Chỉ thị 07/CT-UBND năm 2011 triển khai thực hiện Luật Lý lịch tư pháp và Nghị định 111/2010/NĐ-CP hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Lý lịch tư pháp trên địa bàn tỉnh Hà Nam

Số hiệu 07/CT-UBND
Ngày ban hành 04/08/2011
Ngày có hiệu lực 04/08/2011
Loại văn bản Chỉ thị
Cơ quan ban hành Tỉnh Hà Nam
Người ký Trần Hồng Nga
Lĩnh vực Quyền dân sự

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH HÀ NAM
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 07/CT-UBND

Hà Nam, ngày 04 tháng 8 năm 2011

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TRIỂN KHAI THỰC HIỆN LUẬT LÝ LỊCH TƯ PHÁP VÀ NGHỊ ĐỊNH SỐ 111/2010/NĐ-CP NGÀY 23/11/2010 CỦA CHÍNH PHỦ QUY ĐỊNH CHI TIẾT VÀ HƯỚNG DẪN THI HÀNH MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT LÝ LỊCH TƯ PHÁP

Luật Lý lịch tư pháp được Quốc hội khóa XII, kỳ họp thứ 5 thông qua ngày 17 tháng 6 năm 2009 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2010. Ngày 23 tháng 11 năm 2010, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 111/2010/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Lý lịch tư pháp;

Để đảm bảo triển khai đồng bộ, có hiệu quả Luật Lý lịch tư pháp, Nghị định số 111/2010/NĐ-CP, Uỷ ban nhân dân tỉnh yêu cầu:

1. Thủ trưởng các Sở, ban, ngành của tỉnh, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố và các cơ quan, tổ chức có liên quan trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình tổ chức tuyên truyền, phổ biến sâu rộng các chủ trương, chính sách của Đảng trong lĩnh vực lý lịch tư pháp và những quy định của Luật Lý lịch tư pháp, Nghị định số 111/2010/NĐ-CP trong Sở, ban, ngành, các địa phương, các tổ chức và nhân dân nhằm thực hiện tốt các quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của mình theo quy định của Luật Lý lịch tư pháp và Nghị định số 111/2010/NĐ-CP.

2. Sở Tư pháp có trách nhiệm:

- Chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành liên quan tham mưu giúp UBND tỉnh tổ chức triển khai thực hiện Luật Lý lịch tư pháp và Nghị định số 111/2010/NĐ-CP trên địa bàn tỉnh.

- Phối hợp với Báo Hà Nam, Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh tuyên truyền, phổ biến nội dung cơ bản của Luật Lý lịch tư pháp và Nghị định số 111/2010/NĐ-CP; mục đích, ý nghĩa của việc quản lý lý lịch tư pháp; các quyền, nghĩa vụ của cá nhân, tổ chức trong việc yêu cầu cấp phiếu lý lịch tư pháp và thực hiện pháp luật về lý lịch tư pháp; trình tự, thủ tục cấp phiếu lý lịch tư pháp để cá nhân, tổ chức thực hiện tốt các quyền, trách nhiệm của mình theo quy định của pháp luật.

- Chủ trì, phối hợp với Công an tỉnh, Toà án nhân dân tỉnh, Cục Thi hành án dân sự tỉnh:

Tổ chức tập huấn hoặc cử cán bộ, công chức làm công tác lý lịch tư pháp và cán bộ, công chức làm công tác liên quan tham gia các lớp đào tạo, tập huấn kiến thức pháp luật và nghiệp vụ lý lịch tư pháp, nhằm đảm bảo thực hiện tốt nhiệm vụ được giao, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước về lý lịch tư pháp và yêu cầu cấp phiếu lý lịch tư pháp của tổ chức, cá nhân;

Xây dựng quy chế phối hợp về cập nhật, cung cấp, khai thác, xử lý, trao đổi thông tin về lý lịch tư pháp theo quy định của Luật Lý lịch tư pháp và Nghị định số 111/2010/NĐ-CP, trong đó xác định rõ trách nhiệm của từng cơ quan trong việc cung cấp, tiếp nhận, cập nhật, khai thác, xử lý thông tin về lý lịch tư pháp.

- Tổ chức thực hiện và phối hợp thực hiện tốt các nhiệm vụ, quyền hạn được giao theo quy định: Thực hiện việc xây dựng và quản lý cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp trong phạm vi địa bàn tỉnh theo quy định tại Điều 13, Điều 14 của Luật Lý lịch tư pháp và Nghị định số 111/2010/NĐ-CP; Tiếp nhận kịp thời, đầy đủ thông tin lý lịch tư pháp về án tích do các cơ quan, tổ chức cung cấp; lập lý lịch tư pháp, cập nhật thông tin về lý lịch tư pháp về án tích; Tiếp nhận, lập lý lịch tư pháp và cập nhật thông tin về cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm thành lập, quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã do toà án cung cấp; Thực hiện cơ chế trao đổi, cung cấp thông tin lý lịch tư pháp có trước ngày Luật Lý lịch tư pháp có hiệu lực thi hành theo hướng dẫn của các Bộ, ngành Trung ương; ứng dụng công nghệ thông tin trong xây dựng và quản lý cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp; Cấp phiếu lý lịch tư pháp cho các cá nhân, cơ quan, tổ chức có yêu cầu theo quy định của pháp luật.

3. Công an tỉnh Hà Nam chỉ đạo các phòng, bộ phận chuyên môn liên quan thực hiện cung cấp thông tin cho Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia và Sở Tư pháp để xây dựng cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp theo quy định, đồng thời thực hiện tra cứu, cung cấp thông tin lý lịch tư pháp về án tích có trước ngày 01 tháng 7 năm 2010 đảm bảo thời gian theo quy định tại Điều 25 Nghị định số 111/2010/NĐ-CP của Chính phủ.

4. Cơ quan Thi hành án dân sự; Tòa án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân các cấp và các cơ quan, tổ chức khác liên quan thực hiện việc trao đổi, cung cấp thông tin lý lịch tư pháp theo quy định đề nghị của Sở Tư pháp.

5. Sở Tài chính chủ trì phối hợp với Sở Tư pháp tham mưu Uỷ ban nhân dân tỉnh bố trí kinh phí phục vụ cho việc xây dựng, quản lý cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp, cập nhật, khai thác, xử lý thông tin về lý lịch tư pháp.

6. Sở Nội vụ chủ trì phối hợp với Sở Tư pháp tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh bố trí biên chế làm công tác lý lịch tư pháp.

7. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố khi ban hành quyết định cho phép thay đổi, cải chính hộ tịch cho người từ đủ 14 tuổi trở lên; Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn khi cấp giấy chứng tử có trách nhiệm gửi bản chính hoặc bản sao quyết định, giấy chứng tử cho Sở Tư pháp.

Trong quá trình triển khai thực hiện, có khó khăn, vướng mắc phản ánh kịp thời về Sở Tư pháp để tổng hợp, báo cáo, đề xuất UBND tỉnh theo quy định./.

 

 

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Trần Hồng Nga