Chỉ thị 09/2007/CT-UBND về công tác phòng, chống lụt, bão, giảm nhẹ thiên tai và tìm kiếm cứu nạn trên địa bàn quận Bình Thạnh từ nay đến cuối năm 2007 và đầu năm 2008 do Ủy ban nhân dân quận Bình Thạnh, thành phố Hồ Chí Minh ban hành

Số hiệu 09/2007/CT-UBND
Ngày ban hành 19/12/2007
Ngày có hiệu lực 26/12/2007
Loại văn bản Chỉ thị
Cơ quan ban hành Quận Bình Thạnh
Người ký Nguyễn Quốc Hùng
Lĩnh vực Tài nguyên - Môi trường

ỦY BAN NHÂN DÂN
QUẬN BÌNH THẠNH
------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
-------------

Số: 09/2007/CT-UBND

Bình Thạnh, ngày 19 tháng 12 năm 2007

 

CHỈ THỊ

VỀ CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG LỤT, BÃO, GIẢM NHẸ THIÊN TAI VÀ TÌM KIẾM CỨU NẠN TRÊN ĐỊA BÀN QUẬN BÌNH THẠNH TỪ NAY ĐẾN CUỐI NĂM 2007 VÀ ĐẦU NĂM 2008

Thực hiện Chỉ thị số 14/2007/CT-UBND ngày 01 tháng 6 năm 2007 của Ủy ban nhân dân thành phố về công tác phòng, chống lụt, bão, giảm nhẹ thiên tai và tìm kiếm cứu nạn trên địa bàn thành phố.

Thông báo kết luận số 812/TB-VP ngày 15 tháng 11 năm 2007 của Văn phòng Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân thành phố tại cuộc họp sơ kết tình hình thực hiện công tác phòng, chống lụt, bão, giảm nhẹ thiên tai và tìm kiếm cứu nạn 10 tháng đầu năm 2007, nhiệm vụ 2 tháng cuối năm 2007 và đầu năm 2008.

Nhằm tăng cường công tác phòng, chống lụt, bão, tìm kiếm cứu nạn giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai gây ra, chủ động ứng phó kịp thời có hiệu quả hạn chế thấp nhất thiệt hại do bão, lũ, triều cường, động đất, sóng thần… Ủy ban nhân dân quận Bình Thạnh chỉ thị Ban Chỉ huy phòng, chống lụt, bão, giảm nhẹ thiên tai quận, các ngành, các đơn vị trực thuộc, Chủ tịch Ủy ban nhân dân 20 phường khẩn trương thực hiện các nội dung giải pháp sau:

1. Ban Chỉ huy Phòng, chống lụt, bão, giảm nhẹ thiên tai quận:

1.1. Khẩn trương kiểm tra rà soát những trang thiết bị phương tiện, các công trình thủy lợi, công trình phòng chống lụt bão, đê điều, bờ bao đã được đầu tư và có sẳn tại chổ; có kế hoạch trang bị bổ sung, sửa chữa duy tu, nâng cấp công trình theo kế hoạch hàng năm, trong đó tập trung chú ý khu vực phường 26, 27, 28.

1.2. Tăng cuờng vận động nhân dân, các cá nhân, đơn vị, doanh nghiệp có đất, được giao đất dự án nhưng chưa triển khai phải tiến hành đầu tư gia cố, tôn tạo trên khu vực đất của mình.

2. Ủy ban nhân dân và Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão, giảm nhẹ thiên tai 20 phường:

2.1. Chủ động phối hợp với các ban - ngành, đoàn thể tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân đề cao ý thức cảnh giác, chủ động phòng tránh nhằm giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra. Thông tin kịp thời và có biện pháp xử lý ngay khi có tình huống xấu về dự báo bão hoặc thiên tai như: mưa to, triều cường, xả lũ, sạt lở đất…

2.2. Chủ động phối hợp với các đơn vị liên quan xử lý kịp thời và kiên quyết giải tỏa triệt để đối với các công trình xây dựng hành vi vi phạm lấn chiếm chỉ giới hành lang sông, kênh, rạch.

