Chỉ thị 12/2007/CT-UBND về tăng cường công tác hoà giải ở cơ sở trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn
Số hiệu | 12/2007/CT-UBND |
Ngày ban hành | 17/08/2007 |
Ngày có hiệu lực | 27/08/2007 |
Loại văn bản | Chỉ thị |
Cơ quan ban hành | Tỉnh Lạng Sơn |
Người ký | Phùng Thanh Kiểm |
Lĩnh vực | Bộ máy hành chính,Thủ tục Tố tụng |
ỦY
BAN NHÂN DÂN |
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 12/2007/CT-UBND |
Lạng Sơn, ngày 17 tháng 8 năm 2007 |
VỀ TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC HOÀ GIẢI Ở CƠ SỞ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH LẠNG SƠN
Thực hiện Pháp lệnh của Uỷ ban thường vụ Quốc hội số 09/1998/PL-UBTVQH10 ngày 25/ 12/ 1998 về tổ chức và hoạt động hoà giải ở cơ sở, trong những năm qua được sự quan tâm chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền, sự phối hợp của Mặt trận tổ quốc và các đoàn thể nhân dân, công tác hoà giải ở cơ sở trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn đã có những bước chuyển biến tích cực. Toàn tỉnh hiện có 2.508 Tổ hoà giải ở thôn, bản, khối phố với tổng số 11.081 hoà giải viên, trung bình mỗi tổ có từ 5 - 7 tổ viên, từ năm 2002 đến hết năm 2006 các Tổ hoà giải đã hoà giải thành 7.366 việc/ 10.433 việc phát sinh (trung bình hàng năm đạt tỷ lệ hoà giải thành 70,6%), qua đó đã giải quyết kịp thời các mâu thuẫn và tranh chấp nhỏ trong nhân dân; phòng ngừa, hạn chế vi phạm pháp luật, bảo đảm an ninh, trật tự an toàn- xã hội, góp phần thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở; hoà giải còn là bộ phận của công tác vận động quần chúng, giữ gìn đoàn kết trong nội bộ nhân dân, thông qua công tác hoà giải các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước đã đi vào đời sống một cách tự nhiên và có hiệu quả.
Tuy nhiên, hiện nay còn một số nơi chính quyền cơ sở chưa thực sự quan tâm trong việc chỉ đạo và tổ chức thực hiện công tác hoà giải, Tổ hoà giải chưa được kịp thời củng cố, kiện toàn; người làm công tác hoà giải không được thường xuyên tập huấn nghiệp vụ hòa giải và cung cấp tài liệu pháp luật do đó thiếu kỹ năng và kiến thức pháp luật; một số hoà giải viên chưa thực sự nhiệt tình với công việc do chế độ đãi ngộ chưa được triển khai thực hiện; còn vụ việc hoà giải không dứt điểm, nể nang, đùn đẩy, né tránh; hiệu quả và chất lượng công tác hoà giải còn chưa cao.
Nhằm khắc phục những hạn chế nêu trên, đồng thời để đẩy mạnh hơn nữa công tác hoà giải ở cơ sở trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới, Uỷ ban nhân dân tỉnh yêu cầu các cấp, các ngành thực hiện tốt một số nội dung sau:
1. Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố có trách nhiệm:
a) Tăng cường chỉ đạo công tác hoà giải ở cơ sở; thường xuyên đôn đốc, kiểm tra Uỷ ban nhân dân các xã, phường, thị trấn trong việc thực hiện các nhiệm vụ được quy định tại mục 2 của Chỉ thị này.
b) Định kỳ tổ chức tập huấn nghiệp vụ hoà giải và bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho đội ngũ cán bộ Tư pháp xã, phường, thị trấn và Tổ trưởng các Tổ hoà giải ở thôn, bản, khối phố;
c) Đưa vào dự toán ngân sách hàng năm một khoản kinh phí để chi thù lao cho các Tổ hoà giải theo Quyết định số 600/QĐ-UBND ngày 08/ 5/2006 của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh về việc quy định cụ thể một số mức chi kinh phí thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn; bảo đảm việc thanh, quyết toán được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật.
