Chỉ thị 07/CT-BGTVT năm 2016 về việc đẩy mạnh công tác bảo vệ môi trường giao thông vận tải do Bộ Giao thông vận tải ban hành

Số hiệu 07/CT-BGTVT
Ngày ban hành 03/08/2016
Ngày có hiệu lực 03/08/2016
Loại văn bản Chỉ thị
Cơ quan ban hành Bộ Giao thông vận tải
Người ký Trương Quang Nghĩa
Lĩnh vực Giao thông - Vận tải,Tài nguyên - Môi trường

BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 07/CT-BGTVT

Hà Nội, ngày 03 tháng 8 năm 2016

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC ĐẨY MẠNH CÔNG TÁC BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG GIAO THÔNG VẬN TẢI

Thực hiện Nghị quyết số 41-NQ/TW ngày 15/11/2004 của Bộ Chính trị khóa IX về bảo vệ môi trường trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 03/6/2013 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đã tổ chức quán triệt, phổ biến đến các cơ quan, đơn vị trong Ngành và xây dựng, ban hành, tổ chức thực hiện các Chương trình hành động. Kết quả là, công tác bảo vệ môi trường GTVT đã có những chuyển biến tích cực: bộ máy tổ chức, cán bộ làm công tác bảo vệ môi trường được hình thành; nhận thức của cán bộ, công chức về công tác bảo vệ môi trường đã được cải thiện; hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về bảo vệ môi trường GTVT được xây dựng, ban hành đáp ứng yêu cầu thực tiễn; các quy hoạch, chiến lược, dự án đầu tư phát triển GTVT đã bước đầu thực hiện nghiêm túc công tác đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường; công tác kiểm soát, ngăn ngừa ô nhiễm từ hoạt động của các loại phương tiện giao thông cơ giới đã đi vào nền nếp; một số đề án, dự án bảo vệ môi trường đã được xây dựng, phê duyệt, triển khai và đạt được những hiệu quả nhất định.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác bảo vệ môi trường GTVT còn nhiều vấn đề cần quan tâm: ô nhiễm không khí tại các đô thị, đặc biệt là tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh có xu hướng gia tăng, trong đó có tác động đáng kể từ khí thải của phương tiện giao thông cơ giới đường bộ; yêu cầu về bảo vệ môi trường đối với các loại phương tiện giao thông cơ giới ngày càng chặt chẽ, đặc biệt là đối với phương tiện hoạt động tuyến quốc tế; ô nhiễm bụi xảy ra khá phổ biến trong thi công xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông; việc tổ chức thu gom, xử lý các loại chất thải chưa được đồng bộ, còn mang tính đối phó, hình thức.

Tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 41-NQ/TW ngày 15/11/2004 của Bộ Chính trị khóa IX, Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 03/6/2013 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI và triển khai Kết luận số 02-KL/TW của Ban Bí thư Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 41-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa IX về bảo vệ môi trường trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, Bộ trưởng Bộ GTVT chỉ thị Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị trong Ngành tập trung thực hiện một số nội dung sau:

1. Đổi mới nội dung tuyên truyền, giáo dục, nâng cao ý thức, trách nhiệm về bảo vệ môi trường cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động ngành GTVT

1.1. Trường Cán bộ quản lý GTVT tăng cường lồng ghép giáo dục pháp luật về bảo vệ môi trường trong công tác đào tạo cán bộ, công chức GTVT.

1.2. Hội Môi trường GTVT Việt Nam đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến công tác bảo vệ môi trường trong hoạt động thi công xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông và trong sản xuất, kinh doanh, dịch vụ GTVT.

1.3. Báo Giao thông, Tạp chí Giao thông vận tải và Trung tâm Công nghệ thông tin gia tăng số lượng, chất lượng tin, bài tuyên truyền, phổ biến về pháp luật bảo vệ môi trường và hoạt động bảo vệ môi trường GTVT trong các ấn phẩm và trên các trang thông tin điện tử.

1.4. Công đoàn, Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh GTVT chủ động tổ chức và phát động đội ngũ đoàn viên tham gia hưởng ứng các hoạt động, các ngày về môi trường (Ngày Môi trường thế giới, Ngày quốc tế Đa dạng sinh học, Ngày Đại dương thế giới, Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam,...).

