Chỉ thị 11/CT-UBND năm 2023 về nâng cao hiệu quả, hiệu lực hoạt động thanh tra trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi

Số hiệu 11/CT-UBND
Ngày ban hành 06/09/2023
Ngày có hiệu lực 06/09/2023
Loại văn bản Chỉ thị
Cơ quan ban hành Tỉnh Quảng Ngãi
Người ký Đặng Văn Minh
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG NGÃI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 11/CT-UBND

Quảng Ngãi, ngày 06 tháng 9 năm 2023

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC NÂNG CAO HIỆU QUẢ, HIỆU LỰC HOẠT ĐỘNG THANH TRA TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG NGÃI

Trong những năm qua, cùng với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, hoạt động Thanh tra trên địa bàn tỉnh đã có chuyển biến tích cực, hoạt động thanh tra được tiến hành trên tất cả các lĩnh vực, có trọng tâm, trọng điểm, kịp thời phát hiện, xử lý vi phạm, đề xuất các biện pháp chấn chỉnh các vi phạm và kiến nghị điều chỉnh, bổ sung các cơ chế, chính sách phù hợp với thực tiễn nhằm tăng cường hiệu quả, hiệu lực của công tác quản lý nhà nước, hạn chế tiêu cực, tham nhũng, lãng phí, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân, góp phần ổn định và phát triển kinh tế, xã hội của địa phương.

Bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động thanh tra vẫn còn những tồn tại, hạn chế, bất cập, đó là: Chưa khắc phục triệt để sự chồng chéo, trùng lặp trong hoạt động thanh tra, kiểm tra, nhất là đối với doanh nghiệp; việc xây dựng kế hoạch thanh tra chưa toàn diện, có lĩnh vực còn bỏ trống; chất lượng thanh tra chưa phát hiện nhiều vi phạm, chậm trễ trong việc ban hành báo cáo kết quả thanh tra và kết luận thanh tra, nội dung kiến nghị xử lý chưa cụ thể, thiếu tính khả thi trong thực hiện; việc đôn đốc sau thanh tra chưa quyết liệt, còn nhiều kết luận chưa thực hiện dứt điểm, ...

Nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế và nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác thanh tra trong thời gian đến, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Thủ trưởng các sở, ban ngành tỉnh, Chủ tịch UBND cấp huyện chỉ đạo triển khai thực hiện một số nhiệm vụ sau đây:

1. Tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm túc Luật Thanh tra năm 2022 và các Nghị định hướng dẫn thi hành; kiện toàn tổ chức bộ máy, sắp xếp cơ quan thanh tra cấp sở theo quy định; bố trí đảm bảo về số lượng và nâng cao chất lượng đội ngũ thanh tra viên, công chức thanh tra đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ thanh tra phòng chống tham nhũng, tiêu cực và vi phạm pháp luật trong giai đoạn mới

a) Chánh Thanh tra tỉnh triển khai thực hiện các nội dung sau:

- Phối hợp với Thủ trưởng các sở, ban ngành, các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc UBND tỉnh và Chủ tịch UBND cấp huyện tiếp tục triển khai, quán triệt nội dung Luật Thanh tra năm 2022 và các Nghị định hướng dẫn thi hành đến cán bộ, công chức, viên chức để nâng cao nhận thức và thực hiện theo đúng quy định của pháp luật về thanh tra.

- Phối hợp với Giám đốc Sở Nội vụ và Thủ trưởng các sở, ban ngành liên quan xây dựng trinh UBND tỉnh ban hành Quyết định quy định về chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức bộ máy và biên chế của Thanh tra tỉnh; phê duyệt Phương án hoặc Đề án sắp xếp tổ chức và biên chế thanh tra cấp sở theo quy định của Nghị định về cơ quan thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành và hoạt động của cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành (sau khi Nghị định được ban hành).

- Phối hợp Thủ trưởng các sở, ban ngành và Chủ tịch UBND cấp huyện tăng cường đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ, kỹ năng công tác nhằm nâng cao chất lượng đội ngủ thanh tra viên, công chức ngành thanh tra tỉnh Quảng Ngãi đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao.

b) Thủ trưởng các sở, ban ngành, các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc tỉnh và Chủ tịch UBND cấp huyện chủ trì, phối hợp triển khai thực hiện các nội dung sau:

- Phối hợp với Chánh Thanh tra tỉnh tiếp tục triển khai, quán triệt nội dung Luật Thanh tra năm 2022 và các Nghị định hướng dẫn thi hành đến cán bộ, công chức, viên chức và người lao động để nâng cao nhận thức và thực hiện theo đúng quy định của pháp luật về thanh tra. Tăng cường đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ, kỹ năng công tác nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ thanh tra viên, công chức thanh tra ngành đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao.

- Thủ trưởng các sở, ban ngành; Chủ tịch UBND cấp huyện chỉ đạo Chánh Thanh tra cấp sở, cấp huyện xây dựng trình ban hành Quyết định quy định về chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức bộ máy và biên chế của Thanh tra cấp sở, cấp huyện theo quy định của Luật Thanh tra năm 2022. Riêng đối với các Sở theo Phương án hoặc Đề án sắp xếp tổ chức và biên chế thanh tra cấp sở khi được UBND tỉnh phê duyệt thuộc trường hợp không được thành lập thì thực hiện các thủ tục để giải thể thanh tra cấp sở theo quy định của pháp luật.

