Chủ nhật, Ngày 27/10/2024

Chỉ thị 08/CT-UBND về công tác phòng, chống lụt, bão, thiên tai, hạn hán và tìm kiếm cứu nạn năm 2014 do tỉnh Đồng Nai ban hành

Số hiệu 08/CT-UBND
Ngày ban hành 31/03/2014
Ngày có hiệu lực 31/03/2014
Loại văn bản Chỉ thị
Cơ quan ban hành Tỉnh Đồng Nai
Người ký Võ Văn Chánh
Lĩnh vực Tài nguyên - Môi trường,Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH ĐỒNG NAI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 08/CT-UBND

 Đồng Nai, ngày 31 tháng 3 năm 2014

 

CHỈ THỊ

VỀ CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG LỤT, BÃO, THIÊN TAI, HẠN HÁN VÀ TÌM KIẾM CỨU NẠN NĂM 2014

Trong năm 2013, tình hình thời tiết, thiên tai có nhiều diễn biến phức tạp, trên biển Đông đã xuất hiện 15 cơn bão, 03 cơn áp thấp nhiệt đới, đặc biệt là sự xuất hiện của siêu bão (HaiYan) vào tháng 11/2013 đã gây thảm họa trên đất nước Philippin và gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến các tỉnh ven biển nước ta. Trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đã xảy ra 17 trận lốc xoáy, 05 đợt ngập lụt cục bộ; ngập lụt, lốc xoáy đã làm chết 01 người, bị thương 01 người, làm tốc mái, xiêu vẹo, ngập lụt 1.525 nhà dân, làm gãy, đổ 1.543 ha cây trồng, hoa màu, một số tuyến đường giao thông đã bị mưa, lũ gây hư hỏng.

Ngay từ tháng 02/2014 đã xuất hiện của cơn bão Kajiki trên biển Đông, tuy không ảnh hưởng đến địa bàn tỉnh Đồng Nai, nhưng đó là dấu hiệu bất thường của thời tiết, các ngành, các cấp và người dân trong tỉnh cần phải quan tâm theo dõi những biến động của thời tiết, chủ động đề phòng thiệt hại có thể xảy ra.

Để chủ động ứng phó với bão, lũ, lốc xoáy, hạn hán và các hiện tượng thiên tai khác gây ra trong năm 2014, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Giám đốc các Sở, Thủ trưởng các cơ quan, ban, ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã Long Khánh và thành phố Biên Hòa thực hiện những nội dung công việc sau:

1. Khẩn trương tổ chức tổng kết đánh giá rút kinh nghiệm về công tác phòng, chống lụt, bão, tìm kiếm cứu nạn, hạn hán năm 2013, xây dựng kế hoạch, phương án phòng, chống lụt, bão, tìm kiếm cứu nạn, hạn hán năm 2014. Nội dung kế hoạch, phương án phải cụ thể, phù hợp với phạm vi quản lý của từng ngành, từng địa phương, từng đơn vị và từng vùng trọng điểm, bảo đảm xử lý kịp thời các tình huống bất lợi xảy ra, đồng thời hạn chế đến mức thấp nhất những thiệt hại do thiên tai gây ra.

a) Kế hoạch, phương án phòng, chống lụt, bão, tìm kiếm cứu nạn của từng ngành, từng địa phương phải cụ thể, chi tiết; xác định biện pháp huy động và bố trí nhân lực, vật tư, phương tiện phòng, chống lụt, bão và tìm kiếm cứu nạn trên từng địa bàn; rà soát, xác định cụ thể về số lượng, chủng loại phương tiện, vật tư hiện có, bảo đảm bổ sung đủ cơ số và chất lượng cần thiết, để huy động kịp thời khi có thiên tai, sự cố, tai nạn xảy ra. Nội dung này hoàn thành trong tháng 4/2014.

b) Kế hoạch phòng chống hạn cần xác định các khu vực trọng điểm thường xảy ra hạn, biện pháp tích nước, trữ nước và nguồn nước cung cấp phục vụ sản xuất, sinh hoạt; bố trí thời vụ sản xuất phù hợp với nguồn nước thực tế trên địa bàn.

