Chỉ thị 11/2011/CT-UBND về việc triển khai thực hiện Luật Lý lịch tư pháp trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk

Số hiệu 11/2011/CT-UBND
Ngày ban hành 10/08/2011
Ngày có hiệu lực 20/08/2011
Loại văn bản Chỉ thị
Cơ quan ban hành Tỉnh Đắk Lắk
Người ký Lữ Ngọc Cư
Lĩnh vực Bộ máy hành chính,Quyền dân sự

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH ĐẮK LẮK

--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 11/2011/CT-UBND

Đắk Lắk, ngày 10 tháng 8 năm 2011

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TRIỂN KHAI THỰC HIỆN LUẬT LÝ LỊCH TƯ PHÁP TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH

Luật Lý lịch tư pháp được Quốc hội khóa XII, kỳ họp thứ 5 thông qua ngày 17/6/2009, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2010. Đây là đạo luật quan trọng, có giá trị pháp lý cao để quản lý nhà nước về lý lịch tư pháp và cấp phiếu lý lịch tư pháp. Luật Lý lịch tư pháp đặt ra những nhiệm vụ mới, phức tạp và khó khăn trong quản lý Nhà nước về lý lịch tư pháp như: Xây dựng hệ thống dữ liệu về lý lịch tư pháp; hình thành cơ chế cung cấp, tiếp nhận, cập nhật, xử lý thông tin lý lịch tư pháp; chủ động xóa án tích cho những người đã từng bị kết án có đủ điều kiện đương nhiên được xóa án tích theo quy định của pháp luật, tạo điều kiện cho người đã bị kết án tái hòa nhập cộng đồng. Để thi hành Luật Lý lịch tư pháp, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 111/2010/NĐ-CP ngày 23/11/2010 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Lý lịch tư pháp và Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 2369/QĐ-TTg ngày 28/12/2010 phê duyệt Đề án xây dựng Trung tâm lý lịch tư pháp quốc gia và kiện toàn tổ chức thuộc Sở Tư pháp để xây dựng, quản lý cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp.

Để tiếp tục triển khai thực hiện Luật Lý lịch tư pháp và các văn bản hướng dẫn thi hành, đồng thời để tăng cường và nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về lý lịch tư pháp, phục vụ kịp thời yêu cầu cấp phiếu lý lịch tư pháp của cá nhân, tổ chức trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh chỉ thị:

1. Sở Tư pháp:

- Phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông chỉ đạo hệ thống cơ quan thông tin, truyền thông trên địa bàn tỉnh tiếp tục đẩy mạnh việc tuyên truyền, phổ biến sâu rộng nội dung của Luật Lý lịch tư pháp và các văn bản hướng dẫn thi hành đến các cấp, các ngành, cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân trên địa bàn tỉnh; đặc biệt là các ngành có liên quan và đội ngũ cán bộ, công chức trực tiếp và liên quan đến công tác lý lịch tư pháp, trong đó cần tập trung tuyên truyền, phổ biến các nội dung về: mục đích của việc quản lý lý lịch tư pháp, các quyền, nghĩa vụ của cá nhân, tổ chức trong việc yêu cầu cấp phiếu lý lịch tư pháp và thực hiện pháp luật về lý lịch tư pháp; trình tự thủ tục cấp phiếu lý lịch tư pháp… nhằm tiếp tục nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về lý lịch tư pháp trong các cấp, các ngành và cán bộ, nhân dân trên địa bàn tỉnh.

- Tiếp nhận đầy đủ, kịp thời thông tin lý lịch tư pháp do các cơ quan, tổ chức cung cấp. Thực hiện việc xây dựng và quản lý cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp; cập nhật, xử lý thông tin lý lịch tư pháp về án tích; cấp phiếu lý lịch tư pháp và cung cấp thông tin lý lịch tư pháp về án tích; cung cấp lý lịch tư pháp theo quy định của Luật Lý lịch tư pháp và các văn bản hướng dẫn thi hành.

- Thực hiện các biện pháp bảo vệ cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp, bảo đảm an toàn và an ninh đối với cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp theo quy định của Luật và Nghị định số 111/2010/NĐ-CP ngày 23/11/2010 của Chính phủ.

- Kiện toàn nguồn nhân lực, bố trí đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác lý lịch tư pháp, giải quyết kịp thời, đúng pháp luật các vấn đề về lý lịch tư pháp; nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về công tác lý lịch tư pháp trên địa bàn tỉnh.

- Đầu tư thiết bị, đảm bảo cơ sở vật chất và phương tiện làm việc đáp ứng yêu cầu quản lý cơ sở dữ liệu và cấp phiếu lý lịch tư pháp. Xây dựng phần mềm quản lý dữ liệu lý lịch tư pháp; kho lưu trữ hồ sơ, giấy tờ về lý lịch tư pháp phục vụ yêu cầu tra cứu chính xác, kịp thời, lưu trữ an toàn, lâu dài.

