Quyết định 579/QĐ-LĐTBXH năm 2013 về Kế hoạch thực hiện Đề án Tuyên truyền phổ biến pháp luật cho người lao động, người sử dụng lao động trong loại hình doanh nghiệp giai đoạn 2013-2016 do Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành

Số hiệu 579/QĐ-LĐTBXH
Ngày ban hành 10/04/2013
Ngày có hiệu lực 10/04/2013
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội
Người ký Phạm Thị Hải Chuyền
Lĩnh vực Doanh nghiệp,Lao động - Tiền lương,Văn hóa - Xã hội

BỘ LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 579/QĐ-LĐTBXH

Hà Nội, ngày 10 tháng 04 năm 2013

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH KẾ HOẠCH THỰC HIỆN ĐỀ ÁN TUYÊN TRUYỀN PHỔ BIẾN PHÁP LUẬT CHO NGƯỜI LAO ĐỘNG, NGƯỜI SỬ DỤNG LAO ĐỘNG TRONG CÁC LOẠI HÌNH DOANH NGHIỆP GIAI ĐOẠN 2013 - 2016

BỘ TRƯỞNG BỘ LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI

Căn cứ Nghị định số 106/2012/NĐ-CP ngày 20 tháng 12 năm 2012 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội;

Căn cứ Quyết định 31/2009/QĐ-TTg ngày 24 tháng 2 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án tuyên truyền, phổ biến pháp luật lao động cho người lao động, người sử dụng lao động trong các loại hình doanh nghiệp từ năm 2009 đến năm 2012;

Căn cứ Quyết định số 409/QĐ-TTg ngày 09 tháng 4 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Chương trình hành động thực hiện Kết luận số 04-KL/TW ngày 19/4/2011 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa XI);

Xét đề nghị của Vụ trưởng Vụ Pháp chế,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Kế hoạch thực hiện Đề án Tuyên truyền phổ biến pháp luật cho người lao động, người sử dụng lao động trong các loại hình doanh nghiệp giai đoạn 2013 - 2016.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.

Điều 3. Chánh Văn phòng, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Như Điều 3 (để thực hiện);
- Các cơ quan, tổ chức chủ trì các Tiểu Đề án;
- Thành viên Ban Điều hành Đề án;
- Thành viên Tổ thư ký Đề án;
- Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
- Sở LĐTBXH tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
- Vụ KH-TC, VP Bộ;
- Lưu: VT, Vụ PC.

BỘ TRƯỞNG




Phạm Thị Hải Chuyền

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN ĐỀ ÁN “TUYÊN TRUYỀN, PHỔ BIẾN PHÁP LUẬT CHO NGƯỜI LAO ĐỘNG, NGƯỜI SỬ DỤNG LAO ĐỘNG TRONG CÁC LOẠI HÌNH DOANH NGHIỆP” NĂM 2013 - 2016
(Ban hành kèm theo Quyết định số 579/2013/QĐ-LĐTBXH ngày 10 tháng 4 năm 2013 của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội)

A. KẾ HOẠCH HOẠT ĐỘNG

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích:

1.1. Tiếp tục triển khai đồng bộ, có hiệu quả các mục tiêu của Đề án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2009. Phấn đấu đến năm 2016 đạt được mục tiêu chung là tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật nói chung, pháp luật lao động nói riêng đối với người lao động và người sử dụng lao động, xây dựng quan hệ lao động hài hòa tại các doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy sản xuất phát triển, ổn định xã hội, xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân.

1.2. Trên cơ sở các nhiệm vụ của Đề án đã giao, từng Bộ, ngành, địa phương cụ thể hóa thành các chỉ tiêu nhiệm vụ cụ thể phù hợp với điều kiện từng ngành, từng địa phương, phấn đấu đến hết năm 2016 cơ bản đạt được các chỉ tiêu cụ thể đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 31/2009/QĐ-TTg ngày 24/02/2009 (Đề án 31).

2. Yêu cầu:

2.1. Các Bộ, ngành và địa phương phải tiếp tục quán triệt đầy đủ và cụ thể hóa quan điểm của Đảng và pháp luật Nhà nước về công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật: phổ biến giáo dục pháp luật là trách nhiệm của toàn bộ hệ thống chính trị, trong đó Nhà nước giữ vai trò nòng cốt. Nhà nước đảm bảo nguồn lực cần thiết cho công tác phổ biến pháp luật; Thực hiện xã hội hóa công tác phổ biến giáo dục pháp luật.

2.2. Các Bộ, ngành chủ trì các Tiểu Đề án và các địa phương phải nghiêm túc đánh giá và chỉ rõ những yếu kém, tồn tại trong việc tổ chức triển khai Đề án giai đoạn 1, trên cơ sở đó đề ra các hoạt động sát với nội dung và nhiệm vụ của Đề án và yêu cầu của thực tế địa phương, cơ sở và nhu cầu của từng nhóm đối tượng; bảo đảm đúng tiến độ, tận dụng tối đa nguồn nhân lực hiện có đưa ra các biện pháp toàn diện để khắc phục những yếu kém tồn tại công tác này trong thời gian qua; triển khai thực hiện hoạt động có trọng tâm, trọng điểm, tránh dàn trải, không trùng lặp, chồng chéo với các hoạt động, các dự án, chương trình khác đã và đang được triển khai tại các Bộ, ngành, địa phương.

II. CÁC HOẠT ĐỘNG THỰC HIỆN ĐỀ ÁN GIAI ĐOẠN 2013 - 2016

1. Xây dựng hoàn thiện chính sách

- Chính sách khuyến khích doanh nghiệp tự tuyên truyền, phổ biến pháp luật lao động và các pháp luật khác liên quan tới hoạt động của doanh nghiệp và quyền, nghĩa vụ của công dân và người lao động tại doanh nghiệp.

- Chính sách khuyến khích doanh nghiệp đưa công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật lao động và các pháp luật khác liên quan tới hoạt động của doanh nghiệp và quyền, nghĩa vụ của công dân thành một trong những nội dung của thỏa ước lao động tập thể, thành một trong những chỉ tiêu đánh giá doanh nghiệp.

[...]