2. Uỷ ban nhân dân các xã, phường, thị trấn có trách nhiệm:
a) Đẩy mạnh hơn nữa công tác hoà giải ở cơ sở, xác định công tác hoà giải là một trong những nhiệm vụ quan trọng nhằm giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn- xã hội ở địa phương; cần gắn công tác hòa giải ở cơ sở với công tác tuyên truyền pháp luật và trợ giúp pháp lý cho nhân dân, lấy tiêu chí hoà giải thành để đánh giá phân loại thôn, bản, khu dân cư tiên tiến, chính quyền xã, phường, thị trấn vững mạnh;
b) Chỉ đạo, hướng dẫn các Tổ hòa giải tích cực, chủ động trong việc hòa giải; bảo đảm 100% các vi phạm pháp luật và tranh chấp nhỏ đều được hoà giải ngay tại thôn, bản, khối phố; phấn đấu tỷ lệ hoà giải thành hàng năm đạt từ 80% trở lên;
c) Kịp thời củng cố, kiện toàn các Tổ hoà giải và đội ngũ hoà giải viên cơ sở; thành lập mới Tổ hoà giải ở những thôn, bản, khối phố do chia tách, bảo đảm mỗi thôn, bản, khối phố có ít nhất 01 Tổ hòa giải với 03 tổ viên trở lên theo quy định;
d) Định kỳ tổ chức bồi dưỡng nghiệp vụ hoà giải và kiến thức pháp luật cho các hoà giải viên ở thôn, bản, khối phố; cung cấp tài liệu hướng dẫn nghiệp vụ và sách pháp luật cho các Tổ hoà giải để phục vụ cho công tác hoà giải;
đ) Tiến hành rà soát hương ước, quy ước thôn, bản, khối phố thuộc địa bàn quản lý, bảo đảm 100% thôn, bản, khối phố có hương ước, quy ước được xây dựng đúng trình tự, thủ tục, nội dung phù hợp với pháp luật và các quy định của Nhà nước;
e) Thành lập, củng cố, kiện toàn Ban Tư pháp ở 100% xã, phường, thị trấn theo Thông tư liên tịch số 04/2005/TTLT-TP-NV ngày 05/ 5/ 2005 của Bộ Tư pháp - Bộ Nội vụ hướng dẫn về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức các cơ quan chuyên môn giúp Uỷ ban nhân dân quản lý nhà nước về công tác tư pháp ở địa phương;
g) Thực hiện đúng, đủ thủ tục lập hồ sơ và chi tiền thù lao cho các Tổ hoà giải theo hướng dẫn của Sở Tài chính và Sở Tư pháp.
3. Sở Tư pháp có trách nhiệm:
a) Chỉ đạo, hướng dẫn Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố triển khai có hiệu quả công tác hoà giải ở cơ sở theo quy định của pháp luật;
b) Thường xuyên tổ chức tập huấn nghiệp vụ và bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho đội ngũ cán bộ làm công tác tư pháp cấp huyện; biên soạn và cung cấp tài liệu hướng dẫn nghiệp vụ công tác hoà giải cho các Tổ hoà giải; tổ chức các cuộc thi dành riêng cho các hoà giải viên;
c) Chủ trì phối hợp với Sở Văn hoá - Thông tin và các cơ quan liên quan thường xuyên kiểm tra, đôn đốc việc xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước ở cơ sở.
4. Các Sở, Ban, Ngành, Uỷ ban nhân dân cấp huyện, cấp xã đẩy mạnh hoạt động hoà giải thông qua công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo, tiếp công dân ở cơ quan, đơn vị mình.
5. Sở Văn hoá- Thông tin; Đài Phát thanh- Truyền hình tỉnh, Báo Lạng Sơn và các cơ quan thông tin đại chúng tăng cường công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật, giáo dục pháp luật, biểu dương gương người tốt, việc tốt, các điển hình tiên tiến trong công tác hoà giải ở cơ sở.
6. Đề nghị Uỷ ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở động viên hội viên, nhân dân tích cực tham gia xây dựng, củng cố Tổ hoà giải; lựa chọn, giới thiệu những người có đủ tiêu chuẩn để nhân dân bầu làm tổ viên Tổ hoà giải; tạo điều kiện cho hoạt động hoà giải ở cơ sở đạt kết qủa tốt.
7. Hằng năm, Sở Tư pháp, Uỷ ban nhân dân cấp huyện, cấp xã tổ chức tổng kết và phát động phong trào thi đua, khen thưởng trong công tác hòa giải trên địa bàn. Định kỳ tháng, quý, 6 tháng Uỷ ban nhân dân cấp huyện, cấp xã thống kê số việc đã được hoà giải trên địa bàn mình báo cáo Uỷ ban nhân dân và cơ quan tư pháp cấp trên.
Giao Sở Tư pháp thường xuyên theo dõi, kiểm tra, đôn đốc thực hiện Chỉ thị này, định kỳ tổng hợp báo cáo kết quả với Uỷ ban nhân dân tỉnh và Bộ Tư pháp.
Chỉ thị này được phổ biến đến các thôn, bản, khối phố trên địa bàn toàn tỉnh./.
|
TM.
ỦY BAN NHÂN DÂN |