2. Công an tỉnh:

Thực hiện việc trao đổi, cung cấp thông tin lý lịch tư pháp về án tích có từ ngày 01/7/2010 trở về trước theo quy định của pháp luật, đồng thời tiếp tục trao đổi, cung cấp thông tin về án tích có sau ngày 01/7/2010 khi Sở Tư pháp yêu cầu. Chỉ đạo cơ quan Công an cấp huyện gửi giấy chứng nhận đã chấp hành xong án phạt cải tạo không giam giữ, phạt tù cho hưởng án treo và các hình phạt bổ sung cho Sở Tư pháp.

3. Đề nghị Toà án nhân dân tỉnh triển khai thực hiện các nhiệm vụ thuộc thẩm quyền theo quy định của Luật Lý lịch tư pháp, cụ thể:

- Chỉ đạo các đơn vị trực thuộc thực hiện nghiêm túc việc gửi cho Sở Tư pháp các văn bản, quyết định từ sau ngày 01/7/2010, bao gồm: Trích lục bản án hình sự sơ thẩm có hiệu lực pháp luật, trích lục bản án hình sự phúc thẩm; Quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm về hình sự; Quyết định ân giảm hình phạt tử hình; Quyết định thi hành án hình sự; Quyết định hoãn chấp hành hình phạt tù; Quyết định xoá án tích; Giấy chứng nhận đương nhiên xoá án tích; Quyết định miễn chấp hành hình phạt; Quyết định giảm thời hạn chấp hành hình phạt; Quyết định tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù; Quyết định miễn giảm nghĩa vụ thi hành án đối với khoản thu nộp ngân sách nhà nước; Quyết định tiếp nhận chuyển giao người đang chấp hành hình phạt tù đối với trường hợp dẫn độ để thi hành án tại Việt Nam.

- Cung cấp thông tin lý lịch tư pháp về án tích; thông tin lý lịch tư pháp về cấm đảm nhiệm chức vụ, thành lập, quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã theo đề nghị của Sở Tư pháp.

4. Cục Thi hành án dân sự:

Chỉ đạo các đơn vị trực thuộc thực hiện nghiêm túc việc gửi quyết định thi hành án phạt tiền, tịch thu tài sản, án phí và các nghĩa vụ dân sự khác của người bị kết án; quyết định đình chỉ thi hành án; giấy xác nhận kết quả thi hành án; văn bản thông báo kết thúc thi hành án trong trường hợp người bị kết án đã thực hiện xong nghĩa vụ cho Sở Tư pháp.

5. Sở Tài chính:

Chủ trì, phối hợp với Sở Tư pháp tham mưu cho UBND tỉnh bố trí kinh phí hàng năm để đầu tư, mua sắm trang thiết bị, xây dựng phần mềm quản lý dữ liệu lý lịch tư pháp, cập nhật dữ liệu thông tin lý lịch tư pháp cho Sở Tư pháp triển khai thực hiện tốt việc quản lý, khai thác dữ liệu lý lịch tư pháp và cấp phiếu lý lịch tư pháp theo yêu cầu của công dân, tổ chức.

6. Sở Nội vụ:

Có trách nhiệm phối hợp với Sở Tư pháp trong việc xây dựng và trình UBND tỉnh phê duyệt Đề án thành lập Phòng Lý lịch tư pháp thuộc Sở Tư pháp để thực hiện tốt chức năng tham mưu quản lý nhà nước về lý lịch tư pháp. Trước mắt cần tham mưu UBND tỉnh bổ sung thêm biên chế cho Sở Tư pháp để tuyển dụng và bố trí cán bộ, công chức làm công tác lý lịch tư pháp, nhằm đảm bảo nguồn lực đáp ứng yêu cầu triển khai thực hiện Luật Lý lịch tư pháp trên địa bàn tỉnh.

7. UBND các huyện, thị xã, thành phố:

- Thực hiện nghiêm túc việc gửi 01 bản chính hoặc 01 bản sao quyết định cho phép thay đổi, cải chính hộ tịch cho người từ đủ 14 tuổi trở lên (bản sao từ sổ gốc hoặc bản sao từ bản chính có chứng thực) cho Trung tâm lý lịch tư pháp quốc gia thuộc Bộ Tư pháp và Sở Tư pháp;

- Chỉ đạo UBND cấp xã khi cấp giấy chứng tử có trách nhiệm gửi 01 bản sao (bản sao từ sổ gốc hoặc bản sao từ bản chính có chứng thực) cho Trung tâm lý lịch tư pháp quốc gia thuộc Bộ Tư pháp và Sở Tư pháp;

- Chỉ đạo UBND cấp xã phối hợp xác minh về điều kiện đương nhiên được xóa án tích theo yêu cầu của Sở Tư pháp.

UBND tỉnh yêu cầu các Sở, ngành và UBND các huyện, thành phố, thị xã triển khai thực hiện các nội dung nêu trên. Quá trình thực hiện nếu có khó khăn, vướng mắc, đề nghị kịp thời phản ánh về Sở Tư pháp để tổng hợp báo cáo UBND tỉnh chỉ đạo, giải quyết.

Giám đốc Sở Tư pháp chịu trách nhiệm theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc triển khai thực hiện Chỉ thị và định kỳ báo cáo, đề xuất với UBND tỉnh các giải pháp thực hiện.

Chỉ thị này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày, kể từ ngày ký./.

[...]
6
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