Chỉ thị 09/CT-UBND năm 2020 về xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 tỉnh Quảng Ngãi

Số hiệu 09/CT-UBND
Ngày ban hành 05/08/2020
Ngày có hiệu lực 05/08/2020
Loại văn bản Chỉ thị
Cơ quan ban hành Tỉnh Quảng Ngãi
Người ký Nguyễn Tăng Bính
Lĩnh vực Thương mại,Tài chính nhà nước,Tài nguyên - Môi trường

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG NGÃI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 09/CT-UBND

Quảng Ngãi, ngày 05 tháng 8 năm 2020

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC XÂY DỰNG KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI NĂM 2021 TỈNH QUẢNG NGÃI

Năm 2021 là năm diễn ra Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, bầu cử đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp, là năm đầu triển khai Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XX và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021- 2025. Căn cứ theo tình hình thực tiễn, trong bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường, tiềm ẩn rủi ro, nhất là với diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19 đã đặt ra nhiều thách thức cho việc phát triển kinh tế - xã hội; dự báo của Trung ương cho thấy nhiệm vụ đặt ra trong giai đoạn 2021-2025 và năm đầu của giai đoạn là năm 2021 rất nặng nề.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 31/CT-TTg ngày 29/7/2020 về xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Dự toán ngân sách nhà nước năm 2021; hướng dẫn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại các Công văn: số 4778/BKHĐT-TH ngày 24/7/2020, số 4859/BKHĐT-TH ngày 30/7/2020; để tiếp tục phát huy các kết quả đạt được, vượt qua các khó khăn, thách thức, tạo tiền đề thuận lợi để phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn tiếp theo, Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo các Sở, ban, ngành, đơn vị trực thuộc UBND tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố (sau đây gọi tắt là các Sở, ban ngành, địa phương) triển khai xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 với các yêu cầu, nhiệm vụ chủ yếu như sau:

I. Nội dung chủ yếu của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021

Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 phải được xây dựng trên cơ sở đánh giá đầy đủ, chính xác tình hình và kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020 và dự báo tình hình trong nước, khu vực và thế giới trong giai đoạn tới tác động, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; từ đó xác định mục tiêu phát triển của kế hoạch năm 2021 phù hợp với Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025. Những nội dung chủ yếu của báo cáo Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 gồm:

1. Tình hình thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020

Trên cơ sở tình hình triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2020, các Sở, ban ngành, địa phương tổ chức đánh giá và ước thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020 trên tất cả các ngành, lĩnh vực được phân công phụ trách, quản lý; trong đó, cần bám sát các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ đã được thông qua tại các Nghị quyết, Kết luận của Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, UBND các cấp về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020; đánh giá đầy đủ, thực chất, chính xác các kết quả đạt được (đặc biệt nêu rõ thành tựu nổi bật của năm 2020), những khó khăn, hạn chế, nguyên nhân để có biện pháp khắc phục, trong đó có đánh giá các tác động của thiên tai, dịch bệnh như đại dịch Covid-19. Cụ thể:

- Các Sở, ban ngành, cơ quan, đơn vị liên quan đánh giá theo các nhiệm vụ được giao tại Kết luận số 1264-KL/TU ngày 06/12/2019 của Hội nghị Tỉnh ủy lần thứ 18 (Khóa XIX); Nghị quyết số 20/2019/NQ-HĐND ngày 11/12/2019 của HĐND tỉnh và Quyết định số 1010/QĐ-UBND ngày 23/12/2019 của UBND tỉnh về việc giao chỉ tiêu Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020 và các chỉ đạo khác của UBND tỉnh về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020.

- Các địa phương đánh giá theo các nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ và Hội đồng nhân dân cấp huyện về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020.

Các nội dung cần tập trung đánh giá bao gồm:

a) Tình hình thực hiện chủ trương, chính sách lớn về cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của các ngành, lĩnh vực, địa phương và vùng lãnh thổ. Trong đó:

- Phân tích chất lượng tăng trưởng kinh tế.

- Kết quả thực hiện các nhiệm vụ, định hướng, cơ cấu lại của từng ngành, lĩnh vực và địa phương; khả năng cạnh tranh của một số sản phẩm chủ yếu, chủ lực; việc khai thác và sử dụng các nguồn lực, nhất là đất đai, tài nguyên khoáng sản, tài nguyên nước,...

- Thực hiện cơ cấu lại một số lĩnh vực trọng tâm, gồm: đầu tư công; các tổ chức tín dụng; doanh nghiệp nhà nước; ngân sách nhà nước; khu vực công; đơn vị sự nghiệp công lập.

- Nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh; cải thiện môi trường kinh doanh, hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp, hợp tác xã; môi trường kinh doanh mới dựa trên ứng dụng công nghệ số (bao gồm đánh giá về cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh; thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo; phát triển các mô hình kinh doanh mới dựa trên ứng dụng công nghệ số; triển khai Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa).

b) Tình hình và kết quả thực hiện 3 nhiệm vụ đột phá (phát triển công nghiệp; đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông và hạ tầng đô thị; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực) và 3 nhiệm vụ trọng tâm (phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững; phát triển dịch vụ, du lịch và kinh tế biển đảo; cải cách hành chính, nhất là cải cách thủ tục hành chính). Trong đó cần làm rõ những kết quả đạt được so với mục tiêu kế hoạch đề ra. Đặc biệt cần phân tích sâu các nguyên nhân khách quan và chủ quan của các hạn chế, yếu kém trong triển khai thực hiện các đột phá trong các ngành, các cấp.

c) Tình hình thu, chi ngân sách nhà nước; xuất nhập khẩu; tình hình huy động và sử dụng các nguồn vốn đầu tư phát triển như: vốn ngân sách nhà nước; vốn đầu tư của doanh nghiệp nhà nước; vốn từ khu vực dân cư; vốn đầu tư từ khu vực tư nhân; vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài; vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI); vốn huy động khác.

d) Đánh giá kết quả xây dựng, phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội; tiến độ thực hiện các công trình, dự án trọng điểm, chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình hỗ trợ có mục tiêu.

e) Tình hình thực hiện các mục tiêu về văn hóa, xã hội: Kết quả về phát triển giáo dục - đào tạo, hoạt động khoa học - công nghệ; công tác bảo đảm an sinh xã hội, phát triển hệ thống bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm bệnh nghề nghiệp và tai nạn lao động; chăm sóc người có công; chăm sóc người cao tuổi, người khuyết tật, người tâm thần, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; nâng cao thu nhập, xóa đói giảm nghèo, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững; công tác y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân, đặc biệt là công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19; lao động và tạo việc làm; thông tin, văn hóa; thể dục thể thao; thực hiện các quyền của trẻ em, phát triển thanh niên, thúc đẩy bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ; thực hiện chính sách dân tộc, tôn giáo, tín ngưỡng; phòng, chống tệ nạn xã hội, nạn tin giả; phòng, chống cháy nổ; tai nạn giao thông...

g) Tình hình thực hiện công tác lập và quản lý quy hoạch; phát triển vùng, liên kết vùng; kinh tế biển gắn với bảo vệ chủ quyền quốc gia và an ninh trật tự, an toàn xã hội; chương trình phát triển đô thị, phát triển nhà ở; thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới.

h) Tình hình thực hiện quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu; triển khai và thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững; ngăn ngừa và xử lý các cơ sở gây ô nhiễm môi trường, đặc biệt tình hình khai thác cát, sỏi trái phép, xử lý cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, tình hình hạn hán, sạt lở, xâm nhập mặn, nước biển dâng, tình trạng ô nhiễm môi trường đô thị...

i) Tình hình thực hiện nhiệm vụ về củng cố quốc phòng, an ninh, bảo vệ chủ quyền quốc gia; ổn định chính trị - xã hội; triển khai hiệu quả công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế. Đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội gắn với bảo đảm an ninh trật tự trên các lĩnh vực, địa bàn trọng điểm.

k) Tình hình thực hiện cải cách hành chính, cải cách tư pháp; thực hiện xây dựng chính quyền điện tử, cung cấp dịch vụ công trực tuyến; hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; chất lượng đội ngũ cán bộ, chấp hành kỷ luật, kỷ cương; sắp xếp, tinh gọn hiệu quả bộ máy; công tác phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí...

l) Kết quả trong công tác chỉ đạo, phối hợp và tổ chức thực hiện kế hoạch năm 2020 trong từng ngành, lĩnh vực và địa phương.

Căn cứ đặc điểm, tình hình và lĩnh vực, địa bàn quản lý, các sở, ban, ngành, đơn vị trực thuộc UBND tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố và các cơ quan, đơn vị liên quan tiến hành đánh giá, bổ sung các nội dung, chỉ tiêu cho phù hợp và đầy đủ với tình hình của đơn vị và địa phương.

2. Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021

Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 xây dựng trong bối cảnh tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường như cạnh tranh chiến lược, căng thẳng thương mại giữa các nước; tăng trưởng kinh tế thế giới có khả năng chậm hơn; Cách mạng công nghiệp lần thứ tư sẽ tiếp tục tác động mạnh mẽ và sâu rộng đến mọi mặt của đời sống; các thách thức an ninh phi truyền thống, đặc biệt là biến đổi khí hậu ngày càng gia tăng về cả tác động và cường độ; dịch bệnh diễn biến phức tạp, đặc biệt là đại dịch Covid-19... Trong nước, tình hình chính trị - xã hội và kinh tế vĩ mô ổn định; niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp và người dân ngày càng tăng lên... Trong thời gian qua, tỉnh cũng đạt được nhiều thành tựu, kết quả phát triển kinh tế - xã hội đáng ghi nhận, tạo tiền đề quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn đến.

[...]