Chỉ thị 10/CT-UBND năm 2016 về xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2017 do tỉnh Sơn La ban hành

Số hiệu 10/CT-UBND
Ngày ban hành 12/05/2016
Ngày có hiệu lực 12/05/2016
Loại văn bản Chỉ thị
Cơ quan ban hành Tỉnh Sơn La
Người ký Cầm Ngọc Minh
Lĩnh vực Thương mại,Tài chính nhà nước

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH SƠN LA
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 10/CT-UBND

Sơn La, ngày 12 tháng 5 năm 2015

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC XÂY DỰNG KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI VÀ DỰ TOÁN NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC NĂM 2017

Năm 2017 là năm đầu thời kỳ ổn định ngân sách 2017 - 2020 là năm thứ hai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XII và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, trước những thuận lợi và khó khăn đan xen, để kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2017 đảm bảo tính khả thi và sát với điều kiện thực tế của mỗi cấp, mỗi ngành, góp phần tạo tiền đề cho việc thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020, Chủ tịch UBND tỉnh Chỉ thị các sở, ban, ngành, các huyện, thành phố, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp nhà nước tập trung triển khai thực hiện các nhiệm vụ, nội dung chủ yếu sau:

A. MỤC TIÊU, NHIỆM VỤ CHỦ YẾU KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI VÀ DỰ TOÁN NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC NĂM 2017

I. MỤC TIÊU TỔNG QUÁT

Cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, sản xuất kinh doanh, huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực cho đầu tư phát triển; tập trung thực hiện các đột phá trong phát triển kinh tế nông nghiệp gắp với xây dựng nông thôn mới; tăng cường ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, sức cạnh tranh của các ngành, lĩnh vực, sản phẩm; bảo vệ môi trường, sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên; chăm lo phát triển văn hóa - xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân; phòng, chống tham nhũng và lãng phí; giữ vững ổn định chính trị, đảm bảo quốc phòng an ninh và trật tự an toàn xã hội; tăng cường quan hệ hợp tác quốc tế, đặc biệt là quan hệ hữu nghị với các tỉnh Bắc Lào.

II. NHIỆM VỤ CHỦ YẾU

Việc xây dựng kế hoạch năm 2017 phải bám sát các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020; các mục tiêu, nhiệm vụ, chỉ tiêu đề ra phải căn cứ vào tình hình thực tế, khả năng thực hiện và dựa trên khả năng cân đối các nguồn lực của cả giai đoạn trung hạn 2016 - 2020 để đảm bảo tính khả thi, nâng cao hiệu quả sử dụng.

Nhiệm vụ trên từng ngành, lĩnh vực cụ thể như sau:

1. Về phát triển kinh tế

1.1. Tập trung đẩy mạnh phát triển sản xuất, kinh doanh, nâng cao hiệu quả, sức cạnh tranh, thúc đẩy tăng trưởng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng bền vững, phấn đấu tốc độ tăng tổng sản phẩm trong tỉnh năm 2017 khoảng 11% so với thực hiện năm 2016. Rà soát, bổ sung quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và các huyện, thành phố; quy hoạch phát triển ngành, sản phẩm; quy hoạch vùng kinh tế trọng điểm, vùng nguyên liệu.

1.2. Nâng cao năng lực sản xuất, chất lượng sức cạnh tranh của các sản phẩm, các ngành, lĩnh vực, các thành phần kinh tế

a) Cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi để phát triển các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế, nhất là khu vực doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp nhỏ và vừa, kinh tế hợp tác, bảo đảm cạnh tranh bình đẳng. Quan tâm cải cách thủ tục hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, đặc biệt trong các lĩnh vực quản lý: xây dựng, đất đai, môi trường, thành lập doanh nghiệp, cấp phép, kê khai và nộp thuế, phí và lệ phí, bảo hiểm xã hội, tiếp cận các nguồn vốn tín dụng..., theo hướng tạo thuận lợi ở mức cao nhất cho người dân, doanh nghiệp, các đơn vị, tổ chức. Tiếp tục thực hiện cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp, nâng cao hiệu quả hoạt động của DNNN, hình thành mô hình hợp tác từ kinh tế hộ, thúc đẩy nhanh hơn việc thành lập và phát triển doanh nghiệp và hợp tác xã, tạo điều kiện để kinh tế hộ phát triển theo các mô hình liên kết, doanh nghiệp đỡ đầu kinh tế hộ.

b) Phát triển nông nghiệp, nông thôn

Thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, khuyến khích nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp, thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Tiếp tục thực hiện hiệu quả Nghị định số 210/2013/NĐ-CP ngày 19 tháng 12 năm 2013 của Chính phủ về chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn và Nghị quyết số 88/2014/NQ-HĐND ngày 17 tháng 9 năm 2014 của HĐND tỉnh về ban hành chính sách đặc thù khuyến khích doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư phát triển nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh Sơn La giai đoạn 2015 - 2020.

