Chỉ thị 09/2004/CT-BYT về tăng cường công tác chỉ đạo tuyến trong lĩnh vực khám chữa bệnh do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành

Số hiệu 09/2004/CT-BYT
Ngày ban hành 29/11/2004
Ngày có hiệu lực 29/12/2004
Loại văn bản Chỉ thị
Cơ quan ban hành Bộ Y tế
Người ký Trần Thị Trung Chiến
Lĩnh vực Thể thao - Y tế

BỘ Y TẾ
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 09/2004/CT-BYT

Hà Nội, ngày 29 tháng 11 năm 2004

 

CHỈ THỊ

VỀ TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC CHỈ ĐẠO TUYẾN TRONG LĨNH VỰC KHÁM CHỮA BỆNH

Công tác chỉ đạo tuyến là một trong những nhiệm vụ quan trọng của ngành Y tế. Trong những năm qua, Bộ Y tế đã chỉ đạo các cơ sở khám chữa bệnh thực hiện công tác chỉ đạo tuyến nhằm đưa những dịch vụ kỹ thuật y tế đến gần dân, góp phần thực hiện công bằng và nâng cao chất lượng khám chữa bệnh trong chăm sóc sức khoẻ nhân dân.

Tuy nhiên, trong thời gian qua công tác chỉ đạo tuyến còn bộc lộ một số nhược điểm như: Một số cơ sở y tế có chức năng chỉ đạo tuyến chưa thực hiện tốt kế hoạch chỉ đạo tuyến; công tác chỉ đạo tuyến chưa chú trọng đến hướng dẫn kỹ năng thực hành; việc đào tạo cán bộ y tế để sử dụng các trang thiết bị hiện đại, đắt tiền chưa được chú trọng dẫn đến nhiều cơ sở y tế chưa khai thác hết công suất sử dụng trang thiết bị đặc biệt là các sơ sở khám chữa bệnh tuyến huyện, quận, thị xã, thành phố ... Chính vì vậy, việc đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh ngày càng cao của nhân dân bị hạn chế, bệnh nhân phải chuyển lên tuyến trên điều trị vẫn còn quá nhiều gây quá tải ở bệnh viện tuyến trên.

Để từng bước khắc phục tình trạng trên và tăng cường hơn nữa công tác chỉ đạo tuyến, Bộ trưởng Bộ Y tế chỉ thị:

1. Củng cố và hoàn thiện mạng lưới chỉ đạo tuyến

Mạng lưới chỉ đạo tuyến cần được củng cố và xây dựng hoàn thiện theo 3 tuyến.

a) Tuyến trung ương: Bao gồm các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế, viện có giường bệnh, trường Đại học Y, Dược, bệnh viện được Bộ Y tế giao nhiệm vụ chỉ đạo tuyến cho khu vực (sau đây gọi tắt là cơ sở khám chữa bệnh tuyến trung ương) phải thành lập phòng chỉ đạo tuyến, có trách nhiệm chỉ đạo tuyến về chuyên môn kỹ thuật cho các bệnh viện tuyến tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

b) Tuyến tỉnh: Bao gồm bệnh viện đa khoa, bệnh viện chuyên khoa tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, bệnh viện đa khoa khu vực, Trung tâm Bảo vệ sức khoẻ bà mẹ trẻ em - Kế hoạch hoá gia đình, bệnh viện ngành đóng trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi tắt là cơ sở khám chữa bệnh tuyến tỉnh) phải bố trí cán bộ phụ trách công tác chỉ đạo tuyến (đối với những cơ sở đã thành lập phòng chỉ đạo tuyến cần tiếp tục củng cố và hoàn thiện), có trách nhiệm chỉ đạo tuyến về chuyên môn kỹ thuật cho bệnh viện huyện, quận, thành phố, thị xã trực thuộc tỉnh.

c) Tuyến huyện: Bao gồm bệnh viện huyện, quận, thành phố, thị xã trực thuộc tỉnh (sau đây gọi tắt là cơ sở khám chữa bệnh tuyến huyện) phải bố trí cán bộ phụ trách công tác chỉ đạo tuyến, có trách nhiệm trực tiếp chỉ đạo chuyên môn kỹ thuật cho phòng khám đa khoa khu vực, trạm Y tế xã, phường, thị trấn.

2. Thực hiện tốt các nội dung công tác chỉ đạo tuyến

a) Lập kế hoạch chỉ đạo tuyến: Hàng năm các tuyến phải xây dựng kế hoạch chỉ đạo tuyến có mục tiêu, nội dung và thời gian thực hiện cụ thể, được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

- Tuyến trung ương: Các cơ sở khám chữa bệnh tuyến trung ương phải khảo sát nhu cầu cụ thể của tuyến dưới, xây dựng kế hoạch chỉ đạo tuyến, báo cáo Bộ Y tế (Vụ Điều trị) trước ngày 15 tháng 8 hàng năm để tổng hợp trình Bộ trưởng phê duyệt kế hoạch chỉ đạo tuyến chung, tránh tình trạng chồng chéo giữa các cơ sở khám chữa bệnh.

- Tuyến tỉnh: Các cơ sở khám chữa bệnh tuyến tỉnh, căn cứ vào nhu cầu khám, chữa bệnh của địa phương lựa chọn vấn đề cần ưu tiên để đề xuất với tuyến trên hỗ trợ phát triển chuyên môn kỹ thuật. Xây dựng kế hoạch chỉ đạo tuyến, báo cáo Sở Y tế để trình Uỷ ban nhân dân tỉnh phê duyệt. Sau khi kế hoạch được phê duyêt gửi Bộ Y tế (Vụ Điều trị) trước ngày 31 tháng 8 hàng năm để phối hợp chỉ đạo.

