Chỉ thị 06/CT-UBND về tăng cường công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2022 do tỉnh Gia Lai ban hành

Số hiệu 06/CT-UBND
Ngày ban hành 30/06/2022
Ngày có hiệu lực 30/06/2022
Loại văn bản Chỉ thị
Cơ quan ban hành Tỉnh Gia Lai
Người ký Kpă Thuyên
Lĩnh vực Tài nguyên - Môi trường

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH GIA LAI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 06/CT-UBND

Gia Lai, ngày 30 tháng 06 năm 2022

 

CHỈ THỊ

VỀ TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG THIÊN TAI VÀ TÌM KIẾM CỨU NẠN NĂM 2022

Biến đổi khí hậu đã tác động rõ rệt đến thời tiết, thiên tai. Trên địa bàn tỉnh Gia Lai, trong những năm gần đây các hiện tượng thời tiết bất thường, cực đoan, không theo quy luật xảy ra đã gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản. Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, nhất là của các địa phương và sự chủ động người dân, công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn của tỉnh đã đạt những kết quả nhất định, góp phần quan trọng vào việc phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19.

Tuy nhiên, công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn vẫn còn những tồn tại, hạn chế: (1) Công tác chỉ đạo có lúc, có nơi còn bị động, lúng túng; (2) phương châm “bốn tại chỗ” chưa được quan tâm đầy đủ, có nơi còn hình thức; (3) hệ thống kết cấu hạ tầng chưa đáp ứng được yêu cầu ứng phó với thiên tai trong bối cảnh biến đổi khí hậu, nhất là ứng phó mưa, lũ lớn; (4) công tác dự báo, cảnh báo, theo dõi, giám sát thiên tai còn yếu; (5) trang thiết bị cứu hộ, cứu nạn còn thiếu, chưa đáp ứng yêu cầu; (6) vẫn còn thiệt hại về tính mạng con người do bất cẩn, chủ quan, thiếu kỹ năng ứng phó; hiệu quả tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng của chính quyền địa phương còn hạn chế; (7) công tác thống kê báo cáo tình hình thiệt hại của một số địa phương còn chậm và thiếu chính xác; việc khắc phục hậu quả sau thiên tai còn chậm, quy trình, thủ tục hỗ trợ thiệt hại cho người dân chưa kịp thời; nguồn kinh phí hỗ trợ khó khăn, chỉ đáp ứng được phần nhỏ so với yêu cầu của địa phương; (8) việc vận hành liên hồ chứa còn bất cập; công tác lắp đặt các thiết bị quan trắc khí tượng thủy văn ở thượng lưu các hồ chứa thủy lợi, thủy điện còn thiếu, chưa đồng bộ; việc xây dựng và cập nhật bản đồ ngập lụt, phương án phòng chống lũ lụt vùng hạ du đập còn hạn chế, nhất là các hồ chứa thủy lợi.

Trong 6 tháng đầu năm 2022, trên địa bàn tỉnh các hiện tượng thời tiết cực đoan như dông lốc kèm theo sét, mưa đá; mưa lớn trái mùa đã là m 01 người chết, 81 căn nhà hư hỏng, tốc mái; 362,03 ha cây trồng bị hư hỏng, ngã đổ;… tổng giá trị thiệt hại khoảng 48,932 tỷ đồng.

Theo dự báo của Đài khí tượng Thủy văn khu vực Tây Nguyên, từ nay đến hết năm 2022 khả năng xuất hiện từ 10 -12 cơn bão và áp thấp nhiệt đới, trong đó có khoảng từ 04 - 06 cơn ảnh hưởng đến đất liền nước ta. Cảnh báo nguy cơ cao xảy ra mưa lớn dồn dập trong tháng 10 và tháng 11/2022 . Ngoài ra, cần đề phòng các hiện tượng thời tiết nguy hiểm như dông, lốc, mưa đá.

Để chủ động phòng, chống, ứng phó kịp thời, hiệu quả, giảm thiểu thiệt hại đến mức thấp nhất do thiên tai; thực hiện Chỉ thị số 09/CT-TTg ngày 01/6/2022 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Giám đốc các sở, ban, ngành; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố; các chủ đầu tư, Giám đốc các đơn vị quản lý công trình thủy lợi, thủy điện trên địa bàn tỉnh tập trung, triển khai thực hiện một số nhiệm vụ sau:

1. Tiếp tục triển khai thực hiện Nghị quyết, Chỉ thị của Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư; chính sách, pháp luật của Nhà nước, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ liên quan đến công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; tạo chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động, nâng cao hiệu quả phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, trong đó xác định phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách, thường xuyên, liên tục cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội.

