Chỉ thị 05/CT-UBND năm 2023 về tăng cường công tác an toàn, vệ sinh lao động trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh

Số hiệu 05/CT-UBND
Ngày ban hành 25/08/2023
Ngày có hiệu lực 25/08/2023
Loại văn bản Chỉ thị
Cơ quan ban hành Thành phố Hồ Chí Minh
Người ký Dương Anh Đức
Lĩnh vực Lao động - Tiền lương

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 05/CT-UBND

Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 25 tháng 8 năm 2023

 

CHỈ THỊ

VỀ TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC AN TOÀN, VỆ SINH LAO ĐỘNG TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

Trong thời gian qua, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân trên địa bàn Thành phố đã nghiêm túc tổ chức triển khai thực hiện Luật An toàn, vệ sinh lao động ngày 25 tháng 6 năm 2015; Nghị định số 39/2016/NĐ-CP ngày 15 tháng 5 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn, vệ sinh lao động. Hàng năm, Ủy ban nhân dân Thành phố đã ban hành kế hoạch tổ chức các hoạt động hưởng ứng Tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động trên địa bàn Thành phố với nhiều nội dung tập trung vào công tác truyền thông, tuyên truyền; mít tinh, diễn tập các phương án xử lý sự cố kỹ thuật gây mất an toàn; tổ chức hội nghị đối thoại chuyên đề về an toàn, vệ sinh lao động trong các lĩnh vực có nguy cơ cao về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; chỉ đạo tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định của pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động.

Tuy nhiên, qua công tác thanh tra, kiểm tra an toàn, vệ sinh lao động; điều tra tai nạn lao động và thống kê, báo cáo định kỳ về tình hình tai nạn lao động, công tác an toàn, vệ sinh lao động hàng năm cho thấy việc tuân thủ các quy định của pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động của một số doanh nghiệp, tổ chức, cơ sở sử dụng lao động trên địa bàn Thành phố vẫn chưa đảm bảo theo quy định; công tác chỉ đạo, phân tích, dự báo tình hình, phối hợp triển khai các nội dung quản lý Nhà nước về an toàn, vệ sinh lao động giữa các sở, ban, ngành Thành phố và quận, huyện, thành phố Thủ Đức chưa đạt hiệu quả theo yêu cầu đề ra, vẫn còn một số tồn tại cần phải khắc phục ngay.

Để tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Luật An toàn, vệ sinh lao động, Nghị định số 39/2016/NĐ-CP của Chính phủ và các văn bản hướng dẫn liên quan; đồng thời khắc phục những hạn chế, tồn tại đã được chỉ ra, từng bước đưa công tác quản lý Nhà nước trong lĩnh vực an toàn, vệ sinh lao động đi vào nề nếp và đúng quy định của pháp luật; bảo đảm việc phối hợp điều tra tai nạn lao động ngày càng đầy đủ, toàn diện, khách quan, trung thực, chính xác, kịp thời. Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố yêu cầu người đứng đầu chính quyền các cấp, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò và tầm quan trọng của công tác an toàn, vệ sinh lao động, trong đó tập trung thực hiện hiệu quả những nội dung sau:

1. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội

a) Chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành Thành phố và Ủy ban nhân dân quận, huyện, thành phố Thủ Đức triển khai thực hiện có hiệu quả Luật An toàn, vệ sinh lao động, Nghị định số 39/2016/NĐ-CP của Chính phủ và các văn bản hướng dẫn liên quan; triển khai các cuộc thanh tra, kiểm tra, điều tra tai nạn lao động theo đúng quy định; nâng cao chất lượng công tác quản lý Nhà nước về an toàn, vệ sinh lao động; tăng cường khả năng phân tích, dự báo, cập nhật kịp thời tình hình an toàn, vệ sinh lao động; tổ chức tuyên truyền bằng các ấn phẩm chuyên đề chuyên sâu với nhiều hình thức phong phú, đa dạng, phù hợp nhằm phục vụ kịp thời, đáp ứng được các yêu cầu đề ra trong công tác chỉ đạo, điều hành của Ủy ban nhân dân Thành phố và các cấp, các ngành.

b) Tiếp tục thực hiện Quy chế phối hợp số 32902/SLĐTBXH-CA-VKSND ngày 10 tháng 12 năm 2018 của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Công an Thành phố, Viện Kiểm sát nhân dân Thành phố trong công tác điều tra tai nạn lao động; căn cứ thực tiễn triển khai thực hiện thường xuyên rà soát, sửa đổi, bổ sung nội dung quy chế phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương và đảm bảo hiệu quả công tác phối hợp của các cơ quan tham gia điều tra tai nạn lao động.

c) Chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, xử lý vi phạm pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động; kịp thời khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện nhiệm vụ, nhân rộng các gương điển hình tiên tiến trong công tác đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động trên địa bàn Thành phố.

d) Kiện toàn, đảm bảo biên chế cho cơ quan thanh tra lao động phù hợp với số lượng các doanh nghiệp thực tế trên địa bàn Thành phố để đảm bảo thực hiện nhiệm vụ thanh tra, kiểm tra an toàn, vệ sinh lao động và điều tra tai nạn lao động theo quy định.

