BỘ TÀI CHÍNH
--------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
--------------------
|
Số: 29/2020/TT-BTC
|
Hà Nội, ngày 17
tháng 4 năm 2020
|
THÔNG TƯ
HƯỚNG
DẪN THỰC HIỆN VIỆC XỬ PHẠT VI PHẠM HÀNH CHÍNH TRONG LĨNH VỰC QUẢN LÝ, SỬ DỤNG TÀI
SẢN CÔNG
Căn cứ Luật Xử lý
vi phạm hành chính ngày 20 tháng 6 năm 2012;
Căn cứ Luật Quản
lý, sử dụng tài sản công ngày 21 tháng 6 năm 2017;
Căn cứ Nghị định số 81/2013/NĐ-CP
ngày 19 tháng 7 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp
thi hành Luật xử lý vi phạm hành chính;
Căn cứ Nghị định số 97/2017/NĐ-CP
ngày 18 tháng 8 năm 2017 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định
số 81/2013/NĐ-CP ngày 19 tháng 7 năm 2013 của
Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Xử lý vi phạm
hành chính;
Căn cứ Nghị định số 63/2019/NĐ-CP
ngày 11 tháng 7 năm 2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính
trong lĩnh vực quản lý, sử dụng tài sản công; thực hành tiết kiệm chống lãng
phí; dự trữ quốc gia; kho bạc nhà nước;
Căn cứ Nghị định số 87/2017/NĐ-CP
ngày 26 tháng 7 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn
và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính;
Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Quản lý công sản,
Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Thông tư hướng dẫn
thực hiện việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý, sử dụng tài sản
công.
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Thông tư này hướng dẫn thực hiện việc xử phạt vi phạm
hành chính trong lĩnh vực quản lý, sử dụng tài sản công theo quy định tại Nghị
định số 63/2019/NĐ-CP ngày 11 tháng 7 năm
2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý,
sử dụng tài sản công; thực hành tiết kiệm chống lãng phí; dự trữ quốc gia; kho
bạc nhà nước (sau đây gọi tắt là Nghị định số 63/2019/NĐ-CP).
Điều 2. Đối tượng áp dụng
1. Tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm hành chính
trong lĩnh vực quản lý, sử dụng tài sản công, bao gồm:
a) Cơ quan nhà nước;
b) Đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân;
c) Đơn vị sự nghiệp công lập;
d) Cơ quan Đảng Cộng sản Việt Nam;
đ) Tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã
hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức khác
được thành lập theo quy định của pháp luật về hội;
e) Doanh nghiệp, tổ chức khác có liên quan đến quản
lý, sử dụng tài sản công;
g) Cá nhân.
2. Người có thẩm quyền xử phạt và tổ chức, cá nhân
có liên quan đến việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý, sử dụng
tài sản công theo quy định tại Nghị định số 63/2019/NĐ-CP.
Điều 3. Nguyên tắc xác định mức
phạt tiền
Nguyên tắc xác định mức phạt tiền cụ thể đối với
các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý, sử dụng tài sản công quy
định tại Mục 1, Mục 2, Mục 3, Mục 4 Chương II Nghị định số
63/2019/NĐ-CP như sau:
1. Mức phạt tiền cụ thể đối với một hành vi vi phạm
hành chính không có tình tiết tăng nặng hoặc giảm nhẹ là mức trung bình của mức
tối đa và mức tối thiểu của khung tiền phạt được quy định đối với hành vi đó. Nếu
có tình tiết giảm nhẹ thì mức phạt tiền có thể giảm xuống nhưng không được giảm
quá mức tối thiểu của khung tiền phạt; nếu có tình tiết tăng nặng thì mức phạt
tiền có thể tăng lên nhưng không được vượt quá mức tiền phạt tối đa của khung
tiền phạt.
2. Tình tiết tăng nặng, tình tiết giảm nhẹ được thực
hiện theo quy định tại Điều 9, Điều 10 Luật Xử lý vi phạm hành
chính ngày 20 tháng 6 năm 2012.
