Chỉ thị 03/CT-UBND năm 2020 về đẩy mạnh sử dụng dịch vụ công trực tuyến, từng bước hình thành “Công dân điện tử” do tỉnh Bắc Kạn ban hành

Số hiệu 03/CT-UBND
Ngày ban hành 21/05/2020
Ngày có hiệu lực 21/05/2020
Loại văn bản Chỉ thị
Cơ quan ban hành Tỉnh Bắc Kạn
Người ký Lý Thái Hải
Lĩnh vực Công nghệ thông tin

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BẮC KẠN
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 03/CT-UBND

Bắc Kạn, ngày 21 tháng 5 năm 2020

 

CHỈ THỊ

ĐẨY MẠNH SỬ DỤNG DỊCH VỤ CÔNG TRỰC TUYẾN, TỪNG BƯỚC HÌNH THÀNH “CÔNG DÂN ĐIỆN TỬ”

Trong những năm qua, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động chỉ đạo, điều hành, thực thi công vụ đã được cấp ủy, chính quyền các cấp quan tâm, góp phần quan trọng trong việc xây dựng và dần hình thành chính quyền điện tử tỉnh Bắc Kạn. Quá trình xây dựng chính quyền điện tử đã làm thay đổi thói quen, phương thức, nâng cao năng suất, hiệu quả công việc, đồng thời đảm bảo công khai, minh bạch trong giải quyết công việc, góp phần tiết kiệm kinh phí, nâng cao hiệu quả cải cách hành chính và chỉ số hài lòng của người dân, doanh nghiệp.

Tuy nhiên, hiện nay số dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 cấp tỉnh mới đạt tỷ lệ 77%, cấp huyện (gồm cả cấp xã) đạt tỷ lệ 81%; mức độ 4 cấp tỉnh mới đạt tỷ lệ 24%, cấp huyện (gồm cả cấp xã) đạt 09%. So với các tỉnh, thành phố trong khu vực tỷ lệ hồ sơ phát sinh trực tuyến mức độ 3, 4 của tỉnh Bắc Kạn còn ở mức thấp, nhất là cấp xã. Nguyên nhân do người dân chưa thực sự hiểu rõ lợi ích từ việc sử dụng dịch vụ công trực tuyến trong giải quyết thủ tục hành chính (TTHC); công tác tuyên truyền, phổ biến của các đơn vị, địa phương trong việc nâng cao nhận thức cho người dân về cách thức và lợi ích của việc sử dụng dịch vụ công trực tuyến, dịch vụ bưu chính công ích còn hạn chế, đồng thời đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức chưa nêu gương trong sử dụng và tuyên truyền người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến.

Nhằm đẩy mạnh việc sử dụng dịch vụ công trực tuyến, từng bước hình thành “Công dân điện tử”, mà trọng tâm là bắt đầu từ đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức Nhà nước, hướng tới xây dựng chính quyền số, kinh tế số và xã hội số, Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu các Sở, Ban, Ngành tỉnh; Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố và Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm sau:

1. Các cơ quan, đơn vị, địa phương

- Chỉ đạo, quán triệt cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thuộc phạm vi quản lý: Nêu cao tinh thần gương mẫu, đi đầu trong việc sử dụng dịch vụ công khi có nhu cầu, cụ thể phải thực hiện kê khai, nộp hồ sơ trực tuyến và sử dụng dịch vụ bưu chính công ích, không gặp và nộp hồ sơ trực tiếp tại cơ quan cung cấp dịch vụ; tích cực tuyên truyền để người dân hiểu được lợi ích và hỗ trợ, hướng dẫn người dân trong việc sử dụng dịch vụ công trực tuyến, dịch vụ bưu chính công ích để góp phần công khai, minh bạch thông tin, tiết kiệm thời gian, chi phí đi lại cho người dân.

- Kịp thời rà soát, xây dựng quy trình nội bộ giải quyết TTHC của các TTHC sau khi được công bố theo hướng tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp, đồng thời chỉ đạo cán bộ, công chức, viên chức được phân công tiếp nhận và trả kết quả tại bộ phận “Một cửa” thực hiện nghiêm túc việc cập nhật đầy đủ hồ sơ TTHC trên phần mềm “Một cửa điện tử” theo quy định.

- Chủ động phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông số hóa quy trình giải quyết TTHC để cung cấp trên Cổng Dịch vụ hành chính công tỉnh Bắc Kạn và Cổng Dịch vụ công quốc gia. Tiến hành rà soát, đăng ký nhu cầu kết nối, liên thông, chia sẻ dữ liệu của ngành, đơn vị thông qua nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu của tỉnh (LGSP), đồng thời đề xuất việc sử dụng lại dữ liệu của đơn vị khác (nếu có nhu cầu) để đơn giản hóa hồ sơ, TTHC, tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp trong quá trình sử dụng dịch vụ công trực tuyến.

- Xây dựng quy trình thanh toán trực tuyến đối với mỗi TTHC có thu phí, lệ phí và các nghĩa vụ tài chính khác của đơn vị để tích hợp dùng chung với hệ thống thanh toán trực tuyến của Cổng Dịch vụ công quốc gia hoặc các nền tảng thanh toán không dùng tiền mặt khác.

