Chỉ thị số 12/CT-UBND năm 2013 về tiếp tục tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác thi hành án dân sự trên địa bàn tỉnh Tiền Giang
Số hiệu | 12/CT-UBND |
Ngày ban hành | 29/08/2013 |
Ngày có hiệu lực | 29/08/2013 |
Loại văn bản | Chỉ thị |
Cơ quan ban hành | Tỉnh Tiền Giang |
Người ký | Nguyễn Văn Khang |
Lĩnh vực | Thủ tục Tố tụng |
ỦY
BAN NHÂN DÂN |
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 12/CT-UBND |
Tiền Giang, ngày 29 tháng 8 năm 2013 |
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC TIẾP TỤC TĂNG CƯỜNG VÀ NÂNG CAO HIỆU QUẢ CÔNG TÁC THI HÀNH ÁN DÂN SỰ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH TIỀN GIANG
Sau 4 năm thi hành Luật Thi hành án dân sự, công tác thi hành án dân sự trên địa bàn tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực, thể chế công tác thi hành án dân sự ngày càng hoàn thiện hơn; hệ thống cơ quan thi hành án được tổ chức và quản lý tập trung thống nhất; chất lượng và hiệu quả công tác thi hành án dân sự các cấp ngày càng tăng, kết quả thi hành án về việc và về tiền năm sau cao hơn năm trước đã góp phần phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh, chính trị trật tự an toàn xã hội.
Năm 2013 là năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết 37/2012/QH13 ngày 23/11/2012 của Quốc hội khóa XIII, trong đó giao chỉ tiêu cho cơ quan thi hành án dân sự phải thi hành xong đạt trên 88% về việc và 77% về tiền so với số có điều kiện thi hành. Chỉ trong 6 tháng đầu năm, kết quả thi hành án trên địa bàn tỉnh đã giải quyết xong 4.846 việc trên tổng số 17.463 việc có điều kiện thi hành, đạt 27,5% so với việc phải thi hành; thi hành về tiền đã giải quyết xong 130 tỷ 684 triệu đồng, chiếm 13,7% so với số phải thi hành. Kết quả trên cho thấy, ngành thi hành án dân sự tỉnh, huyện hết sức nỗ lực thi hành nhưng vẫn còn những hạn chế, tỷ lệ thi hành án dân sự đạt chưa cao, nguyên nhân chủ yếu do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế kéo theo nợ xấu, khó thu hồi, tài sản bán đấu giá không có người mua; số án phải thụ lý thi hành năm sau luôn cao hơn năm trước, biên chế cơ quan thi hành án mặc dù đã được tăng thêm nhưng vẫn không đủ lực lượng để tổ chức thi hành, còn hạn chế về chuyên môn, nghiệp vụ; sự phối hợp hỗ trợ của các ngành, các cấp đối với công tác thi hành án dân sự chưa được đồng bộ thống nhất, nhất là sự phối hợp xác minh và cung cấp thông tin tài sản để thi hành án; cán bộ, công chức ngành thi hành án một số đơn vị chưa thực hiện hết chức trách, nhiệm vụ, việc xử lý vụ việc có lúc còn sai sót.
Để phấn đấu đạt chỉ tiêu kế hoạch hoạt động thi hành án dân sự do Quốc hội giao tại Nghị quyết 37/2012/QH13 trong năm 2013 và những năm sau, đồng thời để tiếp tục phát huy những thành tích đạt được, tạo sự chuyển biến trong công tác thi hành án dân sự trên địa bàn của tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ thị thủ trưởng các ngành, các cấp thực hiện các công việc sau:
1. Cục Thi hành án Dân sự tỉnh có trách nhiệm:
- Tiếp tục tham mưu cho Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh và Ban chỉ đạo thi hành án tỉnh thực hiện nghiêm Nghị quyết số 37/2012/QH13 của Quốc hội, đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục pháp luật, nâng cao trách nhiệm của cán bộ, công chức và nhân dân trong lĩnh vực thi hành án dân sự.
- Tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh tiếp tục kiện toàn và nâng cao hiệu quả hoạt động của Ban Chỉ đạo thi hành án dân sự tỉnh, đề cao vai trò trách nhiệm chỉ đạo thực hiện công tác phối hợp, giải quyết kịp thời những khó khăn vướng mắc phát sinh trong quá trình phối hợp thi hành án dân sự trên địa bàn tỉnh.
- Xây dựng và triển khai kế hoạch tập trung cao điểm giải quyết việc thi hành án trên địa bàn tỉnh; kiểm tra việc thực hiện chỉ tiêu kế hoạch thi hành án năm 2013 tại các Chi cục thi hành án dân sự và chấp hành viên; chỉ đạo tổ chức và phối hợp với các đơn vị có liên quan trong công tác thi hành án dân sự, tổ chức thi hành những vụ án lớn, phức tạp; tổ chức kiểm tra và phối hợp với các đơn vị tổ chức thi hành các việc thi hành án phức tạp kéo dài có liên quan theo kết luận của các Ban Chỉ đạo.
- Tăng cường kiểm tra việc thụ lý, phân loại án đảm bảo chính xác, tổ chức thi hành án đúng trình tự thủ tục theo quy định của pháp luật, không để án có điều kiện mà chậm thi hành án, không thi hành.