2. Tuyên truyền, phổ biến hệ thống pháp luật liên quan đến hoạt động phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn bảo đảm đồng bộ, tạo hành lang pháp lý đầy đủ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.

3. Xây dựng, triển khai thực hiện có hiệu quả kế hoạch phòng, chống thiên tai của địa phương; kiểm tra, rà soát phương án ứng phó thiên tai trên địa bàn theo phương châm “bốn tại chỗ”, nhất là phương án bảo đảm an toàn hồ đập; lồng ghép nội dung phòng, chống thiên tai vào quy hoạch, kế hoạch, chương trình, dự án, nhất là các quy hoạch, dự án phát triển khu đô thị, nông thôn, kết cấu hạ tầng giao thông; rà soát quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng, bố trí, sắp xếp dân cư phù hợp với đặc điểm thiên tai từng vùng; bảo vệ và nâng cao chất lượng rừng phòng hộ đầu nguồn.

4. Tập trung nâng cao chất lượng dự báo, cảnh báo thiên tai; đầu tư, hiện đại hóa công nghệ quan trắc, dự báo khí tượng thủy văn theo hướng tích hợp, đồng bộ, tự động hóa, đặc biệt là dự báo mưa, lũ, hạn hán; đẩy nhanh lắp đặt hệ thống quan trắc mưa, mực nước phục vụ vận hành hồ chứa, thiết bị cảnh báo xả lũ hạ du hồ chứa và hệ thống giám sát trực tuyến vận hành hồ chứa thuỷ điện, thuỷ lợi.

5. Đẩy mạnh phòng ngừa thiên tai, sự cố; tổ chức kiểm tra công tác chuẩn bị ứng phó thiên tai và tìm kiếm cứu nạn theo phương án đã xây dựng trước mùa mưa lũ; tổ chức tập huấn, huấn luyện, diễn tập theo phương án đã được phê duyệt.

6. Nâng cao năng lực chỉ đạo, chỉ huy phòng, chống thiên tai, ứng phó sự cố và tìm kiếm cứu nạn, hoàn thiện tổ chức bộ máy quản lý nhà nước, cơ quan chỉ đạo phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các cấp, đảm bảo đủ năng lực, hoạt động chuyên nghiệp, hiệu lực, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.

7. Nâng cao năng lực tìm kiếm cứu nạn, chú trọng công tác phối hợp, hiệp đồng giữa các lực lượng để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác cứu hộ, cứu nạn, trong đó xác định lực lượng vũ trang làm nòng cốt, công tác cứu hộ cứu nạn là hoạt động quan trọng, là “nhiệm vụ chiến đấu trong thời bình” của lực lượng vũ trang.

8. Đầu tư cơ sở vật chất, bổ sung phương tiện, trang thiết bị bảo đảm công tác chỉ đạo, chỉ huy, triển khai nhiệm vụ ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; củng cố, nâng cao năng lực cho lực lượng xung kích phòng, chống thiên tai tại cơ sở để ứng phó thiên tai kịp thời theo phương châm “bốn tại chỗ”.

9. Đẩy mạnh truyền thông, nâng cao nhận thức, hướng dẫn kỹ năng ứng phó thiên tai, sự cố cho người dân; đa dạng hình thức truyền thông phù hợp từng đối tượng; lồng ghép nội dung phòng, chống thiên tai, ứng phó sự cố vào chương trình giảng dạy trong nhà trường và hoạt động văn hóa, tôn giáo, tín ngưỡng, sinh hoạt cộng đồng.

10. Ưu tiên nguồn lực đầu tư cho công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, đa dạng hóa các nguồn lực đầu tư. Các sở, ngành và địa phương chủ động bố trí nguồn vốn đầu tư công trung hạn và hằng năm đã được giao, nguồn lực từ ngân sách địa phương và các nguồn vốn hợp pháp khác cho công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; có giải pháp huy động nguồn lực, đặc biệt nguồn lực ngoài ngân sách để khắc phục hậu quả thiên tai, xử lý dứt điểm trọng điểm hồ chứa nước xung yếu.

11. Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, hợp tác quốc tế, chuyển đổi số; hiện đại hóa công cụ hỗ trợ, số hóa bộ cơ sở dữ liệu phòng, chống thiên tai.

