Chỉ thị 103/CT-BTTTT năm 2021 về công tác thi đua, khen thưởng năm 2022 do Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành

Số hiệu 103/CT-BTTTT
Ngày ban hành 13/12/2021
Ngày có hiệu lực 13/12/2021
Loại văn bản Chỉ thị
Cơ quan ban hành Bộ Thông tin và Truyền thông
Người ký Nguyễn Mạnh Hùng
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

BỘ THÔNG TIN VÀ
TRUYỀN THÔNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 103/CT-BTTTT

Hà Nội, ngày 13 tháng 12 năm 2021

 

CHỈ THỊ

VỀ CÔNG TÁC THI ĐUA, KHEN THƯỞNG NĂM 2022

Năm 2021, năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, toàn thể cán bộ, công chức, viên chức và người lao động ngành Thông tin và Truyền thông đã nêu cao tinh thần quyết tâm phấn đấu thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao và đạt được nhiều kết quả quan trọng, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Công tác thi đua - khen thưởng năm 2021 của toàn ngành thông tin và truyền thông với chủ đề “Có việc khó thì mới có thi đua. Thi đua để làm được việc khó, tạo ra giá trị và nhân rộng giá trị, tìm ra cá nhân điển hình, tập thể xuất sắc, việc 5 năm hãy thi đua hoàn thành trong 1 năm” đã khơi dậy tính tích cực, chủ động của toàn thể người lao động trong ngành, sáng tạo, khắc phục mọi khó khăn, góp phần hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao. Phát huy những kết quả đạt được của năm 2021, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông phát động phong trào thi đua năm 2022 với chủ đề “Toàn ngành Thông tin và Truyền thông thi đua đổi mới, sáng tạo, đi đầu thực hiện chuyển đổi số để phát triển bền vững”

Để thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị được Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao và để phong trào thi đua ngành Thông tin và Truyền thông đạt hiệu quả tích cực, yêu cầu các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trong toàn Ngành thực hiện tốt các nhiệm vụ trọng tâm sau:

I. TỔ CHỨC TRIỂN KHAI PHONG TRÀO THI ĐUA VÀ CÔNG TÁC KHEN THƯỞNG

1. Tổ chức thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về thi đua, khen thưởng; quán triệt sâu sắc tư tưởng thi đua yêu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chỉ thị số 34-CT/TW ngày 07/4/2014 của Bộ Chính trị về “Tiếp tục đổi mới công tác thi đua, khen thưởng”. Triển khai thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 73/CT-BTTTT ngày 25/10/2021 của Bộ Thông tin và Truyền thông về việc tổ chức triển khai thực hiện Chỉ thị số 19/CT-TTg ngày 16/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ phát động thi đua thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội hàng năm và Kế hoạch 5 năm (2021 - 2025) theo Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

Tăng cường sự phối hợp giữa cấp ủy Đảng, chi bộ, chính quyền và các đoàn thể của cơ quan, đơn vị trong việc lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức các phong trào thi đua thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị được giao gắn với thực hiện Chỉ thị số 05 /CT-TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị khóa XII về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, làm cho phong trào thi đua phát triển sâu rộng, hiệu quả, thiết thực, là động lực phát triển góp phần tích cực vào việc hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm 2022.

2. Tổ chức các phong trào thi đua hiệu quả, thiết thực với hình thức phong phú, nội dung cụ thể theo chủ đề “Đoàn kết, sáng tạo, thi đua xây dựng và bảo vệ Tổ quốc” do Thủ tướng Chính phủ phát động tại Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ X. Đổi mới hình thức tổ chức các phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” giai đoạn 2021 - 2025, “Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”, “Doanh nghiệp Việt Nam hội nhập và phát triển”, “Cán bộ, công chức, viên chức thi đua thực hiện văn hóa công sở” và phong trào thi đua “Ngành Thông tin và Truyền thông chung sức xây dựng nông thôn mới” của Ngành.

Tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả phong trào thi đua đặc biệt “Ngành Thông tin và Truyền thông đoàn kết, chung sức, đồng lòng thi đua phòng, chống và chiến thắng đại dịch Covid-19”. Thi đua đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác phòng, chống đại dịch Covid-19; tiếp tục nghiên cứu, đề xuất các giải pháp, sáng kiến hiệu quả trong phòng, chống dịch bệnh. Tuyên truyền gương người tốt, việc tốt, những cách làm hay trong công tác phòng, chống dịch để nhân rộng, tạo sức lan tỏa rộng khắp. Tăng cường công tác tuyên truyền để người dân hiểu, tin tưởng, thực hiện các biện pháp phòng chống dịch, chủ động đấu tranh với các thế lực phản động, thù địch trong và ngoài nước lợi dụng tình hình dịch bệnh để đưa thông tin giả, sai sự thật nhằm gây rối, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, chống phá nỗ lực phòng, chống dịch của toàn dân tộc.

Đẩy mạnh thi đua thực hiện chuyển đổi số quốc gia một cách toàn diện để xây dựng, phát triển Chính phủ số, nền kinh tế số, xã hội số. Nội dung các phong trào thi đua cần bám sát vào việc thực hiện nhiệm vụ trọng tâm, nhiệm vụ khó và cấp bách của Ngành, của đơn vị. Kết hợp việc phát động các phong trào thi đua thường xuyên với việc phát động phong trào thi đua theo đợt, theo chuyên đề phù hợp thực tế từng đơn vị.

