ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH HẢI DƯƠNG
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 06/CT-UBND
|
Hải Dương, ngày
15 tháng 11 năm 2024
|
CHỈ THỊ
ĐẨY MẠNH CÁC GIẢI PHÁP CẢI CÁCH, KIỂM SOÁT THỦ TỤC HÀNH
CHÍNH VÀ NÂNG CAO HIỆU QUẢ GIẢI QUYẾT THỦ TỤC HÀNH CHÍNH PHỤC VỤ NGƯỜI DÂN,
DOANH NGHIỆP
Công tác cải cách, kiểm soát thủ
tục hành chính và giải quyết thủ tục hành chính là một trong những nhiệm vụ trọng
tâm của UBND tỉnh năm 2024. Chủ tịch UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch và nhiều
văn bản chỉ đạo để triển khai thực hiện; các Sở, ban, ngành thuộc UBND tỉnh,
UBND các huyện, thị xã, thành phố (cơ quan, đơn vị, địa phương) đã có nhiều nỗ
lực, cố gắng và có chuyển biến tích cực, nhất là việc công bố, công khai, cung
cấp dịch vụ công trực tuyến, thanh toán trực tuyến, kết nối, đồng bộ, chia sẻ dữ
liệu điện tử, giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường điện tử… phục vụ cơ
bản nhu cầu chính đáng của người dân, doanh nghiệp và cơ quan quản lý hành
chính nhà nước.
Tuy nhiên, công tác cải cách,
kiểm soát thủ tục hành chính và giải quyết thủ tục hành chính còn một số tồn tại,
hạn chế như: một số nhiệm vụ được giao trong Kế hoạch năm 2024 có nguy cơ chậm,
muộn; việc công bố, công khai thủ tục hành chính, thủ tục hành chính nội bộ
trong cơ quan hành chính nhà nước và việc rà soát, đơn giản hóa, tái cấu trúc
quy trình để cung cấp dịch vụ công trực tuyến chưa kịp thời; việc tiếp nhận, giải
quyết hồ sơ còn thực hiện theo phương thức truyền thống, hồ sơ giấy, theo địa
giới hành chính; việc kết nối, đồng bộ, chia sẻ dữ liệu điện tử để khai thác
tái sử dụng dữ liệu điện tử đã số hóa, chứng thực điện tử chưa hiệu quả; còn
nhiều hồ sơ trễ hạn, trả lại…
Những tồn tại, hạn chế trên có
cả nguyên nhân khách quan, nguyên nhân chủ quan nhưng nguyên nhân chủ quan là
chủ yếu.
Để kịp thời khắc phục những hạn
chế nêu trên, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả trong giải quyết thủ tục
hành chính phục vụ người dân, doanh nghiệp, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Thủ trưởng
các Sở, ban, ngành thuộc UBND tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố
căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao tập trung chỉ đạo, tổ chức
thực hiện tốt nội dung công việc sau đây:
1. Tập trung,
ưu tiên nguồn lực triển khai thực hiện có kết quả các chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải
pháp về cải cách, kiểm soát thủ tục hành chính theo Quyết định số 139/QĐ-UBND
ngày 17/01/2024 và các văn bản chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh tại các cơ quan,
đơn vị, địa phương đảm bảo hiệu lực, hiệu quả.
Một số chỉ tiêu, nhiệm vụ đã
giao phải hoàn thành trong năm 2024 theo Phụ lục đính kèm.
2. Tập trung
rà soát, sửa đổi, bổ sung đối với thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền ban hành
của UBND tỉnh (nếu có), chủ động tham mưu UBND tỉnh đề xuất cấp có thẩm quyền sửa
đổi, bổ sung, bãi bỏ thủ tục hành chính, quy định thủ tục hành chính không cần
thiết, không hợp lý, làm phát sinh chi phí tuân thủ, nhất là của người dân,
doanh nghiệp. Tăng cường phân cấp, ủy quyền đi đôi với phân bổ nguồn lực, nâng
cao năng lực thực thi công vụ ở các cấp, tăng cường giám sát, kiểm tra, đôn đốc
trong thực hiện thủ tục hành chính, chấm dứt tình trạng trễ hạn khi giải quyết
thủ tục hành chính.