- Hoàn thiện và duy trì hoạt động mạng nội bộ (LAN) để kết nối hệ thống thông tin nội bộ với các hệ thống thông tin của tỉnh. Quan tâm đào tạo, tập huấn cán bộ, công chức, viên chức và đầu tư thiết bị đảm bảo an toàn thông tin mạng.

- Trang bị đầy đủ kiến thức, nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trực tiếp thực hiện việc tiếp nhận, giải quyết và trả kết quả các TTHC thông qua dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) và dịch vụ Bưu chính công ích (DVBCCI) của tỉnh để tuyên truyền, hướng dẫn, giải đáp, hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp trong quá trình sử dụng dịch vụ công trực tuyến.

- Chủ động phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội cùng cấp trong tuyên truyền, khuyến khích người dân sử dụng DVCTT. Khen thưởng theo thẩm quyền đối với các tập thể, cá nhân tích cực, có cách làm hay để dần hình thành “Công dân điện tử”.

- Tích cực tuyên truyền, phổ biến, vận động, hướng dẫn, khuyến khích, tạo điều kiện để người dân tiếp cận và sử dụng DVCTT và DVBCCI của tỉnh bằng nhiều hình thức như: Trên phương tiện thông tin đại chúng, trang/cổng thông tin điện tử, tờ rơi, chiếu các video hướng dẫn quy trình sử dụng dịch vụ công trực tuyến tại bộ phận “Một cửa”...

2. Báo Bắc Kạn, Đài Phát thanh và Truyền hình Bắc Kạn, Cổng Thông tin điện tử tỉnh

- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến về lợi ích, hiệu quả của việc sử dụng dịch vụ công trực tuyến, dịch vụ bưu chính công ích để người dân, doanh nghiệp hiểu, biết và chủ động tham gia.

- Mở các chuyên trang, chuyên mục, tin, bài, phóng sự tuyên truyền, hỏi đáp về DVCTT và DVBCCI của tỉnh để giới thiệu, giải đáp mọi thắc mắc cho người dân, doanh nghiệp. Đồng thời, tuyên truyền về mô hình tốt, cách làm hay trong việc cung cấp, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp sử dụng DVCTT và DVBCCI.

3. Văn phòng Đoàn Đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân tỉnh

- Nghiên cứu, hướng dẫn các Sở, Ban, Ngành gắn việc trình công bố danh mục TTHC bao gồm cả việc phê duyệt danh mục dịch vụ công trực tuyến và bưu chính công ích.

- Đôn đốc các Sở, Ban, Ngành tỉnh xây dựng quy trình nội bộ giải quyết TTHC của các TTHC sau khi được công bố. Đồng thời, hướng dẫn các Sở, Ban, Ngành rà soát, đơn giản hóa quy trình giải quyết các TTHC thực hiện qua dịch vụ công trực tuyến để tích hợp, cung cấp trên Cổng Dịch vụ công quốc gia.

4. Sở Thông tin và Truyền thông

- Đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, cung cấp, trao đổi thông tin và sử dụng dịch vụ công trực tuyến của tỉnh, chính thức vận hành “Cổng Hành chính công Bắc Kạn” trên Zalo.

- Chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh giao chỉ tiêu tỷ lệ hồ sơ phát sinh trực tuyến mức độ 3, 4 cho các cơ quan, đơn vị, địa phương sát với mục tiêu Nghị quyết số 17/NQ-CP ngày 07 tháng 3 năm 2019 của Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2019 - 2020, định hướng đến 2025.

- Hằng tháng, tổng hợp, tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo công bố công khai kết quả giải quyết TTHC, đặc biệt là tỷ lệ phát sinh hồ sơ trực tuyến của các Sở, Ban, Ngành, Ủy ban nhân dân các cấp trên phương tiện thông tin đại chúng của tỉnh.

- Chủ trì, phối hợp với các Sở, Ban, Ngành xây dựng quy trình thanh toán trực tuyến không dùng tiền mặt đối với từng thủ tục hành chính có phát sinh thanh toán trực tuyến phí, lệ phí và các nghĩa vụ tài chính khác để tích hợp dùng chung hệ thống thanh toán trực tuyến của Cổng Dịch vụ công quốc gia hoặc các hệ thống thanh toán không dùng tiền mặt khác.

- Tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh triển khai các giải pháp đồng bộ nhằm tạo điều kiện thuận lợi để người dân có điều kiện tiếp cận với công nghệ thông tin, sử dụng các DVCTT. Duy trì Cổng Dịch vụ công trực tuyến hoạt động ổn định, an toàn. Đảm bảo kết nối Cổng Dịch vụ công của tỉnh với Cổng Dịch vụ công quốc gia và tiếp tục kết nối, tích hợp, chia sẻ dữ liệu giữa các hệ thống thông tin qua nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu của tỉnh với nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia.

- Giúp Ủy ban nhân dân tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện Chỉ thị trên địa bàn tỉnh; định kỳ hoặc đột xuất báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh để kịp thời chỉ đạo, giải quyết những vướng mắc, phát sinh.

5. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, các tổ chức chính trị - xã hội

[...]