Chỉ thị 05/CT-UBND năm 2023 về tăng cường công tác quản lý Nhà nước về đất đai trên địa bàn tỉnh Bình Định
Số hiệu | 05/CT-UBND |
Ngày ban hành | 27/04/2023 |
Ngày có hiệu lực | 27/04/2023 |
Loại văn bản | Chỉ thị |
Cơ quan ban hành | Tỉnh Bình Định |
Người ký | Nguyễn Tuấn Thanh |
Lĩnh vực | Bất động sản |
ỦY BAN NHÂN DÂN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 05/CT-UBND |
Bình Định, ngày 27 tháng 04 năm 2023 |
TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ ĐẤT ĐAI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH
Thời gian qua, công tác quản lý Nhà nước về đất đai trên địa bàn tỉnh đã có những chuyển biến tích cực, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững ổn định chính trị và trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh. Trong đó, việc quản lý, sử dụng đất ngày càng hiệu quả, nguồn thu từ đất tăng; công tác giao đất, cho thuê đất, thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng đất được thực hiện chặt chẽ theo quy định pháp luật; công tác lập, quản lý quy hoạch đã có chuyển biến rõ nét, tạo diện mạo mới trong xây dựng phát triển đô thị và xây dựng nông thôn mới. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác quản lý đất đai của tỉnh ta vẫn còn bộc lộ một số tồn tại, hạn chế như: chính quyền tại một số địa phương chưa có sự quan tâm đúng mức trong công tác chỉ đạo, điều hành và quản lý đất đai; vẫn còn xảy ra tình trạng lấn, chiếm đất đai, xây dựng công trình trái phép tại một số nơi trên địa bàn tỉnh; việc phát hiện, ngăn chặn, xử lý lấn, chiếm đất đai tại một số địa phương chưa kiên quyết, kịp thời, đặc biệt có nơi còn bao che, buông lỏng quản lý; công tác bồi thường giải phóng mặt bằng một số dự án còn chậm, chưa đảm bảo tiến độ dự án; công tác lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp huyện còn chậm, chất lượng và tính khả thi chưa cao; công tác giải quyết đơn thư, khiếu nại, tố cáo, tranh chấp đất đai còn có vụ việc kéo dài.
Nhằm chấn chỉnh, khắc phục những tồn tại, hạn chế nêu trên, nâng cao trách nhiệm của Thủ trưởng các Sở, ban, ngành, Chủ tịch UBND các cấp, tăng cường hiệu quả, hiệu lực thực thi pháp luật về đất đai trên địa bàn tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh chỉ thị:
1. Sở Tài nguyên và Môi trường
- Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành và UBND cấp huyện đẩy mạnh công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật về đất đai; tăng cường công tác tập huấn nhằm cập nhật, hướng dẫn thực hiện kịp thời các văn bản chỉ đạo của Trung ương, góp phần nâng cao nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác quản lý đất đai tại địa phương.
- Phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư thực hiện lập Quy hoạch tỉnh (nội dung quy hoạch đất đai); xây dựng báo cáo Kế hoạch sử dụng đất 05 năm (2021 - 2025). Tham mưu, đề xuất UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo triển khai thực hiện Danh mục các công trình dự án Nhà nước thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng và Danh mục công trình, dự án có sử dụng dưới 10 ha đất trồng lúa, dưới 20 ha rừng phòng hộ, rừng đặc dụng đã được HĐND tỉnh thông qua và đôn đốc các địa phương khẩn trương hoàn thành việc lập Kế hoạch sử dụng đất năm 2023 cấp huyện theo quy định.
- Tiếp tục tham mưu, đề xuất UBND tỉnh chỉ đạo các địa phương tăng cường công tác quản lý Nhà nước trong lĩnh vực đất đai nhằm ngăn chặn, phát hiện và xử lý kịp thời các trường hợp vi phạm theo quy định; trong đó xử lý nghiêm các trường hợp lấn, chiếm đất đai, chuyển mục đích sử dụng đất trái quy định pháp luật về đất đai, xây dựng kế hoạch ra quân xử lý lấn, chiếm đất đai trình UBND tỉnh; đồng thời, theo dõi, hướng dẫn kịp thời các địa phương trong công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo quy định. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện chuyển mục đích sử dụng đất, chia tách thửa đất tại các địa phương theo quy định.