3. Đảm bảo kỷ
luật, kỷ cương hành chính trong tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính, cung
cấp dịch vụ công trực tuyến. Không đùn đẩy, né tránh, xin ý kiến cấp trên đối với
công việc thuộc thẩm quyền của mình gây tốn kém chi phí, thời gian đi lại của
người dân và doanh nghiệp và cơ quan hành chính nhà nước. Thực hiện nghiêm việc
báo cáo giải trình, xin lỗi người dân, doanh nghiệp và kịp thời khắc phục đối với
các trường hợp để xảy ra chậm muộn, tiêu cực trong giải quyết hồ sơ thủ tục
hành chính của cơ quan, đơn vị mình chủ trì giải quyết; xử lý nghiêm các cơ
quan, đơn vị, cán bộ, công chức, viên chức có hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực,
làm phát sinh thêm thủ tục hành chính, hồ sơ, giấy tờ, yêu cầu điều kiện ngoài
quy định hoặc để tình trạng hồ sơ trễ hạn nhiều lần hoặc có nhiều phản ánh, kiến
nghị của người dân, doanh nghiệp về giải quyết thủ tục hành chính.
4. Công khai đầy
đủ, chính xác, kịp thời thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết trên Hệ
thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của tỉnh, trang thông tin điện tử
của cơ quan và niêm yết tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh, Bộ phận Tiếp
nhận và Trả kết quả cấp huyện, cấp xã để người dân, doanh nghiệp biết, tìm hiểu,
thực hiện và giám sát, đánh giá việc thực hiện.
5. Đảm bảo số
hóa 100% hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính theo đúng quy định của
Chính phủ tại Nghị định số 45/2020/NĐ-CP và Nghị định số 107/2021/NĐ-CP, của
Văn phòng Chính phủ tại Thông tư số 01/2023/TT-VPCP; gắn việc số hóa với việc
thực hiện nhiệm vụ của cán bộ, công chức, viên chức từ khâu tiếp nhận, giải quyết
đến trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính. Không được yêu cầu người dân,
doanh nghiệp cung cấp thông tin, giấy tờ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính
đã được số hóa hoặc chia sẻ từ các cơ sở dữ liệu quốc gia, chuyên ngành (trừ
trường hợp pháp luật có quy định khác).
6. Chỉ đạo,
theo dõi, kiểm tra, giám sát cán bộ, công chức, viên chức thuộc quyền quản lý:
a) Đảm bảo đưa 100% thủ tục
hành chính ra thực hiện tại Trung tâm Phục vụ hành chính công, Bộ phận Tiếp nhận
và Trả kết quả các cấp; 100% hồ sơ thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền tiếp nhận,
giải quyết phải được tiếp nhận, giải quyết, trả kết quả giải quyết trên Hệ thống
thông tin giải quyết thủ tục hành chính của tỉnh và phải được liên thông điện tử,
đồng bộ với Cổng Dịch vụ công quốc gia. Trường hợp hồ sơ tiếp nhận trên cơ sở dữ
liệu của bộ, ngành quản lý thì phải được kết nối, đồng bộ, chia sẻ dữ liệu với
Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của tỉnh để người dân, doanh
nghiệp theo dõi, đánh giá tiến trình thực hiện.
b) Khi thẩm định, giải quyết hồ
sơ thủ tục hành chính phải đảm bảo đúng quy trình, đúng quy định. Thực hiện
nghiêm những hành vi không được làm trong giải quyết thủ tục hành chính quy định
tại khoản 1 Điều 5 Nghị định số 61/2018/NĐ-CP ngày 23/4/2018 của Chính phủ và
không được thực hiện các hành vi sau:
- Tiếp xúc riêng để hoàn thiện
hồ sơ thủ tục hành chính cho cá nhân, tổ chức trước khi cá nhân, tổ chức nộp hồ
sơ đến cơ quan hành chính nhà nước;
- Gọi hoặc yêu cầu cá nhân, tổ
chức lên gặp riêng về hồ sơ đang trong thời gian thụ lý giải quyết (trừ trường
hợp pháp luật cho phép), mọi trao đổi, giao dịch với cá nhân, tổ chức được thực
hiện thông qua công chức, viên chức tiếp nhận hồ sơ tại Bộ phận Tiếp nhận và Trả
kết quả;
- Trực tiếp tiếp nhận, thẩm định,
giải quyết và trả kết quả giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính tại cơ quan, đơn
vị mình đối với những thủ tục hành chính phải đưa ra thực hiện tại Bộ phận Tiếp
nhận và Trả kết quả.