2. UBND các huyện, thị xã Long Khánh, thành phố Biên Hòa:

a) Rà soát những khu vực nguy hiểm thường xảy ra lũ quét, ngập lụt, sạt lở đất, nhất là các địa phương ven sông, chủ động di dời người dân và tài sản ra khỏi khu vực nguy hiểm; đồng thời phải xây dựng phương án sẵn sàng ứng phó, trong phương án phải xác định được số người cần di dời, số lượng phương tiện vận chuyển, khu vực an toàn, nguồn cung cấp lương thực, nguồn nước bảo đảm sinh hoạt, số lượng thuốc chữa bệnh dự phòng.

b) Tăng cường công tác tuyên truyền, vận động, hướng dẫn nhân dân ứng phó và khắc phục hậu quả lụt, bão theo phương châm “4 tại chỗ” (chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; phương tiện, vật tư tại chỗ; hậu cần tại chỗ); chủ động sử dụng dự phòng ngân sách địa phương theo đúng quy định của Luật ngân sách nhà nước và chỉ đạo các cấp, các đơn vị trên địa bàn huy động nguồn lực đối phó, cứu trợ, khắc phục hậu quả kịp thời, sớm ổn định đời sống nhân dân ở vùng thiên tai. Trường hợp xảy ra nghiêm trọng vượt quá khả năng của địa phương, đơn vị, phải báo cáo ngay và yêu cầu sự trợ giúp của cấp trên.

c) Kiểm tra, sửa chữa các hạng mục công trình: Thủy lợi, xây dựng, giao thông, điện, trường học … bị hư hỏng, đảm bảo an toàn trong mùa mưa lũ. Bố trí lực lượng, vật tư, phương tiện sẵn sàng cứu hộ khi xảy ra sự cố ở các hồ chứa nước trên địa bàn.

d) Kiểm tra phương tiện, thiết bị phục vụ công tác cứu hộ, cứu nạn, có kế hoạch tu sửa, bảo dưỡng, đảm bảo sử dụng được ngay khi cần thiết.

đ) Có biện pháp cảnh báo nguy cơ xảy ra ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất ở những khu vực nguy hiểm để người dân chủ động đề phòng.

e) Trong mùa mưa lũ phải thường xuyên kiểm tra các vùng ven sông, ven suối thường bị ngập lụt, lũ quét; cống, mương thoát nước trên đường giao thông và trong các khu vực dân cư; tổ chức nạo vét, trục vớt các vật cản trên sông, suối để thông thoáng dòng chảy.

g) Đối với những khu vực hạ lưu ven sông Đồng Nai, khi xảy ra mưa lũ kết hợp triều cường và các hồ thủy điện ở thượng nguồn xả lũ, Ban Chỉ huy phòng, chống lụt, bão, tìm kiếm cứu nạn các địa phương phải có biện pháp thông báo kịp thời đến người dân biết để chủ động phòng, tránh thiệt hại.

3. Củng cố, kiện toàn Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn các Sở, ban, ngành, các địa phương, đơn vị từ cấp tỉnh, đến cấp huyện, xã. Đồng thời báo cáo danh sách ban chỉ huy, số điện thoại trực phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn; số lượng phương tiện, vật tư, thiết bị phục vụ công tác phòng, chống lụt, bão và tìm kiếm cứu nạn của địa phương, đơn vị về cơ quan Thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) trước ngày 15/4/2014.

4. Giám đốc các sở, Thủ trưởng các cơ quan, ban, ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố Biên Hoà, thị xã Long Khánh: Trực tiếp chỉ đạo kiểm tra công tác phòng chống lụt bão, hạn hán, tìm kiếm cứu nạn thuộc phạm vi quản lý của ngành, địa phương. Báo cáo kịp thời Ban Chỉ huy Phòng chống lụt, bão và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh về công tác phòng chống lụt bão, hạn hán, tìm kiếm cứu nạn ở địa phương, đơn vị; chủ động xử lý theo thẩm quyền khi thiên tai xảy ra. Trong trường hợp khẩn cấp, phải báo cáo ngay Trưởng ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh để chỉ đạo xử lý.

5. Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Công an tỉnh, Sở Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy có phương án bố trí lực lượng, phương tiện, thiết bị sẵn sàng phối hợp với các địa phương, các đơn vị vũ trang của Trung ương đóng quân trên địa bàn tỉnh triển khai thực hiện công tác cứu nạn, cứu hộ khi thiên tai xảy ra; giữ vững an ninh, ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội các vùng bị thiên tai, lũ lụt.

6. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh: Chủ trì, phối hợp với các ngành, địa phương tổ chức triển khai công tác diễn tập phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn năm 2014 đạt hiệu quả. Tổ chức kiểm tra và chỉ đạo sửa chữa kịp thời những hư hỏng ở các công trình thủy lợi, bảo đảm an toàn công trình trước, trong và sau mùa mưa lũ. Chỉ đạo các đơn vị quản lý công trình thủy lợi có phương án bảo đảm an toàn cho dân cư vùng hạ lưu các hồ chứa nước; chủ động điều tiết nước hợp lý ở các hồ chứa trong mùa mưa để phục vụ sản xuất và sinh hoạt trong mùa khô; đôn đốc các chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án công trình thủy lợi, để nhanh chóng phát huy tác dụng trong sản xuất, điều tiết lũ.

7. Sở Giao thông Vận tải chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, phương tiện, vật tư cần thiết để tham gia ứng cứu và xử lý kịp thời khi các công trình cầu, đường và công trình giao thông khác bị hư hỏng, đảm bảo giao thông thông suốt trong mọi tình huống. Có kế hoạch kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện các quy định về quản lý, đăng kiểm, đăng ký tàu thuyền, đò, phà chở khách, trang thiết bị cần thiết để bảo đảm an toàn cho người và phương tiện. Phối hợp với các ngành, địa phương thực hiện công tác phòng, chống lụt, bão và tìm kiếm cứu nạn trên địa bàn tỉnh.

8. Sở Công Thương chủ động phương án phòng chống ô nhiễm môi trường do các hóa chất nguy hiểm tại các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp, để đảm bảo không gây mất an toàn cho người dân và môi trường khi có bão lũ xảy ra; phối hợp tổ chức trợ giúp, cung ứng hàng hóa, chất đốt, lương thực, thực phẩm thiết yếu… cho người dân phải sơ tán, di dời và người dân trong vùng bị thiệt hại do thiên tai gây ra; chỉ đạo Công ty TNHH Một thành viên Điện lực Đồng Nai có biện pháp bảo đảm nguồn điện phục vụ thông tin liên lạc, đồng thời xử lý khắc phục nhanh chóng sự cố đường dây tải điện bị hư hỏng.

9. Sở Giáo dục và Đào tạo có phương án bảo đảm an toàn cho học sinh, giáo viên, nhân viên ở các trường học, cơ sở dạy nghề; chủ động cho học sinh nghỉ học khi thiên tai đổ bộ trực tiếp vào địa bàn tỉnh.

10. Sở Xây dựng chủ động hướng dẫn các chủ đầu tư công trình xây dựng, các nhà thầu xây dựng và các tổ chức, cá nhân liên quan trên địa bàn tỉnh thực hiện các biện pháp kỹ thuật gia cố công trình xây dựng để hạn chế thiệt hại do bão, áp thấp nhiệt đới, lốc xoáy gây ra; đặc biệt là đối với các công trình đang trong quá trình thi công xây dựng, các công trình trong khu vực thường xuyên chịu ảnh hưởng của thiên tai.

11. Sở Lao động Thương binh và Xã hội có trách nhiệm theo dõi sát tình hình diễn biến lũ, bão, thiên tai, nắm chắc tình hình thiếu đói trong nhân dân vùng bị thiên tai; tổng hợp tình hình, phối hợp với Sở Tài chính đề xuất UBND tỉnh quyết định các biện pháp cứu trợ kịp thời nhằm sớm ổn định đời sống nhân dân, không được để người dân nào trong vùng thiên tai bị đói. Đồng thời phối hợp các ngành, địa phương hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện cứu trợ đảm bảo đúng quy định, để không xảy ra thất thoát, tiêu cực.

12. Sở Y tế chủ động chuẩn bị đủ vật tư, cơ số thuốc chữa bệnh, thuốc cấp cứu, thuốc khử trùng vệ sinh môi trường và các thiết bị y tế khác bảo đảm công tác phòng, chữa bệnh cho nhân dân trong mọi tình huống. Phối hợp chặt chẽ với Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã Long Khánh, thành phố Biên Hòa tổ chức hướng dẫn nhân dân thực hiện các biện pháp vệ sinh, khử trùng môi trường, nguồn nước để phòng chống dịch bệnh trước, trong và sau lũ lụt.

13. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức kiểm tra, hướng dẫn các đơn vị quảng cáo thực hiện chằng chống, gia cố các tấm pa nô, biển quảng cáo đúng yêu cầu kỹ thuật, đảm bảo an toàn khi có bão, lốc xoáy, giông gió. Triển khai các hoạt động tuyên truyền nội dung về phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai tại cộng đồng.

14. Sở Thông tin và Truyền thông chỉ đạo các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ bưu chính, viễn thông trên địa bàn tỉnh, có phương án bảo đảm mạng thông tin liên lạc thông suốt phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành trong mọi tình huống thiên tai.

[...]