Chỉ thị 12/CT-UBND năm 2019 về tăng cường xử lý vi phạm pháp luật về đê, kè trên địa bàn tỉnh Yên Bái
Số hiệu | 12/CT-UBND |
Ngày ban hành | 05/11/2019 |
Ngày có hiệu lực | 05/11/2019 |
Loại văn bản | Chỉ thị |
Cơ quan ban hành | Tỉnh Yên Bái |
Người ký | Nguyễn Văn Khánh |
Lĩnh vực | Vi phạm hành chính |
ỦY BAN NHÂN DÂN |
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 12/CT-UBND |
Yên Bái, ngày 05 tháng 11 năm 2019 |
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG XỬ LÝ VI PHẠM PHÁP LUẬT VỀ ĐÊ, KÈ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH YÊN BÁI
Thực hiện Chỉ thị số 24/CT-TTg ngày 07/10/2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường xử lý vi phạm pháp luật về đê điều.
Để tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, ngăn chặn, xử lý kịp thời các vi phạm pháp luật về đê, kè và quản lý việc khai thác, vận chuyển, kinh doanh cát sỏi gây ảnh hưởng đến an toàn đê, kè trên địa bàn tỉnh. Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Yên Bái yêu cầu các sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố triển khai thực hiện một số nhiệm vụ sau:
1. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố
a) Tăng cường quản lý đê, kè; chỉ đạo cơ quan chức năng và Ủy ban nhân dân cấp xã thực hiện đầy đủ trách nhiệm ngăn chặn, xử lý vi phạm theo đúng quy định của pháp luật; phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan thường xuyên kiểm tra, kịp thời phát hiện hành vi vi phạm, ngăn chặn ngay từ khi mới phát sinh; xử lý nghiêm, kiên quyết, dứt điểm từng vụ vi phạm; gắn trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương trong việc để xảy ra các vụ vi phạm và kết quả xử lý vi phạm pháp luật về đê, kè trên địa bàn.
b) Tổ chức các đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra, xử lý thường xuyên, đột xuất; mở các đợt cao điểm xử lý vi phạm, nhất là các vụ vi phạm nổi cộm, trường hợp xác định đủ điều kiện cấu thành hành vi phạm tội thì xử lý hình sự theo quy định của pháp luật hình sự.
c) Tổ chức lập, rà soát nội dung phương án phòng, chống lũ của tuyến sông có đê, kè, phương án phát triển hệ thống đê, kè thuộc phạm vi quản lý của địa phương trong quy hoạch tỉnh theo quy định của pháp luật về quy hoạch, trong đó xác định cụ thể phương án quản lý, sử dụng đất ở bãi sông, số lượng công trình, nhà ở trong phạm vi bảo vệ đê, kè, bãi sông phải di dời và xây dựng phương án, lộ trình di dời đảm bảo khả thi để tổ chức thực hiện.
d) Tổ chức quản lý chặt chẽ công trình đê, kè, đất trong hành lang bảo vệ đê, kè, bãi sông theo đúng quy định pháp luật về đê, kè và các quy định pháp luật khác có liên quan.
đ) Chỉ đạo, tổ chức hướng dẫn các tổ chức, cá nhân có hoạt động liên quan đến đê, kè tuân thủ nghiêm các quy định liên quan đến việc cấp phép đối với các hoạt động phải được cấp phép theo quy định của pháp luật về đê, kè và giám sát việc thực hiện bảo đảm đúng quy định.
e) Tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật về đê, kè và phòng, chống thiên tai đến cộng đồng, nhất là các tổ chức, doanh nghiệp và hộ gia đình ven đê, kè.
g) Chủ động bố trí ngân sách địa phương để thực hiện di dời công trình, nhà ở trong phạm vi bảo vệ đê, kè, bãi sông phải di dời theo quy hoạch phòng, chống lũ của tuyến sông có đê, quy hoạch đê, kè được cấp thẩm quyền phê duyệt theo đúng quy định của pháp luật Luật Đê điều và Luật Ngân sách nhà nước.
2. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:
a) Chủ trì, phối hợp với Công an tỉnh và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố tiếp tục tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về đê điều, phát hiện kịp thời các hành vi vi phạm, kiến nghị chính quyền các cấp xử lý theo quy định của pháp luật.
b) Thường xuyên tổng hợp tình hình vi phạm và chỉ đạo, đôn đốc các địa phương tăng cường quản lý, ngăn chặn, xử lý vi phạm pháp luật về đê điều.
3. Sở Tài nguyên và Môi trường:
a) Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành: Giao thông vận tải, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công an tỉnh và Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố kiểm tra, rà soát, xử lý nghiêm các hoạt động khai thác cát, sỏi trái phép; kiểm tra việc chấp hành pháp luật trong quản lý khai thác, vận chuyển, tập kết, kinh doanh cát sỏi lòng sông để bảo đảm không gây ảnh hưởng đến an toàn đê, kè.
b) Thường xuyên tổng hợp tình hình vi phạm và chỉ đạo, đôn đốc các địa phương tăng cường quản lý, ngăn chặn, xử lý vi phạm pháp luật về đê, kè.
4. Công an tỉnh chỉ đạo công an các đơn vị, địa phương phối hợp với các cơ quan chức năng kiểm tra, ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về đê, kè, đặc biệt là đối với các vụ việc vi phạm nghiêm trọng, nổi cộm.
5. Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính căn cứ khả năng cân đối của ngân sách nhà nước xem xét, ưu tiên bố trí kinh phí để tăng cường đầu tư củng cố, nâng cấp, duy tu hệ thống đê, kè và xử lý các trọng điểm đê, kè xung yếu nhằm đảm bảo an toàn chống lũ cho các tuyến đê.
6. Các sở, ngành liên quan và các địa phương tiếp tục thực hiện nghiêm Chỉ thị số 03/CT-TTg ngày 30/3/2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường hiệu lực thực thi chính sách, pháp luật về khoáng sản và các quy định chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, của Ủy ban nhân dân tỉnh đối với việc quản lý khai thác, vận chuyển, tập kết, kinh doanh cát sỏi lòng sông để bảo đảm không gây ảnh hưởng đến an toàn đê, kè.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu Thủ trưởng các sở, ban ngành đoàn thể tỉnh; các cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn tỉnh; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố nghiêm túc triển khai thực hiện Chỉ thị này./.
|
KT. CHỦ TỊCH |