Chỉ thị 09/2010/CT-UBND về tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với sông, suối, kênh, rạch, hồ công cộng và trật tự an toàn giao thông đường thủy nội địa trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh do Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành

Số hiệu 09/2010/CT-UBND
Ngày ban hành 11/03/2010
Ngày có hiệu lực 21/03/2010
Loại văn bản Chỉ thị
Cơ quan ban hành Thành phố Hồ Chí Minh
Người ký Nguyễn Thành Tài
Lĩnh vực Giao thông - Vận tải

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
---------

Số: 09/2010/CT-UBND

TP. Hồ Chí Minh, ngày 11 tháng 3 năm 2010

 

CHỈ THỊ

VỀ TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC ĐỐI VỚI SÔNG, SUỐI, KÊNH, RẠCH, HỒ CÔNG CỘNG VÀ TRẬT TỰ AN TOÀN GIAO THÔNG ĐƯỜNG THỦY NỘI ĐỊA TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

Giao thông đường thủy nội địa là một trong những vấn đề quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế của thành phố và khu vực, để bảo đảm được trật tự an toàn giao thông và hiệu quả trong khai thác đường thủy nội địa là một thách thức lớn đối với ngành giao thông vận tải nói riêng và của thành phố nói chung. Trong những năm qua, mặc dù thành phố đã quan tâm chỉ đạo và đầu tư trong lĩnh vực giao thông đường thủy nội địa, tuy nhiên công tác tổ chức và phối hợp quản lý về sông, kênh, rạch trên địa bàn vẫn chưa được chặt chẽ, nhiều nơi vẫn diễn ra nạo vét, san lấp bừa bãi, lấn chiếm xây dựng, khai thác cát lòng sông trái phép và nhiều trường hợp khác vi phạm trật tự an toàn giao thông đường thủy, việc kiểm tra, xử lý các vi phạm chưa được kịp thời, thiếu đồng bộ và thiếu kiên quyết, ảnh hưởng xấu đến môi trường, thoát nước, làm thay đổi dòng chảy, sạt lở ven bờ, phá vỡ quy hoạch ngành và quy hoạch xây dựng đã được phê duyệt.

Mặt khác, kết quả tổng kiểm tra các bến tàu khách, bến khách ngang sông và phương tiện thủy nội địa đang hoạt động vừa qua cũng cho thấy công tác tổ chức, quản lý nhà nước về trật tự, an toàn giao thông đường thủy nội địa chưa được thực hiện đúng mức. Một số bến tàu khách, bến khách ngang sông còn để xảy ra tình trạng phương tiện chở khách quá tải trọng cho phép, bố trí trang bị cứu sinh trên phương tiện chưa đúng quy định, ý thức chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông chưa cao.

Để tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với sông, suối, kênh, rạch, hồ công cộng và bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường thủy nội địa trên địa bàn thành phố, đồng thời hạn chế và kéo giảm đến mức thấp nhất về tai nạn giao thông đường thủy và các vi phạm về trật tự giao thông đường thủy nội địa, nhất là bảo đảm an toàn hoạt động tại các bến khách ngang sông, Ủy ban nhân dân thành phố yêu cầu Thủ trưởng các sở - ngành thành phố và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận - huyện phối hợp triển khai thực hiện các nhiệm vụ chính sau đây:

I. VỀ CÔNG TÁC TĂNG CƯỜNG QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC ĐỐI VỚI CÁC SÔNG, SUỐI, KÊNH, RẠCH, HỒ CÔNG CỘNG TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ

1. Giao Giám đốc Sở Giao thông vận tải:

a) Tổ chức quản lý và công bố danh mục các tuyến sông, suối, kênh, rạch thuộc phạm vi quản lý trên trang thông tin điện tử của Sở Giao thông vận tải. Xác định và thỏa thuận mép bờ cao đối với các tuyến quy hoạch thoát nước đô thị và các tuyến giao thông đường thủy trên địa bàn thành phố. Thỏa thuận việc xây dựng kè bảo vệ bờ và san lấp xây dựng công trình trên sông, kênh, rạch.

b) Xây dựng và công bố mép bờ cao các tuyến sông, suối, kênh, rạch, hồ công cộng trên địa bàn thành phố. Sử dụng bản đồ địa chính hệ tọa độ VN2000 do Sở Tài nguyên và Môi trường cung cấp và các tài liệu khảo sát địa hình khác phù hợp làm cơ sở xây dựng tuyến mép bờ cao. Cung cấp bản đồ và tập tin (file) xác định mép bờ cao các tuyến sông, kênh, rạch cho các sở - ngành khác và quận - huyện tham gia quản lý.

c) Lập kế hoạch nghiên cứu và tổ chức thực hiện dự án chỉnh trị những đoạn sông nguy hiểm nhằm khắc phục tình trạng sạt lở do tác động của dòng chảy, đồng thời đảm bảo an toàn giao thông thủy. Tổ chức thực hiện các công trình xây dựng kè bảo vệ bờ sông tại các khu vực có nguy cơ sạt lở cao và nạo vét sông, kênh, rạch phục vụ nhu cầu giao thông thủy và thoát nước.

d) Tiếp tục tổ chức lực lượng thường xuyên kiểm tra và hỗ trợ Ủy ban nhân dân các quận - huyện trong công tác phát hiện, xử lý, cưỡng chế tháo dỡ ngay đối với những trường hợp vi phạm, lấn chiếm trái phép hệ thống sông, suối, kênh, rạch, hồ công cộng trên địa bàn thành phố. Chỉ đạo lực lượng Thanh tra chuyên ngành phối hợp chặt chẽ với Thanh tra Xây dựng các cấp xử phạt kiên quyết các trường hợp vi phạm xây dựng các công trình trong hành lang sông, kênh, rạch theo thẩm quyền quy định.

