Chỉ thị 07/CT-BCA-V28 năm 2014 về đẩy mạnh phong trào toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc trong cơ quan, doanh nghiệp, nhà trường đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo đảm an ninh, trật tự trong tình hình mới do Bộ Công an ban hành
Số hiệu | 07/CT-BCA-V28 |
Ngày ban hành | 15/08/2014 |
Ngày có hiệu lực | 15/08/2014 |
Loại văn bản | Chỉ thị |
Cơ quan ban hành | Bộ Công An |
Người ký | Trần Đại Quang |
Lĩnh vực | Bộ máy hành chính,Văn hóa - Xã hội |
BỘ CÔNG AN |
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 07/CT-BCA-V28 |
Hà Nội, ngày 15 tháng 8 năm 2014 |
CHỈ THỊ
VỀ ĐẨY MẠNH PHONG TRÀO TOÀN DÂN BẢO VỆ AN NINH TỔ QUỐC TRONG CƠ QUAN, DOANH NGHIỆP, NHÀ TRƯỜNG ĐÁP ỨNG YÊU CẦU, NHIỆM VỤ BẢO ĐẢM AN NINH, TRẬT TỰ TRONG TÌNH HÌNH MỚI
Trong những năm qua, dưới sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, sự phối hợp của các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể quần chúng, công tác bảo vệ an ninh, trật tự và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trong các cơ quan, doanh nghiệp, nhà trường đã đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự an toàn xã hội, phục vụ đắc lực sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội và đối ngoại của đất nước. Lực lượng Công an Nhân dân đã chủ động phối hợp với nhiều cơ quan, ban, ngành, đoàn thể xây dựng, ký kết, thực hiện nhiều quy chế, thông tư phối hợp trong công tác bảo vệ an ninh, trật tự và hằng năm đều tiến hành tổ chức sơ kết, tổng kết. Do vậy, tình hình an ninh, trật tự trong các cơ quan, doanh nghiệp, nhà trường có nhiều chuyển biến rõ nét; phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc được củng cố, phát triển, đã có nhiều mô hình, điển hình tiên tiến trong giữ gìn an ninh trật tự ở cơ sở.
Tuy nhiên, phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trong các cơ quan, doanh nghiệp, nhà trường phát triển chưa đồng đều; cấp ủy, thủ trưởng một số cơ quan chưa thực sự quan tâm nên phong trào còn hình thức, tác dụng hạn chế. Công tác tuyên truyền nâng cao ý thức cảnh giác cách mạng cho cán bộ, công chức viên chức người lao động và học sinh, sinh viên chưa được tiến hành thường xuyên, công tác bảo vệ bí mật nhà nước, bí mật nội bộ còn bộc lộ sơ hở, mất cảnh giác; công tác quản lý cán bộ còn lỏng lẻo; lực lượng bảo vệ ở một số cơ quan còn thiếu về số lượng, hạn chế về chuyên môn nghiệp vụ, chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ công tác. Một số bộ phận cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và học sinh, sinh viên còn mơ hồ trước âm mưu, hoạt động “Diễn biến hòa bình” bạo loạn lật đổ của các thế lực thù địch và các loại tội phạm khác; sự phối hợp công tác giữa các lực lượng chưa chặt chẽ; các điều kiện bảo đảm cho công tác xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc chưa đáp ứng được yêu cầu của tình hình, nhiệm vụ mới.
Để tiếp tục đẩy mạnh phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trong các cơ quan, doanh nghiệp, nhà trường đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới, lãnh đạo Bộ yêu cầu Công an xác đơn vị, địa phương tập trung triển khai, thực hiện tốt một số nội dung, nhiệm vụ trọng tâm sau:
1. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, đường lối, chính sách, nghị quyết của Đảng, pháp luật của Nhà nước và của Bộ Công an về đảm bảo an ninh, trật tự và phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, trọng tâm là: Nghị quyết số 28/NQ/TW Hội nghị lần thứ tám Ban chấp hành Trung ương khóa XI, ngày 25/10/2013 về “Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới”; Chỉ thị số 48-CT/TW ngày 22/10/2010 của Bộ Chính trị về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tội phạm trong tình hình mới”; Chỉ thị số 09-CT/TW ngày 01/12/2011 của Ban Bí thư về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trong tình hình mới”; Nghị định số 06/2013/NĐ-CP, ngày 09/01/2013 của Chính phủ Quy định về “Bảo vệ cơ quan, doanh nghiệp” để nâng cao nhận thức cho cán bộ, chiến sỹ Công an nhân dân và cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và học sinh, sinh viên về vị trí, ý nghĩa của công tác bảo đảm an ninh, trật tự và phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc. Cần xác định rõ công tác xây dựng và đẩy mạnh phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trong cơ quan, doanh nghiệp, nhà trường là của cấp ủy, chính quyền, các bộ, ban, ngành và địa phương; trong đó lực lượng Công an các cấp giữ vai trò nòng cốt trong việc tham mưu và thực hiện.