7. Thực hiện
nghiêm việc tiếp nhận, giải quyết, công khai kịp thời các kết quả xử lý phản
ánh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp: Giải quyết, kiến nghị xử lý dứt
điểm những vướng mắc, khó khăn về cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính; chấm
dứt tình trạng không trả lời hoặc trả lời chung chung, không cụ thể, thiếu rõ
ràng, dứt khoát, né tránh, đùn đẩy trách nhiệm.
8. Thường
xuyên tuyên truyền tạo sự đồng thuận trong nhân dân về chủ trương, kết quả cải
cách, kiểm soát thủ tục hành chính; hỗ trợ người dân, doanh nghiệp thực hiện thủ
tục hành chính, dịch vụ công trực tuyến, trong đó cần phát huy vai trò của Bộ
phận Tiếp nhận và Trả kết quả các cấp, doanh nghiệp cung ứng dịch vụ bưu chính
công ích trong việc hướng dẫn, hỗ trợ người dân nâng cao kỹ năng số và thực hiện
các dịch vụ công trực tuyến có hiệu quả.
9. Thủ trưởng
các Sở, ban, ngành thuộc UBND tỉnh
a) Thực hiện nghiêm việc đánh
giá tác động chính sách, tác động thủ tục hành chính trong lập đề nghị xây dựng
văn bản quy phạm pháp luật, trong soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật; thẩm định
dự thảo văn bản quy phạm pháp luật có quy định thủ tục hành chính theo đúng quy
định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Sở Tư pháp, Văn phòng UBND tỉnh
kiểm soát chặt chẽ quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật nói chung, văn
bản quy phạm pháp luật có quy định thủ tục hành chính nói riêng đảm bảo các thủ
tục hành chính được ban hành đúng thẩm quyền, thực sự cần thiết, hợp lý, khả
thi, thực hiện được trên môi trường điện tử và có chi phí tuân thủ thấp nhất.
b) Khẩn trương rà soát công bố,
công khai đầy đủ thủ tục hành chính để các cấp chính quyền, cơ quan, đơn vị tổ
chức thực hiện, phục vụ nhu cầu của người dân, cụ thể:
- Đối với thủ tục hành chính
liên quan người dân, doanh nghiệp, các Sở, ban, ngành thường xuyên, kịp thời rà
soát, công bố, kiến nghị cấp có thẩm quyền công bố, công khai để thực hiện.
Riêng các sở: Tài nguyên và Môi trường, Kế hoạch và Đầu tư, Xây dựng, Giao
thông vận tải, Lao động – Thương binh và Xã hội, Công Thương, Nông nghiệp và
Phát triển nông thôn, Y tế… rà soát thống kê bổ sung để công bố thủ tục hành
chính trước ngày 15/12/2024.
- Đối với thủ tục hành chính đủ
điều kiện cung cấp dịch vụ công trực tuyến toàn trình hoặc một phần, các Sở: Kế
hoạch và Đầu tư, Lao động – Thương binh và Xã hội, Y tế... phải hoàn thành chậm
nhất ngày 15/11/2024.
- Đối với thủ tục hành chính nội
bộ trong cơ quan hành chính nhà nước, hoàn thành các việc như: công bố, rà soát
đơn giản hóa và xây dựng quy trình nội bộ, quy trình điện tử để tổ chức thực hiện
thống nhất trên Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của tỉnh trước
ngày 15/12/2024.