3. Tăng cường phát hiện, bồi dưỡng và nhân rộng các điển hình tiên tiến, tạo điều kiện để các điển hình tiên tiến tiếp tục phát huy, đóng góp tích cực hơn nữa cho phong trào thi đua yêu nước. Các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trong Ngành cần xây dựng kế hoạch cụ thể để bồi dưỡng, xây dựng các mô hình mới, nhân tố mới điển hình.

Các cơ quan báo chí tăng thời lượng, mở chuyên trang, chuyên mục, đẩy mạnh tuyên truyền các gương điển hình tiên tiến trong các phong trào thi đua để biểu dương, tôn vinh, tạo sức lan tỏa trong từng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp toàn ngành.

4. Tiếp tục nâng cao chất lượng công tác khen thưởng, bảo đảm khen thưởng chính xác, kịp thời, công khai. Động viên, khuyến khích phát triển những nhân tố mới. Chú trọng khen thưởng người lao động trực tiếp, khen thưởng đột xuất, khen thưởng theo chuyên đề đối với từng lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ. Tích cực ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác thi đua, khen thưởng.

5. Tăng cường việc đôn đốc, kiểm tra công tác thi đua, khen thưởng; tổ chức sơ kết, tổng kết các phong trào thi đua thường xuyên, phong trào thi đua theo chuyên đề, đột xuất; lựa chọn các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc để biểu dương, tôn vinh, khen thưởng kịp thời. Việc biểu dương, khen thưởng phải khách quan, công bằng, đúng người, đúng việc, lấy kết quả thực hiện nhiệm vụ để đánh giá. Đề cao trách nhiệm của người đứng đầu trong việc phát hiện, biểu dương, khen thưởng các tập thể, cá nhân đạt thành tích xuất sắc trong thực hiện nhiệm vụ.

6. Tăng cường vai trò, trách nhiệm của Hội đồng Thi đua - Khen thưởng các cấp. Củng cố, kiện toàn bộ máy về thi đua khen thưởng, bảo đảm ổn định để thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về công tác thi đua, khen thưởng tại cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trong ngành. Bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ làm công tác thi đua, khen thưởng các cấp nhằm đáp ứng yêu cầu đổi mới công tác thi đua, khen thưởng trong giai đoạn mới. Đổi mới phương thức, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của cụm, khối thi đua.

7. Căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao, các tổ chức đoàn thể trong các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trong ngành Thông tin và Truyền thông xây dựng chương trình hành động cụ thể, thiết thực nhằm vận động đoàn viên hưởng ứng và tích cực tham gia các phong trào thi đua, góp phần thực hiện thắng lợi mọi nhiệm vụ được giao năm 2022.

II. MỤC TIÊU THI ĐUA TRỌNG TÂM NĂM 2022

Các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trong toàn ngành Thông tin và Truyền thông tích cực triển khai các phong trào thi đua, phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao năm 2022. Xác định các nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm, xây dựng chỉ tiêu thi đua cụ thể, phù hợp đặc điểm, tình hình từng đơn vị. Kết quả thực hiện phong trào thi đua phải gắn chặt với công tác biểu dương, khen thưởng. Năm 2022, các lĩnh vực quản lý của Bộ tập trung phấn đấu thực hiện các mục tiêu sau:

1. Lĩnh vực Bưu chính

Bưu chính tiếp tục hướng đến phát triển một cách toàn diện, đồng bộ, hiệu quả, trọng tâm trên cơ sở ứng dụng công nghệ hiện đại. Huy động các nguồn lực xã hội cùng tham gia vào thúc đẩy phát triển lĩnh vực bưu chính bằng các giải pháp, cách làm đột phá

Xây dựng, triển khai mô hình Vụ Bưu chính ảo để huy động nguồn lực tham gia, đồng hành với cơ quan quản lý nhà nước trong việc xây dựng chính sách, tạo điều kiện thúc đẩy sự phát triển lĩnh vực bưu chính.

Xây dựng và triển khai Chương trình hỗ trợ hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử do doanh nghiệp bưu chính Việt Nam sở hữu, thúc đẩy kinh tế số nông nghiệp, nông thôn.

Nghiên cứu, xây dựng cơ chế, chính sách về chia sẻ, sử dụng chung hạ tầng bưu chính giữa các doanh nghiệp bưu chính. Xây dựng cơ sở dữ liệu doanh nghiệp bưu chính

Đưa Việt Nam đạt thứ hạng 46 theo xếp hạng Chỉ số phát triển bưu chính (2IPD) của Liên minh bưu chính thế giới UPU vào cuối năm 2022.

2. Lĩnh vực Viễn thông

Tiếp tục đẩy mạnh triển khai thương mại 5G với các thiết bị Make in Viet Nam. Đẩy mạnh nghiên cứu và thúc đẩy triển khai áp dụng các phương pháp chia sẻ hạ tầng tiên tiến như MORAN (Multi Operator Radio Access Network), MOCN (Multi-Operator Core Network),...

Đẩy nhanh tiến độ xây dựng và triển khai Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về băng tần đấu giá, triển khai đấu giá, cấp giấy phép băng tần cho thông tin di động 4G, 5G.

[...]
6
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