2. Chủ động tham mưu cho cấp ủy, chính quyền và thủ trưởng các cơ quan, doanh nghiệp, nhà trường chỉ đạo việc đánh giá đúng thực trạng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trong cơ quan, doanh nghiệp, nhà trường; qua đó tăng cường đổi mới nội dung, hình thức và phương pháp xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trong tình hình mới phù hợp với đặc điểm của từng cơ quan, doanh nghiệp, nhà trường nhằm đạt được tiêu chuẩn “An toàn về an ninh, trật tự” theo quy định tại Thông tư số 23/2012/TT-BCA ngày 27/4/2012 của Bộ Công an. Cần tập trung xây dựng các mô hình điểm trong cơ quan, doanh nghiệp, nhà trường về phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội; xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh nơi công sở, kết hợp với phong trào xây dựng “Cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa”; gắn công tác xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trong cơ quan doanh nghiệp nhà trường với các phong trào cách mạng khác của Đảng và Nhà nước; tổ chức thực hiện có hiệu quả Quyết định số 521/QĐ-TTg ngày 13/6/2005 của Thủ tướng Chính phủ và hướng dẫn của Bộ Công an về “Ngày hội toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”.
3. Tham mưu cho cấp ủy, chính quyền phối hợp tổ chức vận động các bộ, công chức, viên chức, người lao động và học sinh, sinh viên thực hiện nghiêm chỉnh các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước các nội quy, quy chế bảo vệ an toàn cơ quan, doanh nghiệp, nhà trường; nâng cao ý thức cảnh giác trong công tác phòng, chống tội phạm; phòng, chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí trong bộ phận cán bộ công chức, viên chức; chủ động phòng ngừa và làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn hoạt động của các thế lực thù địch lợi dụng mạng internet, sử dụng các trang mạng xã hội và các thông tin khác để bôi nhọ, vu cáo, xuyên tạc, kích động, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc; khắc phục tình trạng sơ hở, mất cảnh giác với các thế lực thù địch và tội phạm khác; tích cực tham gia bảo vệ an ninh chính trị nội bộ, an ninh tư tưởng - văn hóa, an ninh kinh tế, an ninh thông tin, nhất là an ninh mạng, khắc phục tình trạng lộ, lọt thông tin mật của Đảng, Nhà nước; tích cực bảo vệ tài sản, giữ gìn trật tự, kỷ cương trong cơ quan doanh nghiệp, nhà trường.
4. Quan tâm xây dựng, củng cố lực lượng bảo vệ chuyên trách và bán chuyên trách, các tổ chức quần chúng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở theo hướng tự phòng, tự quản, tự bảo vệ và tự giải quyết; tham mưu cho cấp ủy Đảng, chính quyền chỉ đạo triển khai, tổ chức thực hiện Nghị định số 06/2013/NĐ-CP ngày 09/01/2013 của Chính phủ “Quy định về bảo vệ Cơ quan, doanh nghiệp”; hướng dẫn hoạt động, tổ chức huấn luyện, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ, pháp luật cho lực lượng bảo vệ cơ quan, doanh nghiệp, nhà trường. Phối hợp tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức về an ninh, trật tự và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc cho cán bộ làm công tác quản lý, đoàn thể trong cơ quan, doanh nghiệp, nhà trường; tham mưu, hướng dẫn các cơ quan, doanh nghiệp, nhà trường tổ chức cho lực lượng bảo vệ triển khai, thực hiện và xây dựng nếp sống văn hóa vì nhân dân phục vụ, gắn với phong trào “Công an nhân dân học tập, thực hiện 6 điều Bác Hồ dạy”.
