Chỉ thị 19/CT-UBND năm 2016 thực hiện nhiệm vụ năm học 2016-2017 do tỉnh Long An ban hành
Số hiệu | 19/CT-UBND |
Ngày ban hành | 19/09/2016 |
Ngày có hiệu lực | 19/09/2016 |
Loại văn bản | Chỉ thị |
Cơ quan ban hành | Tỉnh Long An |
Người ký | Trần Văn Cần |
Lĩnh vực | Giáo dục |
ỦY
BAN NHÂN DÂN |
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 19/CT-UBND |
Long An, ngày 19 tháng 09 năm 2016 |
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC THỰC HIỆN NHIỆM VỤ NĂM HỌC 2016-2017
Năm học 2016-2017 có ý nghĩa quan trọng: là năm đầu tiên triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Long An lần thứ X nhiệm kỳ 2015-2020.
Để triển khai thực hiện tốt nhiệm vụ năm học 2016-2017, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu ngành giáo dục và đào tạo, các ngành và các địa phương trong tỉnh tập trung thực hiện các nội dung sau:
1. Tiếp tục triển khai thực hiện Chương trình số 37-CTr/TU của Tỉnh ủy và Kế hoạch số 768/KH-UBND ngày 09/3/2016 của UBND tỉnh thực hiện “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế” trên địa bàn tỉnh Long An; “Chiến lược phát triển giáo dục và đào tạo tỉnh Long An giai đoạn 2013-2020, định hướng đến 2030”.
2. Sở Giáo dục và Đào tạo có trách nhiệm
- Tập trung thực hiện Chỉ thị số 3031/CT-BGDĐT ngày 26/8/2016 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về nhiệm vụ chủ yếu năm học 2016-2017 của ngành Giáo dục, trong đó chủ động đề ra các nhiệm vụ, giải pháp cho ngành giáo dục tỉnh nhà thực hiện 9 nhiệm vụ trọng tâm, 5 nhóm giải pháp cơ bản do Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo; tiếp tục “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” gắn với cuộc vận động “Mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”.
- Tiếp tục triển khai thực hiện Quyết định số 44/2015/QĐ-UBND ngày 18/9/2015 của UBND tỉnh ban hành Quy định về dạy thêm, học thêm trên địa bàn tỉnh Long An và công văn số 5126/UBND-VX ngày 28/12/2015 của UBND tỉnh về việc tăng cường quản lý hoạt động dạy thêm, học thêm.
- Quản lý chặt chẽ việc thực hiện thu học phí và thu các khoản tiền học, tránh việc lạm thu; minh bạch về tài chính; thực hiện triệt để tinh thần tiết kiệm, sáng tạo đồ dùng dạy học, gắn dạy học với hoạt động thực tiễn cho học sinh.
- Chỉ đạo các trường học tăng cường công tác quản lý học sinh; khuyến khích các trường nghiên cứu đưa chương trình dạy bơi, kỹ năng an toàn dưới nước, kỹ năng cứu đuối vào chương trình học chính khóa trong trường tiểu học và trung học cơ sở. Tiếp tục truyền thông phòng, chống ma túy và các tệ nạn xã hội, giáo dục sức khỏe giới tính trong trường học.
- Thực hiện đầy đủ và kịp thời các chế độ, chính sách ưu đãi đối với học sinh diện chính sách xã hội, học sinh ở vùng kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, quan tâm tạo cơ hội học tập cho học sinh khuyết tật, học sinh hộ nghèo và học sinh có hoàn cảnh khó khăn.
- Đối với từng cấp học:
+ Giáo dục mầm non: Khảo sát thực hiện quy hoạch mạng lưới các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông phù hợp với điều kiện của từng vùng, địa phương, nhất là các địa bàn trọng điểm, khu đông dân cư, khu cụm công nghiệp. Rà soát, điều chỉnh và tăng cường các điều kiện để nâng cao chất lượng giáo dục mầm non; đổi mới hoạt động chăm sóc, giáo dục trẻ theo quan điểm giáo dục lấy trẻ làm trung tâm. Tăng cường công tác chỉ đạo, kiểm tra các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập ở các khu, cụm công nghiệp để đảm bảo nâng cao chất lượng giáo dục và chăm sóc trẻ; quan tâm bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho giáo viên, bảo mẫu các cơ sở này.
+ Giáo dục tiểu học: Xây dựng và triển khai thực hiện mô hình “Giáo dục đạo đức, kỹ năng sống cho học sinh tiểu học”; gắn với việc xây dựng mô hình “Trường học xanh, sạch, đẹp, an toàn” với xây dựng trường chuẩn quốc gia; tiếp tục củng cố vững chắc công tác phổ cập giáo dục tiểu học - xóa mù chữ. Rà soát, quy hoạch mạng lưới trường lớp, đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục tiểu học đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Tiếp tục chỉ đạo việc quản lý, tổ chức dạy học theo định hướng phát triển năng lực, phẩm chất học sinh; điều chỉnh nội dung dạy học phù hợp đặc điểm tâm, sinh lý học sinh tiểu học; tiếp tục áp dụng mô hình trường học mới phù hợp với điều kiện của địa phương; tiếp tục mở rộng và nâng cao chất lượng dạy học 2 buổi/ngày, lớp bán trú ở những nơi có điều kiện.
