Chỉ thị 11/2007/CT-UBND chấn chỉnh công tác hoà giải, giải quyết khiếu nại, tố cáo, giải quyết tranh chấp đất đai trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng
Số hiệu | 11/2007/CT-UBND |
Ngày ban hành | 20/07/2007 |
Ngày có hiệu lực | 30/07/2007 |
Loại văn bản | Chỉ thị |
Cơ quan ban hành | Tỉnh Sóc Trăng |
Người ký | Huỳnh Thành Hiệp |
Lĩnh vực | Bộ máy hành chính |
ỦY BAN NHÂN DÂN |
CỘNG HÒA XÃ
HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 11 /2007/CT-UBND |
Sóc Trăng, ngày 20 tháng 7 năm 2007 |
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC CHẤN CHỈNH CÔNG TÁC HOÀ GIẢI, GIẢI QUYẾT KHIẾU NẠI, TỐ CÁO, GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP ĐẤT ĐAI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH SÓC TRĂNG.
Trong những năm qua, công tác hoà giải, giải quyết tranh chấp đất đai và giải quyết khiếu nại, tố cáo được Đảng, Nhà nước, Chính phủ quan tâm, có nhiều văn bản chỉ đạo, uốn nắn, chấn chỉnh; Tỉnh uỷ, HĐND và UBND tỉnh đã có Nghị quyết, Chỉ thị, nhiều văn bản chỉ đạo công tác hoà giải, giải quyết tranh chấp đất đai và giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân trên địa bàn tỉnh; các cấp, các ngành có nhiều cố gắng, tập trung giải quyết dứt điểm nhiều vụ việc khiếu kiện, tranh chấp đất đai phức tạp, tồn đọng kéo dài.
Tuy nhiên, vừa qua việc giải quyết còn đùn đẩy, né tránh trách nhiệm, chồng chéo chức năng lẫn nhau, cần phải chấn chỉnh, khắc phục, sửa chữa cho phù hợp với qui định của pháp luật, đặc biệt là Luật đất đai năm 2003, Pháp lệnh về tổ chức và hoạt động hoà giải ở cơ sở ngày 25/12/1998, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật khiếu nại, tố cáo năm 2005.
Để khắc phục những hạn chế trong việc hoà giải, giải quyết tranh chấp đất đai, giải quyết khiếu nại, tố cáo, nhằm tuân thủ đúng các quy định của pháp luật, Uỷ ban nhân dân tỉnh Sóc Trăng chỉ thị:
1. Về công tác hoà giải và giải quyết tranh chấp đất đai:
a. Đối với Sở Tư pháp:
Giám đốc Sở Tư pháp có trách nhiệm hướng dẫn, chỉ đạo thực hiện tốt công tác hòa giải nói chung, hòa giải về tranh chấp đất đai nói riêng đúng theo quy định của Luật đất đai năm 2003 và Pháp lệnh về tổ chức và hoạt động hoà giải ở cơ sở ngày 25/12/1998; định kỳ hoặc theo yêu cầu đột xuất phải có thống kê, báo cáo Uỷ ban nhân dân tỉnh, Bộ Tư pháp về công tác hòa giải ở cơ sở nói chung, trong đó có công tác hòa giải về tranh chấp đất đai trên địa bàn tỉnh.
b. Đối với Sở Tài nguyên và Môi trường:
Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm tổ chức kiểm tra, xác minh, tham mưu cho Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh trong việc giải quyết tranh chấp đất đai trên địa bàn tỉnh; theo dõi, báo cáo việc giải quyết tranh chấp đất đai trên địa bàn tỉnh đúng theo quy định của Luật đất đai và các văn bản qui phạm pháp luật có liên quan.
Hồ sơ giải quyết vụ việc tranh chấp đất đai cụ thể, khi báo cáo Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh phải đảm bảo đầy đủ đúng theo quy định của pháp luật; đồng thời phải kèm theo bản dự thảo quyết định giải quyết tranh chấp đất đai trình Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh quyết định
Định kỳ hoặc theo yêu cầu đột xuất phải có thống kê, tổng hợp tình hình tranh chấp đất đai, giải quyết tranh chấp đất đai trên địa bàn tỉnh thuộc phạm vi mình quản lý, báo cáo Uỷ ban nhân dân tỉnh, Bộ Tài nguyên và Môi trường.
c. Đối với Chủ tịch UBND các huyện, thành phố thuộc tỉnh:
Phải thường xuyên quan tâm chỉ đạo Ủy ban nhân dân cấp phường, xã, thị trấn và cơ quan Tư pháp cùng cấp thực hiện tốt công tác hòa giải ở cơ sở nói chung, hoà giải tranh chấp đất đai nói riêng; chỉ đạo Thủ trưởng cơ quan chuyên môn Phòng Tài nguyên và Môi trường theo dõi, kiểm tra, xác minh, báo cáo để giải quyết tranh chấp đất đai trên địa bàn thuộc thẩm quyền quản lý, đúng theo quy định của Luật đất đai 2003 và các văn bản qui phạm pháp luật có liên quan.