Phát triển nhân rộng các mô hình sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản mang lại hiệu quả kinh tế cao như: Trồng rau an toàn, hoa, quả chất lượng cao, phát triển lâm sản ngoài gỗ, cây đa mục tiêu, cây dược liệu, các mô hình nuôi cá lồng, bè, các giống thủy sản. Chuyển đổi một số cây trồng không hiệu quả tại một số địa bàn sang cây trồng khác có hiệu quả kinh tế cao. Tiếp tục triển khai trồng cây phân tán, cây ăn quả trên đất dốc. Triển khai Đề án hỗ trợ ứng dụng công nghệ tưới nhỏ giọt kết hợp với bón phân hòa tan theo công nghệ Israel để nâng cao năng suất và giá trị xuất khẩu cà phê Arabica trên địa bàn Thành phố, huyện Thuận Châu, Mai Sơn.

Phát triển chăn nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa, trọng tâm là phát triển các trang trại chăn nuôi tập trung gắn với vệ tinh là các hộ gia đình. Khai thác tốt diện tích nước mặt vùng hồ Sông Đà của Thủy điện Sơn La, thủy điện Hòa Bình để phát triển nuôi cá lồng, bè, trọng tâm là nuôi, chế biến cá tầm; triển khai dự án nuôi, chế biến, xuất khẩu thịt cá tầm và trứng cá tầm đen. Tăng cường công tác quản lý, bảo vệ, khôi phục và phát triển vốn rừng, phát triển hệ thống rừng phòng hộ, rừng đầu nguồn.

Xây dựng và nhân rộng mô hình chuỗi sản xuất, cung ứng thực phẩm nông lâm thủy sản an toàn áp dụng quy trình sản xuất nông nghiệp VietGAP, hình thành hệ thống cửa hàng kinh doanh phân phối thực phẩm nông, lâm, thủy sản an toàn có xác nhận. Xây dựng khu giết mổ gia súc, gia cầm tập trung bảo đảm an toàn thực phẩm và vệ sinh thú y phù hợp với thực tế cơ sở.

Huy động, lồng ghép các nguồn lực tập trung đầu tư hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn từng bước hiện đại, cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, gắn nông nghiệp với phát triển công nghiệp và dịch vụ, mở mang ngành nghề, chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn, giải quyết việc làm, tăng thu nhập, nâng cao đời sống cho người nông dân. Tổ chức thực hiện hiệu quả các Nghị quyết của HĐND tỉnh về thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2015 - 2020.

c) Phát triển sản xuất công nghiệp

Khai thác, phát huy tiềm năng và nâng cao giá trị gia tăng các ngành công nghiệp thế mạnh của địa phương như: Công nghiệp điện và thủy điện, chế biến hàng hóa nông sản, chế biến thức ăn chăn nuôi, sản xuất vật liệu xây dựng, khai thác và chế biến sâu khoáng sản, may mặc, giày da... Khuyến khích, thúc đẩy các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, áp dụng công nghệ mới, nâng cao chất lượng và khả năng cạnh tranh của sản phẩm.

Phát triển rộng khắp các cơ sở tiểu thủ công nghiệp với ngành nghề đa dạng. Chú trọng phát triển các ngành nghề, làng nghề truyền thống và thủ công mỹ nghệ ở các vùng nông thôn để giải quyết việc làm, thúc đẩy nhanh công nghiệp hóa nông thôn.

d) Phát triển các loại hình dịch vụ

Đa dạng hóa và phát triển mạnh các loại hình dịch vụ, trọng tâm là phát triển các ngành dịch vụ thương mại, du lịch, tài chính, bất động sản, vận tải, bưu chính viễn thông, khoa học công nghệ, y tế, giáo dục - đào tạo, bảo hiểm, tư vấn,.. Thực hiện chuyển dịch cơ cấu các ngành dịch vụ theo hướng hiện đại hóa, đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng của thời kỳ hội nhập quốc tế.

 Thực hiện hiệu quả các hoạt động xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường, quảng bá giới thiệu các sản phẩm của địa phương. Tăng cường quản lý, kiểm soát giá cả thị trường, chống buôn lậu, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng và gian lận thương mại.

1.3. Đầu tư phát triển

Huy động tối đa và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực đầu tư để đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, chuyển dịch cơ cấu kinh tế đi đôi với xóa đói giảm nghèo, bảo vệ môi trường.

Đẩy mạnh thực hiện các hoạt động xúc tiến đầu tư, thu hút các nhà đầu tư trong, ngoài nước tham gia đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội theo hình thức đối tác công tư PPP. Gắn làm tốt công tác rà soát, hoàn thiện hệ thống các cơ chế, chính sách, định hướng liên quan đến thu hút đầu tư với nghiên cứu triển khai mô hình”một cửa” và kinh nghiệm tạo quỹ đất “sạch” để thu hút đầu tư. Chủ động rà soát, kiểm tra tiến độ triển khai thực hiện các dự án theo tinh thần kiên quyết thu hồi những dự án mà nhà đầu tư không triển khai thực hiện hoặc không đủ năng lực triển khai quá hạn luật định, các dự án có dấu hiệu giữ đất, đồng thời tích cực hỗ trợ các dự án có tính khả thi cao, nhưng gặp vướng mắc về công tác giải phóng mặt bằng hoặc gặp khó khăn khách quan. Tăng cường chỉ đạo và thực hiện nghiêm công tác cải cách hành chính, nhất là quy trình, thủ tục có liên quan đến các nhà đầu tư. Thu hút các nguồn vốn ODA, FDI, vốn của các tổ chức, cá nhân, nhà tài trợ cho đầu tư phát triển.

[...]