- Tiếp tục rà soát, công bố mở
rộng tiếp nhận thủ tục hành chính không phụ thuộc vào địa giới hành chính. Hoàn
thành trước ngày 30/11/2024.
- Rà soát, tham mưu ban hành
danh mục thành phần hồ sơ phải số hóa theo quy định tại Thông tư số 01/2023/TT-VPCP
ngày 05/4/2023 của Văn phòng Chính phủ. Hoàn thành chậm nhất ngày 15/11/2024.
10. Sở Thông
tin và Truyền thông hoàn thành và báo cáo kết quả thực hiện về UBND tỉnh trước
ngày 30/11/2024 đối với những nhiệm vụ sau đây:
a) Tháo gỡ ngay những điểm nghẽn,
đảm bảo thông suốt Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính. Hoàn thiện
các tính năng của hệ thống theo hướng thân thiện, dễ sử dụng, nâng cấp Hệ thống
thông tin giải quyết thủ tục hành chính của tỉnh đáp ứng yêu cầu của Nghị định
số 107/2021/NĐ-CP của Chính phủ. Đảm bảo kết nối, đồng bộ, chia sẻ thông tin dữ
liệu giữa Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của tỉnh với các cơ
sở dữ liệu quốc gia, chuyên ngành do các Bộ, ngành đang quản lý[1], với Hệ thống Quản lý văn
bản và điều hành tác nghiệp để tạo điều kiện thuận lợi cho cán bộ, công chức thực
hiện nhiệm vụ và phục vụ việc giải quyết thủ tục hành chính, nhất là giải quyết
thủ tục hành chính trên môi trường điện tử.
b) Khẩn trương đưa Kho quản lý
dữ liệu điện tử của cá nhân, tổ chức vào hoạt động để chia sẻ, kết nối, khai
thác, tái sử dụng dữ liệu thông tin đã được số hóa, chứng thực điện tử, đồng bộ
dữ liệu phục vụ giải quyết thủ tục hành chính.
c) Chủ trì, phối hợp với Văn
phòng UBND tỉnh rà soát, xác định nguyên nhân, có giải pháp khắc phục nhằm đảm
bảo 100% dữ liệu thủ tục hành chính của Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục
hành chính của tỉnh được kết nối, chia sẻ, đồng bộ lên Cổng Dịch vụ công quốc
gia.
d) Nghiên cứu, đề xuất giải
pháp cung cấp dịch vụ công trực tuyến bảo đảm thực chất, hiệu quả, tránh hình
thức, tránh gây khó khăn cho cá nhân, tổ chức và cán bộ, công chức, viên chức
làm việc tại Bộ phận Tiếp nhận và Trả kết quả các cấp.
11. Sở Nội vụ
a) Tiếp tục triển khai công tác
thanh tra, kiểm tra việc thực hiện công vụ của cán bộ, công chức, viên chức
trong giải quyết thủ tục hành chính nhằm nâng cao đạo đức công vụ, tăng cường kỷ
luật, kỷ cương hành chính, kịp thời xử lý các trường hợp né tránh, đùn đẩy, sợ
sai, sợ trách nhiệm hoặc có hành vi vi phạm trong việc thực hiện thủ tục hành
chính.
b) Nghiên cứu, đề xuất giải
pháp nhằm gắn kết quả thực hiện công tác cải cách, kiểm soát thủ tục hành chính
của cá nhân cán bộ, công chức, viên chức hoặc tập thể cơ quan, đơn vị, địa
phương vào đánh giá công tác thi đua, khen thưởng... hằng năm. Thời gian bắt đầu
thực hiện ngay từ năm 2024.