Chương II
HƯỚNG DẪN QUY ĐỊNH VỀ XỬ
PHẠT VI PHẠM HÀNH CHÍNH TRONG LĨNH VỰC QUẢN LÝ, SỬ DỤNG TÀI SẢN CÔNG
Điều 4. Vi phạm quy định về đầu
tư, mua sắm tài sản công tại cơ quan, tổ chức, đơn vị quy định tại Điều 6 Nghị định số 63/2019/NĐ-CP
1. Hành vi thực hiện mua sắm tài sản khi không có
quyết định của cơ quan, người có thẩm quyền quy định tại khoản 1
Điều 6 Nghị định số 63/2019/NĐ-CP là hành vi tại thời điểm ký Hợp đồng mua
sắm (đối với trường hợp phải ký Hợp đồng theo quy định của pháp luật) hoặc tại
thời điểm ghi trên Hóa đơn bán hàng (đối với trường hợp không phải ký Hợp đồng
theo quy định của pháp luật) không có Quyết định về mua sắm tài sản công của cấp
có thẩm quyền. Thẩm quyền quyết định mua sắm tài sản công thực hiện theo quy định
của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công số
15/2017/QH14 ngày 21 tháng 6 năm 2017 (sau đây gọi là Luật Quản lý, sử dụng tài sản công) và các văn
bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành.
2. Hành vi không thực hiện mua sắm tập trung đối với
các loại tài sản thuộc danh mục mua sắm tập trung quy định tại khoản
2 Điều 6 Nghị định số 63/2019/NĐ-CP được xác định theo từng lần mua sắm.
3. Hành vi đầu tư, mua sắm tài sản vượt tiêu chuẩn,
định mức do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định tại khoản 3 Điều
6 Nghị định số 63/2019/NĐ-CP là hành vi đầu tư xây dựng, mua sắm tài sản vượt
về diện tích (đối với trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp), vượt về số lượng,
vượt về mức giá (đối với phương tiện đi lại, máy móc, thiết bị, tài sản khác)
so với tiêu chuẩn, định mức theo quy định.
Điều 5. Vi phạm quy định về đi
thuê tài sản tại cơ quan, tổ chức, đơn vị quy định tại Điều
7 Nghị định số 63/2019/NĐ-CP
1. Hành vi thực hiện đi thuê tài sản khi không có
quyết định về thuê tài sản của cơ quan, người có thẩm quyền quy định tại điểm a khoản 1 Điều 7 Nghị định số 63/2019/NĐ-CP là hành vi ký
kết hợp đồng thuê tài sản hoặc thực tế thuê tài sản mà không có Quyết định về thuê
tài sản của cấp có thẩm quyền.
Thẩm quyền quyết định thuê tài sản thực hiện theo
quy định của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công
và các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành.
2. Hành vi đi thuê tài sản vượt tiêu chuẩn, định mức
quy định tại điểm b khoản 1 Điều 7 Nghị định số 63/2019/NĐ-CP
là hành vi thuê tài sản để phục vụ hoạt động vượt về diện tích (đối với trụ sở
làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp), vượt về số lượng, vượt về mức giá (đối với
phương tiện đi lại, máy móc, thiết bị, tài sản khác) so với tiêu chuẩn, định mức
theo quy định.
Điều 6. Vi phạm quy định về sử
dụng tài sản công tại đơn vị sự nghiệp công lập, tổ chức chính trị - xã hội, tổ
chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp,
tổ chức khác được thành lập theo quy định của pháp luật về hội vào mục đích
kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết quy định tại Điều 13 Nghị định số 63/2019/NĐ-CP
1. Việc xử phạt hành vi vi phạm quy định về sử dụng
tài sản công tại đơn vị sự nghiệp công lập, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức
chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ
chức khác được thành lập theo quy định của pháp luật về hội vào mục đích kinh
doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết được thực hiện theo quy định tại Điều 13 Nghị định số 63/2019/NĐ-CP. Riêng đối với cơ quan nhà
nước, đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân, cơ quan Đảng Cộng sản Việt Nam, cơ
quan của tổ chính trị - xã hội sử dụng tài sản công vào mục đích sản xuất, kinh
doanh dịch vụ, cho thuê, liên doanh, liên kết thì việc xử phạt thực hiện theo
quy định tại khoản 2 Điều 8 Nghị định số 63/2019/NĐ-CP.