2. Sở Xây dựng

a) Tuyên truyền, hướng dẫn triển khai thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động trong thi công xây dựng công trình trên địa bàn Thành phố. Yêu cầu các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động xây dựng công trình trên địa bàn Thành phố tự thực hiện việc kiểm tra quy trình an toàn về quản lý an toàn, vệ sinh lao động trong thi công xây dựng công trình.

b) Phối hợp với Ủy ban nhân dân quận, huyện, thành phố Thủ Đức tăng cường thanh tra, kiểm tra công tác an toàn, vệ sinh lao động tại các công trình xây dựng, trong đó lưu ý đến các công trình xây dựng nhà ở riêng lẻ, các nhà thầu tư nhân không có pháp nhân; kiên quyết xử lý vi phạm, đình chỉ thi công đối với các nhà thầu không tuân thủ đúng các quy định về an toàn lao động trong công trình xây dựng.

c) Chủ trì tổ chức thực hiện điều tra, đánh giá nguyên nhân sự cố máy, thiết bị thi công; giám định nguyên nhân sự cố gây sập đổ công trình, sập đổ một phần công trình gây mất an toàn lao động. Xem xét, quyết định dừng, tạm dừng sử dụng đối với máy, thiết bị; dừng, tạm dừng thi công đối với các hạng mục công trình, một phần hoặc toàn bộ công trình tùy theo mức độ và phạm vi ảnh hưởng của sự cố. Xử lý trách nhiệm của các bên có liên quan theo quy định của pháp luật.

3. Sở Y tế

a) Tổ chức hướng dẫn, triển khai thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về vệ sinh lao động trên địa bàn Thành phố; tuyên truyền, vận động thực hiện tốt công tác vệ sinh lao động, chăm sóc sức khỏe người lao động, đảm bảo môi trường lao động, điều kiện lao động cũng như các chế độ cho người lao động; tham mưu xây dựng các chế độ, chính sách vệ sinh lao động phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương.

b) Phối hợp cử thành viên tham gia Đoàn điều tra tai nạn lao động Thành phố để tiến hành điều tra các vụ tai nạn lao động chết người xảy ra trên địa bàn Thành phố theo quy định tại Điều 35 Luật An toàn, vệ sinh lao động; tập trung tham mưu cho Đoàn điều tra tai nạn lao động các nội dung về quản lý sức khỏe người lao động, các yếu tố có hại trong môi trường lao động, công tác sơ cấp cứu cho nạn nhân bị tai nạn lao động.

c) Phối hợp với Ủy ban nhân dân quận, huyện, thành phố Thủ Đức và các cơ quan liên quan tăng cường thanh tra, kiểm tra vệ sinh lao động tại các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn Thành phố; kiên quyết xử lý, đình chỉ hoạt động đối với những cơ sở vi phạm nghiêm trọng về vệ sinh lao động.

4. Liên đoàn Lao động Thành phố

a) Phối hợp cử thành viên tham gia Đoàn điều tra tai nạn lao động Thành phố để tiến hành điều tra các vụ tai nạn lao động chết người trên địa bàn Thành phố theo quy định tại Điều 35 Luật An toàn, vệ sinh lao động; tập trung giám sát đảm bảo các chế độ cho người lao động, bảo vệ các quyền lợi của người lao động; tuyên truyền, vận động thực hiện tốt công tác an toàn, vệ sinh lao động; tham mưu xây dựng chế độ, chính sách cho người lao động phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương.

b) Chỉ đạo Liên đoàn Lao động quận, huyện, thành phố Thủ Đức, Công đoàn Ban Quản lý các Khu chế xuất và công nghiệp Thành phố, Ban Quản lý Khu công nghệ cao Thành phố, Ban Quản lý Khu nông nghiệp công nghệ cao Thành phố thực hiện tốt chức năng giám sát, bảo vệ quyền lợi người lao động cũng như tuyên truyền, vận động thực hiện tốt công tác an toàn, vệ sinh lao động trên địa bàn quản lý.

c) Kiểm tra, giám sát Công đoàn các doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị trên địa bàn Thành phố thực hiện chức năng giám sát, đảm bảo các chế độ, chính sách cho người lao động; tuyên truyền, vận động thực hiện tốt công tác an toàn, vệ sinh lao động tại các doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị.

5. Công an Thành phố, Viện kiểm sát nhân dân Thành phố

a) Chỉ đạo Công an, Viện kiểm sát nhân dân quận, huyện, thành phố Thủ Đức tăng cường tổ chức thực hiện nghiêm Quy chế phối hợp số 32902/SLĐTBXH-CA-VKSND trong công tác điều tra tai nạn lao động; đẩy nhanh tiến độ điều tra các vụ án tai nạn lao động, nâng cao hiệu quả, tính chính xác của hoạt động điều tra tai nạn lao động; đồng thời thực hiện tốt công tác phối hợp, phản hồi kết quả điều tra đối với các vụ tai nạn đã được Sở Lao động - Thương binh và Xã hội kiến nghị khởi tố.

b) Phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đánh giá công tác phối hợp điều tra tai nạn lao động, trao đổi tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện quy chế phối hợp; từ đó góp ý sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện quy chế phối hợp điều tra tai nạn lao động phù hợp với điều kiện, tình hình thực tế của địa phương.

6. Ban Quản lý các Khu chế xuất và công nghiệp Thành phố, Ban Quản lý Khu công nghệ cao Thành phố, Ban Quản lý Khu nông nghiệp công nghệ cao Thành phố

Chỉ đạo tổ chức công tác an toàn, vệ sinh lao động; kiểm tra, giám sát việc thực hiện công tác an toàn, vệ sinh lao động đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh trong phạm vi quản lý; chủ động lập danh sách, đề xuất thanh tra, kiểm tra và phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội báo cáo về hoạt động an toàn, vệ sinh lao động theo quy định tại Điều 71 Luật An toàn, vệ sinh lao động.

7. Các sở, ban, ngành Thành phố, Ủy ban nhân dân quận, huyện, thành phố Thủ Đức

[...]
7
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