2.3. Căn cứ vào điều kiện hoàn cảnh của địa phương có phương án diễn tập, thao tác di dời sơ tán dân để phòng tránh thiên tai khi có bão, lũ hoặc động đất xảy ra.

3. Phòng Tài chính - Kế hoạch:

3.1. Chủ trì phối hợp với Phòng Kinh tế, các Ủy ban nhân dân phường có biện pháp đôn đốc việc thực hiện thu - nộp quỹ phòng, chống lụt, bão đối với các Doanh nghiệp đóng trên địa bàn; kịp thời có biện pháp xử lý đối với các Doanh nghiệp cố tình không thực hiện nghĩa vụ đóng góp quỹ phòng, chống lụt, bão theo quy định. Báo cáo kết quả thu nộp cho Thường trực Ban Chỉ huy Phòng, chống lụt bão quận.

3.2. Tham mưu, đề xuất cho Ủy ban nhân dân quận kinh phí hỗ trợ về thiên tai bão lụt, di dời khẩn cấp đối với các hộ có nguy cơ sạt lở cao và trang bị các phương tiện phục vụ công tác phòng, chống lụt bão, cứu hộ, cứu nạn trên địa bàn quận.

4. Phòng Quản lý đô thị:

4.1. Tham mưu cho UBND quận, BCH phòng, chống lụt bão kế hoạch đầu tư xây dựng công trình phòng, chống lụt bão, chống sạt lở, tiêu thoát nước, trang thiết bị phòng chống lụt bão, tìm kiếm cứu hộ cứu nạn theo phân kỳ hàng năm.

4.2. Chủ động phối hợp với các đơn vị liên quan kiểm tra các đoạn bờ bao xung yếu để gia cố, khắc phục ngay những điểm bể bờ, sạt lở đất.

4.3. Theo dõi và đôn đốc tiến độ di dời các hộ dân ra khỏi vùng nguy cơ sạt lở cao để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án chống sạt lở kênh Thanh Đa đoạn 1.1, đoạn 1.3.

5. Đội Quản lý Trật tự đô thị:

Chủ trì phối hợp với các đơn vị liên quan và các Ủy ban nhân dân phường tăng cường kiểm tra xử lý kịp thời, kiên quyết giải tỏa triệt để tình trạng các công trình xây dựng nhà ở, nhà xưởng, kho tàng, các công trình khác lấn chiếm chỉ giới hành lang sông, kênh, rạch.

6. Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình:

Kiểm tra rà soát các công trình phòng, chống lụt bão trên địa bàn quận, đẩy nhanh tiến độ thực hiện ngay các công trình đã ghi vốn kể cả vốn ngân sách thành phố, đề ra giải pháp tháo gỡ các vướng mắc khó khăn và báo cáo cho Thường trực Ủy ban nhân dân quận.

7. Ban Chỉ huy Quân sự quận:

7.1. Xây dựng phương án cứu hộ, cứu nạn, di dời sơ tán dân để phòng tránh thiên tai khi có bão, lũ hoặc động đất xảy ra. Đặc biệt phải có kế hoạch sơ tán dân đến nơi an toàn khi có dự báo bão đổ bộ vào đất liền.

7.2. Thường xuyên kiểm tra trang thiết bị, phương tiện đã được cung cấp; báo cáo phương tiện trang thiết bị hư hỏng, đề xuất bổ sung trang bị vật tư phương tiện cần thiết khác cho Thường trực BCH PCLB quận để phục vụ công tác tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn.

8. Hội Chữ thập đỏ, Bệnh viện quận:

Tổ chức tập huấn về chuyên môn nghiệp vụ trong công tác phòng, chống lụt, bão cho cán bộ, công nhân viên, Ban Chỉ huy Phòng, chống lụt bão và lực lượng cứu hộ, cứu nạn của quận và phường.

[...]