đ) Xây dựng, hoàn chỉnh các định mức dự toán bổ sung và đơn giá công tác duy trì hệ thống thoát nước đô thị thành phố Hồ Chí Minh trình Ủy ban nhân dân thành phố xét duyệt ban hành.

e) Tổ chức thực hiện Quy hoạch mạng lưới Đường thủy và Cảng, bến khu vực thành phố Hồ Chí Minh từ nay đến năm 2020 đã được Ủy ban nhân dân thành phố phê duyệt.

2. Giao Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:

a) Tổ chức quản lý và công bố danh mục các tuyến sông, suối, kênh, rạch, hồ công cộng thuộc phạm vi quản lý trên trang thông tin điện tử của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (ngoài danh mục các tuyến sông, kênh, rạch do Sở Giao thông vận tải quản lý). Xác định mép bờ cao và thỏa thuận việc xây dựng kè, san lấp xây dựng công trình thuộc hành lang bảo vệ bờ kênh, rạch, hồ công cộng có chức năng tưới tiêu nội đồng phục vụ sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản, phù hợp với quy hoạch.

b) Chủ trì, phối hợp với các sở - ngành, Ủy ban nhân dân các quận - huyện liên quan để tổ chức cắm mốc chỉ giới tại hiện trường hành lang bảo vệ bờ kênh, rạch, hồ công cộng thuộc phạm vi quản lý.

c) Chủ trì, phối hợp với các sở - ngành, Ủy ban nhân dân các quận - huyện liên quan rà soát, sắp xếp danh mục kênh, rạch, hồ công cộng có chức năng tưới tiêu nội đồng phục vụ sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản, phát triển rừng và sản xuất muối trên địa bàn thành phố, tránh trường hợp quản lý trùng lắp, chồng chéo, chưa sát thực tế, thiếu sự phối hợp trong quản lý dẫn đến trách nhiệm không rõ ràng.

3. Giao Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường:

a) Chủ trì, phối hợp với các sở - ngành liên quan và Ủy ban nhân dân các quận - huyện tổ chức cắm mốc chỉ giới xác định phạm vi hành lang bảo vệ bờ sông, suối, kênh, rạch, hồ công cộng trên cơ sở các tuyến sông, suối, kênh, rạch thuộc địa bàn thành phố đã được Sở chuyên ngành công bố mép bờ cao. Tổ chức bàn giao các mốc chỉ giới xác định hành lang bảo vệ sông, suối, kênh, rạch, hồ cho các quận - huyện quản lý.

b) Chủ trì, phối hợp với Sở Giao thông vận tải, Công an thành phố và Ủy ban nhân dân các quận - huyện liên quan để có kế hoạch kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp khai thác cát lòng sông trên địa bàn thành phố trái phép, không phép; bố trí lực lượng thường trực kiểm soát tại những điểm nóng. Xây dựng quy trình phối hợp liên ngành trong công tác quản lý nhà nước về khai thác cát lòng sông.

c) Chủ trì, phối hợp các sở - ngành, Ủy ban nhân dân các quận - huyện liên quan thống nhất việc sử dụng bản đồ số hệ tọa độ VN2000 và cung cấp nền bản đồ cho các Sở chuyên ngành phục vụ công tác quản lý hành lang bảo vệ bờ sông, suối, kênh, rạch, hồ công cộng trên địa bàn thành phố.

4. Giao Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc:

a) Chủ trì, xây dựng và công bố bản đồ quy hoạch phạm vi hành lang bảo vệ bờ sông, suối, kênh, rạch, hồ công cộng làm cơ sở cho cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xem xét và phê duyệt quy hoạch chi tiết về xây dựng dọc theo các tuyến sông, suối, kênh, rạch.

b) Phối hợp với các sở - ngành liên quan và Ủy ban nhân dân các quận - huyện khi lập nhiệm vụ quy hoạch chi tiết đô thị theo quy định của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.

5. Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Quy hoạch - Kiến trúc, Sở Xây dựng, Ủy ban nhân dân các quận - huyện khi lập thủ tục trình cấp thẩm quyền quyết định thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, cấp phép xây dựng phần đất có tiếp giáp sông, kênh, rạch cho các tổ chức, cá nhân sử dụng, phải có văn bản hỏi ý kiến chuyên ngành của Sở Giao thông vận tải hoặc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về ranh mép bờ cao, hành lang bảo vệ bờ và san lấp xây dựng công trình trên sông, suối, kênh, rạch, hồ công cộng.

6. Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên và Môi trường và Ủy ban nhân dân các quận - huyện không cấp phép xây dựng, không hợp thức hóa nhà và xác lập quyền sử dụng đất đối với nhà đất do san lấp, lấn chiếm trái phép ven sông, suối, kênh, rạch, hồ. Kiên quyết cưỡng chế mọi trường hợp cố tình xây dựng trái phép, buộc phải khôi phục, hoàn trả lại nguyên trạng sông, suối, kênh, rạch.

7. Công an thành phố không giải quyết cấp hộ khẩu cho các hộ lấn chiếm, xây dựng trái phép trên đất ven sông, suối, kênh, rạch, hồ trong phạm vi hành lang bảo vệ bờ.

8. Giao Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận - huyện:

[...]
2
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