+ Giáo dục Trung học: Tiếp tục thực hiện chỉ đạo về giảm tải chương trình giáo dục phổ thông; sắp xếp lại nội dung dạy học để khắc phục những hạn chế của chương trình, sách giáo khoa hiện hành. Tiếp tục thực hiện phương pháp dạy học tích cực; tăng cường kỹ năng thực hành, vận dụng kiến thức, kỹ năng giải quyết các vấn đề thực tiễn; đa dạng hóa các hình thức học tập, chú trọng các hoạt động trải nghiệm sáng tạo, nghiên cứu khoa học của học sinh. Thực hiện tốt công tác phân luồng học sinh sau THCS vào học tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, Chú trọng giáo dục hướng nghiệp cho học sinh, giúp học sinh lựa chọn nghề nghiệp phù hợp với khả năng mỗi người, đáp ứng nhu cầu xã hội. Chủ động, tập trung chương trình giảng dạy, chuẩn bị ôn tập và tinh thần sẵn sàng cho học sinh tham gia kỳ thi TNPT quốc gia năm 2017 theo chỉ đạo đổi mới kỳ thi của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
+ Giáo dục thường xuyên và giáo dục chuyên nghiệp: Tiếp tục thực hiện có hiệu quả đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2012 - 2020”, đề án “Xóa mù chữ đến năm 2020”. Xây dựng và triển khai chuyên đề “Tăng cường công tác tuyên truyền định hướng nghề nghiệp cho học sinh, nhằm góp phần khắc phục tình trạng sinh viên thất nghiệp sau khi tốt nghiệp cao đẳng, đại học”. Tiếp tục đổi mới công tác quản lý, tăng cường nề nếp, kỷ cương, nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ sở giáo dục thường xuyên; mở rộng việc dạy văn hóa kết hợp với dạy nghề và tổ chức thực hiện chương trình giáo dục khởi nghiệp tại cơ sở giáo dục thường xuyên; quản lý tốt việc liên kết đào tạo; tham mưu tích cực công tác quản lý nhà nước các trường đại học trên địa bàn tỉnh; chủ động phối hợp để cung cấp thông tin về nhu cầu của thị trường lao động đến đối tượng người học, nhằm hướng các hoạt động giáo dục hướng nghiệp đáp ứng thị trường lao động, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
3. Các sở ngành tỉnh: Theo chức năng, nhiệm vụ được giao có trách nhiệm phối hợp, hỗ trợ ngành giáo dục và đào tạo và các địa phương thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra đối với hoạt động của các cơ sở giáo dục, kể cả công lập và ngoài công lập, nhất là đối với các khoản thu, dạy thêm, học thêm theo quy định để có hướng xử lý kịp thời.
Rà soát, đánh giá thực trạng chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục các cấp theo tiêu chuẩn ban hành, từ đó có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng hoặc tinh giản biên chế theo quy định của Chính phủ. Triển khai thực hiện Đề án về nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên đến năm 2020. Thực hiện đầy đủ, kịp thời các chế độ, chính sách và chăm lo tốt hơn đời sống vật chất và tinh thần cho đội ngũ ở vùng sâu, vùng xa trong tỉnh. Tăng cường công tác thông tin tuyên truyền những tấm gương nhà giáo tiêu biểu.
Tiếp tục triển khai thực hiện Đề án kiên cố hóa trường, lớp học và nhà công vụ cho giáo viên giai đoạn 2014-2015, lộ trình 2020 theo chương trình, kế hoạch của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
4. UBND các huyện, thị xã Kiến Tường, thành phố Tân An chỉ đạo xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện Chỉ thị này ở địa phương mình; đồng thời tăng cường các biện pháp kiểm tra, đôn đốc thực hiện tốt các nhiệm vụ đề ra.
5. Hội Khuyến học, Hội Cựu giáo chức: Trong phạm vi, chức năng nhiệm vụ, triển khai thực hiện nội dung liên quan nêu trong Chỉ thị này ở các cấp Hội trong tỉnh; tiếp tục hỗ trợ cho sự nghiệp giáo dục phát triển.
6. Đề nghị UBMTTQVN tỉnh và các đoàn thể: Trong phạm vi chức năng nhiệm vụ của mình có kế hoạch phối hợp, hỗ trợ ngành giáo dục và đào tạo làm tốt công tác thông tin tuyên truyền về các chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước, của tỉnh về công tác giáo dục, đào tạo, vận động quần chúng nhân dân tham gia xây dựng xã hội học tập. Đồng thời, tăng cường công tác giám sát, phản biện xã hội đối với hoạt động giáo dục, đào tạo, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong giai đoạn mới./.
|
TM. ỦY BAN NHÂN
DÂN |