- Thủ trưởng các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc tỉnh căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ và nhu cầu quản lý của mình giao cho bộ phận phù hợp tổ chức việc thanh tra nội bộ để tăng cường công tác quản lý, đảm bảo việc chấp hành chính sách pháp luật, việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao theo Luật Thanh tra năm 2022 và Nghị định số 43/2023/NĐ-CP ngày 30/6/2023 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thanh tra.

2. Nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động thanh tra hành chính và thanh tra chuyên ngành

a) Chánh Thanh tra tỉnh chủ trì, phối hợp với Thủ trưởng các sở, ban ngành, Chủ tịch UBND cấp huyện chỉ đạo thanh tra cấp sở, thanh tra cấp huyện xây dựng kế hoạch thanh tra hàng năm để tổng hợp trình Chủ tịch UBND tỉnh ban hành kế hoạch thanh tra của tỉnh đảm bảo có trọng tâm, trọng điểm, tăng cường thanh tra công vụ, thanh tra công tác quản lý nhà nước và trách nhiệm của người đứng đầu trong thực hiện nhiệm vụ được giao, tập trung vào các lĩnh vực dễ phát sinh nhiều vi phạm tham nhũng, tiêu cực, nhiều đơn thư tố cáo, được dư luận xã hội quan tâm.

Đồng thời, trong quá trình xây dựng kế hoạch thanh tra, các cơ quan thanh tra phải phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan trao đổi thống nhất xử lý chồng chéo trong hoạt động thanh tra, không đề xảy ra tình trạng thanh tra quá một lần về một nội dung và với một đối tượng; triển khai kịp thời có hiệu quả dự án nâng cấp phần mềm xử lý chồng chéo và xây dựng cơ sở dữ liệu trong hoạt động thanh tra nhằm nâng cao hiệu quả trong việc xử lý chồng chéo hoạt động thanh tra, kiểm tra trên địa bàn tỉnh.

Chánh Thanh tra tỉnh, Chánh Thanh tra các sở, ban ngành, Chánh Thanh tra cấp huyện chủ động, phát hiện kịp thời cơ quan, tổ chức cá nhân có dấu hiệu vi phạm pháp luật để tiến hành thanh tra đột xuất theo quy định, nhất là thanh tra chuyên ngành.

b) Đổi mới phương pháp và cách thức tiến hành thanh tra để đẩy nhanh tiến độ thanh tra, khắc phục triệt để tình trạng chậm ban hành báo cáo kết quả thanh tra và kết luận thanh tra và nâng cao chất lượng thanh tra:

Chánh Thanh tra tỉnh, Chánh Thanh tra các sở, ban ngành, Chánh Thanh tra cấp huyện tiếp tục chỉ đạo thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng kết luận thanh tra:

- Chú trọng công tác thu thập thông tin phục vụ xây dựng kế hoạch tiến hành thanh tra; lựa chọn thành viên Đoàn thanh tra có kiến thức, kỹ năng phù hợp; tập huấn kỹ năng, nghiệp vụ về phát hiện, xử lý vi phạm cho thành viên Đoàn thanh tra trước khi triển khai; sử dụng hiệu quả thiết chế giám sát hoạt động của Đoàn thanh tra, lấy ý kiến về dự thảo kết luận và thẩm định dự thảo Kết luận thanh tra để tăng cường thảo luận, phản biện đối với kết quả thanh tra; thường xuyên tổ chức học tập rút kinh nghiệm khi kết thúc một cuộc thanh tra. Thanh tra tỉnh tập trung xem xét tính chính xác, hợp pháp của Kết luận thanh tra cấp sở, cấp huyện, nhằm phát hiện dấu hiệu vi phạm pháp luật để tiến hành thanh tra lại hoặc kiến nghị biện pháp xử lý theo quy định.

- Kết luận thanh tra phải đánh giá đầy đủ, toàn diện việc thực hiện chính sách, pháp luật, nhiệm vụ của đơn vị được thanh tra trên cơ sở xem xét, phân tích điều kiện thực tế, so sánh, đối chiếu với những quy định của pháp luật, từ đó xác định rõ tính chất, mức độ vi phạm, nguyên nhân, trách nhiệm cụ thể của cơ quan, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm về hành chính, kinh tế, công tác quản lý, để đảm bảo kết luận có tính khách quan, toàn diện và khả thi, đồng thời kết luận phải được xây dựng, ban hành đúng trình tự, thủ tục, thẩm quyền theo quy định để đảm bảo hiệu lực thi hành.

- Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động thanh tra để nâng cao hiệu quả, chất lượng các cuộc thanh tra, rút ngắn thời gian thanh tra trực tiếp tại đơn vị nhằm giảm bớt phiền phức cho các tổ chức, cá nhân là đối tượng thanh tra.

c) Tăng cường mối quan hệ phối hợp trong hoạt động thanh tra giữa cơ quan Thanh tra với:

- Cơ quan Điều tra và Viện Kiểm sát trong việc trao đổi cung cấp thông tin về tình hình vi phạm pháp luật phát hiện qua công tác thanh tra[1];

- Ủy ban Kiểm tra các cấp trong việc cung cấp thông tin phát hiện đảng viên, tổ chức đảng có vi phạm pháp luật phát hiện qua công tác thanh tra;

- Sở Nội vụ trong việc tham mưu xem xét kiểm điểm, xử lý kỷ luật; xem xét đánh giá, xếp loại chất lượng cán bộ, công chức hàng năm đối với cán bộ, công chức, viên chức thuộc thẩm quyền quản lý trực tiếp của UBND tỉnh, đảm bảo sự nghiêm minh của pháp luật.

3. Tổ chức thực hiện nghiêm túc các kết luận thanh tra, quyết định xử lý về thanh tra đã có hiệu lực pháp luật

[...]