Chỉ thị 05/2007/CT-UBND về triển khai thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh trên gia súc, gia cầm tỉnh Đồng Tháp

Số hiệu 05/2007/CT-UBND
Ngày ban hành 01/02/2007
Ngày có hiệu lực 11/02/2007
Loại văn bản Chỉ thị
Cơ quan ban hành Tỉnh Đồng Tháp
Người ký Trương Ngọc Hân
Lĩnh vực Lĩnh vực khác

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH ĐỒNG THÁP

--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 05/2007/CT-UBND

Thị xã Cao Lãnh, ngày 01 tháng 02 năm 2007

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TRIỂN KHAI THỰC HIỆN CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG DỊCH BỆNH TRÊN GIA SÚC, GIA CẦM TỈNH ĐỒNG THÁP

Công tác phòng, chống dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm có ý nghĩa rất quan trọng nhằm đảm bảo an toàn cho ngành chăn nuôi phát triển và bảo vệ sức khoẻ cho mọi người. Trong năm 2006, bệnh lở mồm long móng xuất hiện lẻ tẻ trên đàn trâu, bò, heo và dê; dịch bệnh diễn biến phức tạp, có nguy cơ lây lan rộng và gây khó khăn trong công tác phòng chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi. Nguyên nhân của tình trạng này là ổ dịch cũ chưa được xử lý triệt để, công tác tiêm phòng, tiêu độc sát trùng triển khai chưa đều khắp, đồng bộ và đúng quy định, giám sát phát hiện bệnh chưa thường xuyên, việc vận chuyển gia súc, gia cầm, sản phẩm gia súc, gia cầm không được kiểm soát chặt chẽ. Công tác quản lý giết mổ gia súc, gia cầm hiện nay vẫn còn tùy tiện, phân tán, nhỏ lẻ, một số địa phương chưa thực hiện tốt việc quy hoạch các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung.

Thực hiện Chỉ thị số 34/2005/CT-TTg ngày 15 tháng 10 năm 2005 của Thủ tướng Chính phủ về việc tập trung sức triển khai thực hiện đồng bộ có hiệu quả kế hoạch hành động khẩn cấp phòng chống khi xảy ra dịch cúm gia cầm (H5N1) và đại dịch cúm ở người; Chỉ thị số 30/2005/CT-TTg ngày 26 tháng 9 năm 2005 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác quản lý giết mổ gia súc, gia cầm đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm; Chỉ thị số 16/2006/CT-TTg ngày 04 tháng 5 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ về biện pháp cấp bách, phòng chống dịch bệnh lở mồm long móng trên gia súc.

Để chủ động phòng, chống dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm nhằm góp phần hạn chế dịch bệnh, tiến tới tiêu diệt mầm bệnh trên đàn vật nuôi, hạn chế thấp nhất thiệt hại khi xảy ra dịch bệnh, bảo vệ đàn gia súc, gia cầm phát triển bền vững là sự nghiệp chung, là trách nhiệm của toàn dân, đặc biệt ở các cấp chính quyền, Uỷ ban nhân dân Tỉnh chỉ thị:

1. Công tác giám sát dịch bệnh:

a. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:

- Chỉ đạo Chi cục Thú y phối hợp với Phòng Kinh tế, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trạm Thú y và Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là cấp xã), các ngành liên quan, Thú y cấp xã, người chăn nuôi gia súc, gia cầm theo dõi, giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh trên địa bàn, nhất là các ổ dịch cũ, vùng bị uy hiếp, vùng giáp biên giới.

- Phối hợp Đài Phát thanh và Truyền hình Tỉnh, Báo Đồng Tháp, Đài Truyền thanh huyện, thị xã và các đoàn thể có hình thức tuyên truyền, vận động, giáo dục cụ thể đến từng khu dân cư, từng cán bộ, đảng viên và nhân dân để mọi người hiểu rõ tính chất nguy hiểm và tác hại của dịch bệnh gia súc, gia cầm đối với hoạt động kinh tế, đời sống của nhân dân. Thông tin đầy đủ, kịp thời, chính xác về diễn biến, nguy cơ dịch bệnh và các biện pháp phòng, chống để mọi người dân biết và chủ động phòng chống dịch nhằm bảo vệ sức khoẻ của bản thân, cộng đồng và đảm bảo an toàn cho sự phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm. Ở cấp tỉnh và huyện phải lập đường dây điện thoại nóng phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh.

b. Uỷ ban nhân dân các huyện, thị xã:

Chỉ đạo Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn, các ngành liên quan và lực lượng chuyên môn về thú y giám sát chặt chẽ dịch bệnh đến từng hộ chăn nuôi. Nếu để dịch bệnh xảy ra trên địa bàn mà không phát hiện kịp thời, không áp dụng các biện pháp bao vây, khống chế, dập dịch để dịch bệnh lây lan ra diện rộng thì người đứng đầu chính quyền ở cơ sở và nhân viên thú y cơ sở đó phải chịu trách nhiệm.

c. Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn (gọi chung là cấp xã):

Phối hợp chặt chẽ với các đoàn thể: tổ chức thực hiện việc giám sát dịch bệnh tới tận hộ gia đình, cơ sở chăn nuôi, giao trách nhiệm giám sát dịch bệnh cho trưởng khóm, ấp và nhân viên thú y xã. Ở mỗi thôn, khóm, ấp phải thông báo địa điểm, địa chỉ của những người có trách nhiệm tiếp nhận thông tin của nhân dân về dịch bệnh. Đề nghị các tổ chức đoàn thể ở địa phương cùng tham gia giám sát, phát hiện bệnh. Có hình thức xử lý những trường hợp vi phạm và khen thưởng kịp thời đối với những người cung cấp thông tin về dịch bệnh gia súc, gia cầm sớm nhất.

