồng thủy sản và lồng, bè cá trên sông và khắc phục hậu quả do bão, lụt gây ra.

c) Chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành tỉnh có liên quan và Ủy ban nhân dân các huyện, thành, thị tổ chức kiểm tra đánh giá chất lượng từng tuyến đê, xây dựng kế hoạch huy động mọi nguồn lực để tiến hành tu sửa, gia cố đê biển, đê sông, bờ bao ngăn lũ, đặc biệt là các đoạn đê xung yếu, đoạn hở, sạt lở. Rà soát lại các phương án hộ đê cho từng tuyến, đặc biệt là đoạn xung yếu trên đê biển Gò Công. Xây dựng phương án bảo vệ và phát triển rừng phòng hộ đê biển Gò Công gắn liền với việc bảo vệ các tuyến đê biển, đê cửa sông ở các huyện phía Đông. Sắp xếp lịch gieo sạ lúa theo hướng né rầy đồng loạt, né lũ và hạn hán. Xây dựng các phương án và biện pháp đối phó với úng, ngập cục bộ và lũ lớn có thể xảy ra để chủ động bảo vệ sản xuất và các khu dân cư tập trung.

5. Sở Tài nguyên và Môi trường: Rà soát bổ sung Phương án ứng phó, khắc phục hậu quả động đất, sóng thần; hoàn chỉnh Kế hoạch và chủ trì thực hiện nhiệm vụ ứng phó sự cố tràn dầu trên địa bàn tỉnh. Phối hợp với các sở, ngành chức năng kiểm tra các tổng kho xăng dầu, kho chứa hóa chất độc hại, chất phóng xạ… để khuyến cáo các chủ cơ sở thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn khi xảy ra thiên tai. Tổ chức tuyên truyền, phổ biến sâu rộng đến nhân dân các tình huống và biện pháp ứng phó khi xảy ra động đất, sóng thần. Xây dựng Kế hoạch vận động, tuyên truyền nhân dân giữ vệ sinh môi trường và có kế hoạch xử lý kịp thời các tình huống xấu về môi trường do thiên tai gây ra.

[...]