Chỉ thị 09/CT-UBND năm 2020 triển khai giải pháp thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn tỉnh Kiên Giang

Số hiệu 09/CT-UBND
Ngày ban hành 14/09/2020
Ngày có hiệu lực 14/09/2020
Loại văn bản Chỉ thị
Cơ quan ban hành Tỉnh Kiên Giang
Người ký Nguyễn Đức Chín
Lĩnh vực Thương mại

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH KIÊN GIANG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 09/CT-UBND

Kiên Giang, ngày 14 tháng 9 năm 2020

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TRIỂN KHAI CÁC GIẢI PHÁP THÚC ĐẨY PHÁT TRIỂN CÔNG NGHIỆP HỖ TRỢ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH KIÊN GIANG

Công nghiệp hỗ trợ có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, giúp nâng cao năng suất và năng lực cạnh tranh, tạo ra giá trị gia tăng, góp phần tăng tỷ trọng đóng góp của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong cơ cấu của nền kinh tế.

Trong thời gian qua, ngành công nghiệp hỗ trợ của tỉnh đã và đang nhận được nhiều sự quan tâm, đầu tư và hỗ trợ từ Trung ương đến địa phương thông qua các chính sách, cơ chế ưu đãi bước đầu đã đạt được một số kết quả nhất định. Trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện một số nhóm ngành công nghiệp hỗ trợ như: cơ khí chế tạo, sản xuất linh kiện điện tử, da giày,... Tuy nhiên, sự phát triển của ngành công nghiệp hỗ trợ tỉnh Kiên Giang vẫn còn nhiều mặt hạn chế. Số lượng cơ sở công nghiệp hỗ trợ còn ít; giá trị sản xuất của ngành công nghiệp hỗ trợ chiếm tỷ trọng thấp trong tổng giá trị sản xuất công nghiệp của toàn tỉnh; chưa thu hút, hình thành các dự án sản xuất sản phẩm hỗ trợ quy mô lớn, hiện đại, cung cấp linh kiện và phụ tùng đáp ứng các yêu cầu để tham gia sâu vào chuỗi sản xuất toàn cầu.

Những hạn chế nêu trên có nhiều nguyên nhân, trong đó việc phát triển công nghiệp hỗ trợ ở Việt Nam nói chung và tỉnh Kiên Giang nói riêng đang gặp phải nhiều rào cản về công nghệ, thị trường kết nối giữa bên cung cấp và bên có nhu cầu, chính sách hỗ trợ, chất lượng nguồn nhân lực và cơ sở hạ tầng kỹ thuật,... Bên cạnh đó, nguồn lực đầu tư và sự hỗ trợ của Nhà nước cho công nghiệp hỗ trợ chưa đủ mạnh; nhận thức về vai trò, tầm quan trọng của công nghiệp hỗ trợ tại một số địa phương, đơn vị còn hạn chế; quy mô sản xuất của doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trong tỉnh còn nhỏ, năng lực yếu, chưa đáp ứng được yêu cầu của chuỗi sản xuất toàn cầu và khách hàng.

Nhằm khắc phục những hạn chế nêu trên, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng để thu hút các dự án đầu tư phát triển công nghiệp hỗ trợ, nhất là đón dòng vốn đầu tư và làn sóng chuyển dịch sản xuất của các tập đoàn đa quốc gia. Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trong tỉnh nâng cao năng lực cạnh tranh, phát triển các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ đáp ứng các yêu cầu của chuỗi sản xuất toàn cầu. Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu Giám đốc (Thủ trưởng) các Sở, ban, ngành cấp tỉnh; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh triển khai thực hiện có hiệu quả các nội dung sau:

1. Các Sở, ban, ngành cấp tỉnh; Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố

Tiếp tục thực hiện tốt công tác cải cách thủ tục hành chính, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho ngành công nghiệp hỗ trợ ở các cấp, các ngành. Tạo điều kiện, khuyến khích doanh nghiệp trên địa bàn mở rộng liên kết, hợp tác trong hoạt động sản xuất, kinh doanh với các đối tác trong nước và nước ngoài có quy mô lớn, trước mắt tập trung vào các nhà đầu tư nước ngoài, nhằm tạo nguồn lực lớn về vốn đầu tư, đồng thời tận dụng các cơ hội chuyển giao, đổi mới công nghệ, tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.

