Chỉ thị 08/2013/CT-UBND tăng cường công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trên địa bàn tỉnh Hậu Giang
Số hiệu | 08/2013/CT-UBND |
Ngày ban hành | 31/10/2013 |
Ngày có hiệu lực | 10/11/2013 |
Loại văn bản | Chỉ thị |
Cơ quan ban hành | Tỉnh Hậu Giang |
Người ký | Trần Công Chánh |
Lĩnh vực | Giáo dục,Văn hóa - Xã hội |
ỦY BAN NHÂN DÂN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 08/2013/CT-UBND |
Vị Thanh, ngày 31 tháng 10 năm 2013 |
CHỈ THỊ
TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC PHỔ BIẾN, GIÁO DỤC PHÁP LUẬT TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH HẬU GIANG
Trong thời gian qua, công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) trên địa bàn tỉnh Hậu Giang đã được các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện có trọng tâm, trọng điểm, gắn với việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và chức năng, nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị, địa phương. Qua đó, công tác PBGDPL đã đi vào nề nếp và đạt được nhiều kết quả quan trọng. Hầu hết các văn bản quy phạm pháp luật đã được tuyên truyền, phổ biến bằng nhiều hình thức phong phú, phù hợp với từng đối tượng và địa bàn, đáp ứng nhu cầu tìm hiểu pháp luật của cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân; hiểu biết pháp luật và ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân từng bước được nâng lên, góp phần tích cực vào việc phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và tăng cường quản lý nhà nước bằng pháp luật, xây dựng ý thức “Sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật” của cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân trên địa bàn tỉnh.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác PBGDPL trên địa bàn tỉnh vẫn còn những hạn chế nhất định. Công tác PBGDPL một số nơi chưa được tiến hành thường xuyên, liên tục, chưa được đổi mới về hình thức; trách nhiệm của Thủ trưởng một số cơ quan, đơn vị đối với công tác này chưa cao, hoạt động của đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật chưa thực sự nổi bật và hiệu quả; tình trạng vi phạm pháp luật, khiếu kiện vượt cấp vẫn còn xảy ra; việc đầu tư kinh phí và cơ sở vật chất cho công tác PBGDPL còn hạn chế… Những hạn chế này đã ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả của công tác PBGDPL và sự phát triển chung của tỉnh.
Để triển khai thực hiện có hiệu quả Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật; Nghị quyết số 61/2007/NQ-CP ngày 07 tháng 12 năm 2007 của Chính phủ về việc tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW ngày 09 tháng 12 năm 2003 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật; Nghị định số 28/2013/NĐ-CP ngày 04 tháng 4 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật PBGDPL; Quyết định số 409/QĐ-TTg ngày 09 tháng 4 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Chương trình hành động thực hiện Kết luận số 04-KL/TW ngày 19 tháng 4 năm 2011 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa XI) về kết quả thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW ngày 09 tháng 12 năm 2003 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và các văn bản có liên quan.
Nhằm thực hiện công tác PBGDPL một cách đồng bộ, có hiệu quả, huy động sức mạnh của các cấp, các ngành, góp phần nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác PBGDPL trong thời gian tới, Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh chỉ thị:
1. Thủ trưởng sở, ban, ngành tỉnh, UBND huyện, thị xã, thành phố tiếp tục đẩy mạnh công tác PBGDPL đến cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân trên địa bàn tỉnh, trong đó cần tập trung thực hiện tốt các nội dung sau:
a) Quán triệt, triển khai thống nhất, đồng bộ, nghiêm túc các quy định của Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật và các văn bản chỉ đạo của Đảng và Nhà nước về công tác PBGDPL, nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác PBGDPL trong từng cơ quan, đơn vị, địa phương. Xác định công tác PBGDPL là một bộ phận của công tác giáo dục chính trị, tư tưởng là nhiệm vụ thường xuyên đặt dưới sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng (trong đó, Nhà nước giữ vai trò nòng cốt); cần tập trung chỉ đạo, tổ chức thực hiện tốt công tác này để góp phần tạo chuyển biến căn bản về nhận thức và ý thức tôn trọng pháp luật của cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân trên địa bàn tỉnh.
b) Xây dựng nội dung và hình thức PBGDPL phù hợp với từng nhóm đối tượng; thực hiện kết hợp PBGDPL với các hoạt động chuyên môn, tổng kết và nhân rộng các hình thức, biện pháp PBGDPL có hiệu quả; bảo đảm quyền được thông tin về pháp luật của cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân.
c) Củng cố, kiện toàn tổ chức và hoạt động của Hội đồng Phối hợp PBGDPL cấp tỉnh, cấp huyện; tăng cường vai trò cơ quan Thường trực của Hội đồng Phối hợp PBGDPL các cấp; phát huy vai trò trong công tác phối hợp giữa các sở, ban, ngành, đoàn thể các cấp trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật.
d) Rà soát, củng cố, đánh giá chất lượng, hiệu quả hoạt động của đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật, cán bộ làm công tác PBGDPL các cấp, công chức pháp chế; qua đó, tăng cường bồi dưỡng kỹ năng, kiến thức pháp luật, phát triển, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong công tác PBGDPL đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới.
