Chỉ thị 12/CT-UBND năm 2020 về đẩy mạnh triển khai thi hành Luật Quản lý, sử dụng tài sản công và các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật do thành phố Hà Nội ban hành

Số hiệu 12/CT-UBND
Ngày ban hành 08/06/2020
Ngày có hiệu lực 08/06/2020
Loại văn bản Chỉ thị
Cơ quan ban hành Thành phố Hà Nội
Người ký Nguyễn Đức Chung
Lĩnh vực Bộ máy hành chính,Tài chính nhà nước

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HÀ NỘI
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 12/CT-UBND

Hà Nội, ngày 08 tháng 6 năm 2020

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC ĐẨY MẠNH TRIỂN KHAI THI HÀNH LUẬT QUẢN LÝ, SỬ DỤNG TÀI SẢN CÔNG VÀ CÁC VĂN BẢN QUY ĐỊNH CHI TIẾT THI HÀNH LUẬT

Triển khai Luật Quản lý, sử dụng tài sản công và các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật; UBND Thành phố đã ban hành kịp thời, đồng bộ các văn bản chỉ đạo tổ chức tập huấn, tuyên truyền, hướng dẫn triển khai thực hiện đến các cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp. Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện một số nội dung mới của Luật và các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật vẫn còn bất cập, như: việc tham mưu cấp có thẩm quyền ban hành tiêu chuẩn, định mức sử dụng tài sản chuyên dùng (diện tích công trình sự nghiệp, xe ôtô, máy móc, thiết bị) còn chậm; một số đơn vị thực hiện việc rà soát, sắp xếp lại, xử lý các cơ sở nhà, đất chưa kịp thời; còn tình trạng cho thuê, cho mượn, liên doanh, liên kết chưa đúng quy định; hiệu quả khai thác, sử dụng tài sản công ở một số cơ quan, tổ chức, đơn vị còn hạn chế...

Để thực hiện, hiệu quả Luật Quản lý, sử dụng tài sản công và các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật, góp phần quản lý chặt chẽ, sử dụng tiết kiệm, khai thác có hiệu quả tài sản công, phòng, chống thất thoát, lãng phí, tham nhũng theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 32/CT-TTg ngày 10/12/2019 về đẩy mạnh triển khai thi hành Luật Quản lý, sử dụng tài sản công và các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật (sau đây gọi tắt là Chỉ thị số 32/CT-TTg) (văn bản đính kèm), Chủ tịch UBND Thành phố yêu cầu Thủ trưởng các cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp thuộc phạm vi quản lý của Thành phố tập trung chỉ đạo, tổ chức thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ sau:

1. Về phổ biến, tuyên truyền Luật Quản lý, sử dụng tài sản công và các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật

Các cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp: (1) tiếp tục đẩy mạnh phổ biến, tuyên truyền Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, các văn bản quy định chi tiết của Trung ương và Thành phố tới các đối tượng thuộc phạm vi quản lý; (2) phối hợp với Sở Tài chính rà soát các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến quản lý, sử dụng tài sản công do UBND Thành phố ban hành để sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ hoặc ban hành mới bảo đảm phù hợp với quy định hiện hành của pháp luật; (3) chỉ đạo thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các quy định pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công tại các đơn vị trực thuộc và quản lý theo thẩm quyền, chức năng, nhiệm vụ được giao.

2. Về ban hành hoặc phân cấp thẩm quyền ban hành tiêu chuẩn, định mức sử dụng tài sản công chuyên dùng.

- Sở Tài chính chủ trì, phối hợp các cơ quan, đơn vị liên quan khẩn trương tham mưu, trình UBND Thành phố ban hành và phân cấp thẩm quyền ban hành tiêu chuẩn, định mức sử dụng tài sản công chuyên dùng (diện tích công trình sự nghiệp thuộc cơ sở hoạt động sự nghiệp, xe ô tô chuyên dùng, máy móc, thiết bị chuyên dùng thuộc phạm vi quản lý) theo đúng quy định pháp luật và đúng thẩm quyền; theo hướng đẩy mạnh phân cấp thẩm quyền ban hành cho các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc Thành phố và UBND các quận, huyện, thị xã để tăng tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm đi đối với thực hiện công tác giám sát và hậu kiểm.