2. Sở Công Thương

a) Xây dựng và tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ của địa phương phù hợp với Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ quốc gia và yêu cầu phát triển ngành.

b) Hoàn thiện tổ chức, nâng cao năng lực bộ máy của Sở Công Thương và các đơn vị liên quan để triển khai các hoạt động phát triển công nghiệp và công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn tỉnh.

c) Phối hợp với Sở Nội vụ tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh thành lập Trung tâm kỹ thuật hỗ trợ phát triển công nghiệp địa phương theo hướng thành lập mới hoặc bổ sung chức năng, nhiệm vụ, sắp xếp lại các đơn vị hiện có.

d) Chủ trì, phối hợp với Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh đề xuất quy hoạch, đầu tư và hỗ trợ đầu tư một số khu, cụm công nghiệp do tỉnh quản lý về công nghiệp hỗ trợ trong đó có xây dựng nhà xưởng cho thuê, cho thuê mua tài chính đổi mới trang thiết bị sản xuất theo mô hình cụm liên kết ngành, sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ và các nguyên phụ liệu quan trọng ngành dệt may, da giày như sợi, dệt, nhuộm, da, vật liệu mới và vật liệu kim loại trong cơ khí chế tạo.

đ) Nghiên cứu, đề xuất chính sách thúc đẩy phát triển một số ngành công nghiệp ưu tiên phát triển nhằm tạo thị trường cho công nghiệp hỗ trợ phát triển và phù hợp với đặc điểm từng ngành.

e) Chủ trì, phối hợp các đơn vị liên quan tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền các chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước nhằm thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ và công nghiệp chế biến, chế tạo ưu tiên phát triển; phối hợp với Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh thực hiện các chương trình phóng sự chuyên đề về lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ và công nghiệp ưu tiên phát triển.

3. Sở Kế hoạch và Đầu tư

a) Chủ trì xây dựng và tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh trình Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành hoặc bổ sung, sửa đổi các chính sách thu hút đầu tư trong nước và trực tiếp từ nước ngoài (FDI) gắn với điều kiện nâng cao giá trị gia tăng tạo ra trong nước có tính đến liên kết không gian lãnh thổ.

b) Chủ trì, phối hợp với Sở Công Thương tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh đề xuất nguồn vốn trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 theo quy định của Luật Đầu tư công, để đầu tư xây dựng trụ sở làm việc, cơ sở vật chất cho Trung tâm kỹ thuật hỗ trợ phát triển công nghiệp cấp tỉnh.

c) Triển khai hiệu quả Đề án Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh Kiên Giang đến năm 2025 theo Quyết định số 1875/QĐ-UBND ngày 12/8/2020 của UBND tỉnh và các hoạt động hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ và công nghiệp chế biến, chế tạo ưu tiên phát triển theo quy định của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.

d) Chủ trì, phối hợp với Sở Công Thương thống kê các doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ và công nghiệp chế biến, chế tạo ưu tiên phát triển trên địa bàn tỉnh.

4. Sở Tài Chính

a) Chủ trì xây dựng, phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư và các ngành liên quan triển khai Chương trình tín dụng ưu đãi được cấp bù lãi suất đối với các khoản vay trung và dài hạn của các doanh nghiệp để thực hiện dự án sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển theo đặc thù, đặc điểm của tỉnh; hỗ trợ cấp bù chênh lệch lãi suất từ nguồn ngân sách địa phương và các nguồn vốn vay ODA, vốn vay ưu đãi và các nguồn vốn hợp pháp khác.

b) Chủ trì xây dựng và phối hợp với Sở Công Thương tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành quy chế quản lý kinh phí phát triển công nghiệp hỗ trợ địa phương theo quy định tại Thông tư số 29/2018/TT-BTC ngày 28/3/2018 của Bộ Tài chính.

c) Tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh bố trí vốn ngân sách hàng năm đảm bảo thực hiện hiệu quả Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn tỉnh theo từng giai đoạn.

5. Sở Nội vụ

Chủ trì hướng dẫn trình tự, thủ tục và tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh về việc thành lập Trung tâm kỹ thuật hỗ trợ phát triển công nghiệp địa phương theo hướng dẫn của Bộ Nội vụ và Bộ Công Thương.

6. Sở Lao động, Thương binh và Xã hội

a) Chủ trì, phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo khuyến khích hướng nghiệp học sinh vào học các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đáp ứng yêu cầu nguồn nhân lực tham gia thị trường lao động có kỹ năng, phù hợp với nhu cầu của doanh nghiệp.

[...]