- Tuyến huyện: Các cơ sở khám chữa bệnh tuyến huyện xây dựng kế hoạch chỉ đạo tuyến, báo cáo cấp có thẩm quyền phê duyệt và phối hợp thực hiện.

b) Công tác đào tạo: Các bệnh viện, viện có giường bệnh trực thuộc Bộ Y tế cần kết hợp với các trường Đại học, cao đẳng Y, Dược trực thuộc Bộ trong việc tổ chức đào tạo, đào tạo lại để bổ sung và cập nhật kiến thức mới, kỹ năng giám sát, đặc biệt là kỹ năng thực hành về chuyên môn kỹ thuật nhằm nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ bệnh viện. Các cơ sở khám chữa bệnh tuyến trên có định hướng rõ ràng, cụ thể giúp đỡ tuyến dưới trong công tác đào tạo, chuyển giao kỹ thuật có hiệu quả. Hàng năm, các cơ sở khám chữa bệnh tuyến dưới phải có kế hoạch để đảm bảo cho cán bộ được thường xuyên bồi dưỡng về kỹ năng thực hành, cập nhật kiến thức về chuyên môn tại cơ sở khám chữa bệnh tuyến trên hay cơ sở y tế có chức năng đào tạo.

c) Công tác chuyển giao chuyên môn kỹ thuật: Căn cứ các hướng dẫn chuẩn về chuyên môn kỹ thuật của Bộ Y tế, các cơ sở khám chữa bệnh tuyến trên chuyển giao chuyên môn kỹ thuật cho các các cơ sở khám chữa bệnh tuyến dưới. Các kỹ thuật được chuyển giao phải phù hợp với nhu cầu và điều kiện trang thiết bị của tuyến dưới để đảm bảo kỹ thuật đó được thực hiện hiệu quả và duy trì bền vững. Trong năm 2005 - 2006, các cơ sở khám chữa bệnh ở tuyến tỉnh cần ưu tiên triển khai tốt các kỹ thuật về hồi sức cấp cứu, kỹ thuật nội soi, chăm sóc sản khoa thiết yếu, chăm sóc sơ sinh và công tác sử dụng thuốc an toàn hợp lý.

d) Công tác tăng cường cán bộ cho y tế cơ sở: Công tác chỉ đạo tuyến phải hướng về cộng đồng, tiếp tục duy trì cuộc vận động “Tăng cường cán bộ y tế về cơ sở công tác” các cơ sở khám chữa bệnh tuyến trên đưa cán bộ về tăng cường cho tuyến dưới để chuyển giao khoa học công nghệ và kỹ thuật cho tuyến dưới, đảm bảo tính bền vững của kết quả chuyển giao khoa học công nghệ, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh và chăm sóc sức khoẻ nhân dân.

đ) Công tác thông tin: Ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý bệnh viện và điều hành chuyên môn, đảm bảo thông tin giữa các tuyến, giữa các bệnh viện được thông suốt, kịp thời. Tuyến trên thường xuyên rút kinh nghiệm về chuyên môn với tuyến dưới, tuyến dưới thường xuyên báo cáo và phản ánh những khó khăn vướng mắc với tuyến trên theo qui định.

e) Công tác nghiên cứu khoa học: Bệnh viện tuyến trên giúp bệnh viện tuyến dưới thực hiện các đề tài nghiên cứu khoa học, phát huy năng lực nghiên cứu khoa học của tuyến dưới.

3. Kinh phí chỉ đạo tuyến

Các cơ sở khám chữa bệnh phải xây dựng dự toán chi cho công tác chỉ đạo tuyến theo kế hoạch để báo cáo cơ quan tài chính có thẩm quyền phê duyệt khi phân bổ dự toán ngân sách được giao. Cán bộ tuyến dưới lên tuyến trên học tập thì tuyến dưới phải chi trả kinh phí đào tạo theo quy định chung của Nhà nước. Kinh phí cho cán bộ thực hiện công tác chỉ đạo tuyến do đơn vị chỉ đạo tuyến chi trả theo qui định, tránh gây phiền hà cho tuyến dưới.

4. Công tác kiểm tra, đánh giá, báo cáo

a) Kiểm tra công tác chỉ đạo tuyến: Các tuyến tổ chức kiểm tra, đánh giá tình hình thực hiện công tác chỉ đạo tuyến thường xuyên. Kịp thời biểu dương, khen thưởng những đơn vị, cá nhân làm tốt công tác chỉ đạo tuyến.

b) Báo cáo kết quả công tác chỉ đạo tuyến: Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tổng hợp kết quả công tác chỉ đạo tuyến của các cơ sở khám chữa bệnh trực thuộc, báo cáo về Bộ Y tế (Vụ Điều trị); các cơ sở khám chữa bệnh tuyến trung ương báo cáo về Bộ Y tế (Vụ Điều trị) trước ngày 15 tháng 12 hàng năm.

5. Trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị

a) Bộ Y tế: Các Vụ, Cục thuộc Bộ Y tế có trách nhiệm hướng dẫn, chỉ đạo các cơ sở khám chữa bệnh thực hiện tốt công tác chỉ đạo tuyến. Vụ Điều trị làm đầu mối tổng hợp công tác chỉ đạo tuyến và báo cáo Bộ trưởng.

b) Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có trách nhiệm hướng dẫn, chỉ đạo các cơ sở khám chữa bệnh thuộc quyền quản lý thực hiện tốt công tác chỉ đạo tuyến, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh và Bộ Y tế theo đúng qui định.

[...]
4
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