- Căn cứ quy định của pháp luật và quy định về phân cấp thẩm quyền ban hành tiêu chuẩn, định mức tài sản công của UBND Thành phố, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị khẩn trương ban hành tiêu chuẩn, định mức sử dụng tài sản công chuyên dùng tại các cơ quan, đơn vị thuộc phạm vi quản lý. Trong thời gian UBND Thành phố chưa ban hành quy định về phân cấp, việc ban hành diện tích công trình sự nghiệp thuộc cơ sở hoạt động sự nghiệp, xe ô tô chuyên dùng, tiêu chuẩn, định mức máy móc, thiết bị chuyên dùng thuộc thẩm quyền của UBND Thành phố. Người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư ban hành tiêu chuẩn, định mức sử dụng các loại tài sản công theo quy định, hoàn thành trước ngày 30/9/2020.

3. Về mua sắm tài sản công theo phương thức tập trung.

- Việc mua sắm tập trung cấp quốc gia thực hiện theo quy định của Chính phủ, trước mắt tiếp tục tạm dùng việc mua sắm tập trung cấp quốc gia (trừ thuốc) theo chỉ đạo của Chính phủ.

- Sở Tài chính rà soát, tổng hợp, kịp thời tham mưu, báo cáo UBND Thành phố điều chỉnh những bất cập phát sinh (nếu có) về danh mục mua sắm tập trung của Thành phố, đảm bảo đáp ứng các điều kiện theo quy định của pháp luật và thực tế của Thành phố; kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc tuân thủ quy định của pháp luật trong việc mua sắm tập trung, kịp thời xử lý hoặc tham mưu, báo cáo UBND Thành phố xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo thẩm quyền và quy định của pháp luật.

4. Về Quy chế quản lý, sử dụng tài sản công của cơ quan, tổ chức, đơn vị.

Các cơ quan, tổ chức, đơn vị được giao quản lý, sử dụng tài sản công khẩn trương rà soát để ban hành hoặc sửa đổi Quy chế quản lý, sử dụng tài sản công của cơ quan, tổ chức, đơn vị theo quy định pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 32/CT-TTg, hoàn thành trước ngày 30/6/2020.

5. Về quản lý, sử dụng tài sản kết cấu hạ tầng giao thông, thủy lợi.

a) Quản lý, sử dụng tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, đường thủy nội địa.

- Sở Giao thông vận tải; UBND quận, huyện, thị xã (bao gồm cả UBND xã, phường, thị trấn) chủ trì phối hợp với Sở Tài chính và các cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp liên quan: (1) khẩn trương hoàn thành việc rà soát, phân loại, xác định giá trị tài sản hiện có; (2) báo cáo tình hình quản lý, sử dụng, khai thác tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, đường thủy nội địa để thực hiện việc quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng giao thông theo đúng quy định của Chính phủ tại các Nghị định: số 33/2019/NĐ-CP ngày 23/4/2019 về quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ và số 45/2018/NĐ-CP ngày 13/3/2018 về quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường thủy nội địa.

b)Quản lý, sử dụng tài sản kết cấu hạ tầng thủy lợi.

- Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp Sở Tài chính và các cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp liên quan khẩn trương hoàn thành việc rà soát, phân loại, xác định giá trị tài sản hiện có để quản lý, sử dụng và khai thác tài sản theo quy định tại Nghị định số 129/2017/NĐ-CP ngày 16/11/2017 của Chính phủ về quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng thủy lợi và chỉ đạo của UBND Thành phố tại Công văn số 2267/UBND-KT ngày 24/5/2018.

6. Về quản lý, sử dụng tài sản được hình thành thông qua việc triển khai thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng vốn nhà nước.

- Sở Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp Sở Tài chính và các cơ quan, đơn vị liên quan khẩn trương tham mưu UBND Thành phố tổ chức triển khai thực hiện nghiêm quy định của Chính phủ tại Nghị định số 70/2018/NĐ-CP ngày 15/5/2018 về quản lý, sử dụng tài sản được hình thành thông qua việc triển khai thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng vốn nhà nước.