2. Hành vi sử dụng tài sản công vào mục đích kinh
doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết khi không có quyết định của cơ quan, người
có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công quy
định tại khoản 1 Điều 13 Nghị định số 63/2019/NĐ-CP là hành
vi sử dụng tài sản công vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết
mà tại thời điểm ký Hợp đồng kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết hoặc thực
tế sử dụng tài sản công vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết
mà không có Quyết định phê duyệt Đề án sử dụng tài sản công vào mục đích kinh
doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết của cấp có thẩm quyền.
Điều 7. Vi phạm quy định về
đăng nhập và sử dụng số liệu về tài sản công quy định tại Điều 17 Nghị định số 63/2019/NĐ-CP
Sử dụng số liệu về tài sản công trong Cơ sở dữ liệu
quốc gia về tài sản công vào mục đích cá nhân mà không được cơ quan có thẩm quyền
quản lý cơ sở dữ liệu đó cho phép quy định tại điểm d khoản 2 Điều
17 Nghị định số 63/2019/NĐ-CP là hành vi sử dụng thông tin lưu giữ trong Cơ
sở dữ liệu quốc gia về tài sản công vào các mục đích khác ngoài các mục đích được
quy định tại Thông tư số 67/2018/TT-BTC ngày
6/8/2018 của Bộ Tài chính hướng dẫn việc quản lý, vận hành, trao đổi và khai
thác thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về tài sản công mà không được cơ
quan có thẩm quyền quản lý cơ sở dữ liệu đó cho phép..
Điều 8. Vi phạm quy định về
trang cấp tài sản của các dự án sử dụng vốn nhà nước quy định tại Điều 18 Nghị định số 63/2019/NĐ-CP
1. Hành vi thực hiện mua sắm tài sản khi chưa có
quyết định của cấp có thẩm quyền quy định tại khoản 1 Điều 18
Nghị định số 63/2019/NĐ-CP là hành vi mua sắm tài sản mà tại thời điểm ký Hợp
đồng mua sắm (đối với trường hợp phải ký Hợp đồng theo quy định của pháp luật)
hoặc tại thời điểm ghi trên Hóa đơn bán hàng (đối với trường hợp không phải ký
Hợp đồng theo quy định của pháp luật) không có Quyết định về trang cấp tài sản
của cấp có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng, xử lý
tài sản của các dự án sử dụng vốn nhà nước.
2. Hành vi không thực hiện mua sắm tập trung đối với
các loại tài sản thuộc danh mục mua sắm tập trung quy định tại khoản
2 Điều 18 Nghị định số 63/2019/NĐ-CP được xác định theo từng lần mua sắm.
3. Hành vi mua sắm tài sản vượt tiêu chuẩn, định mức
do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định tại khoản 3 Điều 18
Nghị định số 63/2019/NĐ-CP được xác định theo quy định tại khoản
3 Điều 4 Thông tư này.
4. Hành vi vi phạm quy định về thuê tài sản để phục
vụ công tác quản lý của các dự án sử dụng vốn nhà nước quy định tại khoản 4 Điều 18 Nghị định số 63/2019/NĐ-CP được xác định theo
quy định tại Điều 5 Thông tư này. Giá trị hợp đồng thuê tài
sản để làm căn cứ xử phạt được xác định theo quy định tại khoản
4 Điều 7 Nghị định số 63/2019/NĐ-CP.
Điều 9. Vi phạm quy định về
giao, sử dụng tài sản của các dự án sử dụng vốn nhà nước quy định tại
Điều 19 Nghị định số 63/2019/NĐ-CP
1. Hành vi giao tài sản của các dự án sử dụng vốn
nhà nước vượt tiêu chuẩn, định mức quy định tại khoản 1 Điều 19
Nghị định số 63/2019/NĐ-CP là hành vi bố trí tài sản dự án cho người sử dụng,
bộ phận sử dụng đúng đối tượng nhưng vượt về diện tích (đối với trụ sở làm việc,
cơ sở hoạt động sự nghiệp), vượt về số lượng hoặc mức giá (đối với phương tiện
đi lại, máy móc, thiết bị, tài sản khác).
