Chỉ thị 31/CT-UBND năm 2010 tăng cường công tác quản lý nhà nước trên lĩnh vực xuất bản, in và phát hành xuất bản phẩm do tỉnh Khánh Hòa ban hành

Số hiệu 31/CT-UBND
Ngày ban hành 04/08/2010
Ngày có hiệu lực 04/08/2010
Loại văn bản Chỉ thị
Cơ quan ban hành Tỉnh Khánh Hòa
Người ký Lê Xuân Thân
Lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH KHÁNH HÒA
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số 31/CT-UBND

Nha Trang, ngày 04 tháng 8 năm 2010

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC TRÊN LĨNH VỰC XUẤT BẢN, IN VÀ PHÁT HÀNH XUẤT BẢN PHẨM

Những năm qua, hoạt động xuất bản, in và phát hành xuất bản phẩm trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa có bước phát triển đáng kể, giữ vai trò, vị trí quan trọng trong công tác giáo dục chính trị, tư tưởng cho cán bộ, nhân dân, góp phần tích cực trong việc phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Các xuất bản phẩm đã trực tiếp truyền bá, bảo vệ, phát triển Chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, giới thiệu, tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, xây dựng nền tảng tư tưởng, thế giới quan, nhân sinh quan cách mạng; cung cấp kiến thức về kinh tế, văn hóa, chính trị, khoa học - kỹ thuật và công nghệ, giới thiệu những tinh hoa văn hóa có giá trị trong và ngoài nước; đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu nắm bắt thông tin, hưởng thụ và nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của các tầng lớp nhân dân. Bên cạnh đó, công tác quản lý nhà nước đối với lĩnh vực xuất bản, in và phát hành xuất bản phẩm trên địa bàn tỉnh ngày càng được tăng cường, góp phần làm cho môi trường văn hóa - xã hội ổn định, phát triển lành mạnh.

Tuy nhiên, trong thời gian qua, việc tổ chức hoạt động xuất bản, in và phát hành xuất bản phẩm trên địa bàn tỉnh được triển khai chưa đồng đều, chưa có quy hoạch phát triển cụ thể. Số lượng xuất bản phẩm bình quân tính cho mỗi đầu người còn thấp, cơ cấu sách chưa hợp lý. Mạng lưới phát hành phát triển chậm, còn có sự chênh lệch giữa các vùng, miền; đặc biệt là ở các vùng nông thôn và miền núi; sự phối hợp giữa hệ thống phát hành sách, thư viện, tủ sách, bưu điện văn hóa xã, các hiệu sách tư nhân để giải quyết tốt đầu ra cho các xuất bản phẩm chưa hợp lý. Xuất bản phẩm chuyên đề nhằm phục vụ nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho nhân dân ở các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số vẫn còn ít. Hoạt động xuất bản trên mạng Internet chưa theo kịp nhu cầu của xã hội và chưa phổ thông. Tình trạng vi phạm bản quyền trong hoạt động xuất bản vẫn còn diễn ra phức tạp và chưa được ngăn chặn và xử lý kịp thời. Một số hoạt động như photocopy, in, xuất bản và lưu hành một số ấn phẩm có nội dung không lành mạnh để kinh doanh thu lợi nhuận cao bất hợp pháp, gây ảnh hưởng tiêu cực trong đời sống xã hội vẫn diễn ra. Công tác quản lý nhà nước và vai trò quản lý của chính quyền và các cơ quan chức năng, nhất là ở cơ sở đối với hoạt động photocopy, in, phát hành xuất bản phẩm trên địa bàn tỉnh chưa được triển khai đồng bộ, còn buông lỏng, thiếu chặt chẽ.

Để chấn chỉnh tình hình trên, đồng thời tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước trên lĩnh vực xuất bản, in và phát hành xuất bản phẩm theo quy định của pháp luật, góp phần làm lành mạnh hóa đời sống văn hóa tinh thần trên địa bàn tỉnh, Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ thị:

1. Sở Thông tin và Truyền thông

- Chủ trì, phối hợp với Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Sở Tư pháp, Báo Khánh Hòa, Đài Phát thanh - Truyền hình Khánh Hòa và các cơ quan báo chí thường xuyên tổ chức tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về hoạt động xuất bản, in và phát hành xuất bản phẩm, về quản lý và thực thi bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan… trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân và doanh nghiệp nắm bắt, nhận thức và thực hiện theo đúng quy định của pháp luật

- Xây dựng Quy hoạch phát triển ngành xuất bản, in và phát hành xuất bản phẩm của tỉnh giai đoạn 2010 - 2015, định hướng đến năm 2020.

- Hàng năm, triển khai tổ chức các lớp tập huấn quán triệt các quan điểm chỉ đạo của Đảng, Luật Xuất bản, các Nghị định của Chính phủ và hướng dẫn của Bộ Thông tin và Truyền thông về công tác xuất bản, in và phát hành xuất bản phẩm cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, chuyên môn nghiệp vụ, các cơ sở photocopy, in, phát hành xuất bản phẩm, các cơ sở bán, cho thuê sách trên địa bàn tỉnh.