12. Văn phòng
UBND tỉnh và UBND các huyện, thị xã, thành phố
a) Chủ trì, phối hợp với các cơ
quan có liên quan đẩy mạnh đổi mới việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên
thông trong giải quyết thủ tục hành chính theo Nghị định số 107/2021/NĐ-CP sửa
đổi, bổ sung Nghị định số 61/2018/NĐ- CP ngày 23/4/2018 của Chính phủ và Quyết
định số 468/QĐ-TTg ngày 27/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ; triển khai có hiệu
quả Bộ phận Tiếp nhận và Trả kết quả các cấp theo hướng lấy người dân, doanh
nghiệp làm trung tâm phục vụ.
b) Hoàn thiện các quy chế liên
quan đến hoạt động của Trung tâm Phục vụ hành chính công, Bộ phận Tiếp nhận và Trả
kết quả cấp huyện, cấp xã; thường xuyên rà soát, chuẩn hóa quy trình nghiệp vụ
giải quyết thủ tục hành chính theo hướng ứng dụng công nghệ thông tin, tái cấu
trúc quy trình, bảo đảm đơn giản, dễ thực hiện, hiệu quả trong theo dõi, quản
lý và giám sát.
c) Tổ chức tập huấn, bồi dưỡng
chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ công chức, viên chức tại Bộ phận Tiếp nhận và
trả kết quả các cấp; nâng cao tính chủ động trong thực hiện các giải pháp đổi mới,
nâng cao hiệu quả, năng suất lao động của Bộ phận Tiếp nhận và Trả kết quả các
cấp.
d) Văn phòng UBND tỉnh:
- Chủ trì, phối hợp với UBND
thành phố Hải Dương nghiên cứu tham mưu triển khai kết hợp Trung tâm Phục vụ
hành chính công tỉnh với Bộ phận Tiếp nhận và Trả kết quả của UBND thành phố Hải
Dương, mục tiêu tạo thuận lợi nhất cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận và thực
hiện thủ tục hành chính, dịch vụ công không phụ thuộc địa giới hành chính, tối
đa hóa phạm vi tiếp nhận thủ tục hành chính tại 01 địa điểm ở Thành phố Hải
Dương trên cơ sở ứng dụng công nghệ thông tin, đẩy mạnh chuyển đổi số, nâng cao
tính chuyên nghiệp và đề cao trách nhiệm của bộ phận một cửa trong giám sát,
đôn đốc việc giải quyết thủ tục hành chính thuộc phạm vi quản lý. Báo cáo đánh
giá và đề xuất giải pháp gửi UBND tỉnh trong Quý I/2025.
- Định kỳ hằng tháng, quý công
khai kết quả đánh giá tại Bộ chỉ số chỉ đạo, điều hành và đánh giá chất lượng
phục vụ người dân, doanh nghiệp trong thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ
công theo Quyết định số 766/QĐ-TTg ngày 23/6/2022 của Thủ tướng Chính phủ.
- Theo dõi, đôn đốc, hướng dẫn,
kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện nội dung nhiệm vụ được giao tại Chỉ
thị này đảm bảo thời hạn và chất lượng, hiệu quả. Tổng hợp kết quả thực hiện,
nhất là các khó khăn, vướng mắc kịp thời báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh để chỉ đạo
tháo gỡ, thúc đẩy.
Yêu cầu Thủ trưởng các cơ quan,
đơn vị, địa phương nghiêm túc tổ chức, triển khai thực hiện và báo cáo tình
hình, kết quả thực hiện kèm theo báo cáo công tác cải cách, kiểm soát thủ tục
hành chính hằng tháng, quý, năm hoặc đột xuất theo yêu cầu./.
Nơi nhận:
- Thường trực Tỉnh ủy (để b/c);
- Thường trực HĐND tỉnh (để b/c);
- Chủ tịch, các PCT UBND tỉnh;
- Công an tỉnh;
- Lãnh đạo Văn phòng UBND tỉnh;
- Các Sở, ban, ngành thuộc UBND tỉnh;
- Cục Thuế tỉnh;
- Bảo hiểm xã hội tỉnh;
- Báo Hải Dương;
- Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh;
- UBND các huyện, thị xã, thành phố;
- Trung tâm PVHCC;
- Trung tâm CNTT;
- Lưu: VT, TTPVHCC, (1b).
|
CHỦ TỊCH
Lê Ngọc Châu
|
PHỤ LỤC
NHIỆM VỤ, CHỈ TIÊU ĐƯỢC GIAO TRONG KẾ HOẠCH PHẢI HOÀN
THÀNH TRONG NĂM 2024
(Kèm theo Chỉ thị số 06/CT-UBND ngày 15/11/2024 của Chủ tịch UBND tỉnh)
STT
|
Nội dung/chỉ tiêu
|
Cơ quan chủ trì thực hiện
|
Cơ quan phối hợp
|
Thời hạn hoàn thành
|
Ghi chú
|
1.
