Thứ 7, Ngày 26/10/2024

Nghị định 06/2013/NĐ-CP quy định về bảo vệ cơ quan, doanh nghiệp

Số hiệu 06/2013/NĐ-CP
Ngày ban hành 09/01/2013
Ngày có hiệu lực 01/03/2013
Loại văn bản Nghị định
Cơ quan ban hành Chính phủ
Người ký Nguyễn Tấn Dũng
Lĩnh vực Doanh nghiệp,Bộ máy hành chính

CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
--------------

Số: 06/2013/NĐ-CP

Hà Nội, ngày 09 tháng 01 năm 2013

 

NGHỊ ĐỊNH

QUY ĐỊNH VỀ BẢO VỆ CƠ QUAN, DOANH NGHIỆP

Căn cứ Luật tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;

Căn cứ Luật an ninh quốc gia ngày 03 tháng 12 năm 2004;

Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Công an;

Chính phủ ban hành Nghị định quy định về bảo vệ cơ quan, doanh nghiệp,

Chương 1.

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Nghị định này quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức, hoạt động, chế độ, chính sách đối với lực lượng bảo vệ tại các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội được thành lập theo quy định của pháp luật Việt Nam (sau đây gọi chung là cơ quan, doanh nghiệp).

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Nghị định này áp dụng đối với cơ quan, doanh nghiệp Việt Nam; doanh nghiệp, tổ chức nước ngoài hoạt động trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động bảo vệ cơ quan, doanh nghiệp. Các cơ quan, doanh nghiệp do Công an nhân dân và Quân đội nhân dân quản lý không thuộc đối tượng áp dụng của Nghị định này.

Trường hợp Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên có quy định khác thì áp dụng theo quy định của Điều ước quốc tế đó.

Điều 3. Nguyên tắc tổ chức và hoạt động của lực lượng bảo vệ cơ quan, doanh nghiệp

1. Tổ chức bảo vệ cơ quan, doanh nghiệp do người đứng đầu cơ quan, doanh nghiệp quyết định thành lập; chịu sự chỉ đạo, điều hành trực tiếp của người đứng đầu cơ quan, doanh nghiệp và hướng dẫn, kiểm tra về nghiệp vụ bảo vệ của cơ quan Công an.

2. Tổ chức và hoạt động của lực lượng bảo vệ cơ quan, doanh nghiệp phải thực hiện theo đúng quy định của Nghị định này và các quy định khác của pháp luật có liên quan. Nghiêm cấm mọi hành vi lợi dụng danh nghĩa bảo vệ cơ quan, doanh nghiệp để thực hiện hành vi trái pháp luật, xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

Điều 4. Nghiệp vụ bảo vệ

1. Nghiệp vụ bảo vệ là tổng hợp các biện pháp chuyên môn trang bị cho lực lượng bảo vệ nhằm bảo đảm an ninh, trật tự và an toàn cơ quan, doanh nghiệp. Biện pháp nghiệp vụ bảo vệ bao gồm:

a) Biện pháp hành chính;

b) Biện pháp quần chúng;

c) Biện pháp tuần tra, canh gác.

2. Bộ Công an quy định cụ thể các biện pháp nghiệp vụ quy định tại Khoản 1 Điều này.

Điều 5. Huấn luyện nghiệp vụ bảo vệ

Huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ bảo vệ do Công an cấp tỉnh hoặc cấp tương đương tổ chức và cấp giấy chứng nhận.

Điều 6. Tiêu chuẩn nhân viên bảo vệ

Công dân Việt Nam đủ 18 tuổi trở lên; có lý lịch rõ ràng; phẩm chất chính trị, đạo đức tốt; có trình độ học vấn tốt nghiệp trung học phổ thông trở lên (đối với miền núi, biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng xa có trình độ học vấn tốt nghiệp trung học cơ sở trở lên), có đầy đủ năng lực hành vi dân sự và đủ sức khỏe đáp ứng yêu cầu công tác bảo vệ. Ưu tiên tuyển dụng lực lượng bảo vệ là những người đã có thời gian công tác trong lực lượng Công an nhân dân và Quân đội nhân dân.

Điều 7. Trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, doanh nghiệp và cán bộ, công nhân viên trong cơ quan, doanh nghiệp

1. Trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, doanh nghiệp nhà nước, tổ chức chính trị:

[...]