1.5. Tổng cục và các Cục quản lý chuyên ngành, các Sở GTVT và các doanh nghiệp GTVT căn cứ điều kiện thực tế tại cơ quan, đơn vị để tổ chức tuyên truyền, giáo dục pháp luật về bảo vệ môi trường cho cán bộ, công chức, người lao động thuộc phạm vi quản lý.

1.6. Vụ Môi trường chủ trì hướng dẫn, tổng hợp các nhiệm vụ tuyên truyền, giáo dục, nâng cao ý thức, trách nhiệm về công tác bảo vệ môi trường trong xây dựng kế hoạch nguồn vốn sự nghiệp môi trường hàng năm của Bộ; kết hợp công tác kiểm tra với tuyên truyền pháp luật về bảo vệ môi trường.

2. Kiện toàn bộ máy tổ chức quản lý, nâng cao năng lực, trình độ đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác bảo vệ môi trường GTVT

2.1. Vụ Tổ chức cán bộ chủ trì rà soát, tăng cường nhân lực chuyên môn về bảo vệ môi trường cho Vụ Môi trường, trong cơ cấu tổ chức của Tổng cục và các Cục quản lý chuyên ngành; nghiên cứu lồng ghép tiêu chí về bảo vệ môi trường trong bình xét khen thưởng hàng năm đối với các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ.

2.2. Vụ Môi trường, Tổng cục và các Cục quản lý chuyên ngành chủ động tìm kiếm các nguồn lực trong và ngoài nước để tổ chức tập huấn, đào tạo nâng cao năng lực quản lý, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ công chức làm công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường.

2.3. Từng cơ quan, đơn vị trong Ngành phải tổ chức, phân công lãnh đạo chịu trách nhiệm về công tác bảo vệ môi trường và tăng cường bộ phận chuyên trách, cán bộ có chuyên môn về bảo vệ môi trường, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.

3. Triển khai thực hiện nhiệm vụ trọng tâm về bảo vệ môi trường GTVT giai đoạn 2016 - 2020

3.1. Bảo vệ môi trường trong phát triển kết cấu hạ tầng giao thông

a) Vụ Môi trường:

- Hướng dẫn, đôn đốc việc thực hiện các quy định về bảo vệ môi trường trong công tác chiến lược, quy hoạch và trong đầu tư, duy tu, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông.

- Phối hợp với Tổng cục và các Cục quản lý chuyên ngành tăng cường kiểm tra thực thi pháp luật về bảo vệ môi trường trong thi công xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông.

b) Vụ Kế hoạch - Đầu tư, Ban Quản lý đầu tư các dự án đối tác công - tư:

Tham mưu bảo đảm việc bố trí kinh phí để thực hiện đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường, kế hoạch bảo vệ môi trường trong công tác chiến lược, quy hoạch và trong đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông.

c) Cục Quản lý xây dựng và Chất lượng công trình giao thông:

Tham mưu bảo đảm việc chủ đầu tư, nhà đầu tư lồng ghép phù hợp các biện pháp giảm thiểu tác động xấu đến môi trường của dự án vào trong thiết kế kỹ thuật, thiết kế thi công, biện pháp thi công và tổ chức giám sát việc thực hiện trong quá trình thi công xây dựng.

d) Chủ đầu tư, ban quản lý dự án, nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án:

- Thực hiện nghiêm túc, đầy đủ quy định pháp luật về đánh giá tác động môi trường hoặc kế hoạch bảo vệ môi trường và các biện pháp giảm thiểu tác động xấu đến môi trường, các cam kết bảo vệ môi trường, chương trình quản lý và giám sát môi trường trong báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được phê duyệt hoặc trong kế hoạch bảo vệ môi trường đã được xác nhận của dự án.

- Tổ chức giám sát, đôn đốc các nhà thầu thi công thực hiện các biện pháp giảm thiểu tác động xấu đến môi trường và nắm bắt diễn biến môi trường tại công trường thi công để có biện pháp xử lý phù hợp.

[...]