|
Chuyển giao việc quản lý, vận
hành và hướng dẫn khai thác Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính
tỉnh từ Sở Thông tin và Truyền thông sang Văn phòng UBND tỉnh theo chức năng,
nhiệm vụ, quyền hạn được UBND giao.
|
Sở Thông tin và Truyền thông
|
Văn phòng UBND tỉnh; các cơ
quan có liên quan
|
Trong tháng 01/2024
|
Công văn số 627/UBND-VP ngày
26/02/2024 của Chủ tịch UBND tỉnh (Chưa hoàn thành).
|
2.
|
Tối thiểu 80% thủ tục hành
chính đủ điều kiện cung cấp dịch vụ công trực tuyến toàn trình, dịch vụ công
trực tuyến một phần cung cấp trên Cổng dịch công quốc gia
|
Sở Thông tin và Truyền thông.
|
- Các cơ quan, đơn vị.
- Văn phòng UBND tỉnh.
|
Trước ngày 15/02/2024
|
Chưa hoàn thành: Sở Kế hoạch
và Đầu tư; Sở Lao động - Thương binh và Xã hội.
|
3.
|
100% thủ tục hành chính đủ điều
kiện cung cấp dịch vụ công trực tuyến toàn trình và dịch vụ công trực tuyến một
phần được cung cấp trên Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của
tỉnh.
|
Sở Thông tin và Truyền thông.
|
- Các cơ quan, đơn vị.
- Văn phòng UBND tỉnh.
|
Trước ngày
15/02/2024.
|
Chưa hoàn thành đầy đủ (Ban
Quản lý các khu công nghiệp tỉnh).
|
4.
|
Hoàn thành đưa Kho quản lý dữ
liệu điện tử cá nhân, tổ chức hoạt động phục vụ giải quyết thủ tục hành
chính.
|
Sở Thông tin và Truyền thông.
|
Văn phòng UBND tỉnh.
|
Chậm nhất trong tháng 2/2024.
|
Chưa hoàn thành
|
5.
|
100% dự thảo văn bản quy phạm
pháp luật có quy định TTHC phải được đánh giá tác động của thủ tục hành chính
theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật
|
Các cơ quan, đơn vị.
|
Văn phòng UBND tỉnh; Sở Tư
pháp.
|
Thường xuyên trong năm 2024
|
Đã đánh giá, cho ý kiến đối với
02 Dự thảo VBQPPL của tỉnh, 03 lập đề nghị thủ tục hành chính đặc thù.
|
6.
|
Rà soát, đơn giản hóa thủ tục
hành chính nội bộ đảm bảo tỷ lệ ít nhất 50% trên tổng số thủ tục hành chính
thuộc phạm vi quản lý, đề xuất phương án đơn giản hóa đảm bảo mục tiêu cắt giảm,
đơn giản hóa ít nhất 20% thủ tục hành chính và cắt giảm ít nhất 20% chi phí
tuân thủ thủ tục hành chính.
|
Các cơ quan, đơn vị, địa
phương.
|
Văn phòng UBND tỉnh.
|
Trước 15/9/2024 có báo cáo
|
Chưa hoàn thành công bố thủ
tục hành chính nội bộ:
1. Sở Kế hoạch và Đầu tư
2. Sở Xây dựng
3. Ban Quản lý các khu công
nghiệp
4. Sở Tài nguyên và Môi trường.
Chưa hoàn thành rà soát
đơn giản hóa:
1. Sở Giáo dục và Đào tạo
(đang chờ bổ sung).