đ) Triển khai thực hiện các Chương trình, Đề án, Kế hoạch về PBGDPL đã được UBND tỉnh phê duyệt, đảm bảo kịp thời và hiệu quả. Tiếp tục tổ chức rà soát, đánh giá quá trình thực hiện để tham mưu UBND tỉnh các biện pháp chỉ đạo kịp thời. Chủ động xây dựng kế hoạch, phối hợp với ngành Tư pháp và các cơ quan có liên quan triển khai thực hiện đúng tiến độ và hiệu quả.
e) Triển khai thực hiện nghiêm túc, đảm bảo chất lượng và hiệu quả "Ngày pháp luật" tại cơ quan, đơn vị, địa phương theo đúng quy định của Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật và các văn bản có liên quan. Đồng thời, đẩy mạnh công tác PBGDPL thông qua hoạt động hòa giải ở cơ sở theo quy định.
g) Tổ chức triển khai và thực hiện có hiệu quả Quyết định số 06/2010/QĐ-TTg ngày 25 tháng 01 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc xây dựng, quản lý, khai thác tủ sách pháp luật tại cơ quan, đơn vị; kiểm tra, rà soát, loại bỏ những đầu sách pháp luật hết hiệu lực, bổ sung các đầu sách pháp luật mới cho các tủ sách pháp luật thuộc phạm vi quản lý theo đúng quy định.
h) Tăng cường công tác kiểm tra, tự kiểm tra, định kỳ sơ kết, tổng kết và đề xuất khen thưởng đối với các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong việc thực hiện công tác PBGDPL gửi về Sở Tư pháp để tổng hợp, trình UBND tỉnh.
i) Bảo đảm các điều kiện cần thiết cho việc tổ chức PBGDPL; tăng cường ứng dụng kỹ thuật, phương tiện hiện đại để nâng cao hiệu quả công tác PBGDPL; tạo điều kiện để các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp hỗ trợ cho hoạt động PBGDPL.
2. Sở Tư pháp:
a) Tập trung phát huy tốt vai trò là cơ quan Thường trực của Hội đồng phối hợp PBGDPL tỉnh, có trách nhiệm tham mưu UBND tỉnh ban hành các Chương trình, Kế hoạch, văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các hoạt động về PBGDPL trên địa bàn tỉnh. Tăng cường phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan tổ chức PBGDPL cho các đối tượng đặc thù; đẩy mạnh hoạt động PBGDPL cho cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân trên địa bàn tỉnh. Thực hiện các biện pháp nhằm đổi mới, đa dạng hóa nội dung, hình thức PBGDPL phù hợp với từng nhóm đối tượng.
b) Quản lý, theo dõi việc triển khai thực hiện các Chương trình, Đề án, Kế hoạch về PBGDPL đã được UBND tỉnh phê duyệt. Đồng thời, phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan thực hiện tốt các Chương trình, Đề án, Kế hoạch được giao chủ trì.
c) Kiểm tra, hướng dẫn việc quản lý, khai thác các loại hình tủ sách pháp luật trên địa bàn tỉnh theo đúng quy định.
d) Theo dõi, quản lý việc triển khai thực hiện sinh hoạt “Ngày pháp luật”, phát huy hiệu quả của loại hình sinh hoạt này trên địa bàn tỉnh.
đ) Tăng cường hơn nữa công tác PBGDPL thông qua hoạt động trợ giúp pháp lý của Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh.
e) Tổ chức kiểm tra, sơ kết, tổng kết và tham mưu, đề xuất UBND tỉnh khen thưởng đối với tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong việc thực hiện công tác PBGDPL trên địa bàn tỉnh.
3. Sở Giáo dục và Đào tạo:
a) Phối hợp với Sở Tư pháp triển khai thực hiện có hiệu quả Thông tư liên tịch số 30/2010/TTLT-BGDĐT-BTP ngày 16 tháng 11 năm 2010 của Bộ Giáo dục và Đào tạo - Bộ Tư pháp hướng dẫn việc phối hợp thực hiện công tác PBGDPL trong nhà trường và Quyết định số 1274/QĐ-UBND ngày 03 tháng 8 năm 2011 của Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang về việc ban hành Kế hoạch thực hiện Đề án “Tăng cường công tác phổ biến, giáo dục pháp luật nhằm nâng cao ý thức pháp luật cho thanh thiếu niên trên địa bàn tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2011 - 2015”.
b) Tăng cường chỉ đạo, hướng dẫn các Phòng Giáo dục và Đào tạo, các cơ sở giáo dục trực thuộc đẩy mạnh công tác giảng dạy, phổ biến kiến thức pháp luật trong nhà trường, chú trọng giáo dục ý thức chấp hành pháp luật cho học sinh, sinh viên; phát huy vai trò của nhà trường trong công tác PBGDPL.
c) Đổi mới và nâng cao hiệu quả các hình thức PBGDPL trong nhà trường; tăng cường nội dung PBGDPL trong các chương trình ngoại khóa và các hoạt động ngoài giờ lên lớp của học sinh, sinh viên.
d) Rà soát, bổ sung, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, kiến thức pháp luật, kỹ năng phổ biến, giáo dục pháp luật, nghiệp vụ, phương pháp giảng dạy cho đội ngũ giáo viên về pháp luật, giáo dục công dân, báo cáo viên và cán bộ phụ trách công tác PBGDPL.