Chỉ thị 03/CT-UBND năm 2016 về nhiệm vụ chủ yếu năm học 2016-2017 của ngành giáo dục trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang

Số hiệu 03/CT-UBND
Ngày ban hành 19/09/2016
Ngày có hiệu lực 19/09/2016
Loại văn bản Chỉ thị
Cơ quan ban hành Tỉnh Tuyên Quang
Người ký Phạm Minh Tuấn
Lĩnh vực Giáo dục

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH TUYÊN QUANG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 03/CT-UBND

Tuyên Quang, ngày 19 tháng 9 năm 2016

 

CHỈ THỊ

VỀ NHIỆM VỤ CHỦ YẾU NĂM HỌC 2016-2017 CỦA NGÀNH GIÁO DỤC TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH TUYÊN QUANG

Năm học 2016-2017, toàn ngành Giáo dục tiếp tục triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng, Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 04/11/2013 Hội nghị lần thứ Tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế” (sau đây gọi tắt là Nghị quyết số 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo) và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2015-2020;

Căn cứ Chỉ thị số 3031/CT-BGDĐT ngày 26/8/2016 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về nhiệm vụ chủ yếu năm học 2016-2017 của ngành Giáo dục;

Căn cứ tình hình thực tiễn giáo dục và đào tạo của tỉnh, để triển khai thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ năm học 2016-2017, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ thị ngành Giáo dục Tuyên Quang quán triệt phương hướng và tập trung chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ chủ yếu của năm học 2016-2017, cụ thể như sau:

I. PHƯƠNG HƯỚNG CHUNG

Tăng cường kỷ cương, nền nếp và nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện trong các cơ sở giáo dục, đào tạo: Giáo dục mầm non chú trọng đổi mới hoạt động chăm sóc, giáo dục trẻ theo quan điểm lấy trẻ làm trung tâm; giáo dục phổ thông chú trọng giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống, ý thức trách nhiệm của công dân đối với xã hội, cộng đồng, khắc phục tình trạng dạy thêm, học thêm sai quy định; giáo dục đại học và giáo dục chuyên nghiệp chú trọng nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực, đa dạng các ngành nghề đào tạo gắn với nhu cầu thị trường lao động, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ và hợp tác quốc tế.

II. CÁC NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP CHỦ YẾU

1. Rà soát, quy hoạch lại mạng lưới cơ sở giáo dục và đào tạo

Tiếp tục rà soát, sắp xếp, hoàn thiện mạng lưới trường, lớp học mầm non, phổ thông đảm bảo hợp lý, hiệu quả, phù hợp với điều kiện thực tế địa phương theo hướng sáp nhập điểm trường nhỏ lẻ về điểm trường chính, hoặc thành lập trường phổ thông liên cấp.

Khuyến khích mở mới trường mầm non tư thục, nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập tư thục, nhóm trẻ gia đình đáp ứng nhu cầu gửi trẻ của nhân dân.

Tham mưu điều chỉnh Quy hoạch tổng thể phát triển sự nghiệp giáo dục và đào tạo của tỉnh đến năm 2020, định hướng đến 2025, trong đó, quan tâm phát triển giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh, đảm bảo đáp ứng nhu cầu của người học ở đầu vào, nhu cầu sử dụng nguồn nhân lực của đầu ra phù hợp với thị trường lao động và tham gia thị trường lao động quốc tế.

2. Nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục các cấp

Thực hiện tuyển dụng viên chức giáo dục theo kế hoạch của Ủy ban nhân dân tỉnh. Tổ chức đánh giá giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục các cấp theo chuẩn nghề nghiệp; xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục đạt chuẩn theo quy định. Thực hiện kế hoạch tinh giản biên chế đối với giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục theo quy định.

Nâng cao năng lực lãnh đạo, vai trò trách nhiệm của cán bộ quản lý giáo dục các cấp; tổ chức quy hoạch đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý giáo dục và đào tạo chủ chốt ở cấp sở, cấp phòng và cấp trường để tạo nguồn đào tạo cán bộ quản lý có chất lượng tốt, đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ đổi mới giáo dục và đào tạo. Thực hiện bổ nhiệm, luân chuyển cán bộ quản lý giáo dục, đảm bảo phù hợp với năng lực, sở trường của từng cán bộ, góp phần nâng cao hiệu quả chỉ đạo, điều hành.

Nâng cao chất lượng bồi dưỡng thường xuyên cho giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục thông qua sinh hoạt tổ, nhóm chuyên môn và trao đổi, tự học tập, nghiên cứu tài liệu.

3. Tổ chức các hoạt động giáo dục, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, chất lượng phổ cập giáo dục, xóa mù chữ

3.1. Tổ chức các hoạt động giáo dục

Tiếp tục tuyên truyền sâu rộng và triển khai thực hiện có hiệu quả các Nghị quyết, chương trình, kế hoạch, các cuộc vận động của Trung ương, Bộ Giáo dục và Đào tạo và của tỉnh gắn với phong trào thi đua dạy tốt, học tốt trong các cơ sở giáo dục và đào tạo.

Tăng cường công tác thanh tra quản lý nhà nước về giáo dục và đào tạo; nâng cao hiệu quả hoạt động kiểm tra nội bộ các cơ sở giáo dục, xử lý nghiêm các sai phạm và thông báo công khai trước công luận.

Công tác khảo thí thực hiện theo hướng đánh giá năng lực người học và ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin (CNTT) trong khảo thí. Đẩy mạnh kiểm định chất lượng các cơ sở giáo dục, từng bước đổi mới nội dung, phương pháp "Đánh giá chất lượng các cơ sở giáo dục"; ứng dụng hiệu quả phần mềm kiểm định chất lượng giáo dục các trường mầm non và nhân rộng cho các trường phổ thông.

Đổi mới công tác thi đua, khen thưởng gắn với hiệu quả tổ chức các hoạt động giáo dục theo Chỉ thị số 34-CT/TW của Bộ Chính trị; tổ chức xét tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân, Nhà giáo Ưu tú năm 2017 đảm bảo đúng các quy định tại Nghị định số 27/2015/NĐ-CP của Chính phủ.

Nâng cao chất lượng công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trong nhà trường. Thực hiện đầy đủ và kịp thời các chế độ, chính sách cho cán bộ quản lý, giáo viên, chế độ cho học sinh, sinh viên diện chính sách xã hội, học sinh, sinh viên ở vùng kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

3.2. Giáo dục mầm non

Đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các cấp chính quyền, nhân dân và cộng đồng xã hội quan tâm phát triển giáo dục mầm non. Tập trung mọi nguồn lực để củng cố, duy trì và nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em năm tuổi. Phát triển về số lượng, nâng cao chất lượng các trường mầm non đạt chuẩn quốc gia.

Thực hiện các giải pháp đảm bảo an toàn tuyệt đối cho trẻ trong các cơ sở giáo dục mầm non; nâng cao chất lượng thực hiện Chương trình giáo dục mầm non theo quan điểm giáo dục “Lấy trẻ làm trung tâm”; chuẩn bị tiếng Việt cho trẻ mẫu giáo vùng dân tộc thiểu số, hỗ trợ thực hiện Chương trình giáo dục mầm non ở lớp mẫu giáo ghép thuộc vùng khó khăn.

Nâng cao hiệu quả cơ chế phối hợp giữa các cấp, các ngành trong quản lý giáo dục mầm non, tăng cường tính tự chủ của cơ sở giáo dục mầm non. Tăng cường các biện pháp quản lý và hỗ trợ các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập.

3.3. Giáo dục tiểu học

[...]