Chỉ thị 05/CT-UBND về tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2017 do tỉnh Bắc Ninh ban hành

Số hiệu 05/CT-UBND
Ngày ban hành 24/04/2017
Ngày có hiệu lực 24/04/2017
Loại văn bản Chỉ thị
Cơ quan ban hành Tỉnh Bắc Ninh
Người ký Nguyễn Tử Quỳnh
Lĩnh vực Thương mại

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BẮC NINH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

S: 05/CT-UBND

Bc Ninh, ngày 24 tháng 04 năm 2017

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TIẾP TỤC CẢI THIỆN MÔI TRƯỜNG KINH DOANH, NÂNG CAO CHỈ SỐ NĂNG LỰC CẠNH TRANH CẤP TỈNH (PCI) NĂM 2017

Ngày 14/3/2017, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã công bố Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh năm 2016, PCI tỉnh Bắc Ninh năm 2016 vẫn duy trì ở nhóm tỉnh xếp hạng tốt, đạt 60,35 điểm (tăng 0,44 điểm), tuy nhiên thứ bậc trên toàn quốc của tỉnh Bắc Ninh giảm 4 bậc so với năm 2015 (xếp thứ 17) và xếp thứ 4 vùng đồng bằng Sông Hồng.

Thực hiện Nghị quyết số 19-2017/NQ-CP ngày 06 tháng 2 năm 2017 của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2017, định hướng đến năm 2020; Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16 tháng 5 năm 2016 của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020; thúc đẩy các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh; Chủ tịch UBND tỉnh chỉ thị để các ngành, các cấp thực hiện tốt các giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh năm 2017 như sau:

I. Các giải pháp chung

1. Nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu các Sở, ban, ngành, địa phương trong cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh

Thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 13/CT-TTg ngày 10/6/2015 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước các cấp trong việc thực hiện công tác cải cách thủ tục hành chính; đánh giá, xếp loại về công tác cải cách hành chính, Chỉ số Năng lực cạnh tranh áp dụng cho Sở, ngành và UBND cấp huyện và công bố công khai. Áp dụng nguyên tắc minh bạch gắn với trách nhiệm giải trình, đối thoại trong giải quyết khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, kiến nghị của nhân dân, thông tin từ các cơ quan truyền thông.

Các ngành, các cấp tập trung thực hiện nhiệm vụ cải thiện môi trường kinh doanh, chịu trách nhiệm cải thiện các Chỉ số thành phần liên quan đến ngành mình, khắc phục và cải thiện những chỉ tiêu thành phần còn thấp và giảm điểm; đề ra những giải pháp nhằm đạt được những chỉ tiêu năm 2017 đã đặt ra (theo các phụ lục đính kèm); cải thiện và duy trì các chỉ số thành phần ở mức cao và tăng điểm so với năm 2016, cải thiện thứ bậc nhằm đưa tỉnh Bắc Ninh thuộc nhóm 10 tỉnh/thành phố có chỉ số PCI tốt nhất trong bảng xếp hạng PCI toàn quốc năm 2017. Phân công rõ nhiệm vụ cho tập thể, cá nhân của đơn vị chịu trách nhiệm về từng chỉ số thành phần và thông qua kết quả đánh giá năm 2017 để đánh giá kết quả công tác trong việc thực hiện nhiệm vụ được giao.

Triển khai thực hiện tốt các nội dung trọng tâm theo Chương trình hành động số 39/CTr-UBND ngày 27 tháng 02 năm 2017 của UBND tỉnh về việc thực hiện Nghị quyết số 19-2017/NQ-CP ngày 06 tháng 2 năm 2017 của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2017, định hướng đến năm 2020; gắn với việc đổi mới và nâng cao chất lượng quản trị địa phương tại tỉnh Bắc Ninh; tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh; xây dựng môi trường đầu tư kinh doanh thân thiện, an toàn và minh bạch hơn; cập nhật phương pháp và đồng bộ với các chỉ số về môi trường kinh doanh quốc gia, chỉ số năng lực cạnh tranh (theo đánh giá của Diễn đàn kinh tế thế giới), chỉ số Đổi mới sáng tạo (theo đánh giá của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế gii - WIPO), Chính quyền điện tử (theo hướng tiếp cận của Liên hp quốc).

2. Khai trương và vận hành có hiệu quả Trung tâm hành chính công cấp tỉnh, cấp huyện (TTHCC)

- Tuyên truyền sâu rộng về TTHCC trước ngày khai trương để nhân dân biết, thực hiện các thủ tục hành chính (TTHC) và tham gia giám sát việc thực hiện tại TTHCC.

- Chuẩn bị tốt cơ sở vật chất, chú trọng lắp đặt các trang thiết bị hiện đại, ứng dụng công nghệ thông tin đồng bộ, công cụ đánh giá mức độ hài lòng của công dân đối với các Sở, ngành và cán bộ thực hiện giải quyết thủ tục hành chính tại TTHCC.