2. UBND các huyện, thị xã, thành phố
- Thành lập Ban chỉ đạo cấp huyện và chỉ đạo thành lập tổ công tác cấp xã để phối hợp với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức hội, đoàn thể cùng cấp tiến hành đợt tổng kiểm tra về quản lý, sử dụng đất trên từng địa bàn cấp xã; trong đó tập trung rà soát, thống kê cụ thể diện tích đất do UBND cấp xã quản lý (chưa giao, chưa cho thuê). Kiên quyết xử lý các trường hợp lấn, chiếm đất đai theo đúng thẩm quyền quy định của pháp luật về đất đai và làm rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân để xảy ra vi phạm. Báo cáo kết quả thực hiện các nội dung nêu trên cho UBND tỉnh (thông qua Sở Tài nguyên và Môi trường) trước ngày 30/6/2023.
- Thực hiện Quy hoạch sử dụng đất thời kỳ 2021 - 2030 và Kế hoạch sử dụng đất hàng năm cấp huyện. Thực hiện các thủ tục hồ sơ thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất theo quy định của pháp luật; đôn đốc các tổ chức cá nhân trên địa bàn lập hồ sơ giao đất, cho thuê đất đúng quy định. Chủ động bố trí đủ kinh phí để thực hiện công tác sự nghiệp trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường, trong đó, ưu tiên bố trí kinh phí, phối hợp với các Sở tập huấn nâng cao năng lực quản lý đất đai cho cán bộ cấp huyện, cấp xã; xóa bỏ danh mục công trình, dự án có trong Kế hoạch sử dụng đất cấp huyện nhưng quá 03 năm không thực hiện.
- Rà soát các thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian giải quyết hồ sơ; nghiêm cấm và xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân đặt ra thủ tục ngoài quy định, gây phiền hà cho Nhân dân, doanh nghiệp. Xây dựng kế hoạch cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho hộ gia đình, cá nhân (trên địa bàn huyện, thị xã, thành phố) đúng quy định của pháp luật và chủ trương của UBND tỉnh, nhất là đất do đồng bào dân tộc thiểu số thiếu đất ở và đất canh tác (đối với các trường hợp chưa cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất).
- Tập trung rà soát và thực hiện đính chính hoặc thu hồi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã cấp nhưng phát hiện có sai sót hoặc cấp không đúng quy định của pháp luật đất đai; thực hiện gia hạn (chỉnh lý trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất) những trường hợp trước đây đã cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp, nay hết hạn sử dụng theo quy định. Chỉ đạo Phòng Tài nguyên và Môi trường, UBND các xã, phường, thị trấn thiết lập, quản lý và bảo quản đầy đủ hồ sơ địa chính các cấp. Thực hiện thường xuyên việc đăng ký chỉnh lý biến động đất đai, thu hồi các loại giấy tờ về quyền sử dụng đất, chỉnh lý trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo quy định.
- Tổ chức kiện toàn, nâng cao trách nhiệm Hội đồng bồi thường, GPMB, tái định cư cấp huyện và tổ công tác giúp việc; quy định rõ trách nhiệm của từng thành viên, từng cấp, từng ngành có liên quan nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện bồi thường, GPMB và tái định cư phục vụ các dự án đầu tư. Việc thực hiện bồi thường, GPMB và tái định cư phải áp dụng chính sách bồi thường của tỉnh đã ban hành và của Chính phủ một cách thống nhất trên địa bàn. Chỉ đạo cấp xã thực hiện xác nhận nguồn gốc sử dụng đất phục vụ công tác bồi thường, GPMB, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đúng quy định và kịp thời.