- Tổ chức các hoạt động thông tin, triển lãm, hội chợ sách cấp tỉnh; củng cố các bưu điện văn hóa xã; phối hợp với Sở Tư pháp kiện toàn tủ sách pháp luật ở cơ sở; phát động xây dựng tủ sách gia đình, phong trào đọc sách trong nhân dân, nhất là sách khoa học - kỹ thuật để ứng dụng trong sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản…

- Phối hợp và khuyến khích các doanh nghiệp phát hành sách tổ chức vận chuyển xuất bản phẩm (kể cả sách giáo khoa) đến phục vụ tại các địa phương miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số … nhất là trong các dịp kỷ niệm các ngày lễ lớn, trước khai giảng năm học mới và trong dịp hè; trong đó cần lưu ý các loại sách về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; sách khoa học - kỹ thuật, nông nghiệp; sách viết về truyền thống yêu nước và truyền thống cách mạng của dân tộc, sách phục vụ thiếu nhi và sách giáo khoa phục vụ cho học sinh các cấp.

- Chủ trì, phối hợp với Công an tỉnh và các cơ quan có liên quan tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm các quy định của pháp luật trên lĩnh vực xuất bản, in và phát hành xuất bản phẩm trái phép, đặc biệt là in hình ảnh đồng tiền Việt Nam trên mọi chất liệu (giấy, nhựa cứng …) và xuất bản trên mạng Internet. Thực hiện nghiêm quy định của pháp luật về bản quyền tác giả.

- Chủ trì, phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch trong công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật đối với hoạt động quảng cáo trên xuất bản phẩm.

- Chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm pháp luật trong hoạt động xuất bản, in và phát hành xuất bản phẩm.

- Xem xét, cấp giấy phép xuất bản tài liệu không kinh doanh cho cơ quan, tổ chức của địa phương, chi nhánh, văn phòng đại diện, đơn vị trực thuộc cơ quan, tổ chức của trung ương tại địa phương.

- Chỉ đạo Phòng Văn hóa và Thông tin các huyện, thị xã, thành phố thực hiện việc rà soát, thống kê và quản lý chặt chẽ tất cả các cơ sở photocopy, các cơ sở bán, cho thuê sách, các cơ sở in (kể cả các cơ sở in xuất bản phẩm, cơ sở in quảng cáo, bao bì, nhãn mác, in lụa …) trên địa bàn tỉnh. Tăng cường công tác quản lý xuất bản phẩm lưu hành trên thị trường; lưu ý sách giả, sách lậu, sách in nối bản và các văn hóa phẩm khác như: lịch tấm, tranh ảnh, sách tử vi, sách in nội san.

2. Công an tỉnh

- Phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, tăng cường công tác kiểm tra định kỳ hoặc đột xuất và xử lý các vi phạm pháp luật trong hoạt động xuất bản, in và phát hành xuất bản phẩm. Chỉ đạo Công an các huyện, thị xã, thành phố phối hợp với Phòng Văn hóa và Thông tin tăng cường công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực xuất bản, in và phát hành xuất bản phẩm.

- Tăng cường công tác quản lý nhà nước về an ninh trật tự đối với hoạt động xuất bản, in và phát hành xuất bản phẩm.

3. Sở Kế hoạch và Đầu tư

Khi cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và khi có doanh nghiệp thuộc lĩnh vực xuất bản, in và phát hành xuất bản phẩm giải thể, có trách nhiệm phối hợp, thông báo cho Sở Thông tin và Truyền thông biết để quản lý.

4. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố

- Phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông chỉ đạo Phòng Văn hóa và Thông tin, Công an huyện và các ngành có liên quan tăng cường công tác quản lý nhà nước trên lĩnh vực xuất bản, in và phát hành xuất bản phẩm; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật.

- Tuyên truyền cho các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động trên lĩnh vực xuất bản, in và phát hành xuất bản phẩm tại địa phương biết rõ các nội dung sau:

+ Phải chịu trách nhiệm về hoạt động kinh doanh của mình, đảm bảo tuân thủ các quy định của pháp luật về ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Có trách nhiệm phối hợp và cộng tác với cơ quan quản lý nhà nước trong các đợt thanh tra, kiểm tra.

+ Việc xuất bản tài liệu không kinh doanh mà không thực hiện qua nhà xuất bản phải được cơ quan quản lý về hoạt động xuất bản cấp giấy phép.

+ Khi nhận in xuất bản phẩm các cơ sở in phải có Giấy phép hoạt động in xuất bản phẩm do cơ quan quản lý về hoạt động xuất bản cấp.

+ Việc in xuất bản phẩm phải có hợp đồng. Việc in nối bản xuất bản phẩm phải được sự đồng ý của nhà xuất bản và phải có hợp đồng.

[...]