Chỉ thị 08/2013/CT-UBND.VX tăng cường quản lý hoạt động xuất bản - in - phát hành xuất bản phẩm trên địa bàn tỉnh Nghệ An

Số hiệu 08/2013/CT-UBND.VX
Ngày ban hành 13/03/2013
Ngày có hiệu lực 23/03/2013
Loại văn bản Chỉ thị
Cơ quan ban hành Tỉnh Nghệ An
Người ký Nguyễn Xuân Đường
Lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH NGHỆ AN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 08/2013/CT-UBND.VX

Nghệ An, ngày 13 tháng 3 năm 2013

 

CHỈ THỊ

VỀ TĂNG CƯỜNG QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG XUẤT BẢN - IN - PHÁT HÀNH XUẤT BẢN PHẨM TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH NGHỆ AN

Trong những năm gần đây, hoạt động xuất bản - in - phát hành xuất bản phẩm (sau đây gọi tắt là hoạt động xuất bản) trên địa bàn tỉnh phát triển nhanh cả về quy mô và chất lượng, hình thức sản phẩm, góp phần tích cực vào việc tuyên truyền, phổ biến đường lối, chủ trương của Đảng; chính sách, pháp luật của Nhà nước. Nhiều đầu sách có giá trị được xuất bản. Nhiều cơ sở in có công nghệ hiện đại, in được các sản phẩm số lượng lớn, chất lượng cao, cơ bản đáp ứng được nhu cầu in ấn trên địa bàn tỉnh. Hoạt động phát hành xuất bản phẩm từng bước đáp ứng nhu cầu tìm hiểu, khai thác thông tin, nâng cao dân trí, quảng bá, giới thiệu của các tổ chức, cá nhân và yêu cầu ngày càng cao trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Công tác chỉ đạo, quản lý hoạt động xuất bản có nhiều tiến bộ, chú trọng đảm bảo định hướng chính trị - tư tưởng và hiệu quả kinh tế của hoạt động xuất bản, phát hiện, uốn nắn và khắc phục những lệch lạc, sai phạm.

Tuy nhiên, các hoạt động trên lĩnh vực này vẫn còn những tồn tại cần khắc phục. Quy mô, năng lực hoạt động xuất bản trên địa bàn tỉnh chưa đáp ứng nhu cầu ngày càng lớn và đa dạng của xã hội về cung cấp thông tin, tri thức và thưởng thức văn học nghệ thuật trong thời kỳ đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa, mở rộng giao lưu, hội nhập quốc tế, nhất là còn thiếu nhiều loại sách phổ cập tri thức phục vụ đông đảo quần chúng. Sách nghiên cứu, tổng kết thực tiễn còn ít, chất lượng còn hạn chế. Sách viết về công cuộc đổi mới, nhân tố mới, con người mới, viết về cuộc đấu tranh giữa cái mới, tiến bộ và cái cũ, cái lạc hậu, kìm hãm còn ít và kém sâu sắc, sinh động. Bên cạnh đó, vẫn còn lưu hành một số sách có nội dung gây ảnh hưởng tiêu cực trong đời sống xã hội. Hiện tượng loạn sách tham khảo về giáo dục, ảnh hưởng đến chất lượng dạy học và gây lãng phí tiền của.

Việc xuất bản bản tin, đặc san chuyên ngành của một số cơ quan, đơn vị vẫn còn hạn chế về nghiệp vụ quản lý, chất lượng thông tin; chưa thực hiện bảo đảm theo quy định về thủ tục giấy phép, quảng cáo, nộp lưu chiểu. Hoạt động in, photocopy, phát hành xuất bản phẩm trong tỉnh còn những hạn chế như: không tuân thủ các quy định về in sản phẩm (kể cả kinh doanh và không kinh doanh); phát hành, phổ biến những xuất bản phẩm các tài liệu, xuất bản phẩm chưa được phép lưu hành, bị đình bản, thu hồi. Mạng lưới phát hành còn chưa đến được nhiều vùng sâu, vùng xa, nông thôn, miền núi và vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Nguyên nhân chính của những yếu kém, khuyết điểm trên là do công tác quản lý nhà nước về xuất bản và sự lãnh đạo của các nhà xuất bản, cơ sở in, phát hành còn hạn chế; mối quan hệ giữa chức năng văn hóa - tư tưởng và nhiệm vụ kinh doanh của hoạt động xuất bản chưa được nhận thức đúng đắn; những chính sách, chế độ, quy định chưa phù hợp với thực tiễn; nhận thức chính trị và pháp luật của các tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực xuất bản còn hạn chế.