- Đào tạo kỹ năng mềm trong đó có kỹ năng giao tiếp, ứng xử cho cán bộ; thiết kế áo đồng phục cho cán bộ tiếp nhận và trả kết quả tại TTHCC; đảm bảo việc giải quyết TTHC theo quan điểm “thân thiện, lắng nghe, thấu cảm, tận tâm và chuyên nghiệp”.

- Đẩy mạnh ứng dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 gắn với hoạt động của TTHCC; xây dựng Website của TTHCC đủ mạnh để thực hiện được các chức năng tích hợp.

- Xác định trách nhiệm người đứng đầu của cơ quan cử cán bộ tham gia tiếp nhận và trả kết quả tại TTHCC; vai trò của giám đốc TTHCC trong việc kiểm soát tính tuân thủ, tính minh bạch và tiến độ trong quá trình giải quyết TTHC.

- Đảm bảo cung cấp các dịch vụ hỗ trợ công dân đến TTHCC như photo, in ấn, khắc dấu, gửi hồ sơ, nhận kết quả giải quyết thủ tục hành chính qua đường bưu điện.

- Hình thành Tổng đài giải đáp về TTHC công; hòm thư góp ý/đường dây nóng để công dân có thể phản ánh về chất lượng dịch vụ công; nhắn tin báo kết quả TTHC hoặc các hình thức tra cứu tiến độ giải quyết TTHC, đảm bảo công khai, minh bạch.

3. Tạo đột phá về ứng dụng công nghệ thông tin

Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp; chú trọng nâng cao chất lượng phục vụ và tính công khai, minh bạch trong hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước thông qua đẩy mạnh cung cấp dịch vụ công trực tuyến cho người dân, tổ chức. Nâng cao chất lượng chỉ đạo, điều hành hoạt động của cơ quan hành chính thông qua việc sử dụng hiệu quả mạng thông tin điện tử hành chính.

Tích cực triển khai thực hiện Nghị quyết 36a/NQ-CP ngày 14/10/2015 về Chính phủ điện tử; Quyết định số 229/QĐ-UBND ngày 25/4/2016 về việc phê duyệt kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước tỉnh Bắc Ninh giai đoạn 2016-2020; Quyết định số 122/QĐ-UBND ngày 28/3/2017 của UBND tỉnh về phê duyệt kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước tỉnh Bắc Ninh năm 2017; Kế hoạch hành động số 119/KH-UBND ngày 13/5/2016 của UBND tỉnh thực hiện Nghị quyết 36a/NQ-CP của Chính phủ về Chính phủ điện tử. Vận hành tốt 335 dịch vụ công trực tuyến đã được khai trương.

4. Đảm bảo quyền kinh doanh, quyền bình đẳng tiếp cận nguồn lực và cơ hội kinh doanh của doanh nghiệp

Nghiêm túc thực hiện quy định của pháp luật về đất đai, đầu tư, xây dựng, môi trường và các thủ tục hành chính liên quan tạo thuận lợi cho doanh nghiệp. Tạo sự bình đẳng, công bằng giữa các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế trong tiếp cận và thụ hưởng các chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư, tiếp cận tín dụng, đất đai và các nguồn lực tài chính của nhà nước.

Các Sở, ngành, đơn vị rà soát và sửa đổi, ban hành mới các quy định và tăng cường công khai minh bạch các chính sách, pháp luật liên quan tới doanh nghiệp, nhằm tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, thuận lợi cho các doanh nghiệp, nhất là trong tiếp cận các thủ tục hành chính, tiếp cận nguồn lực đất đai, miễn giảm thuế, ký quỹ, thực hiện ưu đãi đầu tư, đầu tư theo hình thức hợp tác công tư; phân bổ vốn và đấu thầu trong đầu tư công, lựa chọn nhà đầu tư có sử dụng đất; các dự án xã hội hóa,..

Quỹ Đầu tư phát triển tỉnh công khai danh mục, tổng mức và các thủ tục cho vay vốn; đề xuất quy định cho vay hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa. Đẩy mạnh các hoạt động và ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ khởi nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Nghiên cứu, xây dựng và triển khai các hoạt động hỗ trợ kết nối doanh nghiệp theo cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị; kết nối với các doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, định hướng gắn kết đến thị trường quốc tế.

5. Nâng cao vai trò của Hiệp hội doanh nghiệp trong hình thành cầu nối giữa doanh nghiệp và chính quyền

Nâng cao vai trò của Hiệp hội doanh nghiệp về trợ giúp phát triển doanh nghiệp trong triển khai thực hiện trợ giúp phát triển doanh nghiệp nhằm đảm bảo nguồn lực hỗ trợ của nhà nước được sử dụng hiệu quả, trọng tâm, trọng điểm để giúp doanh nghiệp đạt được kết quả cụ thể trong phát triển sản xuất kinh doanh.

Đẩy mạnh các kênh tham vấn, lắng nghe cộng đồng doanh nghiệp trong xây dựng và triển khai các chính sách trợ giúp. Tạo điều kiện và hỗ trợ Hiệp hội doanh nghiệp có đủ năng lực tham gia thực hiện các chính sách trợ giúp doanh nghiệp.

[...]