- Sở Tài chính chủ trì, phối hợp Sở Khoa học và Công nghệ và các cơ quan, đơn vị liên quan nghiên cứu, tham mưu UBND Thành phố quyết định hoặc phân cấp thẩm quyền quyết định xử lý tài sản trang bị đối với nhiệm vụ khoa học và công nghệ thuộc địa phương quản lý theo quy định tại khoản 2 Điều 7 Nghị định số 70/2018/NĐ-CP, hoàn thành trước ngày 30/9/2020.

- Định kỳ hàng năm, Sở Khoa học và Công nghệ tổng hợp, báo cáo UBND Thành phố (qua Sở Tài chính) kết quả việc chuyên giao không bồi hoàn phần tài sản thuộc về nhà nước để công khai và báo cáo theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định tại Nghị định số 70/2018/NĐ-CP.

7. Về việc sắp xếp lại, xử lý tài sản công.

- Người đứng đầu các cơ quan, tổ chức, đơn vị và doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ có trách nhiệm: (1) tổ chức thực hiện nghiêm việc sắp xếp lại, xử lý tài sản công để quản lý, sử dụng đúng tiêu chuẩn, định mức và quy định của pháp luật; tổ chức kiểm tra, rà soát việc thực hiện phương án sắp xếp lại, xử lý tài sản công thuộc phạm vi quản lý đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt (nếu có); xử lý dứt điểm tình trạng sử dụng tài sản công chưa đúng quy định (cho thuê, cho mượn, liên doanh, liên kết, bố trí nhà đất vào mục đích ở,...), thu hồi toàn bộ số tiền thu được từ sử dụng tài sản công không đúng quy định vào ngân sách nhà nước; (2) trường hp chưa có phương án sắp xếp lại, xử lý cơ sở nhà, đất hoặc phương án sắp xếp lại, xử lý cơ sở nhà, đất được cấp có thẩm quyền phê duyệt có sự thay đổi: khẩn trương rà soát toàn bộ các cơ sở nhà, đất được giao quản lý, sử dụng, đề xuất Phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất theo quy định tại Nghị định số 167/2017/NĐ-CP ngày 31/12/2017 của Chính phủ và pháp luật liên quan, gửi Sở Tài chính: (i) trước ngày 30/6/2020 đối với các cơ quan, tổ chức, đơn vị; (ii) đảm bảo theo kế hoạch, lộ trình cổ phần hóa, thoái vốn và trưc ngày 30/6/2020 đối với các doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ; để tổng hợp, trình UBND Thành phố xem xét, phê duyệt theo đúng quy định và thẩm quyền.

- Sở Tài chính chủ trì cùng các cơ quan, đơn vị liên quan hướng dẫn, đôn đốc đẩy nhanh việc kê khai, lập phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất của các cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp (đặc biệt là các doanh nghiệp thuộc đối tượng cổ phần hóa và các Công ty cổ phần do Nhà nước nắm trên 50% vốn điều lệ thuộc đối tượng thoái vốn nhà nước), trình cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án sắp xếp lại, xử lý theo quy định, đảm bảo kế hoạch, tiến độ cổ phần hoá, thoái vốn. Người đứng đầu các Sở, ban, ngành, đơn vị liên quan căn cứ chức năng, nhiệm vụ tích cực phối hợp Sở Tài chính tổ chức kiểm tra hiện trạng quản lý, sử dụng nhà đất, thẩm định và ký Tờ trình liên ngành do Sở Tài chính chủ trì dự thảo để tham mưu, báo cáo UBND Thành phố phê duyệt phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất của các cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp, đảm bảo chất lượng, tiến độ và tuân thủ quy định của pháp luật.

- Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp các cơ quan, đơn vị liên quan khẩn trương rà soát, tham mưu, báo cáo UBND Thành phố (sau khi xin ý kiến của các cơ quan của Thành phố theo các chỉ đạo có liên quan của UBND Thành phố) các nội dung:

+ Đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường tổng hợp, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Danh mục nhà, đất phải di dời do ô nhiễm môi trường theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 21 Nghị định số 167/2017/NĐ-CP ngày 31/12/2017 của Chính phủ.

[...]
3
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