- Thực hiện tốt công tác tiếp dân, công khai số điện thoại, số fax, hòm thư, địa chỉ thư điện tử (nếu có) để tiếp nhận các phát hiện, kiến nghị của công dân giải quyết kịp thời.
- Kiện toàn bộ máy quản lý đất đai cấp huyện; bố trí cán bộ địa chính xã, phường, thị trấn có đủ phẩm chất và năng lực, bảo đảm tính ổn định, chuyên nghiệp; trường hợp cán bộ địa chính chưa đạt yêu cầu về chuyên môn, nghiệp vụ thì tiếp tục cho đào tạo bồi dưỡng, tập huấn.
- Chỉ đạo Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện, thị xã, thành phố (Ban quản lý dự án Đầu tư xây dựng và Phát triển quỹ đất huyện, thị xã, thành phố đối với những địa phương đã thành lập) xây dựng kế hoạch đấu giá quyền sử dụng đất, danh mục công trình đấu thầu dự án có sử dụng đất do UBND cấp huyện quản lý năm 2023 và các năm tiếp theo báo cáo UBND tỉnh (thông qua Sở Tài nguyên và Môi trường) để tạo nguồn thu từ đất bảo đảm theo quy định pháp luật hiện hành.
- Chỉ đạo các phòng, ban chức năng và UBND cấp xã thường xuyên tổ chức kiểm tra, phát hiện, xử lý kịp thời các hành vi lấn, chiếm đất đai trên địa bàn, không để phát sinh mới; thực hiện quản lý quỹ đất do UBND cấp xã quản lý, thực hiện đấu thầu quỹ đất công ích đúng quy định của pháp luật. Chủ tịch UBND cấp huyện chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh nếu để xảy ra tình trạng lấn, chiếm đất đai, sử dụng đất không đúng mục đích trên địa bàn.
Chủ trì xác định giá đất khởi điểm để đấu giá quyền sử dụng đất đối với các quỹ đất của tỉnh; là cơ quan thường trực của Hội đồng thẩm định giá đất của tỉnh. Hướng dẫn UBND các huyện, thị xã, thành phố bố trí kinh phí sự nghiệp trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường theo quy định của phân cấp ngân sách hiện hành.
Chủ trì xây dựng Kế hoạch đấu thầu, đấu giá năm 2023 và các năm tiếp theo trình UBND tỉnh; rà soát các dự án đầu tư chậm triển khai hoặc đến nay pháp luật hiện hành đã thay đổi không còn phù hợp để thực hiện dự án, báo cáo, đề xuất xử lý thu hồi dự án, chủ trương đầu tư theo quy định.
5. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
Tổ chức thực hiện tốt công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn tỉnh. Tiếp tục chỉ đạo các Công ty TNHH Lâm nghiệp, các Ban Quản lý rừng phòng hộ, đặc dụng rà soát, xác định rõ diện tích từng loại đất tiếp tục quản lý, sử dụng; Tiếp tục thực hiện các nội dung theo chỉ đạo của UBND tỉnh tại văn bản số 3834/UBND-KT ngày 05/7/2019 về việc giao đất, cho thuê đất, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Rà soát các đồ án quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị, đảm bảo phù hợp quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh, cấp huyện được phê duyệt; tăng cường công tác quản lý nhà ở và thị trường bất động sản; tổ chức công bố công khai thông tin về nhà ở và thị trường bất động sản theo quy định. Đề xuất UBND tỉnh về khu vực “được chuyển nhượng quyền sử dụng đất dưới hình thức phân lô, bán nền” theo quy định tại khoản 17, Điều 1 Nghị định số 148/2020/NĐ-CP ngày 18 tháng 12 năm 2020 của Chính phủ.
Phối hợp với các ngành chức năng và địa phương liên quan tăng cường công tác kiểm tra nhằm phát hiện và xử lý kịp thời các trường hợp lấn chiếm hành lang giao thông trên địa bàn tỉnh theo quy định pháp luật hiện hành.