- Khẩn trương giải quyết dứt điểm các hồ sơ đủ điều kiện thi hành án, chủ động phối hợp với các cơ quan nội chính nhất là phối hợp với cơ quan công an, trại giam thực hiện nghiêm Thông tư liên tịch số 03/TTL-BTP-BCA ngày 30 tháng 3 năm 2012 của Bộ Tư pháp và Bộ Công an về phối hợp trong bảo vệ cưỡng chế thi hành án dân sự; tranh thủ sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng, chính quyền địa phương nơi có bản án phải thi hành, đẩy nhanh tiến độ, chất lượng, hiệu quả công tác thi hành án trên địa bàn tỉnh.
- Cơ quan thi hành án dân sự tỉnh, huyện có trách nhiệm xây dựng dự toán kinh phí hoạt động của Ban Chỉ đạo thi hành án cùng cấp đề nghị cơ quan tài chính cùng cấp xem xét cấp dự toán kinh phí hoạt động.
- Tăng cường củng cố, phẩm chất đạo đức của cán bộ thi hành án đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Chấn chỉnh kịp thời những hạn chế thiếu sót, xử lý nghiêm các sai phạm nếu có.
2. Sở Tư pháp có trách nhiệm:
- Chủ trì rà soát các văn bản quy phạm pháp luật của địa phương ban hành trước đây không còn phù hợp với Luật Thi hành án dân sự để kịp thời tham mưu sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ cho phù hợp với quy định pháp luật.
- Chủ động phối hợp với Cục thi hành án dân sự và các cơ quan, tổ chức liên quan xây dựng kế hoạch tuyên truyền, tổ chức biên soạn đề cương, tài liệu tuyên truyền, phổ biến nội dung cơ bản của Luật Thi hành án dân sự, Luật Tố tụng hành chính, Luật Thi hành án hình sự và các văn bản hướng dẫn thi hành bằng nhiều hình thức, biện pháp khác nhau, trong đó chú trọng việc tuyên truyền, phổ biến trên các phương tiện thông tin đại chúng nhằm nâng cao nhận thức và có ý thức chấp hành nghiêm pháp luật về thi hành án dân sự cho cán bộ, công chức, viên chức và công dân, tạo điều kiện để công tác thi hành án dân sự ngày càng đạt hiệu quả cao, đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật.
3. Sở Tài chính có trách nhiệm:
- Cử cán bộ có chuyên môn tham gia công tác phối hợp thi hành án như: tham gia định giá, tiêu hủy vật chứng tài sản và các công việc có liên quan khác khi có đề nghị của cơ quan thi hành án dân sự.
- Thực hiện việc tiếp nhận và xử lý vật chứng, tài sản tịch thu sung quỹ Nhà nước theo nội dung án tuyên kịp thời, đúng quy định của pháp luật.
- Cấp dự toán kinh phí hoạt động của Ban Chỉ đạo thi hành án các cấp được quy định Thông tư liên tịch số 14/2011/TTLT-BTP-BTC-TANDTC-VKSNDTC ngày 11 tháng 7 năm 2011 của Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao.
4. Các Sở: Tài nguyên và Môi trường, Giao thông vận tải, Xây dựng có trách nhiệm chỉ đạo các cơ quan Đăng ký quyền sử dụng đất, Phòng Giao thông thực hiện tốt việc cung cấp thông tin về tài sản cho người được thi hành án theo quy định và kịp thời hỗ trợ cơ quan thi hành án trong việc đo đạc, lập và trích lục sơ đồ thửa đất; số hiệu, ký hiệu, chủng loại… của các phương tiện giao thông vận tải để thi hành án; tạm dừng hoặc dừng việc thực hiện các giao dịch về chuyển quyền sở hữu, sử dụng đối với các loại động sản và bất động sản, tài sản gắn liền với quyền sử dụng đất của người phải thi hành án và những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan theo đề nghị của cơ quan thi hành án dân sự và chấp hành viên.
5. Đề nghị Kho bạc Nhà nước, Bảo hiểm xã hội và các Chi nhánh ngân hàng, tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh:
- Chỉ đạo cung cấp đúng, đầy đủ, kịp thời thông tin, số liệu về tài khoản và các khoản thu nhập của người phải thi hành án đang có hoặc đang được chi trả theo đề nghị của cơ quan thi hành án dân sự và chấp hành viên.
- Phối hợp thực hiện kịp thời các đề nghị của cơ quan thi hành án dân sự, chấp hành viên về việc phong tỏa tài khoản, tài sản, khấu trừ vào thu nhập, tiền trong tài khoản hoặc giải tỏa việc phong tỏa tài khoản, tài sản của người phải thi hành án.
6. Công an tỉnh có trách nhiệm:
- Chỉ đạo Công an các cấp phối hợp chặt chẽ với cơ quan thi hành án dân sự cùng cấp trong việc giải quyết những vụ án phức tạp, xây dựng kế hoạch bảo vệ cưỡng chế và cử cán bộ bảo vệ cưỡng chế khi có đề nghị của cơ quan thi hành án dân sự.
- Cung cấp thông tin đúng, đầy đủ về hộ khẩu và quyền sở hữu các phương tiện giao thông của đối tượng phải thi hành án khi có đề nghị của cơ quan thi hành án dân sự.
- Chỉ đạo trại tạm giam, nơi người phải thi hành án đang chấp hành hình phạt tù thu các khoản tiền, tài sản mà người phải thi hành án, thân nhân của người phải thi hành án nộp để thi hành án. Cung cấp cho cơ quan thi hành án dân sự thông tin liên quan về người phải thi hành nghĩa vụ về dân sự đang chấp hành án phạt tù. Thực hiện việc thông báo giấy tờ về thi hành án dân sự cho người phải thi hành án đang chấp hành án phạt tù kịp thời theo đúng quy định.