2. Về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo trong lĩnh vực đất đai:
a. Đối với Sở Tài nguyên và Môi trường:
Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường có thẩm quyền giải quyết tất cả các khiếu nại đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính của mình, của cán bộ, công chức do mình trực tiếp quản lý theo quy định tại Điều 22 Luật khiếu nại, tố cáo (trừ những trường hợp khiếu nại quyết định hành chính, hành vi hành chính quy định tại Điều 162 Nghị định 181/2004/NĐ-CP, ngày 29/10/2004 của Chính phủ về thi hành Luật đất đai).
Giải quyết tố cáo đối với cán bộ, công chức thuộc phạm vi, trách nhiệm mình quản lý.
Định kỳ hoặc theo yêu cầu đột xuất phải có thống kê, báo cáo Uỷ ban nhân dân tỉnh về giải quyết khiếu nại, tố cáo trong lĩnh vực đất đai thuộc phạm vi mình quản lý.
b. Đối với Thanh tra tỉnh:
Giao Chánh thanh tra tỉnh tham mưu giúp Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh giải quyết khiếu nại, tố cáo đối với các quyết định hành chính, hành vi hành chính liên quan đến đất đai theo quy định tại Điều 23 Luật khiếu nại, tố cáo và Điều 162 Nghị định 181/2004/NĐ-CP, ngày 29/10/2004 của Chính phủ về thi hành Luật đất đai. Tổ chức kiểm tra, xác minh, kết luận, kiến nghị trình Chủ tịch UBND tỉnh ban hành quyết định giải quyết khiếu nại theo thẩm quyền, đúng thời hạn quy định.
Những vụ việc giải quyết khiếu nại, cụ thể được giao cho Chánh thanh tra tỉnh tổ chức thẩm tra, xác minh, kết luận, báo cáo Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh giải quyết, thì phải hoàn chỉnh hồ sơ báo cáo và phải có dự thảo quyết định giải quyết khiếu nại kèm theo trình Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh quyết định.
Định kỳ hoặc theo yêu cầu đột xuất phải có thống kê, tổng hợp tình hình khiếu nại, tố cáo và kết quả giải quyết khiếu nại, tố cáo nói chung, trong đó có lĩnh vực khiếu nại, tố cáo liên quan đến đất đai trên địa bàn tỉnh, báo cáo Uỷ ban nhân dân tỉnh và Thanh tra Chính phủ.
c. Đối với Chủ tịch UBND các huyện, thành phố thuộc tỉnh:
Có trách nhiệm giải quyết các khiếu nại về quyết định hành chính, hành vi hành chính theo Điều 20 Luật khiếu nại, tố cáo và Điều 162, Điều 163 Nghị định 181/2004/NĐ-CP, ngày 29/10/2004 của Chính phủ về thi hành Luật đất đai.
Giải quyết tố cáo đối với cán bộ, công chức thuộc phạm vi, trách nhiệm mình quản lý.
Định kỳ hoặc theo yêu cầu đột xuất phải có thống kê, tổng hợp tình hình tranh chấp đất đai, giải quyết tranh chấp đất đai; tình hình khiếu nại, tố cáo và kết quả giải quyết khiếu nại, tố cáo nói chung, thuộc phạm vi trách nhiệm mình quản lý, báo cáo Uỷ ban nhân dân tỉnh, Thanh tra tỉnh.
Uỷ ban nhân dân tỉnh Sóc Trăng, yêu cầu Giám đốc các Sở, ngành tỉnh có liên quan, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố Sóc Trăng triển khai thực hiện nghiêm túc Chỉ thị này. Trong quá trình tổ chức thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc phải kịp thời báo cáo, kiến nghị Uỷ ban nhân dân tỉnh, để có biện pháp chỉ đạo kịp thời.