Chỉ thị 08/CT-UBND năm 2019 về tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với các hoạt động sử dụng thiết bị âm thanh gây ô nhiễm tiếng ồn trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu
Số hiệu | 08/CT-UBND |
Ngày ban hành | 10/06/2019 |
Ngày có hiệu lực | 10/06/2019 |
Loại văn bản | Chỉ thị |
Cơ quan ban hành | Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu |
Người ký | Trần Văn Tuấn |
Lĩnh vực | Công nghệ thông tin |
ỦY BAN NHÂN DÂN |
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 08/CT-UBND |
Bà Rịa-Vũng Tàu, ngày 10 tháng 6 năm 2019 |
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC ĐỐI VỚI CÁC HOẠT ĐỘNG SỬ DỤNG THIẾT BỊ ÂM THANH GÂY Ô NHIỄM TIẾNG ỒN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÀ RỊA-VŨNG TÀU
Thời gian qua, tình trạng sử dụng dàn âm thanh công suất lớn, loa âm thanh di động có kết nối với các thiết bị ngoại vi (di động máy tính, USB) với mục đích cho thuê hát karaoke tại gia đình, nơi công cộng hoặc dùng để rao bán sản phẩm lồng ghép với việc giao lưu văn nghệ tại các quán ăn uống và trên đường phố đã ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của người dân tại cộng đồng, thậm chí từ đây nảy sinh mâu thuẫn dẫn đến tranh cãi, ẩu đả gây mất an ninh trật tự, an toàn xã hội gây bức xúc trong dư luận xã hội.
Trước thực trạng đó, các Sở, ban ngành và Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố đã quan tâm, tăng cường công tác quản lý và tổ chức các hoạt động văn hóa và kinh doanh dịch vụ văn hóa có sử dụng âm thanh, nhạc sống công suất lớn trong khu dân cư. Tuy nhiên, công tác này vẫn còn nhiều hạn chế, nên vẫn còn tình trạng gây ảnh hưởng đến sinh hoạt đời sống hằng ngày của một bộ phận nhân dân.
Để chấn chỉnh tình hình nêu trên, Ủy ban nhân dân tỉnh Chỉ thị:
1. Yêu cầu Thủ trưởng các Sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố (gọi tắt là Ủy ban nhân dân cấp huyện) và các Tổ chức có liên quan quán triệt trong nội bộ cán bộ, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên phải gương mẫu và thực hiện tốt nếp sống văn minh khi tổ chức hoặc tham gia các hoạt động văn hóa trong cơ quan, hộ gia đình và tại nơi công cộng.
2. Các ngành, các cấp căn cứ chức năng, nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị, địa phương tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục, chủ động triển khai và phối hợp với các ngành liên quan chỉ đạo, quản lý chặt chẽ và kiểm tra, xử lý nghiêm đối với các hành vi vi phạm trong lĩnh vực văn hóa và kinh doanh dịch vụ văn hóa theo quy định pháp luật; bổ sung những vấn đề phát sinh mới trong thực tiễn đời sống xã hội liên quan đến các hoạt động văn hóa nhưng chưa được quy định cụ thể trong các văn bản pháp luật hiện hành vào nội dung hương ước, quy ước tại địa phương mình và phổ biến trong các buổi sinh hoạt tại thôn, ấp, khu phố, tổ dân phố.
3. Công an tỉnh
a) Chỉ đạo Công an các địa phương tăng cường kiểm tra, nắm bắt tình hình, kịp thời phát hiện xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân tổ chức hoạt động văn hóa, kinh doanh dịch vụ văn hóa có sử dụng thiết bị âm thanh gây tiếng ồn; gây ách tắc giao thông, lấn chiếm lòng, lề đường, vỉa hè;
b) Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan kiểm tra các hoạt động văn hóa, kinh doanh dịch vụ văn hóa gây tiếng ồn làm mất an ninh trật tự tại khu dân cư, ảnh hưởng đến việc học tập, sinh hoạt, nghỉ ngơi của người dân; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định tại Nghị định số 167/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình.