2. Hành vi trao đổi tài sản của dự án sử dụng vốn
nhà nước không đúng quy định quy định tại khoản 3 Điều 19 Nghị
định số 63/2019/NĐ-CP là hành vi dùng tài sản công của tổ chức để đổi lấy
tài sản của tổ chức, cá nhân khác mà không được cấp có thẩm quyền cho phép.
3. Hành vi chiếm đoạt tài sản của dự án sử dụng vốn
nhà nước quy định tại khoản 5 Điều 19 Nghị định số
63/2019/NĐ-CP bị xử phạt vi phạm hành chính là việc nắm giữ, sử dụng tài sản
công mà không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép nhưng chưa đến mức bị
truy cứu trách nhiệm hình sự.
4. Hành vi vi phạm quy định về sử dụng tài sản của
dự án sử dụng vốn nhà nước vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên
kết quy định tại khoản 6 Điều 19 Nghị định số 63/2019/NĐ-CP
được xác định theo quy định tại khoản 2 Điều 6 Thông tư này.
Điều 10. Vi phạm quy định về xử
lý tài sản của các dự án sử dụng vốn nhà nước quy định tại Điều 20 Nghị định số 63/2019/NĐ-CP
1. Hành vi không báo cáo cơ quan nhà nước có thẩm
quyền xác lập quyền sở hữu toàn dân đối với các tài sản do chuyên gia của dự
án, nhà thầu tư vấn giám sát chuyển giao cho Chính phủ Việt Nam quy định tại điểm b khoản 1 Điều 20 Nghị định số 63/2019/NĐ-CP là hành vi
quá thời hạn theo quy định tại Nghị định số 29/2018/NĐ-CP ngày 05 tháng 3 năm
2018 của Chính phủ quy định trình tự, thủ tục xác lập quyền sở hữu toàn dân về
tài sản và xử lý đối với tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân mà không
báo cáo cơ quan nhà nước có thẩm quyền để làm thủ tục xác lập quyền sở hữu toàn
dân đối với tài sản đó.
2. Hành vi bán, điều chuyển, thanh lý, tiêu hủy tài
sản khi chưa có quyết định của cấp có thẩm quyền quy định tại khoản
3 Điều 20 Nghị định số 63/2019/NĐ-CP là hành vi tổ chức bán, điều chuyển,
thanh lý, tiêu hủy tài sản mà tại thời điểm thực hiện hành vi không có Quyết định
của cấp có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về quản lý, xử lý tài sản của
các dự án sử dụng vốn nhà nước.
Chương III
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 11. Hiệu lực thi hành
1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 02
tháng 6 năm 2020.
2. Thông tư này thay thế Thông tư số 07/2014/TT-BTC ngày 14 tháng 01 năm 2014 của Bộ
Tài chính quy định chi tiết và hướng dẫn thực hiện việc xử phạt vi phạm hành
chính trong lĩnh vực quản lý, sử dụng tài sản nhà nước theo quy định tại Nghị định
số 192/2013/NĐ-CP ngày 21 tháng 11 năm 2013 của
Chính phủ.
3. Khi các văn bản được dẫn chiếu để áp dụng tại Thông
tư này được sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế bằng văn bản mới thì áp dụng theo
các văn bản sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế.
4. Trong quá trình thực hiện nếu phát sinh vướng mắc,
đề nghị các cơ quan, tổ chức, đơn vị kịp thời phản ánh về Bộ Tài chính để xem
xét, phối hợp giải quyết./.
Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Tổng bí thư; Văn phòng Quốc hội;
- Văn phòng Chủ tịch nước; Văn phòng Chính phủ;
- Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao;
- Tòa án Nhân dân tối cao; Kiểm toán Nhà nước;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;
- HĐND, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
- Sở Tài chính, Kho bạc nhà nước các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
- Cục Kiểm tra văn bản (Bộ Tư pháp);
- Công báo;
- Cổng TTĐT: Chính phủ, Bộ Tài chính, Cục QLCS;
- Các đơn vị thuộc Bộ Tài chính;
- Lưu: VT, QLCS.
|
KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG
Trần Xuân Hà
|