Để tăng cường hơn nữa công tác quản lý nhà nước và nâng cao chất lượng toàn diện của hoạt động xuất bản trên địa bàn tỉnh, Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu:

1. Sở Thông tin và Truyền thông

a) Chủ trì, phối hợp với các ngành liên quan và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, thị xã tăng cường quản lý hoạt động xuất bản, in, phát hành xuất bản phẩm; tuyên truyền, phổ biến sâu rộng các chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về hoạt động xuất bản, in và phát hành xuất bản phẩm trong các cơ quan, tổ chức, các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là các công ty in, cơ sở in, photocopy; đơn vị phát hành xuất bản phẩm.

b) Triển khai quy hoạch phát triển ngành xuất bản, in, phát hành sách trên địa bàn tỉnh, phù hợp và đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, đáp ứng yêu cầu của ngành xuất bản - in - phát hành trong xu thế hội nhập. Tập trung xây dựng tiềm lực và năng lực của hoạt động xuất bản; nâng cao hiệu quả kinh tế của xuất bản, in và phát hành.

c) Triển khai chương trình quốc gia xuất bản các loại sách thiết yếu về chính trị - xã hội, văn hóa, khoa học kỹ thuật ứng dụng.

d) Rà soát, sửa đổi, bổ sung và xây dựng các văn bản pháp luật, cơ chế, chính sách đồng bộ, thống nhất để quản lý hoạt động xuất bản. Xây dựng quy chế phối hợp chỉ đạo, quản lý giữa cơ quan Đảng, cơ quan quản lý nhà nước các cấp; xác định rõ vai trò tự chịu trách nhiệm, chủ động của lãnh đạo nhà xuất bản, cơ sở in và cơ quan phát hành. Xây dựng chế độ, chính sách cho các doanh nghiệp xuất bản có nhiệm vụ kinh doanh đặc thù, những nhà xuất bản có ấn phẩm phục vụ nhiệm vụ chính trị. Xây dựng quy định về các điều kiện cấp phép hoạt động in. Xây dựng quy chế, chính sách cho hoạt động của hệ thống nhà sách tư nhân và tập thể. Xây dựng chính sách ưu tiên cho việc xuất bản, phát hành, vận chuyển xuất bản phẩm lên miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và hoạt động thông tin đối ngoại.

e) Xây dựng kế hoạch dài hạn đào tạo, bồi dưỡng và phát triển lực lượng, đội ngũ của ngành xuất bản, đảm bảo về quan điểm chính trị và chất lượng nghề nghiệp cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý. Tổ chức tập huấn nghiệp vụ cho đội ngũ chủ cơ sở và cán bộ lãnh đạo, quản lý của các cơ sở xuất bản, in, photocopy, phát hành xuất bản phẩm nhằm kịp thời hướng dẫn và phổ biến các văn bản mới được ban hành để triển khai thực hiện.

g) Chủ trì, phối hợp với Công an tỉnh và các ngành liên quan triển khai thực hiện Nghị định số 02/2011/NĐ-CP ngày 06/01/2011 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, xuất bản; Thông tư liên tịch số 16/2009/TTLT- BTTTT-BCA ngày 12/5/2009 của Bộ Thông tin và Truyền thông - Bộ Công an về phòng, chống in lậu. Thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động xuất bản, đặc biệt là phát hành xuất bản phẩm trên mạng thông tin máy tính (mạng Internet); Quản lý chặt chẽ việc đăng ký, sử dụng máy photocopy màu.