2. Công tác tiêm phòng:

a. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Chi cục Thú y):

- Xây dựng kế hoạch và tổ chức tiêm phòng vắc xin bắt buộc cho đàn gia súc, gia cầm trong toàn tỉnh (chú ý vùng ổ dịch cũ và vùng có nguy cơ cao). Chỉ đạo Chi cục Thú y phối hợp các ngành có liên quan tiến hành xây dựng và triển khai kế hoạch tiêm phòng đàn gia súc, gia cầm đảm bảo đúng tiến độ thời gian, tỷ lệ tiêm phòng đạt hiệu quả cao, không để xảy ra thất thoát, lãng phí vắc xin (đạt tỷ lệ 100% trong diện tiêm đối với các bệnh phải tiêm phòng bắt buộc, bao gồm: lở mồm long móng; cúm gia cầm; dịch tả heo; tụ huyết trùng trên trâu, bò, heo; dại; niu cát xơn (Newcastle); dịch tả vịt).

- Chủ động xây dựng kế hoạch, đảm bảo kịp thời cung ứng vắc xin, thuốc tiêu độc khử trùng… đến huyện, thị xã.

b. Uỷ ban nhân dân các huyện, thị xã, các ban, ngành phối hợp với các đoàn thể tuyên truyền vận động người chăn nuôi hưởng ứng việc tiêm phòng đàn gia súc, gia cầm theo quy định. Có biện pháp xử lý các hộ chăn nuôi cố tình không chấp hành tiêm phòng bắt buộc đàn gia súc, gia cầm theo quy định của Pháp lệnh Thú y.

- Chỉ đạo Trạm Thú y phối hợp với Thú y cấp xã tổ chức tiêm phòng đàn gia súc, gia cầm ở địa phương mình quản lý, đảm bảo đúng thời gian, đúng quy trình kỹ thuật, tỷ lệ tiêm phòng đạt hiệu quả cao, không để xảy ra thất thoát, lãng phí vắc xin.

3. Công tác chăn nuôi gia súc, gia cầm:

a. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:

Tổ chức, quy hoạch chăn nuôi gia súc, gia cầm nhằm phát triển ngành chăn nuôi bền vững, giảm thiểu chăn nuôi nhỏ lẻ trong hộ gia đình, khuyến khích chuyển đổi phương thức chăn nuôi tập trung theo hướng công nghiệp hay bán công nghiệp. Hướng dẫn người dân khi chăn nuôi gia súc, gia cầm phải có chuồng trại cách xa khu, cụm, tuyến dân cư, nguồn nước sinh hoạt và phải đảm bảo an toàn sinh học. Tuyệt đối không được chăn nuôi gia súc, gia cầm trong nội ô thị xã, thị trấn, khu đô thị, chợ, cụm, tuyến dân cư, khu tiểu thủ công nghiệp, bệnh viện, trường học, khu tập trung đông người.

b. Uỷ ban nhân dân các huyện, thị xã:

Quy định khu vực được và không được chăn nuôi gia súc, gia cầm cho người dân biết để chấp hành. Kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định cấm nuôi gia súc, gia cầm trong nội ô, nội thị và khu dân cư tập trung. Quản lý chặt chẽ đàn gia súc, gia cầm của địa phương nhất là vịt đàn. Không cho phép chăn thả vịt đàn trên sông, kênh, rạch, nguồn nước sinh hoạt của nhân dân, nghiêm cấm nuôi thả rong và nuôi vịt chạy đồng. Địa phương nào để xảy ra tình trạng chăn nuôi gia súc, gia cầm trong nội ô, nội thị, cụm tuyến dân cư, nơi tập trung đông người, chăn thả vịt chạy đồng và trên nguồn nước sinh hoạt của nhân dân thì Chủ tịch Uỷ ban nhân dân địa phương đó chịu trách nhiệm.

c. Con giống phải đảm bảo có nguồn gốc rõ ràng, xuất phát từ vùng an toàn dịch bệnh và phải thực hiện tiêm phòng bắt buộc theo quy định của ngành thú y. Kiểm tra và kiên quyết xử lý đối với các cơ sở ấp trứng sản xuất con giống, tái đàn vịt, ngan, ngỗng và chim cút trái phép trên địa bàn theo quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

d. Người chăn nuôi phải tuyệt đối chấp hành những quy định của ngành thú y và của các cơ quan chức năng trong việc chăn nuôi gia súc, gia cầm đảm bảo an toàn sinh học trong chăn nuôi và thực hiện việc đăng ký nuôi, tiêm phòng, báo cáo tình hình dịch bệnh…

4. Công tác vệ sinh tiêu độc, khử trùng:

a. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:

[...]
5
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