2. Sở Tư pháp.
|
7.
|
100% thủ tục hành chính phải
được công bố và niêm yết, công khai tại Bộ phận Tiếp nhận và Trả kết quả các
cấp. 100% TTHC công khai trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về thủ tục hành chính,
Cơ sở dữ liệu thủ tục hành chính của tỉnh và Hệ thống thông tin giải quyết thủ
tục hành chính của tỉnh và các trang thông tin của cơ quan, đơn vị, địa
phương
|
Các sở, ban, ngành, UBND cấp
huyện, UBND cấp xã
|
Văn phòng UBND tỉnh.
|
Thường xuyên
|
- Trên cơ sở dữ liệu quốc
gia:
06 thủ tục hành chính công
khai quá hạn (lĩnh vực Hàng hải, đường bộ).
- Các Sở: Tư pháp Sở Công
Thương, Tài nguyên và Môi trường.
|
8.
|
Mức độ hài lòng của người
dân, doanh nghiệp về giải quyết thủ tục hành chính đạt tối thiểu 90%. Trong
đó, mức độ hài lòng về giải quyết các thủ tục hành chính lĩnh vực đất đai,
xây dựng, đầu tư đạt tối thiểu 85%.
|
Các cơ quan, đơn vị, địa
phương.
|
Văn phòng UBND tỉnh.
|
Thường xuyên trong năm 2024
|
|
9.
|
Tối thiểu đạt 50% hồ sơ trực
tuyến trên tổng số hồ sơ tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính
|
Các cơ quan, đơn vị, địa
phương.
|
- Văn phòng UBND tỉnh.
- Sở Thông tin và Truyền
thông.
|
Thường xuyên trong năm 2024.
|
- Sở Tư pháp: 27,74%
- Sở Giao giao thông vận tải:
27,76% (chưa bao gồm số liệu cấp đổi bằng lái xe).
|
10.
|
Tối thiểu đạt 45% thanh toán
trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công quốc gia trên tổng số giao dịch thanh toán
của dịch vụ công
|
Các cơ quan, đơn vị, địa
phương.
|
Văn phòng UBND tỉnh.
|
Thường xuyên trong năm 2024.
|
- Sở Tư pháp: 27,51%
- Sở Nông nghiệp và Phát triển
nông thôn: 32,76%.
- Sở Tài nguyên và Môi trường:
23,25%
- Sở Công Thương: 12,3%
- Sở Lao động – Thương binh
và Xã hội: 2,3%
- Sở Xây dựng: 1,8%
- Ban Quản lý các khu công
nghiệp:
|
11.
|
100% kết quả xử lý hồ sơ thủ
tục hành chính được đồng bộ đầy đủ trên Cổng Dịch vụ công quốc gia
|
Sở Thông tin và Truyền thông.
|
Văn phòng UBND tỉnh.
|
Thường xuyên trong năm 2024.
|
Theo dữ liệu trên Bộ Chỉ số
766, đến ngày 05/11/2024, đã đồng bộ 719.569 hồ sơ (70,29%); chưa đồng bộ
304.169 hồ sơ (29,71%).
|
12.
|
- 100% số hóa hồ sơ, kết quả
giải quyết thủ tục hành chính;
- 100% cấp kết quả giải quyết
thủ tục hành chính điện tử.
|
Các cơ quan, đơn vị, địa
phương.
|
Văn phòng UBND tỉnh.
|
Thường xuyên trong năm 2024.
|
Nhiều cơ quan, đơn vị, địa
phương chưa đạt chỉ tiêu giao.
|
13.
|
Tối thiểu 50% dữ liệu thông
tin hồ sơ được khai thác, tái sử dụng thông tin, dữ liệu đã được số hóa thông
qua kết nối, chia sẻ Kho quản lý dữ liệu điện tử cá nhân, tổ chức.
|
Các cơ quan, đơn vị, địa
phương.
|
Văn phòng UBND tỉnh.
|
Thường xuyên trong năm 2024.
|
Không hoàn thành
|
[1] Ưu tiên các Hệ thống
đã có hướng dẫn của các Bộ như: Bộ Giao thông vận tải, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ
Lao động – Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp, Bộ Tài nguyên và
Môi trường …. đồng thời chủ động đề xuất, kiến nghị các Bộ, ngành còn lại để kết
nối, tích hợp, chia sẻ dữ liệu phục vụ giải quyết thủ tục hành chính theo quy định.