Kiện toàn bộ máy thanh tra của ngành đủ về số lượng, mạnh về chất lượng và phối hợp với các cơ quan liên quan tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra các cơ sở in, photocopy và những doanh nghiệp, cơ sở và các cá nhân kinh doanh xuất bản phẩm nhằm kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật, nhất là những đối tượng mua bán sách giả, sách lậu, sách in nối bản, các xuất bản phẩm thuộc loại mê tín, dị đoan, kinh dị, bạo lực, không phù hợp với thuần phong, mỹ tục và văn hóa Việt Nam.

h) Thường xuyên theo dõi, quản lý và thẩm định chặt chẽ, đầy đủ nội dung xuất bản phẩm nhập khẩu theo đúng quy định của Nhà nước. Thực hiện việc tiếp nhận Hồ sơ xin cấp giấy phép nhập khẩu và thẩm định nội dung xuất bản phẩm không kinh doanh theo đúng quy định tại Điều 11 và 12 Thông tư số 02/2010/TT-BTTTT ngày 11/01/2010 của Bộ Thông tin và Truyền thông.

i) Chỉ đạo và hướng dẫn Phòng Văn hóa và Thông tin các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục rà soát, thống kê, quản lý chặt chẽ các cơ sở in, photocopy, các cơ sở bán, cho thuê xuất bản phẩm tại địa phương; tăng cường quản lý xuất bản phẩm lưu hành trên thị trường, đặc biệt lưu ý sách giả, sách lậu, sách in nối bản; kịp thời thông báo cho các cơ sở kinh doanh xuất bản phẩm về những ấn phẩm không được phép lưu hành, để thực hiện quản lý theo quy định của pháp luật.

k) Phối hợp Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Sở Tư pháp, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Bưu điện tỉnh và các cơ quan trên địa bàn tỉnh hỗ trợ về tài liệu, sách báo cho các Điểm Bưu điện văn hóa xã; phát động xây dựng tủ sách pháp luật và phong trào đọc sách trong nhân dân.

2. Các Sở, ban ngành và UBND các huyện, thành phố, thị xã

a) Các Sở, ban ngành và UBND các huyện, thành phố, thị xã xuất bản Bản tin:

- Rà soát, bố trí nhân sự có năng lực và trách nhiệm phụ trách việc thực hiện biên tập, xuất bản các xuất bản phẩm, tài liệu của cơ quan, đơn vị và địa phương. Nội dung phải gắn với lĩnh vực, phạm vi hoạt động của cơ quan, đơn vị và địa phương; thông tin phải bảo đảm tính chính trị, khoa học, giáo dục; bản tin, tài liệu phải có sự đa dạng, hấp dẫn cả về hình thức lẫn nội dung.

- Cơ quan, đơn vị chịu trách nhiệm xuất bản bản tin phải làm thủ tục xin phép và thực hiện đúng nội dung ghi trong giấy phép xuất bản bản tin do cơ quan có thẩm quyền cấp. Thực hiện nộp lưu chiểu đúng thời gian và số lượng theo quy định, từng bước mở rộng phạm vi phát hành.

- Có kế hoạch đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ về công tác biên tập, nghiệp vụ viết tin, bài cho cán bộ phụ trách biên tập nhằm nâng cao năng lực chuyên môn và chất lượng bản tin cơ quan, đơn vị và địa phương.

b) Sở Giáo dục và Đào tạo:

Chỉ đạo, quản lý các đơn vị phát hành sách giáo dục trên địa bàn đảm bảo cung ứng kịp thời, đầy đủ, chất lượng và thực hiện chính sách đối với con thương binh, liệt sỹ, đối tượng chính sách và gắn việc phát hành với công tác xây dựng thư viện trường học.

c) Công an tỉnh:

- Chỉ đạo rà soát số cơ sở hoạt động in, photocopy màu trên địa bàn, hướng dẫn chủ cơ sở chấp hành nghiêm Nghị định số 72/2009/NĐ-CP ngày 03/9/2009 của Chính phủ và Thông tư số 33/2010/TT-BCA ngày 05/10/2010 của Bộ Công an quy định điều kiện về an ninh trật tự đối với một số ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Thực hiện tốt các biện pháp quản lý, phòng ngừa, đấu tranh phát hiện kịp thời những vi phạm trên lĩnh vực hoạt động in, photocopy màu.

- Phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động in, photocopy, phát hành xuất bản phẩm; điều tra xử lý nghiêm các hành vi vi phạm Luật Xuất bản.

[...]