Thường xuyên tổ chức rà soát và đề xuất sơ kết, tổng kết việc thực hiện các quy chế, thông tư liên tịch... về phối hợp giữa Bộ Công an với các bộ, ban, ngành trong công tác bảo đảm an ninh, trật tự và phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trong cơ quan, doanh nghiệp, nhà trường; hướng dẫn xây dựng nội quy, quy chế, quy ước về công tác an ninh, trật tự trong cơ quan, doanh nghiệp, nhà trường; phối hợp xây dựng các “mô hình liên kết” thực hiện phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trong các cơ quan, doanh nghiệp, nhà trường với các địa bàn giáp ranh.
5. Tiếp tục tham mưu cho cấp ủy, chính quyền các bộ, ban, ngành và địa phương hướng dẫn người đứng đầu các cơ quan, doanh nghiệp, nhà trường tăng cường công tác tuyên truyền, vận động cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, học sinh, sinh viên và các tầng lớp nhân dân hiểu rõ việc xâm phạm chủ quyền thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, nhất là xâm phạm vùng biển của Việt Nam, không tham gia biểu tình trái pháp luật; chủ động phòng ngừa, ngăn chặn các hành vi quá khích; kiên quyết không để xảy ra biểu tình trái pháp luật, không để xảy ra gây rối an ninh, trật tự trong mọi tình huống; tham mưu cấp ủy, chính quyền củng cố hệ thống tổ chức Đảng, Công đoàn, Đoàn Thanh niên và các tổ chức quần chúng tại các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài; phát động phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trong công nhân, chủ doanh nghiệp, cả trong công nhân, chủ doanh nghiệp là người nước ngoài. Tăng cường công tác bảo vệ các cơ quan, công sở, các mục tiêu trọng điểm về chính trị, kinh tế, ngoại giao, nhất là khu, cụm kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài và người lao động nước ngoài. Đẩy mạnh công tác vận động, tuyên truyền thông qua các phương tiện thông tin đại chúng để mọi tầng lớp nhân dân thấu hiểu các giải pháp và nỗ lực trong việc giải quyết các vấn đề quốc tế có liên quan đến an ninh chính trị quốc gia của Đảng, Nhà nước ta.
6. Thường xuyên tổ chức kiểm tra, đánh giá, phân loại phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trong các cơ quan, doanh nghiệp, nhà trường; báo cáo Ủy ban nhân dân cùng cấp xét duyệt, công nhận đạt tiêu chuẩn “An toàn về an ninh, trật tự” cho cơ quan, doanh nghiệp, nhà trường. Quan tâm sơ kết, tổng kết các mô hình, điển hình tiên tiến trong các cơ quan, doanh nghiệp, nhà trường; biểu dương, khen thưởng kịp thời các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc; thông báo các kinh nghiệm hay, điển hình tiên tiến trên các phương tiện thông tin đại chúng để nhân dân hiểu, làm theo; tổ chức gặp mặt biểu dương, khen thưởng các cơ quan, doanh nghiệp, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác đảm bảo an ninh, trật tự và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc.
7. Kiện toàn tổ chức và tăng cường cán bộ có năng lực, có trách nhiệm cho công tác xây dựng phong trào các cấp; xây dựng đội ngũ cán bộ chuyên sâu, bố trí ổn định và có năng lực tham mưu, đề xuất với cấp ủy chính quyền tổ chức triển khai công tác phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ.
Các Tổng cục, Bộ Tư lệnh, các đơn vị trực thuộc Bộ, Cảnh sát Phòng cháy và chữa cháy, Công an các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình có trách nhiệm xây dựng kế hoạch, báo cáo cấp ủy, chính quyền địa phương tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc Chỉ thị này. Giao Cục Xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan giúp Bộ hướng dẫn, theo dõi, đôn đốc Công an các đơn vị, địa phương thực hiện và định kỳ hàng năm tổ chức sơ kết, rút kinh nghiệm việc thực hiện Chỉ thị; báo cáo kết quả về lãnh đạo Bộ (qua V28) để chỉ đạo./.
|
BỘ TRƯỞNG |