12. Một số nhiệm vụ cụ thể của các Sở, ban, ngành; UBND các huyện, thị xã, thành phố; các đơn vị quản lý công trình thủy lợi, thủy điện và các hội đoàn thể cấp tỉnh:

a) Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Thường trực Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh):

- Chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành có liên quan tham mưu, đề xuất nội dung tăng cường đầu tư nâng cao năng lực cho các lực lượng làm công tác phòng, chống thiên tai, ứng phó sự cố và tìm kiếm cứu nạn các cấp, nhất là lực lượng trực tiếp làm công tác phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn tại cơ sở; bố trí ngân sách các cấp cho công tác phòng, chống thiên tai, ứng phó sự cố và tìm kiếm cứu nạn, trong đó tập trung mua sắm bổ sung các phương tiện, trang thiết bị chuyên dùng phù hợp, đáp ứng yêu cầu công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; đầu tư xử lý dứt điểm các trọng điểm về hồ đập, các công trình chống sạt lở bờ sông, bờ suối; xây dựng bản đồ phân bố dân cư ở các khu vực có nguy cơ xảy ra thiên tai, từng bước di dời dân cư, chuyển đổi nghề cho người dân ở các khu vực nguy hiểm.

- Tiếp tục đẩy mạnh công tác truyền thông, nâng cao nhận thức cộng đồng, triển khai có hiệu quả Kế hoạch thực hiện Đề án nâng cao nhận thức cộng đồng và quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Gia Lai (ban hành theo Quyết định số 473/QĐ-UBND ngày 03/8/2021); hướng dẫn kỹ năng ứng phó thiên tai, sự cố cho người dân, hướng tới xây dựng cộng đồng, xã hội an toàn trước thiên tai.

- Thực hiện nhiệm vụ cơ quan thường trực phòng, chống thiên tai của Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh; duy trì nghiêm chế độ trực ban, chủ động theo dõi, thông tin, báo cáo kịp thời về tình hình thiên tai trên địa bàn tỉnh;

- Hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc các sở, ngành, địa phương và các cơ quan liên quan: Thực hiện nhiệm vụ phòng, chống thiên tai theo yêu cầu tại Chỉ thị này; công tác chuẩn bị vật tư, phương tiện, nhân lực phục vụ phòng, chống thiên tai theo phương châm “4 tại chỗ”.

- Chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc UBND các huyện, thị xã, thành phố, các chủ đầu tư, các đơn vị quản lý khai thác công trình thủy lợi và các đơn vị liên quan: Thường xuyên kiểm tra đánh giá hiện trạng các công trình thủy lợi và công trình phòng, chống thiên tai trước, trong và sau mỗi đợt mưa, lũ, kịp thời phát hiện các sự cố, hư hỏng để có biện pháp xử lý đảm bảo an toàn khi vận hành; huy động nguồn lực sớm hoàn thành công tác tu bổ, duy tu bảo dưỡng công trình đập, hồ chứa nước đảm bảo an toàn trong mùa mưa lũ; kiểm tra các khu vực nguy hiểm, nhất là các khu vực có nguy cơ sạt lở đất, lũ quét ảnh hưởng trực tiếp đến an toàn dân cư để chủ động sơ tán, di dời, bảo đảm an toàn khi có thiên tai.

- Đôn đốc chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ thi công các hồ, đập đảm bảo hoàn thành tiến độ vượt lũ, chống lũ an toàn; đặc biệt các hồ chứa thuộc Dự án sửa chữa và nâng cao an toàn đập (WB8); đề xuất phương án xử lý đối với hồ đập có nguy cơ mất an toàn cao.

- Theo dõi, đôn đốc, kiểm tra công tác vận hành của đơn vị quản lý các hồ chứa thủy điện, thủy lợi trên lưu vực sông Ba và sông Sê San; vận hành đúng theo quy trình liên hồ chứa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại các Quyết định 878/QĐ-TTg ngày 18/7/2018 và Quyết định 215/QĐ-TTg ngày 13/02/2018.

- Hướng dẫn các địa phương khôi phục sản xuất và các biện pháp kỹ thuật chăm sóc cây trồng, vật nuôi sau khi xảy ra thiên tai; dự trữ hóa chất để tiêu độc, khử trùng cho các khu vực chăn nuôi bị ảnh hưởng do mưa lũ, đảm bảo không để dịch bệnh lây lan. Nghiên cứu hướng dẫn chuyển đổi sản xuất, giống cây trồng, vật nuôi thích ứng với thiên tai, biến đổi khí hậu; ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất nông nghiệp, tưới, cấp nước; chủ động phối hợp với Sở Tài chính tổng hợp đề xuất Trung ương, UBND tỉnh hỗ trợ khắc phục hậu quả thiên tai theo quy định của pháp luật.

[...]