4. Sở Văn hóa và Thể thao
a) Tiếp tục tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn thực hiện các quy định của pháp luật liên quan đến hoạt động văn hóa và kinh doanh dịch vụ văn hóa cho các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh;
b) Chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành có liên quan, Ủy ban nhân dân cấp huyện thường xuyên tổ chức kiểm tra, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các vi phạm trong hoạt động văn hóa, kinh doanh dịch vụ văn hóa theo quy định của pháp luật;
c) Phối hợp với các Sở, ngành liên quan tăng cường công tác kiểm tra định kỳ và đột xuất vào các dịp cao điểm lễ, tết để kịp thời chấn chỉnh và xử lý các trường hợp vi phạm về độ ồn trong hoạt động văn hóa và kinh doanh dịch vụ văn hóa theo quy định pháp luật.
5. Sở Tài nguyên và Môi trường
a) Phối hợp với các Sở, ngành có liên quan thường xuyên tổ chức kiểm tra, phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về tiếng ồn thuộc thẩm quyền quản lý theo quy định của pháp luật;
b) Tăng cường lực lượng kiểm tra và trang bị đầy đủ phương tiện máy đo độ ồn để hỗ trợ các đơn vị, đo và xử lý kịp thời theo thẩm quyền đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm về tiếng ồn.
6. Sở Du lịch
a) Phối hợp với các Sở, ngành, địa phương kiểm tra, xử lý các cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú du lịch có hành vi vi phạm quy định pháp luật về độ ồn trong tổ chức hoạt động văn hóa và kinh doanh dịch vụ văn hóa;
b) Tuyên truyền, vận động các tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ lưu trú chấp hành nghiêm Quy chuẩn quốc gia về tiếng ồn; xây dựng nội quy nơi lưu trú có quy định về độ ồn cho phép và thời gian dừng tổ chức các hoạt động văn hóa, sinh hoạt văn hóa tại nơi lưu trú có độ ồn từ sau 22 giờ đêm đến 6 giờ sáng.
7. Đề nghị Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy
Chỉ đạo các cơ quan thông tin, báo chí trong tỉnh thường xuyên tuyên truyền nâng cao nhận thức, ý thức của người dân trong việc thực hiện các quy định về tiếng ồn và các loại hình kinh doanh dịch vụ liên quan. Thường xuyên phản ánh, nêu gương tổ chức cá nhân chấp hành tốt các quy định về tiếng ồn, đảm bảo an ninh trật tự tại địa phương, khu dân cư.
8. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, các đoàn thể tỉnh
a) Tổ chức tuyên truyền, phổ biến và vận động cán bộ, công chức, viên chức, đoàn viên và nhân dân thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về tiếng ồn; về các quy định kinh doanh văn hóa, dịch vụ văn hóa theo quy định của pháp luật và quy ước, hương ước ở cơ sở;
b) Phát huy vai trò nêu gương, đi đầu của cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên trong việc chấp hành nghiêm việc tổ chức các đám, tiệc tại gia đình, thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội...không sử dụng dàn âm thanh gây tiếng ồn vượt mức quy định; phối hợp Ban Chỉ đạo cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” lồng ghép nội dung này vào công tác đánh giá, bình xét gia đình văn hóa; thôn, ấp, khu phố văn hóa; cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp văn hóa; xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới, phường đạt chuẩn văn minh đô thị...;
c) Phối hợp với các Sở, ngành, đoàn thể các cấp đẩy mạnh và nâng cao chất lượng phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” trong đó tuyên truyền, vận động trong cán bộ, công chức, viên chức và quần chúng nhân dân tự giác, nghiêm túc thực hiện quy ước, hương ước về nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội; trong đám tiệc của hộ gia đình ở khu dân cư không làm mất an ninh trật tự, sử dụng dàn nhạc trong đám tiệc, karaoke di động đảm bảo thời gian, nội dung sinh hoạt, tiếng ồn cho phép theo quy định, không làm ảnh hưởng đến việc học tập, sinh hoạt, nghỉ ngơi của người dân xung quanh.
9. Ủy ban nhân dân cấp huyện
a) Tổ chức tuyên truyền, phổ biến và vận động cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về tiếng ồn; các quy định về hoạt động văn hóa và kinh doanh hoạt động văn hóa, dịch vụ văn hóa theo quy định của pháp luật; không sử dụng dàn âm thanh gây tiếng ồn vượt mức quy định;